Quy luật nhân quả cơ bản nhất trong xã hội hiện tại
Tăng Sĩ Cường có một câu nói: "Người khôn ngoan lợi dụng người thật thà, người thật thà nhờ cậy ông Trời, ông Trời lại trừng phạt kẻ khôn ngoan."
Người khôn ngoan thì đầu óc nhanh nhạy, giỏi tính toán, chỉ biết thu vén lợi ích nhỏ trước mắt; Người trung thực thì thật thà, chất phác, sống theo khuôn phép, tầm nhìn xa rộng ắt được trời phù hộ;
Dùng mưu mẹo nhỏ để cầu may mắn lớn, khó tránh khỏi sự trừng phạt; sống khôn ngoan, thuận theo đạo trời, ắt được trời ban ơn lành. Đây là luật nhân quả cơ bản nhất trong xã hội ngày nay.
1. Suốt những năm qua, tôi đã gặp rất nhiều người thông minh xung quanh mình
Hồi nhỏ, tôi thường chơi bắn bi ở sân. Sáng sớm ra khỏi nhà với túi bi đầy, vậy mà chưa đến trưa đã thua hết cho một đứa bạn.
Sau này tôi mới nhận ra mỗi khi bắn, tay nó luôn ở rất gần viên bi mục tiêu của tôi. Phải mất nửa tháng tôi mới hiểu ra, lúc chuẩn bị, nó luôn bước chân trái lên trước, chân phải theo sau, thế là tiến lên được gần 20 cm. 20 cm đó không chỉ là khoảng cách đến viên bi mục tiêu, mà còn là khoảng cách về trí thông minh giữa chúng tôi.
Hồi học tiểu học, ngày nào tôi cũng cá cược với bạn cùng bàn. Chúng tôi đoán xem trong hộp cơm của nhau có món thịt gì, ai đoán đúng sẽ được ăn món thịt đó của người kia.
Lần nào nó cũng đoán đúng tôi có đùi gà hay xúc xích, tôi thấy rất lạ. Mãi đến nửa năm sau, tôi mới phát hiện ra cửa sổ phòng ngủ của nó nhìn thẳng vào bếp nhà tôi. Người thông minh luôn biết dùng trí khôn vào việc thiết thực, mà với họ thì đùi gà, xúc xích cũng được coi là thiết thực.
Nỗi buồn lớn nhất của người thật thà chính là sự chân thành, lương thiện, chăm chỉ của họ không bao giờ địch lại được những mánh khóe, sự khôn lỏi của người thông minh.
Tôi cứ nghĩ đi làm rồi sẽ khá hơn, người lớn có ai chơi bắn bi hay ăn vụng đồ ăn trong hộp cơm của người khác đâu. Cứ làm tốt công việc của mình thì có gì sai?
Nhưng đi làm rồi mới biết, ngoài công việc được giao, bạn còn phải làm thêm nhiều việc khác, mà những việc đó chẳng được trả thêm đồng nào. Làm nhiều thì sai nhiều, bị đổ oan là chuyện thường ngày.
Những kẻ khéo ăn khéo nói, thông minh lanh lợi luôn được trọng dụng, còn những người thật thà, chăm chỉ thì cứ mãi âm thầm, vô danh. Nửa đời người của người thật thà là những tháng ngày sống đúng mực, cần cù, nhưng sự siêng năng lại thua sự khôn khéo, sự thật thà cũng thua sự tinh ranh.
2. Người thật thà vì sống quy củ, siêng năng, nên dù không có thành tựu lớn lao gì, nhưng cuộc sống vẫn bình yên, tốt đẹp
Người thông minh vì nhanh nhạy, tài năng hơn người nên khó tránh khỏi khoe khoang, chuyện “khôn lỏi lại hoá ngu” cũng không ít.
Dương Tu thời Tam Quốc là một ví dụ. Thông minh thì thật là thông minh, nhưng thích thể hiện cũng là thật, người ta nói đừng đoán tâm tư của lãnh đạo, vậy mà ông ta cứ đoán tới đoán lui, đoán trúng phóc tâm tư của Tào Tháo.
Từ chuyện “một người một miếng bánh” đến sự kiện “xương gà”, sự thông minh được thể hiện triệt để, nhưng kết cục cuối cùng lại là mất đầu. Giở trò khôn lỏi tưởng chừng vẻ vang, nhưng thực chất là chơi với lửa, đi trên dây, chỉ cần sơ sẩy một chút là rơi xuống vực thẳm.
Những kẻ khôn lỏi còn có một vấn đề lớn nữa. Họ ỷ vào việc mình thông minh, lanh lợi, nên luôn muốn đi đường tắt, coi thường quy tắc, thậm chí thách thức pháp luật.
Hồi nhỏ có một anh bạn suốt ngày thắng tôi chơi bi, đến lúc thi đại học thì giấu phao trong tay áo, bị bắt quả tang ngay tại phòng thi, kết quả là bị hủy bài thi môn đó. Thực ra với thành tích bình thường của anh ta thì thi đậu đại học không thành vấn đề, kết quả là vì giở trò khôn lỏi, đi đường tắt, nên thi trượt, cuộc đời cũng từ đó xuống dốc.
Năm ngoái về quê, tôi gặp anh ta ở chợ sáng, đang cãi nhau với người ta vì chuyện chen hàng mua bánh quẩy.Lợi ích trước mắt đúng là rất hấp dẫn, nhưng chung quy lại không bền vững; đường tắt trong đời cũng có rất nhiều, nhưng không có con đường nào dẫn đến thành công thực sự.
Những kẻ lười biếng, trốn tránh việc nặng nhọc nơi công sở, thoạt nhìn thì có vẻ nhàn hạ, thoải mái, lại còn được nhận lương, nhưng thực ra cái gọi là “thông minh” của họ đều bị người ta nhìn thấu, ghi nhớ trong lòng.
Không chỉ việc thăng chức, tăng lương trong tương lai có thể không có phần của họ, mà e rằng khi giảm lương, sa thải, họ sẽ là người đầu tiên bị nghĩ đến.
Sự thông minh nên có chừng mực. Một là giới hạn của sự thông minh, phải dùng đúng lúc, đúng chỗ; hai là thước đo của sự thông minh, phải khiêm tốn, không khoe khoang. Che mắt, bịt tai rồi cho rằng người khác không biết gì, đó không phải là sự thông minh thực sự.
Tô Đông Pha đã sớm nhận ra điều này, trong bài thơ “Tắm cho con” của ông có câu: “Người người nuôi con đều mong nó thông minh, ta bị sự thông minh làm lầm cả đời. Chỉ mong con ngu si, đần độn, không tai nạn, không khó khăn đến chức vị tam công.”
Bài thơ này có thể hiểu theo hai nghĩa. Một là đôi khi thông minh chưa hẳn đã là điều tốt, dùng không đúng cách có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời; Hai là ngu si, đần độn chưa chắc đã không tốt, biết đâu lại có thể thuận buồm xuôi gió đến đỉnh cao của cuộc đời, “đại trí nhược ngu” chính là ý này.
Thông minh mà dùng không đúng cách sẽ trở thành khôn lỏi, tưởng chừng ngu si nhưng lại là sự chân thành, chất phác, đó mới là đại trí tuệ thực sự.
3. Nói về chuyện "đại trí nhược ngu"
Bản thân tôi thường xuyên gặp phải những chuyện "chịu thiệt chính là phúc" hay "sai ông thất mã" (trong cái rủi có cái may), đến mức có lúc tôi từng nghĩ mình được trời thương, được bề trên phù hộ, luôn giúp đỡ những lúc quan trọng.
Trước đây, khi còn làm ở tòa soạn, những việc người khác không muốn làm đều bị đẩy cho tôi. Tuy trong lòng có chút oán thán nhưng tôi vẫn làm. Thời gian trôi qua, làm nhiều việc, tôi nhận ra bản thân trưởng thành lên rất nhiều, nhanh chóng trở thành người không thể thiếu trong cơ quan.
Năm này qua năm khác, "gánh" nhiều việc, tính cách tôi cũng trở nên kiên cường hơn, không có chuyện gì có thể quật ngã tôi, cũng không ảnh hưởng đến tâm trạng của tôi. Bạn không cần phải than thở về sự uất ức của mình, tự khắc sẽ có người nhìn thấy, ghi nhớ trong lòng, người đó chính là quý nhân tương lai của bạn.
Người làm, trời nhìn, bất kỳ sự cống hiến nào cũng đều có ý nghĩa, bất kỳ lần nhẫn nhịn nào cũng sẽ được đền đáp theo một cách khác trong tương lai. Trong cuộc sống cũng vậy, khi bạn không làm gì sai, bạn có thể mất đi một số thứ, có thể là tiền bạc, cũng có thể là tình cảm.
Mất mát không thể vô duyên vô cớ, có được cũng vậy. Mất tiền, nhưng bạn vẫn khỏe mạnh, không bệnh tật, gia đình hạnh phúc, chẳng phải đó là điều bạn có được sao?
Mất đi một mối tình, đau khổ một thời gian ngắn, nhưng bạn có thể có được sự yêu thương và đồng hành tột bậc của một người khác, chẳng phải đó là ân huệ sao?
Vì vậy, hãy cứ an an tĩnh tĩnh làm một người lương thiện, đừng để những được mất trước mắt chi phối, hãy ngẩng cao đầu, nhìn về phía trước, những điều tốt đẹp thuộc về bạn rồi sẽ đến.
Những người dựa vào mánh khóe, đi đường tắt, trước đây có vẻ phong quang vô hạn, đến trung niên và tuổi già, rất nhiều người không có kết cục tốt đẹp, tất cả đều do những "nghiệp" mà họ đã gieo trước đó.
Còn rất nhiều người lương thiện, làm việc chăm chỉ, cần mẫn, nửa đời trước có thể không được ai biết đến, nhưng đến giai đoạn sau lại có thể tích lũy và bứt phá, thậm chí đạt được thành tựu lớn.
Vì vậy, người lương thiện không cần phải lo lắng, không cần phải vội vàng, trên đời có nhân quả, thiên đạo có luân hồi.
Theo 163.com
Minh Nguyệt