Tại sao 108 anh hùng Lương Sơn Bạc trong Thủy Hử lại không mấy người có kết cục tốt đẹp?
Tác phẩm Thủy Hử của Thi Nại Am, một trong tứ đại danh tác, chắc chắn có những điểm khác biệt so với các tiểu thuyết cổ đại khác. Mỗi lần đọc Thủy Hử, khác với phần đầu, nơi các anh hùng hảo hán bị bức bách phải lên Lương Sơn Bạc. Còn phần sau, luôn có một cảm giác khó diễn tả, cứ như có gì đó chưa hiểu được: Tại sao 108 vị anh hùng hào kiệt năm xưa lại có kết cục như vậy?
Đọc Thủy Hử không thể tách rời văn hóa truyền thống
Một ngày nọ, khi đọc một bài viết trên mạng về nhận thức đối với Thủy Hử, tôi bỗng có cảm giác như được khai sáng: hóa ra trước giờ tôi đã không nhìn nhận vấn đề dưới góc độ văn hóa truyền thống. Bởi vì Thi Nại Am viết Thủy Hử trong thời đại mà văn hóa truyền thống chiếm vị thế chủ đạo. Nói cách khác, để hiểu được Thủy Hử, chúng ta tuyệt đối không thể tách rời bối cảnh lịch sử của văn hóa truyền thống.
Người xưa tin vào "Thiên nhân hợp nhất", tin rằng thần Phật ở trên cao, tin vào luật nhân quả thiện ác báo ứng đang điều chỉnh mọi thứ ở nhân gian. Lời nói và hành động của con người chỉ khi nào phù hợp với đạo trời thì mới là đúng đắn, mới là lời nói và việc làm tốt, mới được hưởng phúc báo; không phù hợp với đạo trời chính là hành động xấu, chỉ có thể gánh chịu quả báo.
Tình nghĩa giang hồ, người đời cho là không có vấn đề, người xưa cũng công nhận, nhưng đồng thời cũng phải phù hợp với thiên lý về sự báo ứng thiện ác. Tống Giang tiếp nhận thiên thư do Cửu Thiên Huyền Nữ truyền thụ, muốn thay trời hành đạo; đồng thời Cửu Thiên Huyền Nữ cũng cảnh báo Tống Giang: làm không tốt, làm sai lệch ý chỉ của Ngọc Hoàng, sẽ phải xuống địa ngục.
Vì vậy, Tống Giang ở Lương Sơn Bạc đã giương cao ngọn cờ "thay trời hành đạo", nhưng lại cứ khăng khăng muốn "quy thuận triều đình", chẳng phải là đang tiếp tay cho kẻ ác hay sao? Dân chúng vẫn không thoát khỏi cảnh lầm than cơ cực, ngược lại còn bị lợi dụng để đánh Phương Lạp, kết quả là trong số 108 vị hảo hán không mấy người được chết yên lành, người đầu sỏ gây tội là Tống Giang cũng bị rượu độc giết chết, trước khi chết còn kéo theo Hắc Toàn Phong Lý Quỳ, chẳng phải là sai lầm chồng chất sai lầm hay sao?
Lý do khiến trước đây khi đọc nửa phần sau của Thủy Hử cảm thấy khó chịu là do không hiểu rõ mối quan hệ nhân quả trong đó. Khi đã hiểu được mối quan hệ nhân quả này, đọc lại Thủy Hử, trong lòng sẽ không còn cảm giác khó chịu nữa, chỉ còn lại sự tiếc nuối cho những lựa chọn sai lầm của Tống Giang.
Bài học lớn từ Thủy Hử cho người đương thời
Bài học lớn mà "Thủy Hử Truyện" mang đến cho người đời sau chính là: Dù mang trong mình những quan niệm và tiêu chuẩn sống như thế nào, khi đối mặt với những biến đổi của thiên tượng và sự lựa chọn của thiên ý, nhất định không được để quan niệm của bản thân chi phối, hãy nghiêm túc suy nghĩ, làm thế nào để thuận theo thiên ý mà đưa ra lựa chọn.
Thứ hai, với tư cách là người lãnh đạo, người ra quyết định của tổ chức, mỗi lựa chọn của bản thân sẽ mang đến kết quả tốt hay xấu cho tổ chức, cho người khác và cho chính mình, nên phải hết sức thận trọng.
Khi chúng ta ôm giữ những quan niệm cố hữu, không dám nghiêm túc suy nghĩ về những biến đổi của thiên tượng và sự thể hiện của thiên ý, sẽ cản trở bản thân trở nên thiện lương hơn, tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn. Dù thế nào đi nữa, thuận theo thiên ý mà đưa ra lựa chọn, mới không hổ thẹn với cuộc đời này.
Nếu cứ như Tống Giang, ôm khư khư lấy quan niệm của con người, một lòng muốn được chiêu an, mong được phong hầu bái tướng, vợ con được hưởng lộc, lại vứt bỏ lời dặn dò của thần Phật ra sau đầu, làm trái ý trời mà hành động, cuối cùng nhận lấy kết cục bị độc chết, đày xuống địa ngục, đó mới là điều đáng sợ nhất!
Theo Secretchina
Minh Nguyệt