Tại sao mọi người đều quên Lý Quỳ mà chỉ nhớ Võ Tòng đánh hổ?

Truyện 'Võ Tòng đánh hổ' xuất hiện trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9, tập 1 và được nhiều người biết đến. Thực tế trong Thủy Hử có hai anh hùng đánh hổ, đó là Võ Tòng và Lý Quỳ.
Câu chuyện Võ Tòng đánh hổ xuất phát từ hồi 22 "Hoành Hải quận Sài Tiến lưu tân, Cảnh Dương cương Võ Tòng đánh hổ"; câu chuyện Lý Quỳ đánh hổ xuất phát từ hồi 42 "Giả Lý Quỳ tiễn kính kiếp đơn thân, Hắc Toàn Phong Nghi Lĩnh sát tứ hổ".
Vậy, tại sao cùng là đánh hổ, Võ Tòng đánh hổ lại nổi tiếng hơn, và sách giáo khoa cũng chọn Võ Tòng đánh hổ?
Thứ nhất, xét về động cơ đánh hổ, Võ Tòng đánh hổ chính đáng hơn.
Vì ở Cảnh Dương cương, huyện Dương Cốc có con hổ dữ hại người, nha huyện dán cáo thị: "Vì ở Cảnh Dương cương mới có một con hổ lớn làm hại tính mạng con người, nay trượng hạn các xã, lý trưởng cùng những người thợ săn đi bắt chưa được. Nếu có khách buôn qua lại, nên vào ba giờ Tỵ, Ngọ, Mùi kết bạn qua núi; những giờ khác, và khách đi một mình, không được qua núi, sợ bị làm hại tính mạng. Mọi người nên biết rõ." Võ Tòng đánh hổ tương đương với việc trừ hại cho dân.
Còn Lý Quỳ đánh hổ, là xuất phát từ sự phẫn nộ. Lý Quỳ vì mẹ bị hổ dữ ăn thịt, để báo thù cho mẹ, anh ta đã chọn giết chết bốn con hổ, làm nổi bật hình tượng người con hiếu thảo trung nghĩa.
Thứ hai, xét về miêu tả tình tiết, Võ Tòng đánh hổ hấp dẫn hơn, còn Lý Quỳ đánh hổ quá đẫm máu:
Lý Quỳ giơ cây đao trong tay lên, đâm về phía hai con hổ con. Hai con hổ con hoảng sợ, cũng giương nanh múa vuốt, lao về phía trước; Lý Quỳ ra tay, trước tiên đâm chết một con, con còn lại liền chui vào trong hang. Lý Quỳ đuổi đến trong hang, cũng đâm chết nó. Lý Quỳ lại chui vào hang hổ, nấp bên trong, quan sát bên ngoài, chỉ thấy con hổ mẹ giương nanh múa vuốt đi về phía hang. Lý Quỳ nói: "Chính là con thú dữ này đã hại mẹ ta!" Liền bỏ cây đao xuống, rút dao bên hông ra. Con hổ mẹ đến cửa hang, trước tiên dùng đuôi quét vào trong hang một cái, rồi mới đưa nửa thân sau vào trong. Lý Quỳ ở trong hang nhìn rõ ràng, dùng dao đâm vào phía dưới đuôi con hổ mẹ, dùng hết sức bình sinh, liều mạng đâm một nhát, đúng vào hậu môn con hổ mẹ.
Lý Quỳ ra tay rất mạnh, cả cán dao cũng đâm thẳng vào bụng nó. Con hổ mẹ gầm lên một tiếng, từ cửa hang, mang theo con dao, nhảy qua bờ suối. Lý Quỳ cầm lấy cây đao, từ trong hang đuổi theo ra. Con hổ bị đau, cứ thế chạy thẳng xuống dưới tảng đá. Lý Quỳ đang định đuổi theo, thì thấy bên cạnh cây cối nổi lên một trận gió lớn, thổi lá cây rụng xuống như mưa.
Tục ngữ có câu: "Mây sinh ra từ rồng, gió sinh ra từ hổ." Một trận gió nổi lên, dưới ánh trăng sao, một tiếng gầm lớn vang lên, đột nhiên nhảy ra một con hổ trán trắng mắt xanh. Con hổ đó lao thẳng về phía Lý Quỳ. Lý Quỳ không hề hoảng hốt, thừa lúc con hổ đang lao tới, ra tay một nhát dao, đúng vào cằm con hổ. Con hổ không thể vồ hay cắn nữa: một là vì đau, hai là vì bị thương. Con hổ lùi lại chưa được năm bảy bước, chỉ nghe thấy một tiếng vang lớn, như nửa vách núi đổ xuống, lập tức chết ngay tại chỗ.
Lý Quỳ trong chốc lát đã giết chết bốn mẹ con nhà hổ, thực sự làm được "ăn miếng trả miếng, lấy mắt trả mắt". Ngày nay, hổ được coi là loài động vật quý hiếm và đang được bảo vệ, nhưng ở thời cổ đại xa xôi, hổ thực sự bị coi là loài thú dữ hại người, ăn thịt gia súc, gây ra mối nguy hại và thiệt hại lớn cho cuộc sống của người dân, vì vậy chính quyền cho phép người dân đánh giết hổ, đây cũng được coi là hành động trừ hại.
Nhưng nhìn từ góc độ ngày nay, hành vi của vị anh hùng Lương Sơn Bạc này thực sự quá tàn nhẫn, hơn nữa Lý Quỳ khi cướp pháp trường, đã giết hại dân thường vô tội, lúc đó Triều Cái còn quát: "Không liên quan đến dân chúng, đừng làm hại người!" Nhưng Lý Quỳ nào có nghe, "mỗi nhát rìu một mạng, cứ thế chém tới". Hơn nữa, Lý Quỳ dưới sự chỉ đạo của Tống Giang, để lừa Chu Đồng lên núi chặn đường lui của anh ta, đã dùng rìu chém đứa con trai bốn tuổi của quan tri phủ làm đôi, tình tiết này càng khiến người ta rùng mình.
Có học giả nghiên cứu cho rằng, trong số những người bị Lý Quỳ giết hại, người vô tội nhiều hơn hẳn những kẻ đáng tội, mà Lý Quỳ giết người, có sáu đặc điểm lớn, bao gồm: giết nhanh, giết nhiều, ai cản đường ta giết kẻ đó, giết nhiều người vô tội, không hề hối hận, thủ đoạn tàn nhẫn. Vì vậy, học giả này cho rằng, nếu phải chọn ra người tàn nhẫn nhất, vô nhân tính nhất trong "Thủy Hử", nhất định ông ta sẽ chọn Lý Quỳ!
Xem ra hành vi của Lý Quỳ, không chỉ là thiếu đi tình cảm thương người, mà là hoàn toàn vô nhân tính.
Theo Secrecchina
Minh Nguyệt