Thế giới hỗn loạn ra sao khi AI thống trị Công nghệ chỉnh sửa ảnh?
Trong đời, ai cũng có những khoảnh khắc đáng nhớ muốn được lưu giữ lại: thuở hồn nhiên dại khờ, thời hoa niên thơ mộng đẹp đẽ, cảnh sum họp gia đình ấm cúng, những kỷ niệm thân thương… thậm chí là một chuyến dã ngoại đơn giản. Nếu ở Châu Âu vào mấy trăm năm trước, đây là công việc của các họa sĩ tả thực. Từ năm 1826, nhân loại có thêm lựa chọn về ảnh chụp. Không giống như tranh vẽ, ảnh chụp có thể được tạo ra nhanh chóng dễ dàng hơn và nhất là tạo cảm giác “thật”, người ta tin rằng chúng là một khoảnh khắc của thực tại khách quan.
Sự phát triển của thiết bị chụp ảnh và quay phim từ phim ảnh đen trắng đến phim ảnh màu, từ độ phân giải thấp lên độ phân giải cao… ngày càng tăng cường cảm giác thật đó. Một tấm ảnh, hoặc một khung hình là một bằng chứng về sự thật với ý nghĩa cũng phong phú và đa dạng như cuộc sống. Từ nhu cầu đời thường như chứng tỏ nhan sắc của một cô gái, sự thể hiện về gu thẩm mỹ tinh tế, sự hãnh diện về một chuyến du lịch đắt đỏ, hay chứng minh một mối quan hệ gần gũi với các nhân vật quan trọng… hay có tầm vóc lớn hơn là phơi bày một sự thật có ảnh hưởng đến toàn xã hội. Chẳng hạn như bức ảnh “kền kền chờ đợi” đoạt giải Pulitzer năm 1994 của nhiếp ảnh gia Kevin Carter lột tả thực trạng thê thảm của nạn đói ở Sudan và Châu Phi.
Nhưng không phải lúc nào người ta cũng đánh giá cao sự thật, họ có thể muốn tô vẽ thêm đôi chút để vừa lòng mình, ảnh chụp cũng theo đó mà biến hóa. Nhưng ham muốn của con người là vô hạn, nên công nghệ được thúc đẩy để đáp ứng nhu cầu đó. Và khi công nghệ cao như AI được ứng dụng vào lĩnh vực phim ảnh, thì mọi thứ càng diễn biến khó lường.
Từ trò tiêu khiển đến cơn nghiện giá trị ảo và sự thật phũ phàng
Nếu là phụ nữ, hẳn ai cũng mong mình đẹp. Những khi soi gương, chắc có chị em đã từng thầm ước: “Ôi, giá mà mình đẹp như Lưu Diệc Phi, Phạm Băng Băng hay là Địch Lệ Nhiệt Ba nhỉ!”, hoặc nếu là người phương Tây thì đẹp như Monica Bellucci, Halle Berry hay Angelina Jolie chẳng hạn. Chẳng cần nói đến chị em, nhiều đấng mày râu đôi khi cũng ao ước thân hình cuồn cuộn cơ bắp của Arnold Schwarzenegger hay Sylvester Stallone và khuôn mặt điển trai của Tom Cruise, Brad Pitt hay Keanu Reeves… Nhưng nhan sắc nhiều khi là thứ Trời cho. Phật gia có thuyết Nhân - Quả, kiếp trước làm nhiều điều tốt thì kiếp này được phúc báo, một trong số đó là nhan sắc. Vậy nên, nhan sắc tự nhiên vẫn là của hiếm giữa đời thường.
Nhưng vừa hay, ngày nay đã có phẫu thuật thẩm mỹ và công nghệ chỉnh sửa ảnh. Lấy phần mềm mà sửa ảnh là nhanh nhất. Muốn chân thon dài thêm ư? Quá dễ. Muốn thân hình đầy đặn, da mặt mịn màng hơn ư? Cũng đơn giản. Muốn mũi thẳng miệng xinh mắt to long lanh cũng có ngay. Sau đó thì đăng ảnh lên mạng xã hội để niềm vui nhân lên gấp bội.
Những lời khen ngợi nhận được trên mạng khiến chủ nhân bức ảnh hết sức vui thích, nếu không tự cảnh giác sẽ dần dần chìm đắm trong cảm giác tự mãn và khao khát được ngưỡng mộ, rồi để nuôi dưỡng cảm giác đó, lại tiếp tục sử dụng những bức ảnh chỉnh sửa ngày càng khác lạ với hình ảnh thực sự của mình ngoài đời. Thậm chí những bức ảnh được chỉnh sửa quá đà để bóp chỗ nọ, phình chỗ kia sẽ khiến phần nền phía sau như tường gạch cũng uốn lượn như đường cong cơ thể. Phi logic ư? Kệ, đẹp là trên hết.
Một thợ chụp ảnh ở Hải Phòng cho biết rằng khoảng 5 năm trước, khách hàng chỉ yêu cầu chụp ảnh đẹp, chân thực nhưng nay họ đều yêu cầu phải hậu kỳ rất kỹ. Anh chia sẻ rằng: “Nhiều bức ảnh sau khi chỉnh sửa theo yêu cầu của khách, tôi cũng không thể nhận ra họ”.
Ảnh càng chỉnh sửa, người ta càng không hài lòng, càng muốn chỉnh sửa thêm, cuối cùng thì trở nên nghiện chỉnh sửa ảnh. Hiện tượng này cũng tương tự như chứng nghiện phẫu thuật thẩm mỹ của rất nhiều người nổi tiếng mà chúng ta đã biết. Những người này thường kết thúc cuộc đời mình trong bi kịch khi những bộ phận giả làm hại họ khiến nhan sắc, sức khỏe bị hủy hoại và từ đó mai danh ẩn tích. Còn những người nghiện chỉnh sửa ảnh chí ít cũng gặp vấn đề về tâm lý, mất cân bằng giữa ảnh ảo và đời thực, thậm chí tan vỡ các mối quan hệ vì vi phạm tiêu chuẩn trung thực.
Báo chí đã không ít lần kể những câu chuyện hẹn hò qua mạng mà người trong cuộc vỡ mộng khi gặp mặt trực tiếp. Chẳng hạn, vào năm 2019, một chàng trai Trung Quốc đáp máy bay đến tận thành phố là nơi ở của cô bạn gái xinh như mộng mà anh quen qua mạng xã hội. Trước đó, cả hai người đã có thời gian dài trò chuyện qua mạng, và phải lòng nhau. Khi rời khỏi máy bay, chàng trai căn cứ theo bức ảnh trên mạng để tìm cô bạn gái ra đón mình. Tuy nhiên, khi người thật xuất hiện thì anh hết sức ngỡ ngàng, dẫu cô ấy không như “Chung Vô Diệm” nhưng còn xa mới sánh được “khuôn mặt Tây Thi” trên ảnh đại diện. Té ra cô gái đã lạm dụng các ứng dụng chỉnh sửa ảnh để khiến mình trông khả ái hơn nhiều. Biết mình bị lừa dối và cảm thấy hụt hẫng, thất vọng, anh chàng bỏ đi không ngoảnh lại. Từ đó tình vỡ, mộng tan.
Ban đầu, có thể chỉnh sửa ảnh chỉ là trò tiêu khiển, nhưng nếu thiếu tự chủ, khao khát được khen ngợi và ngày càng ảo tưởng thì sẽ tự đưa mình vào rắc rối. Bài học này nào phải của riêng ai.
Rắc rối do ảnh chỉnh sửa còn vượt xa vấn đề tâm lý và tình cảm của đời sống cá nhân, nó thực sự đã cung cấp công cụ cho tội phạm hình sự và những trò gian manh còn nguy hại hơn nữa.
Dùng hình ảnh chỉnh sửa để lừa gạt tiền bạc hay gian manh chính trị
Trong giao dịch trên mạng, lâu nay người mua hàng khi thanh toán vẫn gửi tin nhắn hình ảnh chuyển khoản ngân hàng cho người bán và thế là coi như đã xong, tiền chắc chắn sẽ về tài khoản của người bán. Có những người bán hàng online dù chưa có nhiều giao dịch nhưng muốn làm giả hóa đơn chuyển tiền để đăng lên trang cá nhân, nhằm tạo uy tín và tăng tương tác. Đã có nhu cầu muốn làm giả, thì sẽ có nơi cung cấp. Giá của một hình ảnh được chỉnh sửa như thế này chỉ từ 50.000 - 100.000 đồng vào thời điểm năm 2021, theo chia sẻ của cơ quan công an.
Nhưng một khi đã có người làm giả hóa đơn, thì chắc chắn người ta không chỉ dừng lại ở việc tranh thủ lòng tin của khách trên mạng để mua may bán đắt, chắc chắn sẽ có những vụ lừa đảo lớn hơn nữa.
Theo điều tra của cơ quan công an, có những kẻ lừa đảo đã gửi hóa đơn chuyển tiền giả cho người bán để chiếm đoạt số hàng hóa trị giá hàng trăm triệu đồng. Thậm chí họ còn làm giả cả các video clip quảng cáo, trong đó cắt ghép hình ảnh những diễn viên, chuyên gia, người nổi tiếng hay là có uy tín trong xã hội, nhét vào miệng những vị này lời quảng cáo về loại hàng hóa mà họ đang phân phối, thậm chí clip còn được gắn mác những logo giả là kênh truyền hình ảo tỉ dụ như là DDTV, VCTV, SHTV v.v. Với một số lượng phong phú các công cụ chỉnh sửa ảnh và clip hiện nay thì những kẻ này hoàn toàn có thể làm được việc ấy.
Khi mạng xã hội xuất hiện trào lưu tạo ảnh bằng trí tuệ nhân tạo thì người dùng cũng đối mặt với rất nhiều rủi ro tiềm ẩn. Mặc dù người dùng sau khi thu về ảnh đã xử lý và chỉ dùng các ảnh đã xử lý này để thay avatar trên mạng, tuy nhiên, các hình ảnh gốc, phần lớn là ảnh chụp cận mặt, về bản chất đã được tải lên và có thể vẫn lưu trữ tại hệ thống máy chủ của các nhà cung cấp dịch vụ. Và rồi nó có thể lọt vào tay các hacker. Với sự hỗ trợ của công nghệ AI, người ta có thể tạo các hình ảnh, video giả bạn bè, người thân, từ đó thực hiện các cuộc gọi lừa đảo deepfake. Chưa hết, hình ảnh khuôn mặt cũng có thể được kẻ xấu sử dụng để xác thực các tài khoản thanh toán, từ đó dễ dàng chiếm đoạt tiền trong tài khoản người dùng.
Những hình ảnh giả do kẻ xấu tạo ra không loại trừ bất cứ ai. Mới đây, cựu tổng thống Donald Trump đã chỉ trích truyền thông Mỹ trên nền tảng Truth Social, cáo buộc họ truyền bá tin tức giả mạo về ông. Cụ thể là người ta đã ghép ảnh thân thể của tay gôn chuyên nghiệp John Daly, với đầu của ông Trump, với hình ảnh này ông Trump có phần bụng phình to trông thật nặng nề. Ông Trump viết:
“Các trang tin giả đã sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra bức ảnh ở phía trên bên trái. Đây là những kẻ đáng khinh, ai cũng biết điều đó. Những bức ảnh còn lại được chụp hôm nay khi tôi đánh gôn và có sự khác biệt. Đáng buồn thay, ở đất nước của chúng ta, Tin tức giả tràn lan!”
Bức ảnh được lan truyền trên mạng xã hội X từ thời điểm tháng 5/2017 và nay được dùng lại đã thu hút hàng loạt bình luận cũng như suy đoán về sức khỏe của cựu tổng thống. Nếu không cải chính kịp thời, nó có thể trở nên đặc biệt nhạy cảm vào thời điểm ông Trump đang vận động tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.
Thực ra thì hình ảnh giả của ông Trump được cắt ghép nhờ phần mềm photoshop, còn nếu sử dụng công nghệ AI, thì khả năng dựng chuyện còn đáng kinh ngạc hơn nữa.
Công nghệ AI tạo ra hình ảnh như thật chỉ bằng câu lệnh văn bản
Những phần mềm chỉnh sửa ảnh đã hạ thấp rào cản kỹ thuật để con người có thể nắn chỉnh một bức ảnh theo ý mình. Nhưng dẫu vậy, những phần mềm chuyên dụng như photoshop vẫn yêu cầu người chỉnh sửa phải dụng công học tập nó. Và kết quả khi sử dụng photoshop vẫn còn hạn chế. Có cách nào dễ hơn không? Có AI.
Những công cụ AI ngày nay như Midjourney, DALL E 2 hoặc Stable Diffusion được gọi là các mô hình tổng hợp hình ảnh hay là ISM (Image Synthesis Models). Những ISM này cho phép người dùng có thể tạo ra hình ảnh bằng lời nhắc văn bản.
Vào tháng 4/2023, Pablo Xavier, một thợ xây ở thành phố Chicago, một người không biết gì về hội họa hay nhiếp ảnh, đã tạo ra một hình ảnh hoàn toàn không có thật: Giáo hoàng Pope Francis mặc chiếc áo phao của hãng thời trang Balenciaga khi ông đi dạo trên một đường phố tại Rome. Chỉ đơn giản bằng câu lệnh cho Midjourney đó là: “Giáo hoàng Pope Francis mặc áo khoác phồng của hãng thời trang Balenciaga đi dạo trên đường phố Rome”. và 50 giây sau, anh ta đã có được hình ảnh mà chúng ta đang ngắm nhìn.
Hơn 20 triệu người đã xem bức ảnh này trên mạng xã hội X, hàng chục nghìn lượt Retweet và hàng nghìn bình luận, thu hút báo chí trên khắp thế giới. Các chuyên gia công nghệ cho rằng một kỷ nguyên mới đã bắt đầu, trong đó, các tác phẩm do AI tạo ra sẽ khiến chúng ta phải hoài nghi về mọi thứ mà chúng ta nhìn thấy.
Nói cách khác, bạn chỉ cần tưởng tượng và nói ra “câu thần chú” của mình, việc còn lại đã có ISM lo, nói thẳng ra là nó có khả năng bịa đặt cao nhất về hình ảnh.
Bây giờ, một người amateur về công nghệ và mỹ thuật có thể vừa ung dung uống cà phê vừa tiện thể tạo ra một khoảnh khắc lịch sử chưa từng tồn tại bằng một lời ra lệnh cho ISM chẳng hạn:
“Hitler khóc nức nở trước người dân Do Thái sau Thế chiến 2”;
Hoặc: “Mao Trạch Đông quỳ xuống tạ tội nhân dân Trung Quốc sau cuộc vận động Đại Nhảy Vọt;
Hoặc: “Mao Trạch Đông cúi mình xin lỗi trí thức sau ‘Phong trào trăm hoa’ và Đại cách mạng Văn hóa”;
Hoặc: “Đặng Tiểu Bình vui vẻ hòa mình vào trong vòng tay của sinh viên Thiên An Môn”;
Hoặc là: “Giang Trạch Dân sám hối trước các học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại” v.v.
Đại loại là bất cứ thứ gì không tưởng như vậy. Và… úm ba la xì bùa là, ảnh đã hiện ra theo ý bạn.
Một yêu cầu như thế chỉ mất khoảng 1 phút để ISM thực hiện, trong khi một họa sĩ sẽ mất bao lâu? Ít nhất hàng trăm giờ làm việc miệt mài.
Ryan Broderick, một cựu nhà báo công nghệ người Mỹ từng làm việc cho tờ BuzzFeed nói rằng: "Tôi nghĩ tấm ảnh giáo hoàng mặc áo Balenciaga có thể là trường hợp đầu tiên mà AI tạo ra được tin giả và phát tán nó trên quy mô lớn".
Làm thế nào mà các ISM có thể đạt được khả năng này? Nó dựa trên Big Data, AI và các thuật toán máy học của thế kỷ 21. Cơ sở dữ liệu của nó là kho chứa hàng tỷ hình ảnh đã được phân loại sẵn, có thể tìm thấy trên Internet. Còn việc tạo ra hình ảnh là dựa vào mô hình khuếch tán. Để không làm đau đầu khán giả về các vấn đề kỹ thuật, chúng tôi xin sử dụng một tỷ dụ sau cho dễ hình dung. Chắc hẳn bạn đã từng xem bộ phim “Kẻ Hủy Diệt” phần 2 và 3 rồi phải không? Trong đó những người máy phản diện T-1000 và T-X có thể từ những hạt kim loại lỏng riêng lẻ của chúng mà kết hợp lại để tạo ra bất cứ một vật thể nào, và giả dạng bất cứ ai. Các ISM cũng có khả năng làm điều ấy với một bức ảnh.
Vậy khán giả có thể thắc mắc về độ chân thực của những bức ảnh này. Nó có dễ phát hiện hay không, và nó tác động ra sao đến nhận thức của chúng ta?
Một thế giới thật giả lẫn lộn
Hiện tại, một số bức ảnh do AI tạo ra như bức ảnh giáo hoàng Pope Francis chẳng hạn vẫn có thể được nhận dạng là ảnh giả bằng mắt thường ở những chi tiết bất hợp lý về mặt vật lý, chẳng hạn cây thánh giá trước ngực giáo hoàng dường như chỉ được treo bằng một bên sợi dây; hoặc sự nhận dạng không tốt về hiệu ứng bóng đổ ánh sáng của ISM khiến mí mắt giáo hoàng như dính liền với chiếc kính; hoặc là một lỗi dễ thấy nhất của các chương trình AI hiện nay về bàn tay dị dạng với tư thế không đúng về mặt giải phẫu v.v. Nhưng theo các chuyên gia, những lỗi này sẽ sớm được khắc phục và sớm thôi sẽ đến một ngày chúng ta không thể tin vào những gì mình trông thấy.
Nhưng ngay ở trình độ hiện nay, thì những bức ảnh này đã có thể lừa gạt rất nhiều người. Trong một đời sống vội vã, những lỗi nhỏ tinh vi này có thể bị bỏ qua. Kể cả khi người ta có gắn thẻ hình ảnh deepfake lên những bức ảnh giả được tạo ra bởi AI, thì theo các chuyên gia nghiên cứu về trí nhớ, theo thời gian, những chi tiết gắn nguồn đó sẽ bị phai mờ trước tiên, trong khi chúng ta vẫn nhớ hình ảnh đó. Nói cách khác, ta vẫn sẽ nhớ nội dung bức ảnh, nhưng không nhớ rằng nó chỉ là ảnh giả. Trong tâm trí của các thế hệ sau, những thông tin về nguồn gốc này lại càng mờ nhạt và khó truy cứu hơn nữa. Lúc đó thì phải chăng lịch sử sẽ bị công nghệ làm giả thay đổi? Và con người hoàn toàn mất phương hướng?
Nhưng chẳng cần phải đợi đến tương lai, những hình ảnh giả này đã có thể gây nên hỗn loạn trong hiện tại. Hãy thử tưởng tượng rằng, nếu người ta có thể dùng công nghệ AI này để tạo ra những hình ảnh hoàn toàn bịa đặt, dựng đứng nên một câu chuyện giả mạo, từ đó tác động đến nhận thức đám đông, dẫn đến phản ứng sai lầm của người trong cuộc, từ đó làm thay đổi kết quả của một cuộc bầu cử, hoặc tạo nên hằn thù giữa các dân tộc và quốc gia, dẫn đến những xung đột không thể kiểm soát hay các cuộc chiến ở tầm châu lục và thế giới v.v. và v.v. viễn cảnh đó quá sức khủng khiếp vượt quá khỏi tưởng tượng của chúng ta.
Hãy tỉ dụ với kịch bản sau đây. Nếu như phần mềm photoshop chỉ có thể ghép một cái bụng bự cho cựu tổng thống Donald Trump, thế cũng đã gây tổn hại về mặt hình ảnh cho ông và khiến một số người hiểu lầm rằng ông Trump đang gặp vấn đề về sức khỏe. Giả sử như những công cụ AI như ISM có thể tạo ra một bức ảnh giả mạo ghê gớm hơn về ông Trump hay một ứng viên khác có năng lực đang tranh cử tổng thống Mỹ, khiến hủy hoại thanh danh, đạo đức của ông ta, làm ông ta thất cử. Đồng thời cũng chính công cụ ấy lại có thể trợ giúp đối thủ chính trị kém cỏi của ông ta thắng cử, từ đó có thể lèo lái vận mệnh của nước Mỹ, thì có thể tác động đến toàn thế giới lắm chứ.
Những chuyện tày đình như thế đã bắt đầu từ ý thích nhỏ nhoi tưởng chừng vô hại như thay đổi một chút về chi tiết ảnh chụp để tiêu khiển. Nhưng rồi, thiếu sự kiểm soát, mọi việc dần dần đi quá xa…
Một thế giới không có lòng tin là một thế giới hỗn loạn và mất dạng
Chúng ta hẳn đều nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn “Thằng nói dối” đã đọc từ thời thơ ấu. Một thằng nhỏ chăn cừu muốn bày trò lừa gạt người lớn cho vui. Nó giả vờ hoảng hốt kêu lớn: “Sói, sói. Ai cứu tôi với!”. Hai lần đầu người ta còn tưởng thật, họ đổ xô đến cứu nó, nhưng nhận thấy chẳng có sói nào hết, chỉ có thằng nhóc dối trá và đàn cừu. Họ bỏ đi khi rất tức giận. Lần thứ ba thằng nhóc kêu cứu, thì chẳng có ai đến cứu nó, nhưng lần này thực sự đã có sói đến và đàn cừu của nó đã bị sói giết hại.
Trong lịch sử Trung Hoa cũng đã từng có chuyện tương tự. Để thưởng thức nụ cười đẹp nhưng dè xẻn của mỹ nhân Bao Tự, Chu U Vương là thiên tử nhà Chu đã ra lệnh đốt lửa trên phong hỏa đài. Các chư hầu từ xa quan sát thấy tưởng có biến, nên chạy hộc tốc đến ứng cứu, nhưng chỉ thấy Chu U Vương và Bao Tự đang ngồi trên cao cười cợt yến ẩm, nào có thấy giặc cướp gì đâu. Hai lần như vậy đều khiến chư hầu rất bất mãn bực tức. Đến khi giặc Khuyển Nhung khởi loạn đánh vào kinh đô nhà Chu, Chu U Vương cho nổi lửa trên phong hỏa đài, thì chẳng ai đến cứu. Rốt cục ông ta mất mạng và mất nước.
Ngày nay, con người vốn đã bị lừa gạt bởi công nghệ tạo hình ảnh giả như thật có thể sẽ không còn tin vào sự thật nữa. Khi Thần tích xuất hiện, nhiều người cũng bảo đấy là lừa gạt, là AI làm, và có thể họ bỏ lỡ cơ hội tốt đẹp. Khi tai họa ập xuống, họ cũng cho rằng đó là do AI hay công nghệ bí mật nào đó thực hiện, và biết đâu sẽ bỏ lỡ cơ hội sửa chữa hay được cứu giúp.
Người xưa có câu “một lần thất tín, vạn sự bất tin”. Khổng Tử viết: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã”. Tạm dịch là: “Người mà không có chữ tín thì sao có thể lập thân được”. Cũng lại có câu: "Nhân vô tín bất lập, quốc vô tín bất cường", được hiểu là: "Người không có chữ tín thì không đứng vững, nước không có chữ tín thì không mạnh", cổ nhân coi giữ chữ tín là một trong những phẩm hạnh làm người vô cùng quan trọng. Con người làm mất lòng tin thì không có chỗ đứng trên đời. Xã hội mất lòng tin thì sẽ tan rã.
Nếu hỏi rằng: công nghệ chỉnh sửa hình ảnh nói chung, công nghệ AI nói riêng có hữu dụng không? Có chứ. Nếu không hữu dụng thì làm sao nó thuyết phục được người ta sử dụng nó. Duy chỉ có điều, trong khi say sưa với mặt hữu dụng của công nghệ, người ta đã quên rằng mọi thứ đều có hai mặt: trái và phải, tốt và xấu, thiện và ác, tích cực và tiêu cực. Và chính là con người phải đứng vào vị trí cầm cân nảy mực, phải luôn luôn tỉnh táo, biết tự chế bản thân và có cách quản lý, kiểm soát công nghệ sao cho nó vận hành phù hợp với các chuẩn tắc đạo đức của con người và quy luật của tự nhiên.
Công nghệ cũng như con dao sắc, cũng có phần sống dao và lưỡi dao, dùng sai cách sai mục đích sẽ tự đả thương mình. Nhưng vượt hẳn lên trên một thứ công cụ thuần túy, công nghệ AI có khả năng tự phát triển, có thể có ý thức, tiềm ẩn những sức mạnh đáng sợ khó lường, đến mức mà nhiều người dự đoán rằng: biết đâu AI là phát minh công nghệ cuối cùng của nhân loại.
Nếu vậy thì con người sử dụng công nghệ hay sẽ để cho công nghệ sử dụng con người?
Nguyên Vũ