Tại sao mọi ý nghĩ của chúng ta đều rất quan trọng?

Tại sao mọi ý nghĩ của chúng ta đều rất quan trọng?
Dù người ta có tin hay không, mọi ý nghĩ của con người đều được ông trời ghi lại. (Ảnh: Public domain)

Câu nói cổ có câu: "Một ý nghĩ trong lòng người, trời đất đều biết. Thiện ác nếu không được báo đáp, trời đất ắt có tư tâm." Câu này có nghĩa là quả báo thiện ác luôn song hành, không ai có thể lừa dối thiên lý, thần linh luôn giám sát thiện ác mọi lúc mọi nơi.

Vì vậy, những người thực sự hiểu được điều này sẽ suy nghĩ kỹ về từng ý niệm của mình, không dám làm điều ác trái với thiên lý. "Quyến Giới Lục" của Lương Cung Thần triều Thanh đã ghi lại những câu chuyện như vậy.

Sấm sét phá hủy rượu độc

Cố Lão Thiệu, một người ở Ngô Giang, Giang Tô, làm nghề nấu rượu. Một ngày nọ, ông nhìn thấy một con rắn đỏ chết trong vò rượu. Ông biết rõ rượu đã bị nhiễm độc và uống vào sẽ gặp chuyện, nhưng lại không nỡ vứt bỏ số tiền đó. Vì vậy, Cố Lão Thiệu không chỉ không đổ rượu đi mà còn cùng người làm họ Nghiêm cất giữ hơn mười vò rượu dưới chân tường. Một thời gian sau, khi họ định mang rượu ra bán, đột nhiên sấm sét vang trời, tất cả các vò rượu đều bị sét đánh vỡ, may mắn là không ai xung quanh bị thương.

Cố Lão Thiệu lập tức tỉnh ngộ, hối hận và thường kể lại câu chuyện này cho người khác, cho rằng mình may mắn thoát khỏi sự trừng phạt của ông trời.

Rõ ràng, các vò rượu không bị vỡ do nguyên nhân khác mà bị sét đánh trước mắt mọi người, điều này khiến người ta không thể nghi ngờ đó là sự trùng hợp hay ngẫu nhiên, mà chỉ có thể tin rằng đó là lời cảnh báo của ông trời, từ đó sinh lòng kính sợ. Hơn nữa, rượu độc không được bán ra, không ai bị thương, ông trời để lại mạng sống là để cảnh tỉnh mọi người. Điều này cũng cho thấy rằng mặc dù việc xấu chưa được thực hiện, nhưng chỉ cần con người có ý nghĩ bất nhân, ông trời đã biết. Sự nhân từ của ông trời, sự nghiêm khắc trong việc phán xét thiện ác, đều có thể thấy được qua câu chuyện này.

Chiếm đoạt của người khác, hủy hoại tương lai

"Quyến Giới Lục" còn ghi lại câu chuyện về Từ Sĩ Phân, một quan chức thời Gia Khánh nhà Thanh. Từ Sĩ Phân, người Bình Hồ, Chiết Giang, đỗ đầu kỳ thi Hương năm Gia Khánh thứ 23, đỗ Tiến sĩ năm Gia Khánh thứ 24, làm quan ở Hàn Lâm Viện. Thời Đạo Quang, ông lần lượt làm Phó khảo quan Giang Nam, Học sĩ Nội Các kiêm Thị lang Lễ Bộ, thăng đến chức Tả Thị lang Công Bộ.

Trước khi Từ Sĩ Phân nổi tiếng, có một sự việc xảy ra. Năm Gia Khánh thứ 23 (1818), ông và anh họ Từ Sĩ Phương cùng nhau đến tỉnh thành Hàng Châu để dự thi Hương. Trên đường đi, khi nghỉ trọ tại một quán trọ, Từ Sĩ Phân nhặt được một gói đồ, có lẽ là của người khách trọ trước để quên. Mở ra xem, bên trong toàn là đồ trang sức của phụ nữ.

Từ Sĩ Phân cho rằng không thể lấy số tiền bất ngờ này, nên phải ở lại đây chờ người mất đồ quay lại tìm rồi trả lại cho họ. Từ Sĩ Phương miệng thì đồng ý, nhưng lại bảo Từ Sĩ Phân đi trước, nói rằng mình sẽ ở lại giữ gói đồ. Từ Sĩ Phân không biết Từ Sĩ Phương đang nói dối, nên đã thực sự rời đi trước.

Sau khi em họ đi, Từ Sĩ Phương đã giấu gói đồ và cũng lên đường đến tỉnh thành. Khi cả hai đến tỉnh thành, Từ Sĩ Phân hỏi anh họ có tìm được người mất đồ không, Từ Sĩ Phương đã nói dối một cách trôi chảy, không ai có thể chứng minh lời anh ta nói là giả.

Không lâu sau, cả hai cùng vào trường thi. Sau khi thi xong, Từ Sĩ Phân không hài lòng với bài văn của mình, không còn hy vọng gì về việc có tên trên bảng vàng.

Đến ngày xướng danh, tên của Từ Sĩ Phương đã được ghi trong danh sách. Điều kỳ lạ là, khi quan khảo thí viết tên Từ Sĩ Phương, viết đến chữ "Phương", bấc đèn đột nhiên nổ tung, rơi ngay vào bài thi. Khi quan khảo thí vội vàng lau đi, một góc bài thi đã bị cháy.

Các quan nói rằng người này chắc chắn đã làm điều gì đó xấu xa, nên thay thế anh ta. Nhưng có người cho rằng danh sách đã được xác định từ trước, việc thay đổi không dễ dàng. Cuối cùng, quan chủ khảo quyết định: "Điều này không thành vấn đề, có thể sửa chữa danh sách."

Vì vậy, mọi người vội vàng lấy ra các bài thi dự phòng để thay thế. Mở niêm phong, bài thi đầu tiên có tên là "Từ Sĩ Phân"(徐士芬). Mọi người đều ngạc nhiên: "Không cần phải sửa gì cả, chỉ cần thêm một nét dưới chữ 'Phương'(徐士芳) là được."

Từ Sĩ Phân vì có thiện niệm mà được ông trời ban phước, còn anh họ của ông từ đó sống một cuộc đời mờ nhạt.

Dù người ta có tin hay không, mọi ý nghĩ của con người đều được ông trời ghi lại, vì vậy nếu muốn có được phúc báo, nhất định phải chú ý đến suy nghĩ của mình, đừng đi lệch khỏi con đường thiện lương!

Theo Secretchina
Minh Nguyệt

Đọc tiếp