Sự an bài kỳ diệu của Phật Như Lai, ẩn ý sâu xa của việc Thạch Hầu đắc thần thông được đặt tên Tôn Ngộ Không

Sự an bài kỳ diệu của Phật Như Lai, ẩn ý sâu xa của việc Thạch Hầu đắc thần thông được đặt tên Tôn Ngộ Không
Sự an bài kỳ diệu của Phật Như Lai, ẩn ý sâu xa của việc Thạch Hầu đắc thần thông được đặt tên Tôn Ngộ Không. (Ảnh: Public Domain)

Chúng ta hãy cùng chia sẻ về Tây Du Ký. Theo tôi, tác phẩm là câu chuyện viết về Phật Tổ vì muốn truyền bá chân kinh tới thế gian, giúp con người hướng thiện mà sắp xếp Đường Tăng đi thỉnh kinh, đồng thời để ông qua đó mà tu luyện. Đồng thời cũng muốn qua đây nhắn gửi với người thế gian, chỉ có tu luyện mới có thể thực sự được trường sinh bất tử.

Không những vậy người tu luyện phải có tín niệm kiên định, có sự bảo hộ của Thần Phật. Mặc dù sẽ có ngàn vạn nguy nan và khó khăn, chỉ khi người tu luyện toàn tâm toàn ý, kiên định tín tâm mới có thể đạt được viên mãn.  

"Tây Du Ký" kể về quá trình tu luyện thành công của năm thầy trò bao gồm sư phụ Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Chu Bát Giới, Sa Tăng và Bạch Long Mã. Qua đây cũng muốn nhắn nhủ với độc giả,  nếu họ muốn trường thọ thì phải tu thành Phật,  có được thân Phật, mới có thể trường sinh bất lão và vĩnh hằng cùng trời đất.

Trong hồi thứ tám của Tây Du Ký, Đức Phật Như Lai nói với mọi người: "Ta xem trong bốn đại bộ châu, chúng sinh thiện ác có khác nhau: Người Đông Thắng Thần Châu tôn trời kính đất, tâm khí thanh sảng. Người Bắc Câu Lư Châu tính thích sát sinh, ăn nói hồ đồ, tình sơ tính vụng; chẳng được việc gì. Người Tây Ngưu Hạ Châu thì không tham không giết, dưỡng khí nuôi thần, tuy chưa được vào bậc thượng chân, nhưng mọi người được hưởng thọ. Duy có người Nam Thiệm Bộ Châu tham dâm gây họa, hay giết hay tranh, chính là nơi đánh nhau cãi cọ, ác độc thị phi. Nay ta có ba tạng chân kinh có thể khuyên họ làm việc thiện.."

Bốn đại bộ châu nhắc đến ở trên khác với thế giới mà chúng ta biết. Đức Phật nhìn thấy được từ một chiều không gian cao hơn. Một vị thánh nhân đã từng chỉ ra rằng: "Trái đất hiện tại của chúng ta và các thiên thể trong và ngoài Tam giới đều ở phía nam của núi Tu Di, được gọi là Nam Thiệm Bộ Châu. Trái đất nằm ở phía nam của núi Tu Di này." Đối với người dân Trái Đất, núi Tu Di  là một ngọn núi khổng lồ tồn tại ở không gian cao tầng.

Điều này đã được các cao nhân ở Trung Quốc cổ đại triển hiện cho nhân loại thế gian. Chỉ là mọi người không thấy thì không tin hoặc không để ý. Tác giả đã đến thăm Ung Hòa Cung ở Bắc Kinh, trong đó có một vật thể có thật, đó là tạo hình của núi Tu Di và bốn đại bộ châu.

Lúc đó khi thấy đồ vật này, tôi đã hiểu sơ qua về phương hướng được nhắc đến trong Tây Du Ký. Bốn đại bộ  châu mà Phật Tổ đề cập tới đến đều tồn tại xung quanh núi Tu Di. Phía đông là Đông Thắng Thần Châu; phía bắc là Bắc Cự Lô Châu; phía tây là Tây Ngưu Hạ Châu; và phía nam là Nam Thiệm Bộ Châu. Bốn đại bộ châu này đều nằm trên cùng một mặt phẳng ngang, vị trí của chúng khác nhau về phía đông, tây, nam và bắc. Và Trái Đất của chúng ta, tức là Nam Thiệm Bộ Châu, nằm ở phía nam của núi Tu Di. Phía dưới bốn châu lục là núi và nước; bốn châu lục được kết nối bằng nước; phía trên bốn châu lục là một không gian khó có thể đi qua. Sau khi đi qua một không gian khó khăn, phía trên chính là cung điện của Ngọc Hoàng và các thiên binh, thiên tướng. Cổng đó chính là Nam Thiên Môn. Tầng trên cùng là tầng của Đức Phật Như Lai. Điều này chỉ thể hiện vị trí và phương hướng. Nếu nó thể hiện kích thước, thì phần trên phải lớn hơn và phần dưới phải nhỏ hơn.

Đức Phật Như Lai nói: "Nay ta có ba tạng chân kinh có thể khuyên họ làm việc thiện, Đó là kinh tuy luyện chân tâm, cửa vào cõi thiện, mà ta muốn truyền sang đông thổ" .

Bồ Tát Quán Thế Âm làm theo lời Phật Tổ, đi tới Đông Thổ tìm người đi thỉnh kinh. Phật Tổ dặn dò Bồ Tát Quán Thế Âm: "Chuyến đi này phải đi trên mặt đường, không được đi tít trên tầng mây. Mắt cần phải để ý sông núi, ghi nhớ kỹ càng đường sá xa xôi thế nào mà ân cần dặn dò lại cho người lấy kinh. Song e rằng vị thiện tín ấy khó đi, ta đưa cho Bồ tát năm thứ bảo bối này"

Lập tức sai A Nan, Ca Diếp lấy ra một chiếc áo cà sa gấm, một cây gậy tích trượng chín vòng đưa cho Bồ tát và bảo: "Tấm áo cà sa và cây gậy này đưa cho người lấy kinh dùng. Nếu người ấy kiên tâm đến được đây, mặc tấm áo cà sa của ta, thì thoát khỏi luân hồi; cầm gậy tích trượng của ta thì không bị hãm hại" 

Bồ tát cảm tạ nhận lấy. Như Lai lại sai mang ra ba cái vòng, đưa cho Bồ tát và dặn rằng: - Bảo bối này gọi là “Khẩn cô nhi”, tuy ba cái giống nhau nhưng công dụng khác nhau. Ta lại có ba bài “Kim khẩn cấm” nữa. Nếu trên đường gặp phải yêu ma có phép thần thông biến hóa, đệ tử hãy khuyên hắn học đạo, đi theo người lấy kinh làm đồ đệ. Nếu hắn không chịu sai khiến, thì chụp cái vòng ấy lên đầu hắn, cái vòng sẽ mọc rễ cắm chặt vào thịt, mỗi khi niệm câu thần chú, là hắn sẽ đau đầu nhức mắt, đầu óc cứ như bị vỡ tung ra, bắt hắn phải chịu làm môn đệ của ta ngay".

Từ xưa đến nay, chưa có ai bị ép buộc phải tu luyện. Những người đủ tư cách để đeo ba vòng của Phật Như Lai và bắt buộc phải tu hành để thành Phật chắc chắn phải là người ở tầng thứ rất cao. Vậy ai đủ tư cách để đeo ba cái vòng này?

Phật Tổ Như Lai sớm đã an bài sắp xếp cho Ngộ Không như thế nào?

Trong Hồi thứ 58, Như Lai nói: “- Thứ nhất là loài khỉ có linh thông, giỏi biến hóa biết thiên thời địa lợi, đổi vật dời sao..” Đổi vật dời sao có nghĩa là thay đổi vị trí của các ngôi sao trên bầu trời. Khả năng ẩn dụ thật tuyệt vời và kỳ diệu.

Vậy loài khỉ có linh thông đến từ đâu? Khả năng của nó đến từ đâu? Mục đích đến để làm gì?

Trong Hồi thứ 58, Phật Tổ nói với Tôn Ngộ Không: "- Nhà ngươi chớ có suy nghĩ vớ vẩn, ăn nói quẩn quanh. Ta sẽ bảo Quan Âm đưa nhà ngươi đi, không lo gì sư phụ không nhận. Gắng sức hộ vệ Đường Tăng đi đường, khi nào thành công được lên cõi cực lạc, thì nhà ngươi cũng được ngồi tòa sen. Điều này cho thấy Tôn Ngộ Không được tạo ra để bảo vệ Đường Tăng đi thỉnh kinh.

Hồi đầu tiên của Tây Du Ký có viết: " Giữa biển có một ngọn núi đẹp, gọi là núi Hoa Quả. Chính núi này là mạch tổ của mười châu, cội nguồn của ba đảo, đứng sừng sững từ lúc đất trời mới chia trong đục, hình thành từ thuở thế giới vẫn hồng hoang. Đó thật là một ngọn núi quý!... Trên đỉnh ngọn núi này, có một tảng đá tiên cao đến ba trượng sáu thước năm tấc, xung quanh hai trượng bốn thước. Chiều cao ba trượng sáu thước năm tấc cùng hợp với vòng trời ba trăm sáu mươi lăm độ. Xung quanh hai trượng bốn thước, hợp với chính lịch hai mươi bốn khí. Trên có chín khiếu tám lỗ hợp với cửu cung bát quái. Bốn bề không có cây cối rủ bóng. Hai bên phải trái, chỉ rặt cỏ chi cỏ lan quấn quýt lấy nhau.

Có lẽ từ khi tảng đá mới sinh ra, đã bám thụ khí thiêng của trời đất, tinh hoa của mặt trời, mặt trăng đã lâu, nên mới linh thông thế. Bên trong tảng đá chứa đựng một bào thai tiên.... Một hôm tảng đá nứt đôi, sinh ra một quả trứng đá tròn, to bằng quả cầu, gặp gió hóa thành một con Thạch Hầu, đủ cả mặt mũi chân tay, hai mắt có hai vệt kim quang chói lọi bắn tận lên trời.  Con Thạch Hầu liền học bò học chạy, vái lạy bốn phương trời làm kinh động cả thượng đế lúc ấy đang ngự trị ở điện Linh Tiêu cùng các vị tiên". Vừa sinh ra đã có hai mắt có vệt kim quang chói lọi, bắn tận lên thiên đình cho thấy Ngộ Không đến từ tầng thứ cao tới mức không thể đo lường được.

Con khỉ ấy sống ở trong núi, đi đi lại lại nhảy nhót nô đùa, tìm ăn cỏ cây, uống nước suối trong, hái hoa rừng, tìm quả núi, kết đàn với hổ báo, thân mật với hươu nai, chan hòa với khỉ vượn, đêm ngủ vách núi non, ngày chơi trong hang động". Điều này có nghĩa là đàn khỉ ở trong núi nhảy nhót, chơi đùa, hái hoa và tìm trái cây, vui vẻ chơi đùa lâu dài như vậy và không có khái niệm về thời gian.

Lịch Chi là hệ thống lịch cổ của Trung Quốc sử dụng sự kết hợp giữa Thiên Can và Địa Chi, kết hợp với thuộc tính của âm dương ngũ hành.

Thập Thiên Can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý tổng cộng có mười Thiên Can;

Mười hai Địa chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi tổng cộng mười hai Địa chi.

Giáp Tý là tổ hợp đầu tiên. Thứ tự kết hợp là Gia Tý, Ất Sửu, Bính Dần, Đinh Mão... Mười Thiên Can và mười hai Địa Chi được ghép theo thứ tự lần lượt từ đầu tới cuối, tổng cộng có sáu mươi tổ hợp, được gọi là sáu mươi Giáp Tử. Người Trung Quốc cổ đại sử dụng Thiên Can và Địa Chi để biểu thị năm, tháng, ngày và thời gian. Một Giáp Tử là sáu mươi năm.

Một ngày nọ, Thạch Hầu đi vào thác nước và tìm thấy một hang đá lớn. Trên đá có khắc dòng chữ "Hoa quả sơn phúc địa, thủy liêm động động thiên". Hang động có thể là nơi cư trú tránh nắng mưa của cả nhà khỉ. Đàn khỉ chuyển vào đây sinh sống và phong cho Thạch Hầu là Mỹ Hầu Vương vì đã có công tìm ra hang động.

Mỹ Hầu Vương dẫn đầu đàn khỉ vui chơi thấm thoắt đã ba trăm năm. Phật Tổ cũng cho Ngộ Không đủ thời gian để vui chơi rồi. Trong ba trăm năm, cho Ngộ Không có sức khỏe tốt và hạnh phúc tự do; Đồng thời, cũng cho chứng kiến ​​những đau khổ của sinh, lão, bệnh, tử, điều này đã thôi thúc khiến Mỹ Hầu Vương hy vọng được trường sinh. Vì vậy, muốn học phương pháp để có thể trường sinh bất tử.

Tôn Ngộ Không bắt đầu xuống núi, lang vân du góc biển chân trời, quyết tâm muốn bái Phật tìm đạo, học thuật trường sinh bất tử. Rồi một mình Hầu vương xuống bè, ra sức chèo chống, lênh đênh thẳng hướng biển cả mà đi. Thuận chiều gió nên chẳng bao lâu bè giạt vào địa giới Nam Thiệm Bộ Châu.

Hầu vương nhảy lên bờ thấy mọi người đang câu cá, đánh chim, nhặt nghêu và đãi muối trên bãi biển, ai cũng bận rộn.

Hầu vương đi khắp châu huyện, phố xá, học lễ, học nói, ngày ăn tối ngủ, một lòng dò hỏi đạo Phật tiên thần thánh, tìm phương thuật trẻ mãi không già. Hầu vương ở Nam Thiệm Bộ Châu tám chín năm, hiểu được sinh hoạt của con người nhưng chỉ thấy người dân ở đây đua tranh danh lợi, không có một người lo lắng mệnh thân, thật đúng là:

Đua chen danh lợi dập dồn
Thức khuya dậy sớm chẳng còn tự do
Mong tuấn mã khi cưỡi lừa.
Làm quan tể tướng, lại mơ vương hầu.
Mệt nhoài cơm áo tranh nhau
Chẳng lo quỷ sứ bắt chầu Diêm vương.
Mãi mê vun đắp cháu con.
Nào ai tỉnh giấc tìm đường hồi tâm?

Hầu vương nhất tâm tìm học pháp thuật có thể trường sinh bất tử. Một hôm đi đến Tây Dương đại hải, nghĩ bụng ngoài biển nhất định có thần tiên. Bèn tự mình đóng bè, vượt qua Tây Hải, thẳng tới địa phận Tây Ngưu Hạ Châu. Như đã đề cập trước đó, Phật Như Lai từng nói: Người Tây Ngưu Hạ Châu thì không tham không giết, dưỡng khí nuôi thần, tuy chưa được vào bậc thượng chân, nhưng mọi người được hưởng thọ. Mặc dù bốn đại bộ  châu nằm trên cùng một mặt phẳng, nhưng đối với người trên trái đất chúng là một không gian khác và người trên trái đất không thể nhìn thấy. Hầu vương có thể đến được đó là vì Phật Như Lai đã âm thầm đưa đến.

Tôn Ngộ Không du ngoạn ở Tây Ngưu Hạ Châu một thời gian dài, một ngày nọ đột nhiên nhìn thấy một ngọn núi đẹp. Những loài hoa và cây kỳ lạ, những cây tre và cây thông cao vô cùng đẹp.

Trong lúc đang ngắm cảnh, tôi đột nhiên nghe thấy tiếng ai đó hát trong rừng sâu. Bài hát có nội dung như sau: 

Xem cơ mục cán rìu rồi,
Chặt cây chan chát trên đồi cây xanh.
Cửa hang lững thững mây lành,
Bán củi mua rượu thỏa tình say sưa.

Đêm thu trời biếc sao thưa,
Gối cây nằm khểnh, hững hờ ngắm trăng.
Vô tư đánh một giấc nồng,
Sáng rồi ta lại vào rừng chặt cây.

Chiều về một gánh trên vai,
Nghêu ngao giữa chợ đổi vài thúng ngô
Thời giá vẫn rẻ như xưa
Lường thưng tráo đầu lọc lừa làm chi.

Mặc vinh nhục, kệ thị phi,
Ung dung điềm đạm ta thì sống lâu
Gặp nhau: Phật đạo phép màu
Bình tâm tĩnh tọa giảng câu “Hoàng đình”

Hầu vương vừa nghe xong, thấy trong lòng phấn chấn nghĩ: “Hóa ra thần tiên ẩn ở đây” vội vàng đi vào bên trong, nhìn kỹ thấy có một người tiều phu đang giơ rìu chặt củi. 

Hầu vương đến gần nói: - Xin kính chào lão thần tiên. Người kiếm củi nói mình không phải “thần tiên”,  Núi này gọi là “Linh Đài Phương Thôn”. Trong núi có động “Tà Nguyệt Tam Tinh”. Trong động có vị thần tiên tên gọi Tu Bồ Đề tổ sư. 

Phương Thôn có hàm ý là tâm tính, tâm linh. Tà Nguyệt Tam Tinh trong chữ Hán chính là chữ Tâm. Bồ Đề là cây Bồ Đề của Đức Phật, con đường lớn của Bồ Đề là con đường lớn của Phật giáo, và phương pháp tu luyện của Phật giáo là tu tâm dưỡng tâm tính. Điều này chứng tỏ Bồ Đề Tổ Sư một pháp sư của Phật giáo.

Hầu vương vô cùng vui mừng khi đến trước “Núi Linh Đài Phương Thôn và Động Tà Nguyệt Tam Tinh”.

Hầu vương vào động Tà Nguyệt Tam Tinh, cúi đầu lạy sư phụ, chỉ nói: "- Thưa sư phụ, thưa sư phụ, đệ tử con lòng thành chầu lễ.." Bồ Đề tổ sư đặt cho Hầu vương pháp danh Tôn Ngộ Không. Tổ sư cười, nói: - Chữ “tôn” bỏ bộ thú bên cạnh đi, còn lại chữ tử và chữ hệ. Tử là con trai, hệ là trẻ nhỏ. Nhà ngươi chính hợp với bản chất của trẻ nhỏ. Vậy đặt cho ngươi là họ “Tôn”!

... 

Tổ sư nói: - Trong môn phái ta có mười hai chữ để phân phát đặt tên, đến nhà ngươi là đồ đệ nhóm mười.

Hầu vương nói: - Mười hai chữ là gì? Tổ sư nói: - Mười hai chữ là: Quảng, Đại, Trí, Tuệ, Chân, Như, Tính, Hải, Dĩnh, Ngộ, Viên, Giác. Đến lượt ngươi là chữ “ngộ”. Vậy đặt cho nhà ngươi pháp danh là “Tôn Ngộ Không”. Ngộ Không chính là Ngộ và Không mà Phật gia giảng. Phật giảng tâm không, thì nhân tâm tất không, không có bất kỳ dục vọng nào. Có thể thấy ngay từ đầu Phật tổ đã an bài cho Ngộ Không một cái tên ở cảnh giới rất cao. 

Công năng của Hầu vương đến từ đâu? Bồ Đề Tổ Sư đích thân truyền thụ

Sau khi Hầu vương được đặt tên, liền cúi đầu cảm tạ Bồ Đề Tổ Sư. Tổ sư bảo mọi người dẫn Tôn Ngộ Không ra ngoài cửa thứ hai, dạy cho các việc quét dọn, cùng cách cư xử, ứng đối. Lúc nhàn rỗi, thì quét sân cuốc vườn, vun hoa tỉa lá, gánh nước kiếm củi, việc gì cũng làm đủ. Thấm thoắt ở trong động đã sáu, bảy năm. 

Một hôm, tổ sư đăng đàn, hội họp các chư tiên lại nghe giảng đạo. Tôn Ngộ Không ngồi nghe giảng, sướng quá đến nỗi xoa tai vuốt má, mặt mày hớn hở, khoa tay múa chân. Tại sao Tôn Ngộ Không vui vẻ như vậy? Con người là người tu luyện thì chỉ có thể lý giải nguyên lý của con người. Còn Ngộ Không là tinh linh, có thể hiểu lý giải nguyên lý ngoài con người.

Bỗng bị Tổ Sư trông thấy, gọi lên bảo: - "Ngươi ngồi trong lớp, tại sao lại điên cuồng nhảy nhót, không nghe ta giảng?"  Ngộ Không thưa: "Con thành tâm nghe giảng, đến những chỗ sư phụ giảng nhiệm mầu quá, lòng vui mừng khôn xiết, không nhịn được, nên có những điệu bộ như vậy, mong sư phụ tha tội".

Bồ Đề Tổ Sư hỏi Ngộ Không: "Ta muốn dạy ngươi môn 'Thuật', 'Lưu', 'Tĩnh, 'Động'...? Ngươi muốn học môn nào?" Ngộ Không nghe nói những thứ này đều không thể trường sinh bất lão, liền nói: "Không học, không học!"

Tổ sư nghe đoạn, hừ một tiếng, từ trên đài cao đi xuống, tay cầm gậy giới xích, rồi đi đến gõ đầu Ngộ Không ba cái, quay lưng giơ tay đi thẳng vào trong, đóng cửa giữa lại, bỏ mọi người ở ngoài. Nguyên do Ngộ Không vốn đã ngầm hiểu ý của sư phụ, Tổ sư đánh ba cái, có nghĩa là bảo phải để ý đến canh ba, chắp tay sau lưng, đi vào bên trong, đóng cửa giữa lại, rồi đi vào lối cửa sau, ở chỗ kín ấy sư phụ sẽ truyền đạo cho.

Đêm đó, Ngộ Không cùng mọi người đi ngủ, nhắm mắt chờ đợi. Khoảng nửa đêm lặng lẽ thức dậy, mặc quần áo và lẻn ra ngoài qua cửa trước, Ngộ Không theo đường cũ đến mé ngoài cửa sau, chỉ thấy cửa nửa khép nửa mở, mừng thầm nói:

- Quả sư phụ chủ ý truyền đạo cho ta, nên mới để ngỏ cửa. Bèn đến gần, nghiêng mình vào, đi thẳng đến giường nằm của tổ sư, chỉ thấy tổ sư co mình, nằm quay mặt vào trong ngủ. Ngộ Không chẳng dám kinh động, chỉ quỳ xuống ở trước giường. Một lát, tổ sư thức dậy duỗi thẳng hai chân, ngâm nga:

Đạo huyền diệu thực khó thay!
Chớ nên quan niệm tu đây là nhàn.
Chẳng gặp người giỏi trao truyền.
Cũng đành uổng phí miếng phiền lưỡi khô

Ngộ Không cất tiếng theo: "- Thưa sư phụ, đệ tử quỳ đợi ở đây đã lâu."
Tổ sư nghe thấy tiếng Ngộ Không, vùng dậy, mặc áo, ngồi xếp bằng, quát: "Con khỉ kia, sao không ra đằng trước ngủ, lại đến chỗ ta ở đằng sau làm gì?".
Ngộ Không thưa: "Hôm qua ở trước đàn, sư phụ có dặn rằng: đến canh ba, đi lối cửa sau vào, sư phụ sẽ truyền đạo cho. Cho nên con mới dám đến lạy trước giường sư phụ."
Sư phụ nghe nói, trong lòng rất vui mừng, thầm nghĩ rằng: "Thằng oắt con này quả là do trời đất sinh thành. Nếu không, làm sao đoán nổi ngầm ý của ta."
Ngộ Không lại nói: "Lúc này chẳng có một ai, chỉ có một mình con mong tổ sư mở lòng từ bi truyền cho con đạo sống lâu, con không bao giờ dám quên ơn."
Tổ sư nói: "Nhà ngươi nay đã gặp được duyên, ta cũng vui lòng nói cho. Đã hiểu được ngầm ý của ta, thì lại gần đây nghe cho kỹ, ta truyền cho phép sống lâu mầu nhiệm."

Ngộ Không cúi đầu lạy tạ, quỳ dưới chân giường chú ý lắng tai. Lúc ấy, tổ sư nói rõ căn nguyên. Ngộ Không tâm linh phúc đến, nhớ hết khẩu quyết, lạy tạ ân sâu của tổ sư, rồi trở ra lối cửa sau. Từ ngày đó, âm thầm thực hành, thiền định và điều hòa hơi thở trước nửa đêm và vào buổi chiều. Ba năm trôi qua như thế.

Bị đuổi khỏi đạo quán và bí mật phía sau

Lại nói đến chuyện học của Tôn Ngộ Không, có vẻ Bồ Đề Tổ Sư sớm đoán được ý đồ của con khỉ ấy. Đạo gì không học nhất quyết muốn học đạo Trường sinh bất lão.

Tu luyện phép trường sinh ấy kỳ thực chính là thoát khỏi sự khống chế của Ngũ hành, cao hơn nữa chính là vượt ra ngoài Tam giới, không chịu vòng luân hồi, sinh tử để đạt đến quả vị của La Hán, Chân Nhân.

Sau khi được truyền dạy 72 phép thần thông cùng thuật Cân đẩu vân (cưỡi mây), Tôn Ngộ Không dương dương tự đắc biến hoá hết vật này sang vật nọ.

Bồ Đề Tổ Sư biết chuyện quát đuổi những người khác đi và gọi Ngộ Không tới quở phạt: "Ngộ Không, lại đây! Ta hỏi ngươi sử dụng tinh thần thế nào? Biến thế nào ra cây tùng? Công phu ấy có thể đùa cợt trước mặt mọi người sao? Giả sử ngươi thấy người khác có, ắt phải cầu người ta. Người khác thấy ngươi có, ắt phải cầu ngươi. Nếu ngươi sợ tai vạ, ắt phải truyền cho người ta. Nếu không truyền sẽ bị hại, tính mệnh nhà ngươi khó mà giữ nổi".

Cuối cùng tổ sư bèn đuổi Ngộ Không đi, hơn thế, tổ sư còn bắt Ngộ Không thề rằng về sau có xảy ra chuyện gì cũng không được nói y là đệ tử của ông.

Có lẽ ẩn ý của một tiên nhân đắc đạo không phải tầm thường. 72 phép biến hoá thực chất là 72 tâm niệm của con người. Học thần phép là học về Tâm đạo, khiêm tốn.

Tôn Ngộ Không trổ phép thần thông vì sự kích tướng của đồng môn ấy là khoe mẽ, muốn được người khác nịnh bợ. Với người tu hành mà nói, đây là một loại tâm lý hết sức không tốt.

Thực chất sự khoe khoang, cậy mình có tài, sau này ắt là chuốc vạ vào thân.

Tuy nhiên, Bồ Đề Tổ Sư đuổi Ngộ Không không phải vì giận, bởi vì vị cao nhân ấy sớm biết rõ tương lai của Tôn Ngộ Không gập ghềnh mà vinh quang.

Tôn Ngộ Không được Bồ Đề Tổ Sư dắt tay chỉ Đạo. Bồ Đề Tổ Sư đoán trước được rằng: "Chuyến đi này, hẳn gặp điều không hay, nhà ngươi có gây vạ hành hung cũng không được nói là đồ đệ của ta".

Sau này, quả nhiên Ngộ Không đã gây ra biết bao nhiêu chuyện kinh thiên động địa khiến bản thân bị giam cầm dưới núi Ngũ Hành 500 năm. Đó đã là an bài từ trong số kiếp của y, mệnh trời khó cưỡng, tổ sư dù đoán được trước song thiên cơ bất khả lộ.

Bồ Đề Tổ Sư biết tên đồ đệ này có căn cơ lớn mặc dù ương bướng gây họa nhưng tiềm ẩn cốt cách thành Phật, có thể tu thành chính quả. Vậy nên, Bồ Đề Tổ Sư đuổi Ngộ Không đi chẳng qua chính là đặt nền móng cho Ngộ Không, tiễn biệt Ngộ Không trên đoạn đường học Đạo.

Việc Bồ Đề Tổ Sư dạy Ngộ Không 72 phép Địa Sát cũng là trang bị trước cho Ngộ Không chút “vốn liếng” trong cuộc vân du bốn biển dài đằng đẵng kia. Hơn nữa, Ngộ Không đã tu luyện thành Thái Ất Tiên, về cơ bản đã hoàn toàn khai ngộ trong môn của tổ sư Bồ Đề, giữ y lại trong núi cũng chẳng ích gì.

Đã học thành tài, ắt phải có đất dụng võ. Tổ sư đuổi Ngộ Không, bề ngoài nhìn thì là trách phạt nặng nề, khai trừ khỏi sư môn nhưng thực chất là tạo cho y cơ hội lập thành công đức to lớn và tu luyện thêm một lần nữa trong Phật môn.

Con đường tu luyện của Ngộ Không là rất đặc biệt, đầu tiên là khai ngộ trong Đạo gia sau đó lại tu đến cảnh giới Phật trong Phật môn. Thần Phật đã sớm an bài Ngộ Không là trợ thủ đắc lực phò Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh.

Ngay cả chuyện yêu ma quỷ quái chặn đường cũng chỉ đơn giản là bài kiểm tra khảo nghiệm lòng kiên định của 4 thầy trò chứ hoàn toàn không dám phá hoại việc đi tìm con đường chân tu.

Theo Soundofhope
Bình Nhi