Tăng Quốc Phiên: Cách tuyệt vời nhất để thay đổi vận mệnh chính là nằm ở hai chữ này
Vào thời Mãn Thanh, có một người như vậy. Ông từng dùng cả hai tiếng đồng hồ mà không thuộc nổi một bài văn đơn giản, khiến tên trộm trốn trên xà nhà cũng cười nhạo sự ngu ngốc hết phần thiên hạ của ông.
Bản thân ông cũng năm lần bảy lượt thi trượt, thậm chí còn bị quan giám khảo phê là “lời văn không logic” và mang nó ra công bố như một tài liệu giảng dạy tiêu cực.
Người này chính là Tăng Quốc Phiên. Nhưng một người “ngu ngốc” như vậy lại được người đời sau gọi là: “Hiền nhân cuối cùng của Trung Quốc cổ đại và là hiền nhân đầu tiên của Trung Quốc cận đại”.
Có người từng nói rằng với người đời sau mà nói, Tăng Quốc Phiên đã dùng thực tiễn của mình để chứng minh với mọi người rằng một người bình thường hoàn toàn có thể nhờ vào sự chăm chỉ mà thay đổi vận mệnh và trở thành "người siêu thường".
Cách tốt nhất mà Tăng Quốc Phiên dùng để thay đổi cuộc đời mình không gì khác hơn là hai chữ: đọc sách.
1. Đọc sách là bước đệm để tiến bộ
Tăng Quốc Phiên sinh ra tại một ngôi làng nhỏ ở Hồ Nam. Nhà ông đời đời làm ruộng, đến đời ông nội ông, họ đã nỗ lực rất nhiều cho con cái ăn học với hy vọng thay đổi vận mệnh của gia tộc họ Tăng.
Tuy nhiên, cha của Tăng Quốc Phiên thời trẻ đã không thực hiện được tâm nguyện của ông nội. Thế là, mọi hy vọng đều được gửi gắm lên người Tăng Quốc Phiên.
Nhưng những người biết về sự tích của Tăng Quốc Phiên đều biết ông không phải người thông minh bẩm sinh, thậm chí có thể nói là hơi "ngu ngốc".
Năm 13 tuổi, ông bắt đầu tham gia kỳ thi tú tài, nhưng lần nào cũng trượt. Sự việc này trở thông chủ đề bàn tán của dân làng, mọi người đều cười nhạo ông: “Người đâu ngu ngốc mà không tự biết, người đâu mà không biết tự lượng sức mình”.
Nhưng Tăng Quốc Phiên không chịu bỏ cuộc. Ông đọc sách một lần không hiểu, thì đọc mười lần, trăm lần.
Trời cao không phụ lòng người, cuối cùng ông đã vượt qua kỳ thi tú tài vào lần thứ bảy, từ đây ông cũng đã viết lại vận mệnh của gia tộc họ Tăng, mở ra một con đường hưng thịnh của gia tộc.
Sau hơn một trăm năm đọc sách, gia tộc họ Tăng đã sản sinh ra rất nhiều nhân tài. Hai trăm bốn mươi con cháu thuộc tám thế hệ của gia tộc họ Tăng không có con cháu nào lụn bại, điều này đã phá vỡ vòng luẩn quẩn “không ai giàu ba họ", điều này cũng tạo nên một gia tộc huyền thoại.
Nhà văn Trương Gia Vỹ từng nói: “Hầu hết những người phàm phu chúng ta thường than trách bản thân thiếu tài năng, không đủ khả năng sáng tạo, thực ra đều là ảo giác”.
Quy kết đến sau cùng của vấn đề thì không gì khác hơn là sự lười biếng, trì hoãn và không chịu đọc sách, chỉ vậy mà thôi.
Nếu như nói vận mệnh đã đặt cho Tăng Quốc Phiên một khởi điểm không cao, thì việc học tập chăm chỉ chính là bước đệm để ông tiến về phía trước.
Giống như Tăng Quốc Phiên, người giàu nhất châu Á là ông Lý Gia Thành cũng thay đổi vận mệnh nhờ chuyên cần đọc sách.
Ông Lý Gia Thành theo gia đình chuyển đến Hồng Kông khi còn nhỏ. Sau đó, cha ông qua đời vì bệnh tật. Để nuôi mẹ và ba đứa em, ông Lý Gia Thành đã quyết định từ bỏ việc học và đi làm thuê để phụ giúp gia đình.
Nhưng ông không bao giờ quên đọc sách. Ban ngày ông làm nhân viên bán hàng cho một công ty sản xuất đồ chơi, buổi tối ông đi học đêm.
Sự siêng năng, chăm học, khôn ngoan và năng lực của ông đã được lãnh đạo ghi nhận, ông được thăng chức làm Tổng giám đốc một nhà máy sản xuất đồ chơi nhựa khi mới 20 tuổi.
Câu chuyện về sau mọi người đều biết, ông từng bước từng bước trở thông người giàu nhất châu Á.
Kinh nghiệm của ông Lý Gia Thành và Tăng Quốc Phiên đã cho chúng ta thấy rằng: Nếu không hài lòng với sự an bài ban đầu của số phận, thì hãy chuyên cần đọc sách.
Đọc sách là con đường ít tốn kém nhất để người bình thường thăng tiến.
2. Đọc sách là con đường tắt để lội người dòng trong cuộc đời
Ông Tăng Quốc Phiên, khi vừa mới vào làm quan đã đến Bắc Kinh. Tại đây, ông đã gặp nhiều người tài giỏi, thái độ nói chuyện, cười đùa của họ đều ôn tồn, lễ độ, hiểu biết sâu rộng.
Khi so sánh, Tăng Quốc Phiên nhận thấy mình có quá nhiều thiếu sót. Tánh ông liều lĩnh, làm bừa, không biết linh hoạt, điều này khiến ông vấp váp trên chốn quan trường.
Ông nhận thấy bản thân mình đọc sách trước đó đều là vì thi cử, chứ chưa đạt được hiệu quả tu thân dưỡng tính. Vì vậy, ông lần nữa quay lại với việc đọc sách. Ông đọc tư tưởng của các bậc thánh hiền, học hỏi từ những người lịch thiệp, đồng thời cũng viết ra tất cả những khuyết điểm của mình và sửa chữa mỗi từng khuyết điểm.
Mấy năm sau đó, tính tình của ông đã thay đổi rõ rệt. Ông không còn kiêu ngạo và thô lỗ nữa, mà thay vào đó ông rất ôn hòa, lịch sự trong việc đối đãi với mọi người, cách cư xử cũng ngày càng khiêm tốn.
Những thay đổi như vậy đã giúp con đường sự nghiệp của ông thăng tiến như diều gặp gió. Chưa đầy mười năm, ông đã được thăng từ quan thất phẩm lên Binh bộ Thị lang.
Ông Lý Gia Thành từng nói: “Mặc dù việc học không thể mang lại cho chúng ta nhiều của cải hơn, nhưng nó có thể mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội hơn”.
Cha ông chúng ta đã đem những kinh nghiệm sống quý giá của mình viết vào trong sách. Những cuốn sách bạn đọc sẽ hòa vào máu thịt bạn, làm phong phú suy nghĩ của bạn, giúp bạn mở rộng tầm nhìn và trở thành một phần sinh mệnh của bạn.
3. Đọc sách là nếp sống tốt đẹp nhất trong gia tộc
Để lại cho con một gia tài kếch xù chẳng bằng việc dạy chúng đọc nhiều sách.
Tăng Quốc Phiên từng viết trong bức thư gửi gia đình: “Ai cũng mong con cháu mình sẽ làm quan lớn. Ta không mong con cháu sẽ làm quan lớn, mà chỉ mong chúng trở thành người quân tử có học thức và hiểu biết”.
Có người cho rằng với thực lực của Tăng Quốc Phiên, chỉ cần đi đường tắt là có thể bố trí được địa vị tốt cho con cháu. Nhưng ông lại không làm như vậy, vì ông cho rằng so với việc làm quan, để con cháu đọc sách hiểu đạo lý còn quan trọng hơn.
Vì vậy, ông không bao giờ cho con cháu “ô dù”, mà yêu cầu chúng phải đọc sách nhiều hơn, phải chịu khó hơn. Con cháu đời sau của gia tộc họ Tăng đã làm theo lời dạy của ông và đã sản sinh ra hơn 200 nhân tài, bao gồm các nhà ngoại giao, giáo sư, hiệu trưởng, họa sĩ, v.v.
Như người ta thường nói: “Cho người ta con cá chẳng bằng cho họ cái cần câu”.
Để lại tiền tài cho con cháu, nhưng nếu chúng không có tinh thần cầu tiến, không lý trí, thì dù có để lại cho chúng nhiều tài sản hơn nữa, thì chúng cũng phung phí. Còn việc dạy con cháu đọc sách có thể sẽ giúp chúng thọ ích suốt cuộc đời.
Nhà văn Vương Định Quân từng nhắc đến trong hồi ký của mình những lời dạy mà cha mẹ đã dạy cho ông.
Trong thời đại bất ổn đó, cha mẹ ông không bao giờ quên dặn ông phải đọc sách nhiều hơn, dù có chuyển đi khắp nơi họ cũng sẽ tìm giáo viên để ông tiếp tục việc học. Điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của Vương Định Quân. Nhờ học hành chăm chỉ, sau này, ông trở thành nhà văn nổi tiếng. Ông không bao giờ quên và truyền lại “đọc sách” như một nếp sống gia đình.
Đọc sách không chỉ giúp con cháu tiếp thu các kỹ năng và có phương hướng trong cuộc sống; đọc sách còn có thể giúp con cháu tu thân dưỡng đức, có chỗ dựa vững chắc về tinh thần. Lấy việc đọc sách như một gia phong truyền lại cho con cháu là việc làm sáng suốt nhất.
Đại văn hào Shakespeare từng nói: “Sách là nguồn dinh dưỡng của cả thế giới. Cuộc sống không có sách như không có ánh nắng; trong trí tuệ mà không có sách thì như con chim không có cánh”.
Nếu bạn muốn phát triển đi lên, nhưng chưa tìm được đường đi thì hãy đọc sách trước. Nếu bạn muốn thay đổi vận mệnh của mình, nhưng lại cảm thấy mông lung mờ mịt, trước tiên bạn hãy đọc sách đi đã. Nếu bạn muốn gia đình thịnh vượng và có một nếp sống tốt đẹp, thì không gì hơn bằng việc đọc sách thánh hiền.
Kỳ thực rất nhiều câu hỏi và khúc mắc trong cuộc sống đều có thể được giải đáp trong sách. Nguyện cho bạn trong phần đời còn lại có thể bầu bạn với sách, qua việc đọc sách mà có được sự trưởng thành, qua việc đọc sách mà thăng hoa đạo đức, trở thành con người hoàn hảo hơn.
Theo Sohu
Thiện Quân biên dịch