Tầm quan trọng của niềm vui trong cuộc sống (1)

Tầm quan trọng của niềm vui trong cuộc sống (1)
Một phần bức tranh "Nhân vật cố sự sách - Thổi tiêu dẫn phượng" của họa sĩ đời Minh là Cừu Anh. (Ảnh: Bảo tàng Cố Cung Đài Loan)

Trung Quốc vốn được gọi là nước trọng lễ nghĩa. Lễ nhạc giáo hóa luôn đồng hành cùng dân tộc Hoa Hạ, duy trì nền văn minh Thần truyền trên đất Thần Châu suốt năm nghìn năm qua.

Truyền thuyết kể rằng từ khi Bàn Cổ khai thiên lập địa đã có điệu múa Trường cổ, Nữ Oa có điệu múa Sung nhạc, Phục Hy thị có điệu múa Phù lai, Thần Nông thị có điệu múa Phù lê. Từ thời Hoàng Đế trở về sau, lại có nhạc chương Hàm trì; Đại chương; Thiệu; Nam phong; Đại hộ; Đại vũ v.v... Mỗi triều đại đều có nhạc chương đặc chế riêng.

Các bậc Thánh vương thấu hiểu sâu sắc rằng: Tâm là gốc thiện, cũng là nguồn gốc của cái ác. Muốn ngăn chặn cái ác, phát huy cái thiện, cứu vớt và quy chính nhân tâm, chỉ có thể dựa vào Thiên đạo.

Ban sơ khi con người sinh ra, bản tính vốn thiện lương, bình thản, do cảm xúc trước sự cám dỗ của ngoại vật mà sinh ra tình cảm yêu ghét, tình cảm yêu ghét không được tiết chế sẽ bị ngoại vật đồng hóa mà đánh mất bản tính tiên thiên hòa ái, thiện lương, từ đó tà niệm hợp sinh, không ngừng theo đuổi dục vọng cá nhân, tà ác phóng đãng, không việc ác nào không làm. Như vậy thì thiên hạ đại loạn đã đến.

Vì vậy, các bậc Thánh vương căn cứ vào đạo trung dung, hòa hợp của trời đất mà chế định ra lễ nhạc, nhạc để chỉnh tâm, lễ để chỉnh hành vi, dùng lễ nhạc để điều chỉnh, thống nhất nhân tâm đến với đạo trung chính, hòa ái của trời đất.

Kinh Lễ Ký - Nhạc Ký có câu: "Nhạc lớn hòa cùng trời đất, lễ lớn hợp với tiết tấu trời đất." Âm nhạc cao thượng tốt đẹp hòa hợp với trời đất, lễ nghi văn minh thịnh vượng cùng trật tự với trời đất. Hòa hợp với đạo của trời đất, chính là âm thanh tốt đẹp, nhạc tao nhã, âm thanh chính thống. Không hợp với trời đất chính là tà bích, là âm thanh đồi trụy, dâm loạn. Vua thánh dùng nhạc lớn hòa hợp với đạo của trời đất để điều hòa tâm trí con người, dùng lễ lớn hợp với trật tự của trời đất để tiết chế hành vi con người. Tâm trí và hành vi của con người đều phù hợp với đạo của trời đất rồi, thì tự nhiên thiên hạ thái bình mà quốc thái dân an.

Vậy, âm nhạc thật sự có tác dụng lớn như vậy sao?

Người xưa từ lâu đã nhận thức được rằng: Thiên đạo trung dung hòa hợp là quy luật tự nhiên, thuận theo thì hưng thịnh, trái nghịch thì diệt vong. Bởi vậy mới có những lời dạy cổ xưa như "vật cực tất phản", "quá do bất cập", "duyệt chấp quyết trung", "trì trung thủ chính".

Các bậc thánh vương chế định ra đại lễ, đại nhạc đều trung chính, tường hòa, cùng đức, cùng thứ tự với trời đất. Cùng với trời đất đồng nhất, bởi vậy mới có được pháp lực vô biên của trời đất như "không làm mà thành", "không nói mà tin", "không giận mà uy".

Trong "Thượng thư - Ích Tức" có viết: "Tiêu Thiều cửu thành, phượng hoàng lai nghi". Bản nhạc Tiêu Thiều thời vua Thuấn, tấu liên tục chín chương, phượng hoàng cũng bay đến múa theo tiếng nhạc. Tiêu Sử lộng ngọc thổi sinh thổi tiêu, cảm hóa trời đất, dẫn đến xích long tử phong, cả hai cùng cưỡi, thành tiên bay lên trời. Nhã nhạc có thể cảm thông trời đất thần linh giáng xuống điềm lành, huống hồ là cảm hóa lòng người?

Cho nên, các bậc thánh vương thời xưa đều coi trọng lễ nhạc giáo hóa, đều dùng đại nhạc - đức âm, nhã nhạc, chính thanh để điều hòa, đoan chính lòng người, từ đó an bang định quốc.

Khổng Tử khi học tập nhạc Thiều ở nước Tề, đã đến ba tháng mà không biết mùi vị của thịt. (Ảnh: Public Domain)

Đối với cá nhân, nhạc nhã có thể hòa hợp tinh thần và thể xác, cải thiện tâm hồn và nâng cao cảnh giới đạo đức của con người. Khổng Tử khi học tập nhạc Thiều ở nước Tề, đã đến ba tháng mà không biết mùi vị của thịt. Ông cảm thán rằng: Không ngờ nghe nhạc lại đạt đến mức độ này!

Tương truyền rằng khi Sư Khoáng gảy đàn, ngựa sẽ quên ăn cỏ, ngẩng đầu lên lắng nghe; chim đang kiếm ăn sẽ quên bay, ngước nhìn say mê và đánh rơi thức ăn trong miệng. Điều này cho thấy sức cảm hóa to lớn và sâu sắc của nhạc nhã.

Nền giáo dục lễ nhạc có thể dung hòa lòng dân, thay đổi phong tục, khiến đất nước trị an, dân chúng yên ổn. Tử Du, học trò của Khổng Tử, làm quan ở đất Vũ Thành, chú trọng dùng lễ nhạc để giáo hóa dân chúng. Trong thành thường vang lên tiếng đàn hát. Tử Du gặp Khổng Tử, thưa rằng: "Con thường nghe thầy dạy: 'Quân tử học lễ nhạc thì sẽ biết yêu người, tiểu nhân học lễ nhạc thì sẽ biết hòa thuận'. Con dùng lễ nhạc để giáo hóa họ, chính là muốn họ có thể trau dồi phẩm hạnh. Nay dân chúng trong thành đều biết lễ nhường, sống hòa thuận với nhau. Đó chính là mục đích ban đầu khi con cai trị." Khổng Tử nghe xong rất vui mừng. Dưới sự cai trị của Tử Du, Vũ Thành luôn thái bình, yên ổn.

Đối với bậc thánh nhân, sức mạnh cảm hóa lòng người của nhạc nhã còn hơn cả triệu hùng binh.

Thời vua Thuấn, bộ tộc Hữu Miêu không chịu thần phục, vua Vũ muốn dùng vũ lực chinh phạt. Vua Thuấn nói: "Không được, giáo hóa đức chính chưa đủ mà đã động binh, điều này không hợp với đạo trị quốc." Sau đó, nhà vua sửa sang chính sự, thi hành giáo hóa trong ba năm, khiến cho người ta tay cầm mộc và thuẫn mà múa hát, dùng vũ điệu đức hạnh tốt đẹp thay cho vũ lực để cảm hóa đối phương, cuối cùng không cần đánh mà khuất phục được quân địch, khiến cho bộ tộc Hữu Miêu quy thuận.

Khổng Tử chu du khắp các nước, đến nước Khang, bị người Khang vây chặt, tình thế ngày càng nguy cấp. Các đệ tử đều lo sợ, nhưng Khổng Tử vẫn gảy đàn ca hát, tiếng đàn không dứt. Tử Lộ vào yết kiến, thưa rằng: "Thưa thầy, sao thầy vẫn vui vẻ như vậy?"

Khổng Tử nói: "Lại đây, ta nói cho con! Ta trốn tránh khốn cảnh đã lâu, nhưng chung quy vẫn không tránh khỏi bị vây hãm, đó là số mệnh! Ta cầu mong được hanh thông cũng đã lâu, nhưng chung quy vẫn không được hanh thông, đó là do thời vận không đến! Vào thời Nghiêu, Thuấn, thiên hạ không có ai bị khốn cùng, không phải vì họ đặc biệt thông minh; vào thời Kiệt, Trụ, thiên hạ không có ai hanh thông, không phải vì họ không thông minh, mà là do thời vận tạo nên. Đi thuyền trên sông mà không sợ giao long, đó là dũng cảm của người đánh cá; đi trên đất liền mà không sợ tê giác, hổ dữ, đó là dũng cảm của người thợ săn; gươm giáo chĩa vào ngực mà coi cái chết như sự sống, đó là dũng cảm của người tráng sĩ; biết rằng bị khốn cùng là do mệnh trời, hanh thông là do thời vận, đối mặt với đại nạn mà không sợ hãi, đó mới là dũng cảm của bậc thánh nhân! Trọng Do (tên chữ của Tử Lộ), cứ bình tĩnh mà đối mặt! Mệnh của ta là do trời định!"

Nói xong, Khổng Tử lại gảy đàn, Tử Lộ cùng các đệ tử hát theo. Không lâu sau, người cầm đầu quân vây tới tạ lỗi, rút quân giải vây.

Khổng Tử lại gảy đàn, Tử Lộ cùng các đệ tử hát theo. Không lâu sau, người cầm đầu quân vây tới tạ lỗi, rút quân giải vây. (Ảnh: Public Domain)

Nhạc nhã là thứ mà người quân tử dùng để nuôi dưỡng đạo nghĩa. Âm thanh tốt đẹp của nhạc nhã, là thứ mà người quân tử dùng để tu dưỡng đạo đức. "Đức thành ở trên, nghệ thành ở dưới." Sức mạnh của đạo đức luôn luôn cao hơn kỹ nghệ. Thánh nhân quân tử có đạo cao đức trọng muốn hàng phục kẻ vô đạo, bạc đức, tự nhiên không tốn sức. Vua Thuấn múa nhạc để cảm hóa người Miêu, Khổng Tử gảy đàn để giải vây, Gia Cát Lượng gảy đàn không thành đuổi địch, chẳng phải đều là như vậy sao?

Khổng Tử nói: "Cho nên người ở xa không phục, thì phải tu sửa văn đức để chiêu dụ họ." Văn đức, chính là nói về "văn trị" tương phản với "võ công", chính là lễ nhạc giáo hóa. Công lao "văn trị" của lễ nhạc giáo hóa, thực sự vượt xa "võ công" tốn kém tiền của, sức dân mà bất đắc dĩ mới phải dùng. Cho nên người quân tử tu thân, trị quốc, bình thiên hạ, lễ nhạc không thể rời xa trong chốc lát.

Theo Soundofhope
Minh Nguyệt