Qua ánh mắt yêu thương: những bài học từ ‘Hoàng tử bé’

Tác phẩm “Hoàng tử bé” của Antoine de Saint-Exupéry đã bán được hơn 200 triệu bản trên toàn thế giới, được đưa vào danh sách những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại.
Dù rất nổi tiếng, nhưng “Hoàng tử bé” vẫn có chút bí ẩn. Tưởng chừng là một cuốn sách thiếu nhi, nhưng lại mang đậm nét kết hợp giữa truyện ngụ ngôn, văn học siêu thực, thơ ca, hồi ký, câu chuyện giấc mơ và đối thoại theo trường phái Platon - một sự pha trộn bất ngờ mà lại gây xúc động sâu sắc và thu hút. Ý nghĩa của nó không rõ ràng, với đoạn kết mở ra nhiều cách diễn giải khác nhau. Mặc dù đọc như một câu chuyện ngụ ngôn hoặc truyện cổ tích, nhưng lại vượt qua mọi lời giải thích đơn giản về nội dung mà nó muốn truyền tải.
Tác phẩm này là một kiệt tác hiện đại được yêu thích trên toàn thế giới, bởi câu chuyện đơn giản nhưng chạm đến những sự thật quan trọng về thời thơ ấu và tuổi trưởng thành, tình yêu và mối quan hệ, sự kỳ diệu, lòng trung thành, khát khao và mất mát.
Về tác giả
Tác giả Antoine de Saint-Exupéry nổi tiếng với câu chuyện trẻ em khám phá những chủ đề chạm đến trái tim.
Nhiều phần của câu chuyện bí ẩn này phản ánh cuộc đời của tác giả, Antoine de Saint-Exupéry, một nhân vật bi kịch tử nạn trong một chuyến bay chiến đấu trong Thế chiến II. Nhà thơ và phi công người Pháp sinh năm 1900 tại Lyon, Pháp, đã mất đi người em trai tóc vàng 15 tuổi do sốt thấp khớp. Một cách đọc khác của “Hoàng tử bé” hiểu rằng đây là sự khám phá về sự mất mát đầu đời đó, với nhân vật Hoàng tử bé tượng trưng cho người em trai của Saint-Exupéry.

Ông Antoine de Saint-Exupéry say mê với những chuyến bay và đã dành nhiều năm trên không trung, mặc dù gặp phải nhiều vụ tai nạn. Một vụ tai nạn đã xảy ra ở sa mạc Libya – giống hệt như vụ tai nạn của phi công trong “Hoàng tử bé”.
Một điểm tương đồng khác giữa cuộc sống và tiểu thuyết là vợ của Saint-Exupéry, bà Consuelo, có tính cách khó đoán và phức tạp giống như bông hồng trên hành tinh của Hoàng tử bé. Một số nhà phê bình đã so sánh cảm xúc phức tạp của Hoàng tử bé về bông hồng của mình với mối quan hệ của Saint-Exupéry với vợ. Bản thân bà Consuelo dường như cũng nhận ra mối liên hệ này và đã viết một cuốn tự truyện có tựa đề “Câu chuyện về bông hồng”. Tuy nhiên, ngoài sự liên hệ đó, còn rất ít chi tiết tiểu sử cụ thể được nhắc đến.
Cuốn tiểu thuyết đề cập đến các chủ đề và câu hỏi hiện diện trong cuộc sống của tất cả chúng ta. Câu chuyện kể về một phi công bị rơi xuống sa mạc, nơi anh gặp một cậu bé có biệt danh là “Hoàng tử bé.” Cậu yêu cầu phi công vẽ cho mình một con cừu để mang về hành tinh nhỏ bé của mình, một tiểu hành tinh chỉ bằng kích thước của một ngôi nhà nhỏ. Dần dần, phi công phát hiện ra rằng Hoàng tử bé có một bông hồng nhân cách hóa trên hành tinh của mình. Sự đòi hỏi tình cảm của bông hồng đã khiến Hoàng tử bé phải rời bỏ hành tinh của mình, mặc dù cậu vẫn yêu thương bông hồng ấy.
Sau đó, Hoàng tử bé đã hành trình đến nhiều hành tinh, nơi cậu gặp gỡ những người lớn, mỗi người đại diện cho một loại người: Một vị vua cai trị những thứ không có thực, một người đàn ông tự cao tự đại nghĩ rằng ai cũng ngưỡng mộ mình, một người say rượu - uống rượu - vì xấu hổ về việc uống rượu, một doanh nhân nghĩ rằng mình sở hữu tất cả các ngôi sao, và một người thắp đèn hoàn thành công việc của mình một cách máy móc mỗi phút một lần.
Mong muốn về tình bạn và sự đồng hành của hoàng tử cuối cùng đã dẫn cậu đến trái đất. Tại đây, cậu gặp một con cáo dạy mình về tình yêu và sự trung thành. Tiếp đó, cậu gặp một phi công trong sa mạc. Tuy nhiên, càng đi xa hơn, lòng cậu bé càng khao khát trở về với bông hồng của mình.
Vô số bài học

Sự đơn giản của câu chuyện, thiếu bối cảnh, nhân vật phức tạp hoặc bối cảnh thực tế, cho phép nó chạm tới những vấn đề trọng tâm một cách nhanh chóng và trực tiếp hơn thông qua lăng kính thi vị, gần như huyền thoại. Những vấn đề trọng tâm đó là gì? Với tác phẩm ngắn như “Hoàng tử bé”, có một danh sách dài các câu trả lời. Nhưng tôi sẽ tập trung vào ba khía cạnh chính: Tuổi thơ, sự cô đơn, và cách nhìn thế giới bằng đôi mắt yêu thương có thể biến đổi mọi thứ.
Người kể chuyện là một phi công, bắt đầu câu chuyện với một giai thoại từ thời thơ ấu của mình, và một số người lớn không hiểu được một trong những bức vẽ của anh. Sự bất lực của “người lớn” trong việc hiểu những điều thực sự quan trọng trong cuộc sống (khác với trẻ em) trở thành một chủ đề lặp đi lặp lại. Ở đây, chúng ta cần hiểu rằng thuật ngữ "người lớn" của Saint-Exupéry không chỉ áp dụng cho tất cả người trưởng thành, mà thay vào đó là những người đã đánh mất cảm giác ngạc nhiên như trẻ thơ.
Những người lớn này đã trở nên đắm chìm vào công việc “người lớn” như cân đo đong đếm, theo đuổi các mốt mới nhất, tích lũy lợi nhuận và tranh giành quyền lực. Như người kể chuyện đã nói, những người này không hề quan tâm đến “trăn khổng lồ, rừng nguyên sinh hay những ngôi sao”.

Nội dung thể hiện cái nhìn ngây thơ của trẻ em được làm nổi bật hơn qua đoạn đối thoại ban đầu giữa phi công và Hoàng tử bé. Khi phi công đang bận rộn sửa máy bay, anh bị làm phiền bởi những câu hỏi liên tục của Hoàng tử bé. Mới nhất là câu hỏi của cậu về việc liệu con cừu có ăn bông hoa trên hành tinh của mình hay không.
Phi công mệt mỏi thốt lên: “Cậu không thấy sao - tôi đang rất bận rộn với những việc quan trọng!”
Đáp lại, Hoàng tử bé nói: “Chú nói y như người lớn vậy!... Chú làm mọi thứ rối tung lên... Chú lẫn lộn mọi thứ. ... Những bông hoa đã mọc gai từ hàng triệu năm trước. Trong hàng triệu năm đó, cừu vẫn tiếp tục ăn hoa như thường. Và chẳng lẽ không phải là điều quan trọng khi cố gắng hiểu lý do vì sao hoa lại phải tốn công mọc ra những cái gai vốn không có ích gì cho chúng? Cuộc chiến giữa cừu và hoa chẳng lẽ không đáng lưu tâm sao?...Và nếu cháu biết - cháu, chính cháu - một bông hoa duy nhất trên thế giới, chỉ mọc trên hành tinh của cháu, nhưng một con cừu nhỏ có thể phá hủy nó chỉ bằng một miếng cắn vào buổi sáng nào đó, mà thậm chí không nhận ra những gì nó đang làm - Ôi! Chú nghĩ điều đó không quan trọng sao?”
Ông Saint-Exupéry nhấn mạnh một số điểm quan trọng như: Thứ nhất, những điều mà người lớn cho là không quan trọng có thể lại là điều vô cùng quan trọng trong thế giới của trẻ em, và không nên bị người lớn xem nhẹ. Thứ hai, những công việc đôi khi cuốn hút người lớn, như việc tính toán vô tận, giống như người doanh nhân trên hành tinh cô độc của mình - có thể ít ý nghĩa hơn so với những câu hỏi mà trẻ luôn thắc mắc. Trẻ em quan tâm đến những điều cụ thể: Những gì chúng biết, thấy và trải nghiệm. Trẻ đặt những câu hỏi "không thực tế". Vì thế, trẻ em đôi khi có cơ hội hiểu rõ hơn về sự hiếm hoi và vẻ đẹp của mọi thứ tốt đẹp, ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất, ít "hữu ích" nhất, hay ẩn giấu nhất.
Hoàng tử bé giải thích rằng tình yêu dành cho một điều đặc biệt có thể thay đổi cách nhìn của chúng ta về cả vũ trụ: “Nếu ai đó yêu thương một bông hoa, mà chỉ có một bông duy nhất nở ra giữa hàng triệu triệu ngôi sao, thì chỉ cần nhìn lên những ngôi sao cũng đủ làm anh ấy hạnh phúc. Anh ấy có thể tự nhủ: ‘Ở đâu đó, bông hoa của tôi đang ở đó.’”
Sự tận tụy của Hoàng tử bé đối với bông hoa xa cách của mình làm nổi bật chủ đề cô đơn trong câu chuyện. Sự cô đơn hiện diện ở khắp mọi nơi: Phi công đáp xuống giữa vùng hoang vu, tách biệt khỏi nền văn minh. Hoàng tử bé sống một mình trên hành tinh nhỏ cho đến khi bông hoa hồng xuất hiện. Cuối cùng, cậu phải rời xa bông hoa hồng vì, theo lời của cậu: "Tôi còn quá trẻ để biết cách yêu thương bông hoa ấy." Khi Hoàng tử bé đến trái đất, cậu hạ cánh xuống một sa mạc trống trải và cô đơn. Người quen đầu tiên mà cậu gặp là một con rắn, nó nói với cậu: “Ở giữa loài người cũng cô đơn.” Sinh vật tiếp theo mà Hoàng tử bé gặp là một con cáo, nó cô đơn đến nỗi nài nỉ Hoàng tử bé thuần hóa nó. Nhưng cuối cùng, Hoàng tử bé cũng phải rời xa con cáo.
Sự cô đơn thấm đẫm trong câu chuyện chỉ làm tăng thêm giá trị quý báu của tình yêu và các mối quan hệ khi chúng xuất hiện trong cuốn sách. Điều này đưa chúng ta quay lại với cách tình yêu thay đổi cái nhìn của một người về cuộc sống. Chính con cáo là nhân vật nói một cách đầy biểu cảm nhất về chủ đề này và những lời của nó dường như đã tiết lộ điều cốt lõi của cuốn sách. Nó nói với Hoàng tử bé:
"Nếu bạn thuần hóa tôi, thì chúng ta sẽ cần đến nhau. Với tôi, bạn sẽ là duy nhất trên thế giới. Với bạn, tôi sẽ là duy nhất trên thế giới... Điều đó sẽ như thể mặt trời đang chiếu sáng cuộc đời tôi. Tôi sẽ nhận ra âm thanh của một bước chân khác biệt so với tất cả những âm thanh khác. Những bước chân khác khiến tôi vội vã trốn dưới mặt đất. Bước chân của bạn sẽ gọi tôi, như âm nhạc, và ra khỏi hang. Và hãy nhìn xem: Bạn có thấy những cánh đồng lúa mì ở đằng kia không? Tôi không ăn bánh mì. Điều đó chẳng có ý nghĩa gì với tôi. Những cánh đồng lúa mì không nói lên điều gì với tôi. Điều đó thật buồn. Nhưng bạn có mái tóc màu vàng. Hãy nghĩ xem điều đó tuyệt vời như thế nào khi bạn đã thuần hóa tôi! Những cánh đồng lúa mì, cũng màu vàng, sẽ nhắc tôi nhớ đến bạn. Và tôi sẽ thích nghe tiếng gió thổi qua những cánh đồng lúa mì."
Mối quan hệ giữa cậu bé và con cáo làm thay đổi tất cả, ngay cả ý nghĩa của một cánh đồng lúa mì. Câu nói nổi tiếng nhất trong cuốn tiểu thuyết cũng từ con cáo: "Chỉ với trái tim, chúng ta mới có thể cảm nhận một cách đúng đắn; những điều cốt yếu trong cuộc sống thường không thể thấy bằng mắt thường."
Khi chúng ta yêu thương và gắn bó với một điều gì đó, nó trở nên vô giá và độc đáo. Hoàng tử bé nhận ra giá trị bông hoa hồng của mình bởi vì nó là của cậu. Cậu đã chăm sóc, quan tâm, và chịu đựng cùng với bông hoa đó, chứ không phải với bất kỳ bông hoa nào khác. Và điều đó làm bừng sáng cả thế giới với một ánh sáng mới. Mọi thứ trở nên quý giá dưới ánh sáng của tình yêu này. Tất cả bắt đầu phản chiếu nó, để chúng ta có thể nhìn thế giới, theo cách nói, với đôi mắt sáng tỏ hơn.
Hoàng tử bé dạy điều này cho phi công. “Những ngôi sao đẹp bởi vì có một bông hoa không thể nhìn thấy... Điều làm cho sa mạc đẹp là ở đâu đó nó ẩn chứa một cái giếng.” Trẻ em hoặc người lớn với ánh nhìn như trẻ thơ có thể nhìn thấu bề mặt của mọi thứ, nhìn thấy rằng tại tâm điểm của thế giới và trong tất cả những điều nhỏ nhặt của nó, tồn tại một điều đáng yêu, nếu chúng ta chịu nhìn nhận và gắn bó với nó.
Theo Walker Larson- The Epoch Times
Trước khi trở thành một nhà báo tự do và nhà văn viết về văn hóa, Walker Larson đã dạy văn học và lịch sử tại một học viện tư thục ở Wisconsin, nơi ông sống cùng vợ và con gái. Ông có bằng thạc sĩ về văn học và ngôn ngữ Anh, và các bài viết của ông đã xuất hiện trên The Hemingway Review, Intellectual Takeout và trang Substack của ông, The Hazelnut. Ông cũng là tác giả của hai tiểu thuyết, "Hologram" và "Song of Spheres".
Thiên Hòa biên dịch