Thiên cơ: Tôn Ngộ Không và Gia Cát Lượng tuy hai mà một

Thiên cơ: Tôn Ngộ Không và Gia Cát Lượng tuy hai mà một
Tôn Ngộ Không sinh ra nhờ gió, thoát nạn nhờ gió, gặp nạn cũng vì gió (Ảnh: Public domain)

“Tây Du Ký” và “Tam quốc diễn nghĩa” tuy cùng thuộc Tứ đại danh tác, nhưng nếu hỏi nội dung có liên đới nào với nhau không thì chắc nhiều người trong chúng ta sẽ nói rằng không. Có điều, đã là kỳ thư lưu truyền vạn đại, ắt hẳn phải cùng chung gốc đạo, người đọc nếu bình tĩnh quan sát, suy ngẫm, thì sẽ thêm một lần mở mang, kinh ngạc.

1. Tôn Ngộ Không sinh ra nhờ gió, thoát nạn nhờ gió, gặp nạn cũng vì gió

Diễn giải lý lịch của Tôn Ngộ Không, truyện kể rằng tại Đông Thắng Thần Châu, có nước Ngạo Lai, núi Hoa Quả, trên đỉnh núi có tảng đá tiên. “Một hôm tảng đá nứt đôi, sinh ra một quả trứng đá tròn, to bằng quả cầu, gặp gió hóa thành một con khỉ đá, đủ cả mặt mũi chân tay.” Vậy là Tôn Ngộ Không sinh ra là nhờ gió (phong hóa).

Tôn Ngộ Không sau khi thua trận, thiên binh áp giải về trời trị tội. Trị cách gì cũng không giết được. Thái Thượng Lão Quân được Thượng Đế chuẩn y cho nấu Tôn Ngộ Không trong lò bát quái. Nguyên lò này gồm tám cung của các quẻ: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Tôn Ngộ Không núp ngay vào trong cung Tốn - tượng là gió, nhờ thế mà thoát khỏi lửa đốt.

Tuy nhiên, vì trốn tránh, không luyện đủ, nên Tôn Ngộ Không bị khiếm khuyết, đâm ra sợ gió. Sau này trên đường đi thỉnh kinh, bị Hoàng Phong Quái dùng Tam Muội Thần Phong thổi cho mù mắt, gặp quạt Ba Tiêu của Thiết Phiến Công Chúa thì bay 8 vạn 4 nghìn dặm.

2. Gia Cát Lượng mượn gió đốt quân Tào, chết bởi gió dập tắt đèn chủ

Gia Cát Lượng trong “Tam quốc diễn nghĩa” hiện lên là người thần cơ diệu toán, có phép quỷ thần, thế nhưng ông cũng không tránh được quy luật của đất trời: Nhân Quả.

Đông Nam chính là hướng của quẻ Tốn. Gia Cát Lượng mượn gió Đông Nam để mồi lên ngọn lửa Xích Bích đốt chết mấy vạn quân Tào. Sau nhiều năm vất vả, Gia Cát Lượng biết mệnh mình sắp hết, bèn dâng sao giải hạn. Ông căn dặn kỹ càng không ai được vào kinh động. Nhưng đến ngày cuối cùng, quân Ngụy tấn công, Ngụy Diên chạy xộc vào trong trướng, khiến gió thổi tắt ngọn đèn chủ bản mệnh. Lúc này Gia Cát Lượng cũng biết lòng trời đã định.

3. Vậy gió là gì?

Gió là một yếu tố vật chất trong vũ trụ, có rất nhiều tầng thứ và biểu hiện. Ở nơi người thường, gió được hiểu nôm na là luồng không khí di chuyển từ nơi áp suất cao đến nơi áp suất thấp. Trong các cổ thư, dòng chảy từ nơi cao đến nơi thấp, nói thẳng ra chính là ơn trên, ơn trời.

Trong “Tam quốc diễn nghĩa” muốn biết sống chết của ai đó, thì người ta đều phải xem thiên văn, xem ngôi sao đối ứng mờ hay tỏ, bởi vì con người ta đa phần là khách từ thiên thượng giáng xuống, hồng trần chỉ là cõi tạm, quán trọ mà thôi. Nhưng đã lâm vào cảnh lữ thứ, tha hương, thì phải xoay xở thế nào? Trong Kinh Dịch, quẻ Lữ (Hỏa Sơn Lữ) ám chỉ con người, hoặc rộng ra là sinh mệnh, phải rời bỏ quê hương. Ngay sau quẻ Lữ chính là quẻ Tốn. Sinh mệnh nhận sứ mệnh hoặc giả bị tội lưu đày mà giáng trần, thì Thiên thượng đều không bỏ mặc, vẫn dõi theo, vẫn ban ơn, cấp cho hoàn cảnh sinh tồn cũng như cơ hội tu luyện, ngộ đạo, trở về. Lời bàn của quẻ Tốn trong Kinh Dịch là: Tốn là gió, cũng có nghĩa là thuận tòng, nhập vào.

Vậy nên Tôn Ngộ Không từ một hòn đá mà hóa ra hình hài, là nhờ ơn trời ban cho, thoát nạn bị thiêu trong lò Bát quái cũng là nhờ ơn trời chở che. Nhưng xét ngược lại, Tôn Ngộ Không cũng nợ ơn trời, nên trong tu luyện về sau, phải đích thân hoàn trả. Tôn Ngộ Không ở trần gian tức là quẻ Lữ, cần đi tiếp đến quẻ Tốn, thuận theo mệnh trời, thuận tòng Đường Tăng đi thỉnh kinh. Trời là từ bi, những thứ mà trời đòi Tôn Ngộ Không hoàn trả hóa ra toàn là những thứ tốt cho chính Tôn Ngộ Không và chúng sinh. Hỏa Diệm Sơn (tên đầy đủ của quẻ Lữ là Hỏa Sơn Lữ) chính là một nút kết quan trọng trong hành trình của Tề Thiên Đại Thánh, tại đây Mỹ Hầu Vương vừa phải đích thân trả nợ nghiệp đạp đổ lò Bát Quái, vừa phải rèn luyện khắc phục khuyết điểm sợ gió của mình. Cuối cùng, Tôn Ngộ Không đã viên mãn đắc Phật quả, lại lập công to hoằng dương Phật pháp đến Đông Thổ.

Gia Cát Lượng cũng rất hiểu cơ trời. Khi một thân một mình ở Giang Đông, tức là giống như quẻ Lữ, ông thuận theo cơ trời mà dùng quẻ Tốn. Tất cả chiến dịch Xích Bích của Gia Cát Lượng có thể nói không có gì ngoài chữ “mượn” - chữ mượn này bản chất của nó chính là thuận theo. Ông mượn quân Đông Ngô để cự Tào Tháo, ông mượn bài phú của Tào Thực để khích tướng Chu Du, ông dùng thuyền cỏ để mượn tên quân Tào (ngay như chữ cỏ - thảo - cũng hài âm với chữ Tào, ý nói rằng cái gì cũng là của Tào, chẳng có gì của Gia Cát Lượng), ông mượn gió đốt trận Xích Bích, rồi sau lại mượn Kinh Châu. Nói trắng ra, Gia Cát Lượng chính là thuận theo ý trời, ơn trời mà hành sự. Về sau, ông cũng hiển thánh.

4. Trời giúp Hán, Trời diệt Hán

Tôn Ngộ Không và Gia Cát Lượng hóa ra lại còn cùng liên quan đến thiên tượng của triều đại nhà Hán.

Trong “Tây du ký”, khi Đường Tăng hỏi Lưu Bá Khâm sự tích con khỉ dưới chân núi, Lưu Bá Khâm đáp rằng vào năm Vương Mãng soán ngôi nhà Hán, trời giáng ngọn núi và con khỉ này xuống.

Vương Mãng soán ngôi nhà Tây Hán lập ra nhà Tân, nhưng tồn tại không được bao lâu đã bị Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú tiêu diệt, lập ra nhà Đông Hán. Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung, muốn thay thế Thượng Đế, bị giam dưới núi Ngũ Chỉ Sơn - là thể hiện ý trời không về với Vương Mãng. Đến thời kỳ của Gia Cát Lượng, là giai đoạn mạt vận của nhà Đông Hán, dù ông dốc lòng dốc sức, cúc cung tận tụy cũng không thể lấy lại Trung Nguyên, cho thấy ý trời không còn muốn lưu giữ nó nữa.

Vậy nên, vào thời Minh, cũng chính là thời điểm hoàn thiện hai cuốn tiểu thuyết “Tây du ký” và “Tam quốc diễn nghĩa”, thi hào Dương Thận đã viết một câu thơ đến nay còn được hậu thế ngâm nga rằng: “Thị phi thành bại chuyển đầu không” - “Thi phi thành bại đều hóa không”, chính câu thơ này đã được sử dụng trong bài hát của phim “Tam quốc diễn nghĩa” (1994). Thuận theo cơ trời, ắt phải ngộ được chữ Không.

Hữu Đức

Đọc tiếp