Tại sao "Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa?"

Câu nói: "Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa" quả thực rất nổi tiếng, ai ai cũng biết, nhưng liệu bạn đã thực sự hiểu rõ ý nghĩa sâu xa bên trong câu nói này chưa?
Câu nói này do Mạnh Tử đưa ra, trích từ sách "Mạnh Tử - Công Tôn Sửu chương cú hạ" . Mạnh Tử đã giải thích vấn đề này như sau:
Ông lấy ví dụ về một tòa thành nhỏ, hãy tưởng tượng tòa thành này có nội thành chỉ rộng ba dặm, ngoại thành cũng chỉ có bảy dặm, quy mô đủ nhỏ rồi phải không? Nhưng nếu kẻ địch đến vây hãm, liệu có chắc chắn đánh chiếm được không? Chưa chắc đâu! Có thể vây hãm được, chắc chắn là đã chiếm được thiên thời, nhưng lại không thể chiến thắng, đó chính là "thiên thời bất như địa lợi", nghĩa là thời cơ thuận lợi cho chiến đấu cũng không bằng địa hình thuận lợi cho chiến đấu.
Nguyên văn: "Tam lý chi thành, thất lý chi quách, hoàn nhi công chi nhi bất thắng. Phu hoàn nhi công chi, tất hữu đắc thiên thời giả hĩ; nhiên nhi bất thắng giả, thị thiên thời bất như địa lợi dã." - Mạnh Tử - Công Tôn Sửu chương cú hạ.
Tạm dịch: Thành rộng ba dặm, ngoại thành rộng bảy dặm, bao vây tấn công mà không thắng được. Đã bao vây tấn công, ắt là có được thiên thời; thế mà không thắng được, ấy là bởi thiên thời không bằng địa lợi vậy.
Nhưng đôi khi, mặc dù tường thành cao lớn, hào sâu rộng, vũ khí trang bị tinh lương sắc bén, lương thực dự trữ đầy đủ, nhưng bên phòng thủ lại rơi vào kết cục bỏ thành mà chạy. Điều này chứng tỏ "địa lợi bất như nhân hòa", nghĩa là địa hình chiến đấu dù có tốt đến đâu cũng không bằng lòng dân, sức mạnh đoàn kết.
Nguyên văn: "Thành phi bất cao dã, trì phi bất thâm dã, binh cách phi bất kiên lợi dã, mễ túc phi bất đa dã; ủy nhi khứ chi, thị địa lợi bất như nhân hòa dã." - Mạnh Tử - Công Tôn Sửu chương cú hạ.
Tạm dịch: Thành không phải là không cao, hào không phải là không sâu, binh khí không phải là không sắc bén, lương thực không phải là không nhiều; (nhưng) bỏ thành mà đi, điều đó có nghĩa là địa lợi không bằng nhân hòa.
Vì vậy, muốn cho dân chúng an cư lạc nghiệp mà không di cư đến nơi khác, không cần dựa vào việc phân định ranh giới lãnh thổ, củng cố đất nước không cần dựa vào núi sông hiểm trở, uy hiếp thiên hạ không cần dựa vào vũ lực hùng mạnh.
Nguyên văn: "Cố viết: Dịch dân bất dĩ phong cương chi giới, cố quốc bất dĩ sơn khê chi hiểm, uy thiên hạ bất dĩ binh cách chi lợi." - Mạnh Tử - Công Tôn Sửu chương cú hạ.
Tạm dịch: Cho nên nói: Giới hạn đất đai của dân không phải bằng biên giới, củng cố quốc gia không phải bằng núi non hiểm trở, uy hiếp thiên hạ không phải bằng sức mạnh binh khí. Người có đạo thì được nhiều người giúp đỡ, kẻ mất đạo thì được ít người giúp đỡ. Ít người giúp đỡ đến cùng cực thì ngay cả họ hàng cũng phản lại; được nhiều người giúp đỡ đến cùng cực thì cả thiên hạ đều theo về. Lấy cái mà thiên hạ theo về để đánh cái mà họ hàng phản lại, vậy nên người quân tử có khi không cần đánh mà vẫn thắng.
Chỉ cần vua chúa thi hành chính sách nhân từ có lợi cho dân chúng, thì mọi người sẽ ủng hộ. Nếu không thi hành chính sách nhân từ, mà còn làm nhiều điều xấu xa với dân chúng, thì người ủng hộ sẽ ít đến cực điểm, thậm chí sẽ bị mọi người phản bội, ngay cả người thân cũng mong ông ta gặp xui xẻo. Người ủng hộ đông đảo đến cực điểm, thiên hạ sẽ quy phục. Cả thiên hạ cùng giúp đỡ, đi đánh kẻ mà ngay cả người thân cũng không ưa, vậy thì, người quân tử hoặc là không đánh, nếu đánh thì chắc chắn sẽ thắng!
Nguyên văn: "Đắc đạo giả đa trợ, thất đạo giả quả trợ. Quả trợ chi chí, thân thích bạn chi; đa trợ chi chí, thiên hạ thuận chi. Dĩ thiên hạ chi sở thuận, công thân thích chi sở bạn; cố quân tử hữu bất chiến, chiến tất thắng hĩ." - Mạnh Tử - Công Tôn Sửu chương cú hạ.
Tạm dịch: Người có đạo thì được nhiều người giúp đỡ, kẻ thất đạo thì được ít người giúp đỡ. Ít người giúp đỡ đến cùng cực thì ngay cả người thân cũng phản bội; được nhiều người giúp đỡ đến cùng cực thì cả thiên hạ đều quy phục. Lấy cái mà thiên hạ quy phục để đánh cái mà người thân phản bội; bởi vậy người quân tử có khi không cần đánh, mà đánh thì nhất định thắng.
Theo Soundofhope
Minh Nguyệt