Tại sao nói: 'Thiên thời' không bằng 'địa lợi', địa lợi không bằng 'nhân hòa'

Tại sao nói: 'Thiên thời' không bằng 'địa lợi', địa lợi không bằng 'nhân hòa'
Hình minh họa "Thanh minh thượng hà đồ" của Cừu Anh thời nhà Minh. (Ảnh: Miền công cộng)

"Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa", (Thời cơ (thiên thời) không bằng địa lợi (lợi thế về địa hình), địa lợi không bằng nhân hòa (lòng người). Câu nói này ai cũng biết, nhưng liệu bạn có thực sự hiểu rõ ý nghĩa sâu xa trong đó không?

Câu nói này của Mạnh Tử, trích từ "Mạnh Tử - Công Tôn Sửu Chương Câu Hạ". Mạnh Tử luận giải vấn đề này như sau:

"Thành ba dặm, quách bảy dặm, vây đánh mà không thắng. Vây đánh ắt có được thiên thời, thế nhưng không thắng được, là bởi thiên thời không bằng địa lợi vậy."

(Nguyên văn: "Tam lý chi thành, thất lý chi quách, hoàn nhi công chi nhi bất thắng. Phu hoàn nhi công chi, tất hữu đắc thiên thời giả hĩ; nhiên nhi bất thắng giả, thị thiên thời bất như địa lợi dã." - Mạnh Tử - Công Tôn Sửu Chương Câu Hạ)

Ông nói, ví dụ có một thành nhỏ, hãy tưởng tượng, nội thành của thành này chỉ có chu vi ba dặm, ngoại thành cũng chỉ có bảy dặm, quy mô đủ nhỏ rồi chứ? Nhưng nếu kẻ thù đến vây hãm nó, liệu có chắc chắn đánh chiếm được không? Chưa chắc đâu! Có thể vây hãm được, nhất định là đã có được thiên thời, nhưng lại không thể chiến thắng, đây chính là "thiên thời bất như địa lợi", nghĩa là thời điểm thuận lợi cho chiến đấu cũng không bằng địa hình thuận lợi cho chiến đấu.

Nhưng đôi khi, dù tường thành cao lớn, hào sâu rộng, vũ khí trang bị tinh xảo sắc bén, lương thực dự trữ dồi dào, nhưng bên phòng thủ lại rơi vào kết cục bỏ thành chạy trốn. Điều này cho thấy "địa lợi bất như nhân hòa", nghĩa là địa hình chiến đấu dù tốt đến đâu cũng không bằng lòng dân, sức mạnh đoàn kết.

"Thành không phải không cao, hào không phải không sâu, binh khí không phải không sắc bén, lương thực không phải không nhiều; thế nhưng bỏ thành mà đi, là bởi địa lợi không bằng nhân hòa vậy."

(Nguyên văn: "Thành phi bất cao dã, trì phi bất thâm dã, binh cách phi bất kiên lợi dã, mễ túc phi bất đa dã; ủy nhi khứ chi, thị địa lợi bất như nhân hòa dã." - Mạnh Tử - Công Tôn Sửu Chương Câu Hạ)

Vì vậy, để khiến dân chúng an cư lạc nghiệp mà không di cư đến nơi khác, không cần dựa vào việc phân định ranh giới lãnh thổ; để củng cố quốc gia, không cần dựa vào sự hiểm trở của núi sông; để uy hiếp thiên hạ, không cần dựa vào sức mạnh quân sự.

Cho nên nói: “Giữ dân không nhờ vào biên giới lãnh thổ, củng cố quốc gia không nhờ vào hiểm trở núi sông, uy hiếp thiên hạ không nhờ vào sức mạnh quân sự."

(Nguyên văn: Cố viết: Vực dân bất dĩ phong cương chi giới, cố quốc bất dĩ sơn khê chi hiểm, uy thiên hạ bất dĩ binh cách chi lợi.- Mạnh Tử - Công Tôn Sửu Chương Câu Hạ)

Chỉ cần quân chủ thực hiện chính sách nhân từ có lợi cho dân chúng, mọi người sẽ ủng hộ ông ta. Nếu không thực hiện chính sách nhân từ, mà còn làm điều xấu đối với dân chúng, thì người ủng hộ ông ta sẽ ít đến mức cực điểm, thậm chí sẽ bị phản bội, ngay cả người thân cũng mong ông ta gặp xui xẻo. Người ủng hộ bạn nhiều đến mức cực điểm, cả thiên hạ sẽ quy phục bạn. Cả thiên hạ đều đến giúp bạn, đi đánh người mà ngay cả người thân cũng không ưa, vậy thì, người quân tử hoặc là không đánh, nếu đánh thì chắc chắn sẽ thắng!

"Người có đạo được nhiều người giúp đỡ, kẻ mất đạo ít người giúp đỡ. Ít người giúp đến cùng cực thì ngay cả họ hàng cũng phản bội; được nhiều người giúp đến cùng cực thì cả thiên hạ đều thuận theo. Lấy thiên hạ làm chỗ dựa để đánh kẻ mà ngay cả họ hàng cũng phản bội; cho nên người quân tử nếu không đánh thì thôi, đã đánh thì tất thắng."

Nguyên văn: "Đắc đạo giả đa trợ, thất đạo giả quả trợ. Quả trợ chi chí, thân thích bạn chi; đa trợ chi chí, thiên hạ thuận chi. Dĩ thiên hạ chi sở thuận, công thân thích chi sở bạn; cố quân tử hữu bất chiến, chiến tất thắng hĩ." - Mạnh Tử - Công Tôn Sửu Chương Câu Hạ

Mạnh Tử luận bàn, thiên thời, địa lợi, nhân hòa, tuy tam yếu tố cộng hưởng, song nhân hòa vi thượng. Dẫu thời cơ thuận lợi, đất đai màu mỡ, nếu lòng người ly tán, đại nghiệp khó thành. Vậy nên, bậc quân tử dụng nhân chi đạo, lấy đức phục chúng, đoàn kết muôn dân, ắt vạn sự hanh thông, quốc thái dân an.

Theo SOH

Tùng Anh biên dịch

Đọc tiếp