Rõ ràng đang rất hạnh phúc, tại sao Đức Phật lại nói ‘chúng sinh đều khổ’?

Rõ ràng đang rất hạnh phúc, tại sao Đức Phật lại nói ‘chúng sinh đều khổ’?
Rõ ràng đang rất hạnh phúc, tại sao Đức Phật lại nói ‘chúng sinh đều khổ’? (Ảnh: Pixabay)

Đức Phật nói rằng chúng sinh đều khổ không phải mang hàm nghĩa tiêu cực, mà là mong rằng mọi người đều có thể nhảy thoát ra cái khổ này…

Khoa học hiện đại rất phát triển, điều kiện sống vật chất tốt hơn nhiều so với trước đây, một gia đình phổ thông đều có điều hòa, mùa hè không quá nóng, mùa đông không quá lạnh, người ta mỗi ngày đều có thể ăn no mặc ấm, có thể xem các tiết mục giải trí khác nhau trên mạng. Có người làm quan lớn, có người lại kiếm được rất nhiều tiền, sống trong những căn biệt thự nhà vườn nghe được tiếng chim hót, ngửi được mùi hoa thơm, cưới được cô vợ xinh tươi, con cái thì học trường quốc tế, hàng năm đi du lịch nước ngoài, đi ăn nhà hàng cao cấp, v.v… thật đúng là phúc dày hưởng mãi không hết. Tất nhiên trong cuộc sống vẫn có những điều không suôn sẻ, nhưng nhìn chung là rất hạnh phúc.

Hơn 2.000 năm trước, năm vị vua của Ấn Độ cũng đã đặt ra câu hỏi tương tự. Họ là những vị vua sở hữu rất nhiều nô lệ, đất đai rộng lớn, sống cuộc sống nhung lụa giàu sang, áo gấm cơm ngọc. Họ hỏi Đức Phật vì sao Ngài lại nói: “Tất cả chúng sinh đều đau khổ?”. “Tám cái khổ ở đâu?”. Dưới đây, chúng ta hãy nói về tám nỗi khổ mà Đức Phật đã đề cập.

1. Sinh khổ (Cái khổ khi được sinh ra)

Thế nào gọi là sinh khổ? Khi một người chết đi, người đó không biết thần thức sẽ đi vào cõi nào. Trước khi sinh ra sẽ có thân Trung Ấm, trong ba bảy hai mươi mốt ngày nếu gặp được cha mẹ có duyên làm chuyện phòng the, thì sẽ đến đầu thai.

Thai nhi nằm trong bụng mẹ, bên dưới là Sinh tạng, bên trên là Thục tạng và giữa là bào thai. Khi người mẹ ăn thức ăn nóng vào, bào thai phải chịu cái nóng rất dữ dội, tựa hồ như ở trong vạc dầu sôi. Khi người mẹ ăn thức ăn lạnh vào, bào thai bị thức ăn lạnh hành hạ không khác gì địa ngục hàn băng. Khi người mẹ ăn no, bào thai bị thức ăn chen chúc thân thể, đau đớn không tả xiết; khi người mẹ đói khát, bào thai cảm nhận cái khổ khốn đốn như chúng sinh ở đường Ngạ quỷ.

Mười tháng ở nơi tối tăm, chỗ nào cũng dơ uế, đó là Thai ngục. Khi người mẹ lâm bồn, phần đầu chui ra sản môn, nếm trải nỗi đau đớn như bị hai tòa núi lớn ép chặt, làn da non nớt đau đớn như bị dao cắt, cho nên đứa trẻ lúc mới sinh ra, đều sẽ lớn tiếng khóc oe oe. Mọi người nói xem đây có phải thống khổ hay không?

2. Lão khổ (Cái khổ khi già đi)

Thế nào gọi là lão khổ? Đứa trẻ dưới sự nuôi dạy của cha mẹ, dần dần khôn lớn thành người, cậy thân thể cường tráng, không biết tiết chế bản thân. Đợi khi về già, răng rụng, tóc bạc, mắt không nhìn thấy, tai nghe không rõ, lúc này da chảy xệ, trên mặt xuất hiện các nếp nhăn, khớp xương đau nhức, đi lại khó khăn, ngồi cũng không thoải mái, trong tâm sầu não, trí nhớ giảm sút, trở nên lú lẫn, ngày chết mỗi lúc một gần, nói ra càng khiến người ta rơi lệ xót xa, đi đứng nằm ngồi đều phải nhờ người khác chăm sóc. Mọi người nói xem đây có phải thống khổ hay không?

3. Bệnh khổ (cái khổ của bệnh tật)

Theo Phật giáo giảng, cơ thể con người là do bôn nguyên tố lớn là Đất, Nước, Lửa, Gió hợp thành, nếu một trong các yếu tố đó không được điều chỉnh hợp lý, thì sẽ sinh ra 101 bệnh tật. Nếu Đất gia tăng, thì cơ thể nặng nề, sưng tấy khó chịu; Nước tích tụ quá nhiều, thì thường chảy nước mũi, ăn uống không tiêu; Lửa quá dồi dào, thì người phát sốt, xương khớp đau nhức; Gió mà chạy tán loạn, thì hơi thở không đều, chóng mặt buồn nôn. Mọi người nói xem đây có phải thống khổ hay không?

4. Tử khổ (cái khổ của sự chết)

Khi một người chết đi, các thứ bệnh tật đồng thời phát sinh, Tứ đại phân tán, hồn phách không yên. Khi sắp chết, nghiệp chướng sẽ như một lưỡi dao phân hủy thân xác, khắp người đau đớn, đổ mồ hôi lạnh, gia đình quyến thuộc gào khóc bên cạnh người sắp chết. Khi người ta chết, Gió tản đi thì đứt hơi, Lửa tản đi thì thân xác trở nên lạnh ngắt, sau đó thần thức rời khỏi thân thể, thân thể cứng đơ, không còn có tri giác nữa. Trong thời gian 10 ngày, cơ thịt bắt đầu mục nát, máu mủ chảy ra, thân thể sưng phù, bốc mùi hôi thối, thảm không thể tả. Mọi người nói xem đây có phải thống khổ hay không?

5. Ái biệt ly khổ (Cái khổ bị chia lìa)

Gia đình họ hàng, anh em vợ chồng, yêu thương lẫn nhau, một khi gia đình tan vỡ, kẻ sống người chết, người thân ly tán, cha mẹ một nơi, con cái một nẻo, không ở cùng một nơi, ai nấy đều đau lòng, không biết còn có ngày gặp lại nhau hay không? Mọi người nói xem đây có phải thống khổ hay không?

6. Cầu bất đắc khổ (Cái khổ cầu mà không được)

Còn về cái gọi là “Cầu bất đắc khổ”, chính là nhà có tiền tài mà vẫn muốn tiếp tục theo đuổi. Từ quan lại cho đến bá tánh bình dân đều khao khát có được giàu sang, vì điều này vất vả khổ sở theo đuổi không có điểm dừng, khi có được rồi lại nghĩ đủ cách để gia tăng tài sản. Một số người bắt đầu tham nhũng và đưa nhận hối lộ. Sau khi bị người tố giác, sự việc bại lộ, bị nhốt vào xe tù, khi sắp bị hành quyết, lo sợ đau đớn tột cùng? Mọi người nói xem đây có phải thống khổ hay không?

7. Oán tăng hội khổ (Cái khổ thù ghét nhau mà lại gặp nhau)

“Oán tăng hội khổ” là chỉ những con người nông cạn và thô tục trên đời, ngập sâu trong biển dục vọng, vì những chuyện vặt vãnh mà tranh đấu lẫn nhau, thậm chí giết hại nhau, kết nên oán thù to lớn. Cả hai đều trang bị đao thương, lúc nào cũng sẵn sàng ứng chiến với đối phương. Nếu gặp nhau trên đường hẹp, hai bên đều rất sợ hãi, không biết ai sẽ giết chết ai? Mọi người nói xem đây có phải thống khổ hay không?

8. Ưu bi não khổ (Cái khổ của sự đau khổ, lo lắng và phiền não)

Loại đau khổ cuối cùng là ưu bi não khổ. Người sống trên đời, người trường thọ cũng chưa đến trăm tuổi, người đoản mệnh thì chết ngay trong bụng mẹ. Dù sống đến trăm tuổi, một nửa thời gian cũng dành vào việc ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi, vậy nên chỉ còn lại 50 năm tuổi thọ. Nếu người đó thường xuyên say xỉn và ốm đau, lại mất đi 5 năm nữa.

Trước tuổi 15, ngây ngô mù tịt, không hiểu sự đời. Đến tuổi 80, già yếu chậm chạp, tai điếc mắt mờ, lại mất đi 20 năm, như vậy tổng cộng đã trừ đi 90 năm. 10 năm còn lại, lúc nào cũng ngập trong đau khổ, lo lắng. Đau khổ vì những chuyện thiên tai nhân họa, lo lắng mất đi tài sản, đau khổ vì mất đi kế sinh nhai. Đau khổ vì người nhà ốm đau bệnh tật, đau khổ vì không có tiền nộp thuế cho quan phủ, đau khổ vì người nhà bị kiện tụng, đau khổ vì anh em, vợ chồng đi xa vẫn chưa thấy trở về, v.v… Nói chung đủ loại đau khổ, khó được những ngày tháng yên vui. Mọi người nói xem đây có phải thống khổ hay không?

Sinh mệnh trên thế gian này chính là sống trong đau khổ. Đời người kỳ thực chính là được sinh ra một cách quái lạ, sống một cách bất lực, chết không rõ nguyên do, hay nói theo cách thông dụng chính là sinh vào thời Thủy Hử, đi trên con đường đến Tây phương thỉnh kinh, trong tâm lại ôm giấc mộng gác tía lầu son (Hồng Lâu Mộng). Điều được nói đến ở đây chính là khi sống bạn không biết mình từ đâu đến, và khi chết cũng không biết chính mình sẽ đi về đâu, hàng ngày vẫn mơ mộng hão huyền và sống phí hoài cả một đời. 

Người đời đều nói rằng khi còn sống thì hãy theo đuổi một cuộc sống hạnh phúc, nhưng thực tế chúng ta lại luôn ngập trong nỗi sợ khác nhau: sợ rằng sẽ bị sa thải, sợ bố mẹ ốm đau, sợ con học dốt, sợ bạn đời ngoại tình, sợ không có khả năng trả nợ, sợ không biết ngày mai hay tai nạn cái nào sẽ đến trước, vậy bạn có hạnh phúc không?

Xem đến đây, có người không hài lòng với cuộc sống của mình sẽ nói, nếu đau khổ như vậy thì sống làm gì nữa? Chi bằng chết quách cho xong. Thực ra, Đức Phật nói rằng chúng sinh đều khổ không phải mang hàm nghĩa tiêu cực, mà là mong rằng mọi người đều có thể nhảy thoát ra cái khổ này. Đức Phật thật sự có phương pháp và có thể dạy chúng ta cách tu tập để thoát khỏi khổ đau này, từ đó đạt được hạnh phúc tối thượng. Con người chúng ta cũng có bản sự, trí tuệ và năng lực để nhảy thoát khỏi biển khổ này.

Vậy nên, bạn đừng bị khổ đau đánh gục, bị đánh gục thì không phải là đại trượng phu, không phải anh hùng, vậy nên Đức Phật còn được tôn xưng là bậc Đại Hùng. Chỉ có bậc đại anh hùng mới có thể phá vỡ cái lồng và nhảy thoát ra ngoài, đây chính là cái gọi là nhảy ra khỏi Tam giới, không còn trong Ngũ hành. Chính điện của chùa được gọi là Đại Hùng Bảo Điện. Một người có thể chinh phục cả thiên hạ  và trở thành hoàng đế cũng không được tính là anh hùng. Liệu hoàng đế có thể nhảy ra khỏi vòng sinh tử hay không? Có thể thoát khỏi những ràng buộc đau đớn của thế giới vật lý hay không? Không thể. Chỉ có Đức Phật mới là bậc đại hùng, là bậc đại từ bi, vì Ngài đã nhảy thoát ra được.

Trong thời mạt pháp, đồ ăn thức uống đều có độc tố. Kinh Phật dạy, cỏ cây không rễ, dù có nước cam lộ cũng không thể tưới mát; chúng sinh mà không có duyên, dù cửa Phật có rộng mở đến đâu cũng không cứu độ được. Nếu bạn bị tam độc Tham, Sân, Si trói buộc lâu ngày, thì ngay cả chư Phật, Bồ Tát cũng chỉ biết cau mày. Cứu độ chúng sinh thì dễ, nhưng cứu độ con người mới khó, thế nên đừng sống trong đau khổ mà không nhận ra.

Sở dĩ Đức Phật dạy rằng thế gian đầy rẫy đau khổ chỉ là để chúng ta nhận thức thế giới, kiếp nhân sinh mọi nơi đều ngập tràn khổ đau, nhưng chính vì có đau khổ mà con người có thể tu luyện được, nếu không có đau khổ thì không có cách nào tu luyện được. Nếu bạn thực sự hiểu được đạo lý này, thế thì đã hiểu được mục đích thực sự của Đức Phật. Vì vậy, câu nói “chúng sinh đều đau khổ” của Đức Phật là tích cực, là để giúp chúng ta nhận ra thế giới này và cuối cùng nhảy thoát ra khỏi nó để đến Thế giới Cực Lạc, nơi mà con người sẽ không bao giờ có đau khổ nữa.

Nhảy ra khỏi đau khổ và tìm thấy hạnh phúc tối thượng mà không đau đớn, đó chính là Thế giới Cực Lạc. Không chỉ thế giới của Phật A Di Đà mới là Thế giới Cực lạc. Phàm là cảnh giới đã hoàn toàn thoát khỏi đau khổ và đạt được hạnh phúc đều được xem là thế giới Cực Lạc, quan trọng là bạn có thực sự đạt đến được hay không. Nếu nghiệp lực không nặng thì sẽ không sinh ra ở cõi Tam giới này, con người chính vì đau khổ nên mới có thể học Phật và tu hành. Cầu cho mọi người thông qua tu hành đến được Thế giới Cực Lạc không có khổ đau, thoát khỏi luân hồi trong lục đạo. 

Theo Secretchina
Thiện Quân biên dịch

Đọc tiếp