Thành công và hạnh phúc, cần đến sức mạnh của sự đơn giản
Có lẽ, để thực hiện ước mơ không cần quá nhiều điều kiện. Rất nhiều khi, chỉ cần lý tưởng kiên định, hành động quả quyết, cho dù hành trang đơn giản, mới có thể đi đến những nơi xa xôi của cuộc đời.
Vào thời nhà Thanh, Bành Đoan Thúc trong tác phẩm 'Vì học một bài thơ gửi cháu trai' có kể lại rằng, từ Tây Thục đến Nam Hải, lộ trình xa nghìn dặm, nhà sư giàu có muốn mua thuyền xuôi dòng đã lâu nhưng cuối cùng vẫn không thực hiện được, còn nhà sư nghèo chỉ dựa vào một bình một bát đã thực hiện được chuyến đi khứ hồi. Sức mạnh của sự đơn giản, trước hết bắt nguồn từ một tâm hồn thuần khiết. Tin tưởng bản thân, coi trọng nội lực, dũng cảm kiên trì, mới có thể tìm thấy con đường dẫn đến thành công.
Có người nói, một khi bạn đạt được sự đơn giản, bạn có thể di chuyển cả núi. Nhưng làm thế nào để đạt được sự đơn giản? Người có ham muốn dày đặc không thể đạt được sự đơn giản, người bị phù hoa trói buộc tâm hồn cũng không thể đạt được sự đơn giản.
Nhan Hồi, học trò của Khổng Tử một giỏ cơm, một bầu nước, ở trong ngõ hẹp, vẫn không thay đổi niềm vui; Einstein tin chắc rằng, lối sống giản dị là tốt nhất, bởi vì có lợi nhất cho thân và tâm. Đơn giản hóa, về bản chất là thoát khỏi sự quấy nhiễu của ngoại vật, tránh sự ràng buộc của cành lá, là quá trình theo đuổi tập trung nhất tâm. Áp dụng sự đơn giản, loại trí tuệ sống này vào thực tiễn, thường có thể kích thích ra sức mạnh phi thường.
Đơn giản là tiền đề của sự tập trung, mà tập trung là bảo đảm để đạt được mọi sự nghiệp. Nghe nói có người hỏi Newton, "mọi người đều thấy quả táo rơi từ trên cây xuống, tại sao chỉ có ông phát hiện ra lực hấp dẫn?". Newton trả lời: "Bởi vì tâm trí tôi luôn tính toán để khám phá ra điều đó".
Nhà văn người Áo Zweig được mời tham quan xưởng của nhà điêu khắc Rodin, ban đầu Rodin đi cùng ông, vừa nhìn thấy tác phẩm, lập tức quên mất sự hiện diện của khách, đắm chìm vào sáng tác, như thể cả thế giới đã biến mất. "Người si mê sách ắt văn chương hay, người si mê nghệ thuật ắt kỹ năng giỏi", chính bởi vì tâm không sao nhãng, toàn tâm toàn ý, mới khiến Newton, Rodin leo lên đỉnh cao của khoa học, nghệ thuật.
Napoleon từng nói, "Nghệ thuật chiến tranh là tập trung lực lượng tối đa vào một điểm". Triết lý sống cũng tương tự như vậy, con người cần chọn cho mình một điểm đột phá phù hợp, rồi dồn toàn lực vào đó. Trong thực tế, sống trong môi trường thông tin hỗn tạp, cám dỗ ngày càng nhiều, một số người giống như con bọ nhỏ trong tác phẩm của Liễu Tông Nguyên, mang trên mình quá nhiều gánh nặng, mắc phải căn bệnh béo phì do chỉ biết theo đuổi việc thu thập, dần đánh mất khả năng tập trung và niềm vui giản dị. Muốn giữ vững sự tập trung, tránh xa cạm bẫy thay đổi thất thường, nhất định phải học cách làm phép trừ và phép chia.
Con người là cá thể độc lập, nhưng cũng là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Sống trong mạng lưới quan hệ xã hội, con người không thể tránh khỏi việc liên quan đến người khác hoặc sự vật khác. Làm thế nào để sắp xếp các mối quan hệ, để giao tiếp giữa người với người được trong sáng, để tâm trí và ý chí không bị ngoại cảnh chi phối, là điều thử thách trí tuệ và tâm tính của mỗi người, cũng là thước đo chiều cao và chiều rộng của cuộc đời. Nói cho cùng, làm người đơn giản, nói dễ mà khó; nhưng giữ được sự đơn giản, nuôi dưỡng sự tập trung, thì con đường đời sẽ trở nên thảnh thơi hơn.
Đằng sau sự đơn giản là trí tuệ giác ngộ, là cảnh giới trở về với bản chất thuần khiết. Theo đuổi thành công và hạnh phúc, chớ nên xem thường sức mạnh của sự đơn giản.
Theo Soundofhope
Minh Nguyệt