Thạc sỹ Quản lý Giáo dục: Không tu tâm tính, sao gọi là tu luyện
Là Thạc sỹ Quản lý Giáo dục và Cử nhân Sư phạm Tiếng Nga, Tiếng Anh, trước đây, chị Trịnh Thị Hiền công tác tại Khoa sau Đại học, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Từng là một người cao ngạo, tự cao tự đại, cho rằng mình ưu tú hơn người, chị không ngờ có ngày chị có thể nhìn vào bên trong, nhận ra những sai lầm của bản thân, để khiêm nhường đối đãi với mọi người. Một cuốn sách vô cùng đặc biệt đã thay đổi toàn bộ con người chị.
TRẢ LẠI SÁCH CHO CHỊ GÁI
Chị gái tôi là giáo viên văn cấp 3. Một hôm, chị bảo tôi: “Quyển sách này hay lắm, Hiền ạ. Em đọc đi”. Là người làm nghề gắn với giấy bút nên tôi đã nghĩ rằng việc đọc cuốn sách này với tôi là điều quá đơn giản. Hơn nữa, từ nhỏ tôi đã là người ham đọc sách. Tôi đã đọc rất nhiều sách, truyện. Nhưng không ngờ cuốn sách chị gái đưa cho, tôi lại đọc không nổi. Thế là tôi trả lại sách cho chị.
Một năm sau, vì muốn cải thiện sức khỏe, tôi bắt đầu đi tìm kiếm một phương thức rèn luyện thân thể nào đó sao cho phù hợp với điều kiện của bản thân. Tôi đã mua gói tập yoga một năm. Tuy nhiên, dường như đây vẫn không phải là điều mà bản thân tôi muốn tìm. Vì vậy, thi thoảng, vào lúc rảnh rỗi, tôi lại đi loanh quanh ở các công viên trong khu Linh Đàm để tìm một cái gì đấy.
Một buổi sáng sớm, tôi qua công viên Bán đảo Linh Đàm và thấy một nhóm người cả nam, cả nữ đang ngồi thiền. Tôi hỏi thì biết mọi người đang luyện bài công pháp số 5 của môn Pháp Luân Công. Hoá ra đây chính là môn tu luyện mà chị gái tôi đã giới thiệu cho tôi một năm trước.
Một chị trong nhóm đã giới thiệu về Pháp Luân Công cho tôi và bảo tôi nên thực hành tu luyện vì Pháp Luân Công rất tốt. Khi về nhà, tôi mở mạng xem video 5 bài luyện công và bắt đầu học động tác. Tôi xem rất kỹ động tác và say mê luyện tập. Sau đó, tôi về quê để xin lại chị gái cuốn sách trước đây. Cuốn sách có tên là Chuyển Pháp Luân, là cuốn sách chính chỉ đạo tu luyện Pháp Luân Công. Giờ đây, cuốn sách Chuyển Pháp Luân thật sự đã trở thành báu vật vô giá đối với tôi.
TU LUYỆN KHÔNG PHẢI CHỈ LÀ ĐỌC SÁCH VÀ LUYỆN CÔNG
Thời gian đầu tiên, tôi đã không hiểu tu luyện là thế nào. Tôi đọc sách và luyện công đều đặn hàng ngày và tin rằng mình đang tu luyện. Tuy nhiên, tu luyện không phải đơn giản như thế. Cho đến khi có một biến cố lớn xảy ra trong gia đình của mình thì tôi mới nhận ra rằng tôi dường như chưa hề tu - tôi chưa thật sự tu luyện tâm tính của mình.
Pháp Luân Công là môn tu luyện lấy việc đề cao tâm tính theo tiêu chuẩn Chân Thiện Nhẫn làm căn bản. Nếu một người không thể tu luyện tâm tính bản thân trở nên tốt hơn, thì không được xem là một người tu luyện.
Đây cũng là điều tôi tâm đắc nhất sau khi tu luyện: Pháp Luân Công có khả năng cải biến một người trở nên tốt đẹp hơn. Trước đây, tôi là một người nóng tính, thẳng tính và cứ tưởng rằng như thế là tốt, lại còn tự hào về điều đó. Cái “tôi” của bản thân tôi cũng khá mạnh mẽ nên tôi thường cho là mình luôn đúng và hay to tiếng tranh luận cùng đồng nghiệp, bạn bè. Trong công việc, vừa làm thầy, vừa cho rằng mình có năng lực nên tôi thường có vẻ tự cao, tự đại và hay “lên lớp” dạy bảo người khác. Tôi thậm chí không nhận ra tôi đã làm tổn thương mọi người.
Nhưng sau khi tu luyện, tôi mới biết rằng làm người phải biết hướng nội để nhìn lỗi sai của chính mình, biết khiêm nhường đối đãi với người khác. Tôi cũng không còn chấp vào lợi ích của bản thân, không tham những gì không phải của mình.
Trước đây, khi chưa tu luyện tôi cũng thường nhận phong bì vì nghĩ rằng đó là chuyện bình thường, cả xã hội như vậy, mình cũng làm như vậy thì mình không sai. Nhưng sau khi tu luyện một thời gian, tôi nhận ra người tu luyện cần phải Chân Thiện Nhẫn mọi lúc, mọi nơi. Tất cả những gì làm ngược lại với Chân Thiện Nhẫn thì đều không đúng. Nếu mình làm điều sai, điều không đúng với mọi người thì mình sẽ mất đức. Vì vậy người tu luyện cần phải luôn tự đốc thúc mình tốt hơn lên mỗi ngày, làm những việc đường hoàng chính đáng, chứ không được làm việc gì khuất tất, mờ ám hay vị tư; không vì lợi ích vật chất mà làm những điều trái với lương tâm.
Tôi hiểu ra cần phải nghĩ cho người khác, ví dụ như mình nhận một phong bì 3 trăm, 5 trăm từ học viên. Số tiền ấy tuy không lớn nhưng đối với một gia đình đang thiếu tiền mua sữa cho con thì con họ có thể sẽ không có sữa để uống, vậy thì mình có là người tốt không? Tất nhiên tiền rất cần nhưng nếu không có khoản đó thì mình vẫn có thể sống tốt. Vậy là từ đó, tôi không bao giờ nhận phong bì nữa.
Trải quá quá trình tu luyện hơn 7 năm, điều tôi tâm đắc nhất là khi tu luyện Pháp Luân Công, tôi đã được cải biến để trở thành một người tốt đẹp hơn: chân thành hơn, hòa ái hơn, thiện lương hơn, nhẫn nhịn hơn và luôn biết nghĩ cho người khác.
Trước khi tu luyện, vì có chút năng lực, tôi cũng có vài lần được đề bạt làm “sếp” nhưng không hiểu sao đều không thành. Khi đó, tôi cảm thấy rất hậm hực và có tâm oán trách người khác. Khi đọc cuốn sách Chuyển Pháp Luân, tôi mới hiểu ra là do mệnh của mình không được làm “sếp” nên có cầu cũng không được, do vậy tôi thấy nhẹ hẳn lòng. Từ đó, tôi hoàn toàn không còn nghĩ gì đến việc cố gắng làm ‘sếp” nữa.
Giờ đây, mọi người trong gia đình tôi đều nhận ra vẻ đẹp an hoà, thiện lương cũng như sự cải biến diệu kỳ về sức khỏe của người tu luyện Đại Pháp qua chị em tôi. Mọi người đều hiểu được cuộc bức hại những người tu luyện Pháp Luân Công của Chính quyền Trung Quốc là tội ác, trái với đạo Trời và trái với lòng người.
TU LÀ PHÚC PHẬN
Tôi biết tu hay không là phúc phận của mỗi người. Nhưng dẫu một người không tu thì tâm cũng nên hướng đến sự chân thành, thiện lương, nhẫn nhịn và bao dung; không được báng bổ Thần Phật mà rước họa vào thân. Và nếu có thể thiện đãi bản thân, thì hãy cho chính mình cơ hội được đọc cuốn “Chuyển Pháp Luân” một lần. Sau đó, tu hay không là do bản thân mình lựa chọn.
Có người nói Pháp Luân Công làm chính trị, Pháp Luân Công là tà giáo. Tôi khẳng định rằng họ nói như vậy là sai. Một môn tu luyện yêu cầu tu dưỡng nâng cao giá trị đạo đức, tinh thần kết hợp với rèn luyện thân thể để được khỏe mạnh, thì làm sao có thể gọi là tà giáo. Chỉ cần suy nghĩ lý trí một chút, tôi tin rằng ai cũng có thể hiểu.
Hiện nay thế giới đều hiểu rõ tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc về Pháp Luân Công là không đúng sự thật. Trước khi tiến hành cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, chính quyền Trung Quốc cũng đã gây ra cuộc thảm sát Thiên An Môn đẫm máu vào năm 1989. Những tội ác của Đảng cộng sản Trung Quốc đối với nhân loại là không thể dung thứ và nhất định cần phải được chấm dứt ngay.
Tôi nghĩ rằng, thật may mắn cho những ai có được cơ duyên biết đến phương pháp tu luyện chân chính này để có thể thăng hoa cả về đạo đức, sức khoẻ và tinh thần, càng ngày càng trở thành người tốt và tốt hơn nữa, đem lại lợi ích thiết thực cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Tôi mong rằng nếu ai đó gặp được duyên lành, đừng bỏ lỡ.
Trịnh Thị Hiền, Thạc sỹ Quản lý Giáo dục
Pháp Luân Công hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp được sáng lập bởi Đại sư Lý Hồng Chí và đang phổ truyền tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Quý độc giả có thể tìm hiểu thêm tại Website: vi.falundafa.org