Sống ở đời, phải biết buông bỏ mới có thể đạt được
Cuộc đời vốn là quá trình không ngừng mất đi và có được, nếu không mất đi thì không thể có được, mất ít thì được ít, mất nhiều thì được nhiều…
Người sống trên đời, luôn có vô số nỗi lo lắng. Rất nhiều sự tình, bỏ đi thì không nỡ, nhưng kiên trì lại quá khó khăn, khiến bản thân mệt mỏi vô cùng. Đôi khi chúng ta không từng nghĩ rằng, rất nhiều nỗi đau bắt nguồn từ chính sự cố chấp của bản thân chúng ta, dính mắc giữa được và mắt, mù quáng kiên trì những thứ không đáng kiên trì. Chứ không biết rằng, trên thế gian này vốn đã định sẵn có mất thì có được. Bạn càng không nỡ mất đi cái gì, thì càng không thể có được cái khác.
Chính như câu “Liễu Phàm Tứ Huấn" đã nói: "Nếu không buông bỏ thì cũng sẽ không có được”. Cuộc đời, cần phải biết buông bỏ, vậy mới có thể đạt được; nếu không chịu cho đi, thì sẽ không có được gì.
1. Buông bỏ là gì?
Buông bỏ là gì? Buông bỏ chính là mất đi.
Vậy nên, sống ở đời, đừng quá để tâm vào việc được mất, những thứ cần buông bỏ thì hãy dứt khoát buông tay. Hãy hiểu rằng, cuộc đời vốn là quá trình không ngừng mất đi và đạt được. Nếu bạn cứ muốn giữ chặt mọi thứ trong tay, thường thì chẳng thể giữ được gì.
Ngày xưa có người một mình đi vào sa mạc tìm kho báu, nhưng anh ta tìm kiếm khắp nơi, uống hết nước mang theo mà vẫn không tìm được bảo tàng.
Khi anh ta nghĩ mình sắp chết khát trong sa mạc, Đức Phật hiện ra và đưa cho anh ta đủ nước để ra khỏi sa mạc.
Trên đường trở về, anh ta lại tình cờ gặp được kho báu mà mình tìm kiếm bấy lâu. Anh ta mừng rỡ khôn xiết, liền nhét đầy vàng bạc châu báu vào tất cả các túi của mình. Vác theo khối tài sản nặng nề, sức lực anh ta mỗi lúc một yếu dần, chỉ có thể đi rất chậm.
Lúc này nếu anh ta không bỏ lại một số vàng bạc, thì với tốc độ này, nước của anh ta sẽ không đủ để ra khỏi sa mạc. Nhưng anh ta không nỡ bỏ đi, nghĩ rằng mình đã vất vả tìm kiếm kho báu, nếu bỏ đi thì chẳng phải tất cả công sức đều uổng phí hay sao. Cuối cùng, anh ta vẫn mang theo số vàng bạc châu báu đó, chẳng mấy chốc nước đã uống hết, và cuối cùng anh ta đã chết khát trong sa mạc.
Nhiều khi, càng muốn nhiều thứ, kết quả thường là mất đi nhiều hơn. Càng không muốn mất mát, cuối cùng lại càng không thể đạt được gì.
Người sống trên đời, cần phải biết chấp nhận buông bỏ những thứ không cần thiết, kiên trì những điều đáng để kiên trì, mới có thể đạt được nhiều hơn.
2. Đắc được là gì?
Điều có được là gì? Được chính là có được.
Có người đã từng nói: “Những người biết sống, hoặc những người gặt hái được thành công, kỳ thực đều hiểu hai chữ, đó chính là ‘được - mất’. Nếu không mất đi thì không thể có được, mất ít thì được ít, mất nhiều thì được nhiều”.
Cái gọi là được - mất chính là trước có buông bỏ rồi sau mới có được. Nếu muốn có được, trước tiên bạn phải có sự xả bỏ.
Trước đây, có một chiếc tàu hành trình trên biển, chẳng may gặp phải bão tố. Một người sống sót trong đó đã bị trôi dạt đến một hòn đảo hoang vắng.
Khi tỉnh dậy, anh ta nhận ra mình vẫn còn sống, nhưng lại bị trôi dạt đến một nơi không có người, trong lòng không biết nên vui mừng hay là nên tuyệt vọng. Anh ta khao khát có người tìm thấy mình và đưa anh ta ra khỏi đây, nhưng mấy ngày liền vẫn không có tin tức.
Vì để sống sót, anh ta bắt đầu dựng một ngôi nhà từ cành cây. Nhưng không may, khi anh ta ra ngoài tìm kiếm thức ăn, ngôi nhà mới dựng xong đã bị lửa thiêu rụi. Căn nhà vừa dựng đã bị phá hủy, anh ta cảm thấy rất tuyệt vọng.
Trong khi anh ta vẫn đang chìm đắm trong nỗi tuyệt vọng không thể dứt ra được, một chiếc tàu lớn đã xuất hiện, cuối cùng anh ta đã được cứu sống.
Anh ta tò mò hỏi: “Bằng cách nào các anh tìm được đến đây?”. Một thủy thủ trả lời: “Chúng tôi thấy cột khói bốc lên từ xa, nên chắc chắn nơi đây nhất định có người”.
Như vậy, người sống sót dù mất đi ngôi nhà mới dựng, nhưng đã nhờ đó mà có cơ hội được cứu sống. Điều này thật đúng với câu nói “tái ông mất ngựa”, chuyện tốt hay xấu không thể nói trước được.
Có câu nói rất hay rằng: “Muốn nhận được điều gì, trước tiên phải biết cho đi”. Rất nhiều lúc, điều bạn nghĩ là mất mát thực ra đó là cách có được theo một dạng thức khác. Hãy tin rằng, tất cả những gì bạn mất đi đều có ý nghĩa cả. Những gì bạn mất ở đây chắc chắn sẽ mang lại cho bạn điều gì đó ở nơi khác.
3. Biết cách buông bỏ mới đạt được sự viên mãn
Có câu nói rằng: “Phàm là người đại thiện đều có thể xả bỏ, phàm là người đại trí đều dám xả bỏ”.
Làm người đừng quá tham lam, cái gì cũng muốn có được; nếu muốn có được, thì trước tiên phải biết xả bỏ. Cũng như câu nói: “Cá và tay gấu không thể có cả hai”. Có được và mất đi là điều thường thấy của sinh mệnh.
Trong thời kỳ chiến tranh, chiến loạn không ngừng, cuộc sống của người dân rất khổ cực. Sống trong thời loạn lạc, bị thương oan uổng là điều khó tránh, bệnh tật là điều thường xuyên xảy ra, nhu cầu thuốc men khi đó là rất lớn, điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu thuốc men trầm trọng.
Nhiều hiệu thuốc nhân cơ hội này đã nâng giá thuốc cao hơn, kiếm được món hời lớn. Nhưng có một hiệu thuốc nhỏ không chỉ không nâng giá, ngược lại còn tự nguyện giảm giá cho những người nghèo, thậm chí còn chữa bệnh miễn phí cho họ.
Hành động này đã được truyền tụng và hiệu thuốc nhỏ nhận nhờ vậy mà được nhiều lời khen ngợi, hơn nữa còn thu hút được lượng lớn khách hàng cho mình. Kinh doanh của hiệu thuốc cũng ngày càng phát đạt, quy mô kinh doanh cũng ngày một lớn, trở thành hiệu thuốc lớn nhất trong khu vực.
Mặc dù cách làm của hiệu thuốc nhỏ đã đánh mất lợi ích tạm thời, nhưng đã thu về được sự phát triển lâu dài hơn cho mình.
Ngộ thấu lẽ được - mất là loại trí huệ của nhân sinh. Không mất thì không được, nếu không dám xả bỏ, cuối cùng có thể không đạt được gì. Biết buông bỏ và chấp nhận mất mát có thể mang lại cho bạn những niềm vui bất ngờ theo kiểu “trùng điệp núi sông ngờ hết lối/Liễu xanh hoa thắm lại một thôn”.
Giống như khi bạn nắm cát trong tay, càng không muốn để cát rơi, tay càng nắm chặt, cát trong tay lại càng rơi nhanh hơn. Ngược lại, nếu bạn dám mở bàn tay ra, cát sẽ dễ dàng dừng lại trong lòng bàn tay.
Đời người lúc lên lúc xuống, cuộc sống có được có mất, chính vì như vậy những điều mà chúng ta trải nghiệm trên con đường càng trở nên phong phú hơn.
Cuộc đời này của mỗi người, chính là nằm giữa buông bỏ và có được, nhờ vậy mà thành ra tròn đầy.
Trong cuộc sống, nhiều người chỉ chú trọng vào việc có được mà không muốn buông bỏ. Nhưng thực ra, buông bỏ chính là cách để có được.
Rất nhiều lúc, khi chúng ta vui mừng vì đạt được điều gì đó, có thể ngay lập tức chúng ta lại mất đi; khi chúng ta buồn bã vì mất mát, có thể ngay sau đó, chúng ta sẽ nhận được điều gì đó theo cách khác.
Trên thế gian rộn ràng nhộn nhịp này, luôn có được và có mất; vậy nên đừng vì có được mà đắc ý quên mình, cũng đừng vì mất mát mà mặt ủ mày chau.
Trong những năm tháng còn lại, mong bạn hãy giữ tâm bình thản, chấp nhận sự được mất một cách nhẹ nhàng, mỉm cười đối diện với tất cả.
Theo Secretchina
Thiện Quân biên dịch