Tên gọi “Trư Bát Giới” ẩn chứa huyền cơ. Rốt cuộc nhị sư huynh phải giới cấm điều gì?

Tên gọi “Trư Bát Giới” ẩn chứa huyền cơ. Rốt cuộc nhị sư huynh phải giới cấm điều gì?
Tên gọi “Trư Bát Giới” ẩn chứa huyền cơ. Rốt cuộc nhị sư huynh phải giới cấm điều gì? (Ảnh: Public Domain)

Trong tác phẩm Tây Du Ký, hình tượng nhân vật Trư Bát Giới ham ăn biếng làm, nhát gan sợ phiền phức, ham mê sắc đẹp, lại hay thích dở trò thông minh ặt, không thật thà, lương thiện luôn khiến các bạn nhỏ cảm thấy vui thích. Tuy nhiên biệt danh "Bát Giới" của nhị sư huynh rốt cuộc có nghĩa là gì? Chúng ta hãy cùng mạn đàm chia sẻ.

Khi Đường Tăng và Tôn Ngộ Không đi ngang qua Cao Lão Trang thì biết được ở núi Phúc Lăng có một con yêu quái. Con yêu quái  tình nguyện làm con rể Cao Thái ông. Nói ra cũng thật kỳ lạ, con yêu quái này chỉ thích ăn chay, không ăn chút đồ mặn nào, chỉ nhìn  một cách đơn thuần về điểm này cũng coi như có chút tự giới cấm, hạn chế. 

“Cao lão thưa: - Lúc mới đến, hắn là một người béo đen, sau biến ra một chàng ngốc mõm dài tai to, đằng sau gáy có lông mượt, thân thể thô lỗ đáng sợ, mặt mũi hình dáng giống như lợn vậy. Hắn ăn uống trông cũng rất khỏe, mỗi bữa ăn hết bốn năm đấu gạo, điểm tâm mỗi sáng cũng hết trăm bát cơm rang mới no. Cũng may là hắn chỉ toàn ăn chay."

...

"Cao lão nói: - Ăn chỉ là việc nhỏ thôi. Hắn còn biết cả gọi gió kêu mưa, đi mây về mù, đá lở cát bay, khiến cho cả nhà tôi và hàng xóm không được yên ổn. Hắn nhốt con Thúy Lan ở nhà sau nửa năm nay rồi tôi chẳng được gặp mặt, chẳng biết con sống chết ra sao. Vì vậy tôi mới biết hắn là yêu quái, nên phải mời pháp sư trừ khử hắn".

Ngộ Không là một người ham mê công việc. Khi nghe nói đến việc hàng yêu diệt quái thì lập tức trở nên sôi nổi nói:  "Việc ấy khó gì! Ông cứ yên tâm. Đêm nay tôi sẽ bắt nó, buộc nó viết tờ ly hôn, trả lại con gái cho ông, thế có được không?" Ngộ Không biến thành con gái út của nhà họ Cao, trò chuyện rồi trêu chọc Trư Bát Giới vừa đến. Khi Trư Cương Liệp nghe "cô" nói rằng "Bố mẹ định mời Tề thiên đại thánh, đại náo thiên cung năm trăm năm trước đến bắt chàng đấy" thì sợ hãi vội vàng đứng dậy đi ra cửa, bị Ngộ Không túm lấy, thì sợ quá bủn rủn chân tay, giật đứt quần áo đánh soạt một tiếng, biến thành một trận cuồng phong trốn thoát chạy về núi Phúc Lăng động Vân Sạn, lấy đinh ba chín răng giao chiến suốt một đêm với Tôn Ngộ Không, sau đó bị đánh bại và chạy vào trong động đóng cửa không dám chui ra.

Sợ sư phụ thắc thỏm mong chờ, Ngộ Không quay về báo tình hình và quay trở lại động Vân Sạn. Ngộ Không nhảy phắt tới ngọn núi, bước tới cửa động, vung gậy sắt nện một gậy làm hai cánh cửa nát vụn, rồi quát mắng: - Đồ chết toi hèn mọn đâu rồi, mau ra đánh nhau với lão Tôn".

Trư Bát Giới vốn là Thiên Bồng nguyên soái, vì phạm lỗi trêu ghẹo Hằng Nga nên bị đày xuống hạ giới và đầu thai thành lợn rừng.  Tuy mang thân hình lợn nhưng vẫn nhớ lời dạy của Bồ Tát, linh tính vẫn còn chưa hề bị tiêu hết.

Yêu quái nói:  "Con khỉ kia, ta còn nhớ khi nhà ngươi đại náo thiên cung, nhà ngươi ở động Thủy Liêm núi Hoa Quả, nước Ngạo Lai, thuộc Đông Thắng Thần Châu, lâu lắm ta không nghe thấy tiếng tăm, làm sao bây giờ lại tới đây lừa ta? Hay là ông bố vợ ta đi mời nhà ngươi tới?"

Hành giả nói: "- Bố vợ nhà ngươi đâu có đi mời. Do lão Tôn cải tà quy chính, bỏ đạo theo tăng bảo vệ em vua nước Đại Đường bên phương Đông là pháp sư Tam Tạng sang phương Tây lễ Phật cầu kinh, dọc đường ghé vào thôn Cao Lão ngủ nhờ, nhân Cao lão kể chuyện ra, xin ta cứu hộ cô con gái và bắt lấy quân ăn hại nhà ngươi!"

Đúng là không đánh không thành bạn, yêu quái nghe nói như vậy, vội vàng vứt đinh ba, dạ một tiếng thật to, rồi nói: "- Người lấy kinh ở đâu? Phiền anh đưa tôi đến gặp mặt”

Tại sao một con yêu quái lại muốn gặp người đi thỉnh kinh, Ngộ Không cảm thấy rất tò mò, 

Yêu quái nói: "- Tôi vốn được đức Quan Âm bồ tát khuyến thiện, nhận giới hạnh của người, dặn tôi ở đây ăn chay giữ giới để sau này theo người lấy kinh sang phương Tây lễ Phật cầu kinh, lập công chuộc tội trở về, đắc chính quả. Tôi đã đợi ở đây mấy năm ròng mà chẳng thấy tin tức gì. Hôm nay mới biết anh là đồ đệ của ngài, thế sao anh không nói sớm, chỉ cậy hung bạo đến đây đánh tôi."

Hành giả nói: "- Nhà ngươi chớ có trí trá lừa dối ta, hòng tìm kế thoát thân. Nếu nhà ngươi thực lòng muốn bảo vệ Đường Tăng, không chút dối trá thì hãy ngẩng mặt lên trời mà thề, thì ta mới dẫn đi gặp sư phụ ta."

Yêu quái vội vàng quỳ xuống, dập đầu lia lịa như giã gạo, nói: "- Nam mô A Di Đà Phật, nếu tôi không thành tâm thực ý, phạm vào tội trời, thì thân này bị băm làm muôn mảnh."

Hành Giả thấy hắn khấn vái thề nguyền, bèn nói: "- Đã như vậy, nhà ngươi hãy châm lửa đốt cháy hang động nhà ngươi ở, thì ta mới dẫn đi. Yêu quái liền nhặt ngay những cây lau sậy, gai góc, châm lửa đốt trụi động Vân Sạn như một lò ngói vỡ," Cứ như vậy Ngộ Không nhéo tai Bát Giới đến gặp Đường Tăng.

Khi Đường Tăng biết lão Trư muốn làm đệ tử của mình, ông đã đặt cho nó một pháp danh.

" Yêu quái nói: Thưa sư phụ, con đã được Bồ tát xoa đầu thụ giới, đặt cho con pháp danh là Trư Ngộ Năng rồi ạ.

Tam Tạng cười nói:

- Tốt, tốt! Sư huynh con tên là Ngộ Không, con là Ngộ Năng, cũng đều thuộc tông phái trong pháp môn ta cả.

Ngộ Năng nói:  Thưa sư phụ, con đã nhận giới hạnh của Bồ tát đoạn tuyệt với ngũ huân, tam yếm, ở nhà bố vợ ăn chay giữ giới, không bao giờ ăn mặn, nay gặp sư phụ, con xin phá giới một bữa.

Tam Tạng nói: - Không được, không được! Con đã không ăn mặn rồi, vậy thì ta đặt cho con một tên nữa là Bát Giới".

Đây là nguồn gốc tên gọi Trư Bát Giới của Trư Ngộ Năng.Có nhiều ý kiến khác nhau về Ngũ huân, một trong số đó là chỉ năm loại gia vị  là "hành, hẹ, tỏi, ớt, rau thơm. . Năm loại gia vị này khi ăn sống rất khó ăn, khi ăn chín sẽ kích thích dục vọng của con người, vì vậy những người tu hành không ăn năm loại này.

 Tam yếm là kiêng ăn thịt chó, chim nhạn, rùa. Người xưa cho rằng "chim nhạn tượng trưng cho sự chung thuỷ, tình nghĩa vợ chồng, chó tượng trưng cho nghĩa bảo vệ chủ, rùa có lòng trung thành và tôn kình quân thần nên không nỡ ăn thịt chúng". Ở đây, "yếm" có nghĩa là không nhẫn tâm ăn thịt các loại này. Tuy nhiên, tác giả Tây Du Ký đã sử dụng lẫn lộn thuật ngữ Phật giáo và Đạo giáo. "Bát giới" của Phật giáo lại ám chỉ điều khác.

Bát giới trong Phật giáo là tám loại giới luật, giúp các đệ tử tu hành tại gia ngăn cản điều ác và điều thị phi. Nội dung cụ thể là: 

1. Không sát sinh.
2. Không trộm cắp.
3. Không hành dâm.
4. Không nói dối.
5. Không uống rượu và dùng các chất say.
6. Không ăn trái giờ (không ăn sau 12 giờ trưa).
7. Không tham gia múa hát, thổi kèn, đánh đàn, xem múa hát, nghe đàn, kèn, và không trang điểm, thoa vật thơm, dồi phấn và đeo tràng hoa.
8. Không nằm ngồi nơi quá cao và nơi xinh đẹp.

Lão Trư đã nguyện quy y Phật giáo, tuân thủ theo giới luật của Bồ Tát và“Bát giới” của Phật môn để tự ước thúc giới cấm mình. Người đời sau thường nói đùa rằng, thấy đồ ăn ngon cũng không thể ăn, thấy gái đẹp cũng không được nhìn. Trong lòng nhị sư huynh Bát Giới thường phải chịu đựng nỗi khổ này.

Theo truyện Tây Du Ký, Trư Bát Giới có thân phận vô cùng cao quý. Ông là Thiên Bồng nguyên soái của thiên giới, nhưng khi xuống trần gian, ông đã bị đầu thai thành một con lợn. Bát Giới xấu xí, vụng về, xảo quyệt, lười biếng, ham ăn lười làm, sợ chết, háo sắc, nhát gan, khi gặp khó khăn thì khích bác ly gián, tung tin đồn để gây mất đoàn kết, không kiên định trong chí hướng đi bái Phật cầu kinh. Những khuyết điểm của lão Trư nhiều đến mức không thể đếm xuể. Hầu như tất cả những phẩm chất xấu đều tập trung vào Bát Giới.

Tuy nhiên, người đầy rẫy những phẩm chất xấu như Bát Giới, dưới sự đốc thúc, ảnh hưởng của sư phụ và các huynh đệ, cũng như những va chạm cọ sát trên đường đi, đã giúp Bát Giới có đủ tín tâm tới Tây Thiên và tu thành thần, đắc được chính quả, vậy thì còn có người như thế nào mới không thể tu thành? Có lẽ, đây chính là ý nghĩa mà “Tây Du Ký” muốn truyền tải đến các thế hệ tương lai.

Theo Soundofhope
Bình Nhi

Đọc tiếp