Tại sao chúng ta bị hiểu lầm? Câu chuyện này sẽ giúp bạn nhận ra ngay

Tại sao chúng ta luôn bị người khác hiểu lầm, và tại sao chúng ta lại luôn hiểu lầm người khác? Sau khi đọc câu chuyện sau đây, bạn sẽ bỗng nhiên sáng tỏ.
Câu chuyện này được ghi lại trong cuốn sách Lã Thị Xuân Thu. Chuyện kể rằng, Khổng Tử và các học trò của mình trong một lần đi du học, đã bị bao vây ở nước Trần. Vì không có lương thực, họ đã phải nhịn đói suốt bảy ngày liền. Các học trò còn trẻ, nên vẫn có thể gắng gượng chịu đựng được, nhưng Khổng Tử tuổi đã cao, gần như sắp chết đói.
Vì vậy, Nhan Hồi đã đi khắp nơi, đến từng nhà xin ăn, cuối cùng cũng xin được một ít gạo.
Sau khi trở về, Nhan Hồi liền bắc nồi lên nấu cơm. Khổng Tử rất vui mừng, liền nói với các học trò rằng chúng ta đừng chỉ ngồi chờ đợi. Nhân lúc Nhan Hồi nấu cơm, mọi người hãy cùng nhau học bài. Thế là tất cả mọi người vây quanh Khổng Tử để nghe giảng.
Nhưng Tử Cống vì quá đói, nên đã lén lút đi ra ngoài xem Nhan Hồi nấu cơm đến đâu rồi. Nhưng không ngờ, anh ta lại nhìn thấy một cảnh tượng gây sốc. Nhan Hồi một tay bốc cơm trong nồi, một tay vội vàng nhét vào miệng, vì cơm vừa mới chín tới, nên Nhan Hồi bị bỏng đến nỗi phải nhe răng trợn mắt.
Tử Cống nhìn thấy vậy vừa tức vừa buồn cười, vội vàng chạy đến sau lưng Khổng Tử, lặng lẽ báo cáo lại sự việc. Khổng Tử tất nhiên không tin, vì Nhan Hồi là học trò mà ông cho là trung thực nhất. Tử Cống nói nếu thầy không tin, thì hãy tự mình đi xem. Khổng Tử đành phải nhìn qua cửa sổ, cũng nhìn thấy cảnh tượng tương tự. Tuy nhiên, ông không làm kinh động đến Nhan Hồi, chỉ giả vờ như không biết gì, nhưng trong lòng thì rất thất vọng về Nhan Hồi.
Một lúc sau, Nhan Hồi bưng cơm lên, Khổng Tử cố ý nói chúng ta hãy dùng cơm này để cúng tổ tiên trước, sau khi cúng xong mọi người sẽ cùng ăn. Vào thời Xuân Thu, cúng tổ tiên là một nghi lễ rất được coi trọng, điều quan trọng nhất là phải dùng thức ăn chưa ai động đến, nếu không sẽ là sự xúc phạm đến tổ tiên. Vì vậy, khi nghe thấy điều đó, Nhan Hồi liền quỳ xuống, xin Khổng Tử đừng cúng tổ tiên.
Khổng Tử hỏi tại sao không thể cúng tổ tiên, Nhan Hồi đành phải thừa nhận rằng mình đã ăn cơm rồi, nên không thể dùng để cúng tổ tiên được. Khổng Tử nghĩ thầm, mặc dù Nhan Hồi đã phạm lỗi, nhưng dám thừa nhận, vẫn có thể tha thứ một lần. Nhưng tiếp theo, Nhan Hồi lại nói một câu: "Thưa thầy! Thực ra con cũng không cố ý ăn vụng, vừa rồi do củi rơi vào nồi, con sợ thầy và các bạn ăn phải, nên con đã ăn phần cơm bị bẩn ở trên, để mọi người có thể ăn cơm sạch. Còn con thì không cần ăn nữa."
Nghe xong những lời này, Khổng Tử và các học trò đều sững sờ, vì họ không ngờ sự thật lại là như vậy. Im lặng hồi lâu, Khổng Tử mới nói một câu: "Tín giả mục dã, nhi mục do bất khả tín. Sở thị giả tâm dã, nhi tâm do bất túc thị, tri nhân cố bất dị dã."
Câu này có nghĩa là: "Những gì mắt thấy, chưa chắc đã là sự thật; chúng ta đều tin vào trái tim mình, nhưng trái tim cũng không đủ để tin tưởng. Chúng ta rất khó để hiểu được sự thật của sự vật; còn hiểu được một người thì lại càng khó hơn."
Trong cuộc sống, chúng ta thường nói: "Tai nghe là hư, mắt thấy là thực." Nhưng vô số trường hợp đã chứng minh rằng, dù bạn có nghe thấy, nhìn thấy, thì cũng có thể vẫn chưa hiểu được sự thật, bởi vì luôn có những thông tin ẩn giấu mà bạn không thể nắm bắt được, nằm ở những nơi bạn không nghe thấy, không nhìn thấy.
Ngay cả Khổng Tử cũng vì thế mà hiểu lầm Nhan Hồi. Vì vậy, để không bị người khác hiểu lầm, hoặc không hiểu lầm người khác, chúng ta cần phải làm là cố gắng duy trì sự giao tiếp toàn diện và trao đổi thẳng thắn. Đặc biệt là khi đưa ra những quyết định quan trọng, nhất định phải đặc biệt chú ý.
Theo Secretchina
Minh Nguyệt