Thấy gì từ sự kiện mở màn hỗn loạn của Olympic Paris 2024?

Thấy gì từ sự kiện mở màn hỗn loạn của Olympic Paris 2024?
Báo Marca của Tây Ban Nha gọi đây là trường hợp "chưa từng xuất hiện trong lịch sử" (Ảnh: Tri Thức Mới)

Trận bóng mở màn Olympic Paris 2024 giữa tuyển U23 Argentina và U23 Morocco ngày 24/7 trên sân Geoffroy-Guichard đã kết thúc nhưng dư âm của nó vẫn khiến thế giới bóng đá bàng hoàng, không hiểu điều gì đã xảy ra.

Danh thủ Argentina Lionel Messi sau trận đấu đã đăng lên mạng xã hội một từ 'Insólito' theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “không thể tin nổi”. Huấn luyện viên U23 Argentina Javier Mascherano thì coi đây là trò xiếc ông chưa từng gặp trong đời. 

Cựu thủ môn Mỹ Tim Howard bình luận: "Tôi đã gắn bó với bóng đá đỉnh cao 25 năm, nhưng chưa từng thấy điều gì lộn xộn như vậy. Cảnh tượng khi đó thật không thể tin nổi".

Báo Marca của Tây Ban Nha gọi đây là trường hợp "chưa từng xuất hiện trong lịch sử", báo Anh Guardian thì ví trận đấu như "một mớ hỗn độn", còn báo Đức Bild nhận xét "Olympic 2024 đã khởi đầu một cách hoàn toàn điên rồ".

Chuyện gì đã xảy ra trong trận đấu? Bàn thắng gỡ hòa 2-2 của U23 Argentina không được công nhận vì được ghi sau phút bù giờ cuối cùng 1 phút. Có đến 6 lần cổ động viên (CĐV) tràn xuống sân trong hiệp 2, lần còn lại một CĐV nhí chạy vào sân xin chụp hình với cầu thủ Julian Alvarez. Tiếp đó, trận đấu bị hoãn lại vì CĐV Ma Rốc ném pháo sáng và chai lọ xuống sân khiến các cầu thủ Argentina không muốn chơi tiếp vì lý do an toàn. Hai đội ngồi chờ 1 tiếng rưỡi trong phòng thay đồ với tâm trạng ngán ngẩm, trước khi mà ban tổ chức thông báo bàn thắng của Medina bị hủy, tức là Argentina vẫn đang bị dẫn 1-2. Họ thông báo cho cầu thủ khởi động để chuẩn bị chơi tiếp những phút cuối. Cầu thủ hai bên trở lại thi đấu trong sân vận động vắng lặng khi khán giả đã ra về hết vì được thông báo trận đấu đã kết thúc. Lần kết thúc thực sự này, Argentina đã thua khi không thể cải thiện tỷ số 1-2. 

Trận đấu mở màn Olympic 2024 đã diễn ra đầy hỗn loạn nhưng không phải là không có những nguyên do, như người Việt vẫn thường nói: “không có lửa làm sao có khói”.

Cơn sóng gió xuất từ đầu lưỡi tuyển Argentina

Sau chức vô địch Copa America 2024, tuyển Argentina đương nhiên rất vui, song lại “vui quá”. Vào hôm 15/7, tiền vệ Enzo Fernandez của đội tuyển này đăng video trực tuyến trên xe bus của Argentina, khi anh và đồng đội cùng hát và nhảy múa trên đường ra sân bay về Buenos Aires. Có lúc, nhiều cầu thủ hát những câu: "Họ chơi cho tuyển Pháp nhưng đến từ Angola. Có mẹ người Nigeria, bố người Cameroon, nhưng hộ chiếu của họ lại của Pháp".

Những lời này ngay lập tức lan truyền trên cõi mạng, rồi như bệnh truyền nhiễm lan tận cõi đời mặc dù Fernandez đã tắt ngay video rồi xóa đi. Những câu hát này bị cho là phân biệt chủng tộc với đội tuyển Pháp, nơi có nhiều cầu thủ gốc gác từ các châu lục khác. Chẳng hạn, bố của thủ quân Kylian Mbappe là người Cameroon, còn mẹ gốc Algeria.

Theo hãng thông tấn AFP, Liên đoàn bóng đá Pháp (FFF) cho rằng những câu hát này mang tính phân biệt chủng tộc, nên sẽ viết đơn khiếu nại gửi cho FIFA vì Liên đoàn bóng đá thế giới có khẩu hiệu "nói không với phân biệt chủng tộc".

Thực ra, sự hiềm khích giữa hai đội tuyển Pháp và Argentina đã bắt đầu từ 2 năm trước tại World Cup 2022. FFF lúc đó cũng đã khiếu nại lên FIFA khi một nhóm CĐV Argentina hát bài hát tương tự để nhắm vào Kylian Mbappe và đồng đội sau trận chung kết Argentina - Pháp khi Argentina chiến thắng sau loạt đá luân lưu.

Trong lúc nhận giải "Găng Vàng", thủ môn Emiliano Martinez để phần thưởng trước vùng nhạy cảm. Khi ăn mừng trong phòng thay đồ, anh cũng hô vang câu: "Hãy dành một phút mặc niệm cho Mbappe", và được đồng đội hưởng ứng. FFF đã khiếu nại lên FIFA trường hợp này, và FIFA cũng thông báo sẽ điều tra, nhưng chưa đưa ra án phạt.

Những lời hát tưởng như vô thưởng vô phạt này của một đội bóng đã làm dậy lên sóng gió ngoại giao giữa hai nước Pháp và Argentina. Ở Argentina, sau đơn kiện của FFF lên FIFA, Phó tổng thống Victoria Villarruel đã “đổ thêm dầu vào lửa” khi bất ngờ tuyên bố Argentina sẽ không ngồi yên trước những chỉ trích từ một "quốc gia thực dân". Người Pháp càng phẫn nộ hơn khi bà Villarruel sa thải thứ trưởng Bộ thể thao Julio Garro vì dám yêu cầu đội trưởng Lionel Messi phải đứng ra xin lỗi cho toàn đội. Tổng thống Argentina một mặt phải dàn xếp mâu thuẫn nội bộ giữa các quan viên chính phủ mình, mặt khác phải đáp chuyến bay đến Pháp để thảo luận với người đồng cấp Emmanuel Macron nhằm xoa dịu tình hình trước Lễ khai mạc Olympic 2024. Song trận đấu khai mạc Olympic giữa Argentina và Morocco đã diễn ra theo một cách không thể tin nổi trước đó một ngày, khi tuyển U23 Argentina phải thi đấu trên một sân vận động có tới 30.000 cổ động viên người gốc Phi.

Người Việt có câu: “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”. Tất cả bắt đầu từ bất cẩn trong lời ăn tiếng nói, mà chính nước Pháp đã có những ví dụ điển hình.

Nước Pháp và tai họa khủng bố bắt đầu từ vạ miệng

Trong khi đó thì an ninh ở Pháp được đầu tư với quy mô chưa từng có để đảm bảo an toàn cho lễ khai mạc Olympic Paris tối 26/7/2024 trên sông Seine. Pháp vẫn là điểm nóng ở châu Âu về xung đột sắc tộc và tôn giáo. Người Hồi Giáo ở Pháp có khoảng hơn 5,7 triệu người, chiếm tới 8,8% dân số nước Pháp. Song xã hội Pháp tồn tại nhiều căng thẳng giữa người Pháp bản địa và người Pháp gốc Hồi Giáo đến từ Bắc Phi.

Nhân loại hẳn vẫn chưa thể nào quên được vụ khủng bố tòa soạn Charlie Hebdo ở Paris vào ngày 7/1/2015 đã khiến 12 người thiệt mạng, 11 người khác bị thương nặng. Kẻ thủ ác là hai anh em người Pháp gốc Hồi Giáo: Saïd Kouachi và Chérif Kouachi. Nguyên do của sự việc cũng vì loạt tranh biếm họa về nhà tiên tri Muhammad của tòa soạn này cùng những phát biểu cực đoan của các họa sĩ người Pháp về Hồi Giáo. Cuối năm ấy, vào ngày 13/11, Paris lại hứng chịu một vụ thảm sát bằng bom tại nhiều địa điểm, giết chết 130 người và làm hàng trăm người bị thương.

Vào ngày 16/10/2020, một giáo viên cấp hai người Pháp tên là Samuel Paty đã bị giết và hành hình bởi một tên khủng bố Hồi Giáo người Chechnya. Trước đó, trong một lớp học về tự do ngôn luận, Paty đã cho học sinh xem một tranh vẽ biếm họa nhà tiên tri Hồi giáo Muhammad trong tờ Charlie Hebdo sau khi cho phép các học sinh theo đạo Hồi rời khỏi lớp. Kẻ giết người tỏ ra giận dữ rằng Paty đã báng bổ Muhammad.

Trong buổi lễ tang của Paty ngày 22/10 hôm đó, tổng thống Pháp Macron được cho là có "tuyên bố ủng hộ" việc tiếp tục đăng tranh biếm họa và khẳng định không bao giờ nhượng bộ các phần tử Hồi giáo cực đoan. Sự phẫn nộ của cộng đồng Hồi giáo tại nhiều nước trên thế giới khiến ông Macron phải có cuộc trả lời phỏng vấn với Đài Al Jazeera dài 55 phút để giải thích và làm dịu đi tình hình. Vấn đề của nước Pháp là sự bất hòa giữa văn hóa tự do ngôn luận phương Tây với lối sống khép kín, duy trì bản sắc khác biệt của người Hồi Giáo; giữa đức tin Công giáo suy yếu của đa số người phương Tây ngày nay với lòng tin sai lệch của một số nhóm Hồi giáo cực đoan trong cộng đồng Hồi Giáo. Và tất cả những tai họa này sẽ bắt đầu từ va chạm về ngôn luận mà vụ tranh biếm họa của tòa soạn Charlie Hebdo là một điển hình.

Và nay khi cả thế giới thể thao tập trung tại Paris, các quan khách cấp cao tấp nập thăm viếng, nước Pháp lại càng lo sốt vó cái họa khủng bố. Như trong một nhà vốn đã bao nhiêu việc vì khắc khẩu bất hòa, lại đang phải mở rộng cửa để đón khách tứ phương rồng rắn hỗn tạp, họa phúc thật không biết đâu mà lường. Nước Pháp có thể nhìn sang nước Mỹ như hai kẻ “đồng bệnh tương lân”.

Tai họa miệng lưỡi giữa hai Đảng Dân chủ - Cộng hòa và vụ ám sát hụt ông Donald Trump

Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ của Hoa Kỳ là hai đảng có sự khác biệt đối lập trong nhiều phương diện. Những năm gần đây, quan hệ giữa hai bên chia rẽ với nhiều chỉ trích lẫn nhau bằng những ngôn từ khá mạnh mẽ. Chắc chắn điều này tạo nên ấn tượng tiêu cực trong tâm lý xã hội và có thể tạo nên những tai họa bất ngờ mà vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Donald Trump chiều ngày 13/7 tại hạt Butler bang Pennsylvania là một minh chứng.

Giáo sư Jonathan Turley của Trường Luật Đại học George Washington viết: 

“Vụ ám sát cựu Tổng thống Donald Trump khiến cả nước bàng hoàng. Nhưng khía cạnh gây sốc nhất là nó gần như không gây ngạc nhiên như lẽ ra phải thế. Trong nhiều tháng, các chính trị gia, báo chí và các chuyên gia đã leo thang những lời lẽ liều lĩnh trong chiến dịch này. Điều đó bao gồm những tuyên bố rằng Trump đã chuẩn bị giết chết nền dân chủ, giải phóng “đội tử thần” và khiến những người đồng tính và phóng viên “biến mất”.

Tổng thống Biden đã khơi dậy lời hùng biện giận dữ này. Năm 2022, Biden có bài phát biểu gây tranh cãi trước Hội trường Độc lập, nơi ông tố cáo những người ủng hộ Trump là kẻ thù của nhân dân. Biden gần đây đã tham khảo bài phát biểu và chấp nhận tuyên bố rằng đây có thể là cuộc bầu cử dân chủ cuối cùng của chúng ta.

Tôi thảo luận về lời hùng biện về cơn thịnh nộ này trong cuốn sách mới của mình, “Quyền không thể thiếu: Tự do ngôn luận trong thời đại thịnh nộ”. Chúng ta đang sống qua một thời đại thịnh nộ. Đây không phải là thời kỳ đầu tiên của chúng ta, nhưng có thể là thời kỳ nguy hiểm nhất trong lịch sử của chúng ta.”

Những phát ngôn quá đà của cả hai bên hiện đang được xem xét như một phần nguyên nhân để tạo nên tâm lý thù ghét của người dân, và có thể đã hình thành ý chí ám sát Trump của tên sát thủ. 

Tự do ngôn luận ở phương Đông và phương Tây thời xưa

Tự do ngôn luận là một quyền căn bản trong một xã hội tự do. Nền dân chủ sẽ bị đe dọa nếu người dân không được phép tự do chia sẻ với nhau các ý tưởng, diễn tả các ý kiến một cách cởi mở, thảo luận với nhau về mọi vấn đề. Nền văn minh phương Tây kế thừa từ văn minh Hy Lạp cổ đại, từ thời nhà nước Athen đã có nền dân chủ, nên một cách tự nhiên, người phương Tây tôn trọng và yêu tự do, trong đó có tự do ngôn luận. 

Chẳng hạn, lãnh tụ dân chủ từng nắm quyền lâu dài nhất ở Athens trong 30 năm (từ 461 TCN - 429 TCN) là Pericles đã phát biểu về dân chủ như sau:

“Hiến pháp của ta không mô phỏng luật lệ của các xứ láng giềng; chúng ta là mẫu mực để nơi khác noi theo hơn là kẻ đi bắt chước. Chính quyền của ta gọi là dân chủ, bởi vì thành quốc không phải do một thiểu số mà do đa số [công dân] cai trị. Về luật pháp, nó mang lại phần công lý bằng nhau cho mọi người trong những tranh chấp riêng tư; về địa vị xã hội, sự thăng tiến trong việc công tùy thuộc tiếng tăm về khả năng, phân biệt giai cấp không được phép xen lẫn vào sự thẩm định công trạng; sự nghèo khó cũng không được phép cản đường tiến thân của bất cứ ai, hễ ai có khả năng phục vụ nhà nước thì điều kiện tăm tối của đương sự không hề là một trở ngại” … “Tóm lại, tôi nói rằng, như một thành quốc, chúng ta là trường học của toàn thể Hy Lạp”.

Sự bình đẳng về cơ hội của dân chủ Athens trở thành một hình mẫu cho dân chủ Hoa Kỳ hiện đại.

Ở Á Đông, khoảng 2500 năm trước, cùng thời với Khổng Tử có tướng quốc nước Trịnh là Tử Sản là người có công làm nước Trịnh cường thịnh, được đức Khổng Tử kính phục. Ông cũng là một người xem trọng tự do ngôn luận.

“Chuyện kể rằng dân nước Trịnh thường hay đến trường làng để nghị luận những chính sách hay, dở của quan lại.

Nhiên Minh cũng là một viên quan nước Trịnh, có lần bảo Tử Sản rằng:

Tôi định phá hết các trường làng đi, ông thấy sao?

Tử Sản nói:

Để chứ. Phá đi làm gì? Dân người ta sớm tối đến chơi trường học để nghị luận điều phải, điều trái của quan lại làm. Cái gì người ta cho là phải, ta cứ thế mà làm, cái gì người ta cho là dở, ta liệu mà đổi đi. Những kẻ nghị luận ấy tức là những ông thầy của ta. Can gì mà phá trường học.

Vả chăng, ta nghe mình hết lòng làm điều phải, thì mới đỡ được người ta oán trách mình, chớ ta không từng nghe mình chỉ nạt nộ ra oai, mà tuyệt được hết sự oán trách của người. Cũng như việc đắp đê để mà giữ lấy nước, khi bỏ đê đi, thì nước vỡ tứ tung, bao nhiêu người chết, không thể cứu lại được. Như thế thì chẳng bằng cứ khơi đê cho nước chảy thì hơn. Nay ta hẵng cứ để trường học, khiến ta thường được nghe những câu chê bai để làm thứ thuốc chữa cho ta thì hơn.

Nhiên Minh nghe Tử Sản xong, nói rằng:

Nay tôi mới biết ông là ông quan thầy đáng tôn vậy. Tôi thật là kẻ bất tài. Ông làm được như lời, thì chẳng những một đám chúng tôi được trông cậy mà cả nước cũng được nhờ vậy.”

Trong Hiến Pháp nước Mỹ có Tu Chính Án Thứ Nhất bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Vào năm 1927, vị chánh án Tòa Tối Cao Louis D. Brandeis đã nói về ý tưởng trong Tu Chính Án Thứ Nhất như sau: Các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã tin tưởng rằng tự do suy nghĩ và nói ra được coi là cần thiết để khám phá và phổ biến các sự thật chính trị, và nếu không có tự do ngôn luận và hội họp, các thảo luận sẽ vô ích…, thảo luận công cộng là một nghĩa vụ chính trị và đây là nguyên tắc căn bản của chính quyền.

Tự do ngôn luận có phải là muốn nói gì thì nói hay không?

Tuy nhiên, việc lạm dụng tự do ngôn luận, thiếu đi sự tự ước chế cần thiết cũng sẽ gây hại cho các cá nhân và xã hội. Tự do ngôn luận đã là nguyên do của nhiều vụ kiện trên Tòa Án Tối Cao. Vì vậy cũng có các trường hợp trong đó quyền tự do ngôn luận của người dân bị giới hạn. Các tòa án đôi khi phải cân nhắc xem nguyên tắc về tự do ngôn luận có gây phương hại cho các yếu tố khác không, chẳng hạn như an toàn công cộng, an ninh quốc gia và lợi ích an sinh của nhiều người khác.

Quyền tự do ngôn luận cũng thay đổi cụ thể đối với từng quốc gia phương Tây. Ở một số quốc gia, báng bổ tôn giáo là phạm tội. Chẳng hạn như ở nước Áo, việc nói xấu nhà tiên tri Muhammad không được bảo vệ bởi quyền tự do ngôn luận. Nhưng ở nước Pháp, như chúng ta đã biết, quyền tự do ngôn luận khiến người ta có thể báng bổ và nói xấu tôn giáo, chẳng hạn như vẽ tranh biếm họa về nhà tiên tri Muhammad.

Tại Hoa Kỳ vào thời lập quốc, những người bất đồng ý kiến với chính quyền thường bị coi là không yêu nước, bị bắt buộc phải im lặng. Trải qua nhiều lần xiết chặt rồi nới lỏng vào những thời điểm đặc biệt của lịch sử Hoa Kỳ, ngày nay quyền tự do ngôn luận ở nước Mỹ có phạm vi tương đối rộng rãi. 

Tuy vậy, Tu Chính Án Thứ Nhất dù bảo vệ quyền tự do ngôn luận nhưng không che chở cho việc làm hại thanh danh của người khác bằng cách nói sai sự thật, thường được gọi là gièm pha (defamation). Chẳng hạn như gièm pha rằng vị CEO này nhận hối lộ, ngân hàng kia đang phá sản, nghệ sĩ nào đó nghiện ma túy hay bác sĩ kia hành nghề y với bằng giả v.v. mà sự thật không phải như vậy. Cách gièm pha có thể dùng tới lời nói hay dùng chữ viết. 

Mặt khác, việc chỉ trích các viên chức nhà nước không bị coi thuộc vào tội gièm pha và vẫn được bảo vệ bởi quyền tự do ngôn luận. Do đó, chúng ta mới thấy những cuộc đấu khẩu gay gắt giữa đảng viên hai Đảng Dân chủ - Cộng Hòa.

Song không phải điều gì hợp pháp cũng là đúng đắn, bởi vì luật pháp không thể bao trọn và bắt kịp cuộc sống vốn liên tục vận động với muôn hình vạn trạng. Và nhất là, bên ngoài luật pháp còn có sự phải đạo. Một lời nói không chỉ là phải hợp pháp, mà còn phải xét đến đạo đức phát ngôn, đến ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến người nói và đối tượng của lời nói cũng như đến cộng đồng. Đơn cử như khi những phát ngôn thù ghét bao phủ bầu không khí chính trị Hoa Kỳ thì vụ ám sát ứng viên tổng thống Donald Trump đã diễn ra. Sau vụ ám sát, nhiều người Mỹ đã được cảnh tỉnh, song không thể ngay lập tức dẹp bỏ các phát ngôn ác ý.

Ở nước Pháp, dù được pháp luật bảo vệ bằng quyền tự do ngôn luận, nhưng những mẩu truyện tranh và trang bìa biếm họa nhà tiên tri Muhammad của tạp chí Charlie Hebdo đã hứng nhiều chỉ trích, thậm chí có lần cựu Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã chất vấn tòa soạn: "Đổ dầu vào lửa như vậy là sự thể hiện thông minh, nhạy cảm ư?". Nhưng Charlie Hebdo luôn kiên trì giải thích công việc của họ chỉ là thử thách những điều bị coi là cấm kỵ, khẳng định quyền tự kiểm duyệt, hướng tới đỉnh cao tự do ngôn luận và đảm bảo không châm biếm suông.

Phàm là điều gì khi vượt quá giới hạn thì đều là cực đoan và khởi tác dụng tiêu cực. Chẳng hạn, kiểm duyệt ngôn luận và tư tưởng hà khắc như Trung Quốc cũng là cực đoan, nhưng ngôn ngữ tự do thái quá cũng là cực đoan.

Khi tự do ngôn luận đạt đến “đỉnh cao”, nghĩa là muốn nói gì thì nói, chẳng kể đến sự thật hay đạo đức, thì an ninh quốc gia chạm xuống thung lũng, đó là điều làm nước Pháp đang lo ngay ngáy giữa vòng xoáy của những phát ngôn thù địch. 

Ngôn luận cần tự do, lại cần chừng mực vì mang cả năng lượng xây dựng và phá hủy

Nhà khoa học nổi tiếng người Nhật Bản Masaru Emoto đã làm những thí nghiệm đối với tinh thể nước. Ông phát hiện rằng, khi nước được nghe hay được đọc những ngôn từ đẹp và thiện như: “Tình yêu và lòng biết ơn”, “khôn ngoan”, “thiên thần”, “bạn tốt lắm” v.v. thì nước tạo thành những tinh thể rất đẹp và cân xứng. Ngược lại, khi nước được nghe hay nhìn thấy những ngôn từ như là: “tao sẽ giết mày”, “ngu ngốc”, “quỷ dữ”, “mày thật tồi tệ” v.v. thì nước không thể tạo thành tinh thể, hoặc tạo nên những hình ảnh méo mó rất đáng sợ. Không chỉ có vậy, ngữ điệu và hàm ý trong lời nói cũng ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến sự tạo thành tinh thể nước. Điều này chứng tỏ, ngôn ngữ có mang theo năng lượng xây dựng hoặc phá hủy, ảnh hưởng tới vạn vật và với cả con người.

Người Việt từ xưa vẫn có câu: “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói cho vừa lòng nhau không phải là lấy lòng bằng cách tô vẽ sai sự thật, mà là biết lựa chọn từ ngữ cẩn trọng và tích cực.

Tất nhiên, điều này không dễ mà làm được, đặc biệt là khi chúng ta đang ở trong một “thời đại thịnh nộ”, nói theo ngôn từ của giáo sư Jonathan Turley. Ngay cả giới truyền thông vốn có kinh nghiệm với ngôn từ, cũng không dám đảm bảo sự chuẩn mực trong ngôn ngữ ở mọi tình huống. Song, cũng không còn cách nào khác. Theo thiển nghĩ, trừ một thiểu số những người trong chính quyền Trung Nam Hải xưa nay mà mức độ tà ác đã vượt khả năng mô tả của ngôn từ, đa phần nhân loại vẫn cần trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ tích cực, có tính xây dựng. Từ ngôn ngữ tích cực mới có giải pháp tích cực và hiệu quả tích cực. 

Chẳng hạn, nếu sử dụng ngôn ngữ tích cực, có lẽ không khí xã hội của nước Pháp, nước Mỹ và rất nhiều quốc gia khác trên thế giới sẽ hòa hoãn hơn. Nếu đội tuyển bóng đá Argentina dùng ngôn ngữ tích cực, thì sẽ không có khủng hoảng ngoại giao Pháp - Argentina, cũng như không có trận túc cầu hỗn loạn mở màn Olympic Paris 2024, và nước Pháp cũng không cần phải đầu tư quá lớn vào an ninh cho sự kiện này. Bởi vậy, trong vòng xoáy của động loạn và xung đột, nhân loại càng cần phải bình tĩnh và tiết chế. Các nhà lãnh đạo thế giới ngày nay vẫn kêu gọi tìm ra giải pháp hòa bình cho mọi xung đột trên thế giới, nhưng chẳng phải mọi việc cần bắt đầu từ lời nói tích cực hay sao?

Nguyên Vũ

Đọc tiếp