Tại sao các mối quan hệ không tốt, tự hỏi xem mình có thiếu sự đồng cảm hay không?

Tại sao các mối quan hệ không tốt, tự hỏi xem mình có thiếu sự đồng cảm hay không?
Nếu cha mẹ của một đứa trẻ không đồng cảm tốt với con mình khi còn nhỏ, đứa trẻ sẽ luôn cảm thấy có điều gì đó không ổn. (Ảnh: Vecteezy)

Có một phần trong não bộ, cho phép con người trải nghiệm cảm giác làm những việc mà người khác đã làm, và tạo ra phản ứng thần kinh tương tự. Hiện tượng này được gọi là "đồng cảm" (Empathy).

Nếu cha mẹ của một đứa trẻ không đồng cảm tốt với con mình khi còn nhỏ, đứa trẻ sẽ luôn cảm thấy có điều gì đó không ổn.

Ví dụ, những người trẻ tuổi thường thích nói đùa: "Có một kiểu lạnh, gọi là mẹ thấy con lạnh." Cha mẹ sợ con cái bị lạnh, đặc biệt là trẻ sơ sinh không có khả năng diễn đạt, cha mẹ đặc biệt lo lắng về việc mặc quần áo cho con, mặc cho con nhiều quần áo, quấn rất chặt. Tuy nhiên, trẻ dễ đổ mồ hôi, nổi rôm sảy khắp người, ngứa ngáy khó chịu nên trẻ sẽ rất cáu kỉnh, luôn quấy khóc.

Tuy nhiên, cha mẹ nghĩ rằng tiếng khóc của con có thể liên quan đến việc đi vệ sinh, ăn uống hoặc các yếu tố khác, họ sẽ không nghĩ rằng con có thể mặc quá nhiều quần áo. Có một câu nói cũ rằng "Ba phần lạnh, bảy phần ấm", có nghĩa là để trẻ hơi lạnh một chút, thay vì mặc quá nhiều quần áo.

Trên thực tế, nóng còn đáng sợ hơn lạnh. Nhiều trẻ sơ sinh vì không thể diễn đạt, khi mặc quá nhiều quần áo sẽ đặc biệt cáu kỉnh, hơn nữa còn dễ bị ốm.

Tầm quan trọng của sự đồng cảm giữa cha mẹ và con cái

Tôi đưa ra ví dụ này để minh họa rằng việc cha mẹ hiểu được nhu cầu của con cái, hiểu được cảm xúc của con cái và phản ứng chính xác với nhu cầu của con cái là vô cùng quan trọng.

Vào những năm 1970, các nhà khoa học Ý đã thực hiện một thí nghiệm, họ dán các điện cực lên đầu khỉ đột, kết nối với màn hình hiển thị sóng điện não, để người thí nghiệm ăn các loại trái cây khác nhau bên cạnh khỉ đột, quan sát sự thay đổi sóng điện não của khỉ đột.

Kết quả cho thấy, khi người thí nghiệm ăn chuối, sóng điện não của con khỉ đột đang xem anh ta ăn chuối giống hệt với sóng điện não của chính nó khi ăn chuối. Người thí nghiệm đã nhanh chóng nhận thấy điều này và suy đoán rằng liệu có thể là nó nhìn thấy tôi ăn chuối, sau đó trong lòng có hình ảnh ăn chuối, nên mới xuất hiện cùng một dạng sóng.

Các nghiên cứu tiếp theo phát hiện ra rằng có một phần thần kinh trong não, cho phép con người trải nghiệm cảm giác làm những việc mà người khác đã làm, và tạo ra phản ứng thần kinh tương tự. Hiện tượng này được gọi là "đồng cảm" (Empathy). Ví dụ, nếu tôi thấy bạn khóc, ngay cả khi tôi không có chuyện gì buồn, tôi cũng có thể khóc theo bạn. Lời bài hát của ca sĩ Tô Thụy có viết: "Buồn cùng nỗi buồn của bạn, vui cùng niềm vui của bạn", đại khái là ý này.

Lý do cho hiện tượng này là do có một loại tế bào thần kinh trong hệ thống thần kinh của chúng ta được gọi là "tế bào thần kinh gương". Tế bào thần kinh gương không chỉ tồn tại ở vỏ thị giác của thùy chẩm, mà còn tồn tại ở vỏ đỉnh, vỏ trán. Một người nhìn thấy người khác đang làm một việc gì đó, anh ta cũng không tự chủ được mà làm theo người ta, đó là do tế bào thần kinh gương của anh ta bị kích hoạt.

Trên thực tế, sự đồng cảm vừa có cơ sở vật chất về mặt sinh lý, vừa là một kinh nghiệm học được. Khi còn nhỏ, cha mẹ không thể hoàn toàn đúng trong mọi bước khi đối xử với con cái, nhưng họ sẽ điều chỉnh trong quá trình tương tác. Trong quá trình tương tác với trẻ, cha mẹ nhạy cảm có thể biết được đứa trẻ đang thể hiện điều gì, nó muốn gì qua tiếng khóc của đứa trẻ, mặc dù người ngoài nghe thì tiếng khóc của đứa trẻ đều giống nhau.

Tại sao một số cha mẹ, đặc biệt là các bà mẹ, có thể biết ngay nhu cầu của con mình khi nghe tiếng khóc của con, nhìn thấy hành động của con. Đó là bởi vì cô ấy đã trau dồi khả năng đồng cảm siêu phàm trong quá trình chăm sóc con cái.

Biểu hiện tính cách của người thiếu đồng cảm

Nếu khả năng đồng cảm của người mẹ đặc biệt kém, đứa trẻ sẽ cảm thấy tủi thân. Đứa trẻ không thể nói ra, hoặc không thể nói rõ ràng, nó cảm thấy mẹ không hiểu mình, hoặc phản ứng sai, thậm chí là quát mắng thô bạo. Ví dụ, khi ăn cơm, có những bậc cha mẹ luôn chọn thức ăn cho con theo sở thích của mình, chất đống trước mặt con, cho rằng con phải ăn hết. Nhưng đứa trẻ có thể rất không thích ăn một trong những món ăn đó, lúc này nếu cha mẹ không có khả năng đồng cảm mạnh mẽ sẽ kiên trì, thậm chí ép buộc đứa trẻ phải ăn.

Những bậc cha mẹ như vậy, không chỉ đối với con cái của mình như vậy, đôi khi có khách đến nhà cũng gắp thức ăn cho khách như vậy. Là khách, người khác đã gắp thức ăn cho bạn, nếu bạn không ăn thì lãng phí thức ăn, hơn nữa còn rất bất lịch sự, nhưng món người ta gắp bạn lại không thích ăn, chỉ có thể cắn răng ăn một bát. Vậy mà, người ta lại múc cho bạn bát thứ hai. Người như vậy là thiếu đồng cảm, không cảm nhận được cảm xúc của người khác.

Cái gọi là "mẹ thấy con lạnh" cũng vậy. Có người nhìn thấy các cô gái bây giờ mặc quần đùi, cứ hay hỏi: "Em mặc ít thế này có lạnh không?" Bây giờ rất nhiều cô gái thích khoe chân, cho nên bạn hỏi như vậy là không có đồng cảm với cô ấy. Bạn không nói "Chân bạn thật đẹp, thật thon thả." cứ phải nói "Em mặc như vậy có lạnh không", cái này gọi là thiếu đồng cảm.

Khả năng đồng cảm của cha mẹ cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành khả năng đồng cảm của trẻ. Quá trình cha mẹ tương tác với con cái là một quá trình điều chỉnh liên tục, "nhận ra mình đã hiểu sai, rồi sửa sai", hoặc "mặc dù mình đã hiểu, nhưng mình làm như vậy là sai, vậy thì mình đổi lại". Quá trình này rất quan trọng, bởi vì quá trình điều chỉnh là một quá trình hình thành sự đồng cảm.

Vì vậy, cha mẹ, nếu trong quá trình nuôi dạy con cái mà không trải qua quá trình điều chỉnh, nội tâm đứa trẻ sẽ tích tụ rất nhiều cảm giác tủi thân do không được hiểu, không được nhìn thấy hoặc không được đối xử đúng mực, tâm trí của đứa trẻ sau này sẽ không được phát triển đầy đủ, khả năng đồng cảm đương nhiên cũng không mạnh.

Vì vậy, cha mẹ không có khả năng đồng cảm tốt, con cái được nuôi dưỡng cũng thường không có khả năng đồng cảm tốt. Người như vậy nói năng, làm việc dễ không đúng lúc, không hợp ý người khác, dễ khiến người khác cảm thấy đứa trẻ này đặc biệt vụng về. Trên thực tế, anh ấy không ngu ngốc, chỉ số IQ cũng không thấp, chỉ là khả năng đồng cảm kém hơn mà thôi.

Đứa trẻ bên trong của một người có khả năng đồng cảm kém luôn ở trong trạng thái đặc biệt tủi thân. Anh ta không hiểu được người khác, ngược lại luôn cảm thấy người khác không hiểu mình, kết quả cuối cùng là anh ta thường xuyên ở trong trạng thái lạc lõng, buồn bã, không vui vẻ, chán nản, hơn nữa rất dễ bị kích động. Kết quả là anh ta càng ngày càng nóng tính, người khác cũng không thể chịu đựng được anh ta, như vậy, các mối quan hệ xã hội của anh ta sẽ không tốt.

Có thể thấy "đồng cảm" quan trọng như thế nào. Khi trẻ còn nhỏ, nếu cha mẹ không dành đủ thời gian cho con cái, hoặc ngay cả khi dành thời gian cho con cái cũng là lấy bản thân làm trung tâm, chứ không phải lấy con làm trung tâm, đồng thời cũng không cho con nhiều không gian vui chơi thì tâm trí của trẻ sẽ không phát triển tốt, khả năng đồng cảm cũng sẽ kém hơn.

Trong quá trình tâm trí hóa, có một mô hình ngụy trang. Mô hình ngụy trang đề cập đến việc cha mẹ mô phỏng một số cảnh, tạo ra một số tình tiết trong quá trình chơi với con cái, chẳng hạn như khi đứa trẻ làm động tác đánh người, cha mẹ sẽ giả vờ bị đau. Cha mẹ phải có nhiều quá trình diễn kịch với con cái, để con cái bộc lộ hết những suy nghĩ trong lòng, dùng những hành động cường điệu để con hiểu hậu quả của việc làm đó là gì, không gian tâm lý của trẻ sẽ dần mở rộng, khả năng đồng cảm cũng sẽ tăng cường.

Nếu cha mẹ không thể đồng cảm với con cái, không để con cái tự do bày tỏ suy nghĩ của mình, rất nhiều suy nghĩ và tình cảm của con cái khi còn nhỏ sẽ bị dồn nén trong lòng, khi lớn lên, con có thể sẽ không thể đồng cảm với người khác trong lời nói.

Theo Epochtimes
Minh Nguyệt

Đọc tiếp