Tăng Quốc Phiên: Gia đình suy bại đều do xa xỉ, con người thất bại đều do lười biếng
Tăng Quốc Phiên được người đời xưng tụng là vị thánh hiền hoàn hảo nhất trong lịch sử. Trong suốt sự nghiệp quan trường, chứng kiến biết bao thăng trầm của cuộc đời, thấu hiểu được sự được mất thành bại. Ông từng viết thư gửi con cháu trong gia đình để răn dạy, khuyên bảo, nhờ vậy mà các thế hệ sau của dòng họ Tăng chưa từng xuất hiện kẻ phá gia chi tử.
Hôm nay, xin chia sẻ với mọi người ba câu nói trong "Gia thư Tăng Quốc Phiên": "Gia bại ly bất đắc cá xa tự, nhân bại ly bất đắc cá dật tự, thảo nhân hiềm ly bất đắc cá kiêu tự." Gia đình suy bại không thể tách rời chữ xa xỉ; Con người sa ngã không thể tách rời chữ an nhàn. Câu nói này đã chỉ ra nguyên nhân suy bại của một gia đình. Nếu một gia đình có ba dấu hiệu này, thường là khởi đầu của sự suy tàn, phát hiện ra một điều thì phải cảnh giác!
1. Nhà bại không thể rời khỏi chữ "xa hoa"
Nhà thơ đời Đường Lý Thương Ẩn đã từng viết trong thơ rằng: "Ngẫm xem sự hưng vong của nước nhà thời trước, thành công là do cần kiệm mà thất bại là do xa xỉ". Lịch sử chảy trôi như dòng sông, người xưa cho rằng giàu sang phú quý đều nhờ vào "cần kiệm", mà sự suy tàn của một gia tộc giàu có đều bắt nguồn từ chữ "xa xỉ". Siêng năng hay lười biếng, tiết kiệm hay xa hoa chính là chìa khóa dẫn đến thành công hay thất bại.
Lịch sử đầy rẫy những ví dụ về việc xa hoa, lãng phí dẫn đến sự sụp đổ của quốc gia và gia đình: Hồ rượu rừng thịt của Trụ Vương nhà Thương, cuộc đua giàu sang xa xỉ của nhà Tấn, sự phô trương lãng phí của Tùy Dạng Đế nhà Tùy, sự hưởng lạc xa hoa của nhà Đường cuối thời... Tất cả đều là những bài học nhãn tiền.
Tăng Quốc Phiên tuy là vị quan trọng cuối thời nhà Thanh, nhưng vẫn lấy liêm khiết làm gốc, lấy tiết kiệm để xây dựng gia đình. Ông yêu cầu con cái dậy sớm, ngoài việc chăm chỉ học hành, còn đốc thúc chúng quét nhà, lau bàn, nhổ cỏ để rèn luyện tính cần cù.
Ông hiểu rõ rằng, dạy dỗ con cháu đức tính cần kiệm còn có lợi hơn nhiều so với việc dạy chúng cách ăn sung mặc sướng.
Một khi gia đình đã nhiễm thói xa hoa, con cháu đều ham chơi lười biếng, sẽ làm ra nhiều việc hoang đường, phá gia chi tử. Chỉ cần một đứa con bất hiếu hoang phí, cũng có thể khiến gia đình suy tàn.
Khắc tinh của sự xa hoa chính là tiết kiệm. Gia Cát Lượng trong "Giới tử thư" có viết: "Tĩnh dĩ tu thân, kiệm dĩ dưỡng đức". Chỉ có dựa vào sự tĩnh tâm mới có thể tu dưỡng thân tâm, chỉ có dựa vào tác phong giản dị mới có thể nuôi dưỡng phẩm đức.
2. Người ta thất bại không thể tách rời khỏi chữ "nhàn"
Trong "Tả truyện - Mẫn công nguyên niên" có câu: "Yến an trẫm độc, bất khả hoài dã" (An nhàn yến tiệc là thuốc độc, không thể quyến luyến). Ý nói rằng tham lam an nhàn hưởng lạc chẳng khác nào uống rượu độc tự sát, không thể mê luyến.
"Sinh ư ưu hoạn, tử ư an lạc", "ưu lao khả dĩ hưng quốc, dật dự khả dĩ vong thân" (Sống trong lo lắng nguy khó, chết trong an nhàn sung sướng; lo lắng khó nhọc có thể làm hưng thịnh đất nước, an nhàn hưởng lạc có thể làm mất thân), cho dù là kinh thư hay sử sách thời cổ đại đều nhấn mạnh điều này.
Chu Hy cũng từng nói: "Thiên hạ sự, bại ư lãn dữ tư" (Thiên hạ việc, hỏng ở lười và tư). Ý muốn nói nhìn chung sự hưng thịnh suy vong thành bại từ xưa đến nay, phàm là nguyên nhân dẫn đến một người thất bại, chủ yếu là do lười biếng và ích kỷ.
Phần lớn mọi người trên thế giới đều theo đuổi sự an nhàn sung sướng, nhưng lại không biết an nhàn sung sướng chỉ có thể khiến chúng ta thụt lùi. Còn lo lắng, vất vả, tuy rằng khiến người ta đau khổ, nhưng lại là đá mài để tôi luyện phẩm chất kiên cường của chúng ta.
3. Không thể dùng “kiêu ngạo” để lấy lòng người khác
Người ta thường nói: "Chỉ có người khiêm tốn mới nhận được phúc lành; kiêu căng thì thất bại; khiêm tốn thì thành công". Kiêu ngạo tự mãn sẽ chuốc lấy thiệt hại, chỉ có giữ một trái tim khiêm tốn thì mới có phúc khí, làm việc mới thuận lợi.
Một khi con người kiêu ngạo, họ sẽ đánh mất động lực tiến lên; một khi con người kiêu ngạo, chắc chắn sẽ khinh thường những người xung quanh, ra vẻ ta đây; một khi con người kiêu ngạo, chắc chắn sẽ lơ là cảnh giác trên mọi phương diện, tai họa, thất bại cũng sẽ ập đến. Kiêu ngạo là con đường tự hủy hoại mình, vì vậy người xưa nói "kẻ kiêu ngạo ắt thất bại".
Một người dù có công lao lớn đến đâu, nhưng vẫn luôn giữ được lòng kính sợ đối với cuộc sống, làm việc một cách thiết thực, khiêm tốn thận trọng, thì làm sao có thể không thành công?
Đối với người khác thì khiêm tốn lễ phép, sống hòa nhã với mọi người, không ngừng tích lũy phúc báo cho mình, nền tảng càng sâu, ngày sau mới có thể đơm hoa kết trái, con đường nhân sinh cũng sẽ càng đi càng rộng.
Theo Secretchina
Minh Nguyệt