Thiện lương lớn nhất của một người là biết ‘nhìn sự việc từ góc độ của người khác

Thiện lương lớn nhất của một người là biết ‘nhìn sự việc từ góc độ của người khác
Phàm là việc gì đều có thể đứng từ góc độ của người khác mà suy nghĩ. Đây là trạng thái cao nhất của một người, cũng là sự thiện lương cao nhất trên thế gian (Photo by Mimi Thian / Unsplash)

Những người có vị trí khác nhau và môi trường sống khác nhau sẽ khó hiểu được cảm xúc của nhau, do đó, mọi người không nên hả hê và cười chê trước sự thất vọng và đau đớn của người khác, mà nên có một trái tim khoan dung và thấu hiểu…..

Phàm là việc gì đều có thể đứng từ góc độ của người khác mà suy nghĩ. Đây là trạng thái cao nhất của một người, cũng là sự thiện lương cao nhất trên thế gian

01

Có lần, tôi đọc được đoạn văn như vậy:

Nếu bạn là người lái xe, bạn sẽ cho rằng người qua đường cần phải tuân thủ luật lệ; nếu bạn là người qua đường, bạn sẽ cho rằng người lái xe cần phải lịch sự nhường đường.

Nếu bạn là ông chủ, bạn sẽ cảm thấy nhân viên thật lười biếng; nếu bạn là nhân viên, bạn sẽ cảm thấy ông chủ quá khắt khe.

Nếu bạn là người giàu, bạn sẽ nghĩ rằng khoe khoang sự giàu có của mình là chuyện quá bình thường; nếu bạn là người nghèo khó, bạn sẽ nghĩ rằng việc người giàu khoe khoang sự giàu có là sự phô trương”.

Con người, ở những vị trí khác nhau, sẽ có cách nghĩ khác nhau. Cuộc đời giống như một sân khấu lớn, người trên sân khấu cho rằng người trên sân khấu thật quá buồn cười, người trên sân khấu lại cho rằng người dưới sân khấu thật quá đáng thương.

Trên thực tế, mỗi người đều ở một sân khấu khác nhau và mỗi người đều đang sống trong những định kiến ​​của riêng mình. Bạn thích cái gì, thì sẽ lấy cái đó làm giá trị quan để phán đoán; bạn ở vị trí nào, điều đó sẽ quyết định điểm xuất phát trong cách nhìn nhận của bạn.

02

Có một câu chuyện như vậy: 

Có người du mục nhốt một con lợn, một con cừu và một con bò trong cùng một cái chuồng.

Một ngày nọ, người chăn cừu bắt con lợn ra khỏi chuồng, chỉ con lợn kêu la thảm thiết, ra sức chống cự quyết liệt.

Con cừu và con bò ghét tiếng kêu gào của nó, nên phàn nàn rằng: “Chúng tôi bị người du mục bắt đi không biết bao nhiêu lần rồi, nhưng không ai trong chúng tôi la hét ầm ĩ như bạn cả”.

Con heo nghe vậy liền đáp: "Việc anh chị bị bắt và tôi bị bắt là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Người ta bắt anh chị chỉ để xén lông, vắt sữa, còn người ta bắt tôi chính là muốn lấy mạng tôi đó!.

Mỗi người đều có lập trường của riêng mình và chỉ có thể nhìn thấy tình huống mà họ phải đối mặt.

Sự ngạo mạn của con người nằm ở chỗ chúng ta luôn cho rằng thế giới mà bản thân nhìn thấy chính là hoàn cảnh mà tất cả mọi người đều đang phải đối mặt.

Có điều, những gì bạn chưa trải nghiệm, không có nghĩa là nó không tồn tại. Vậy nên, xin bạn đừng vì bản thân đang sống trong ánh nắng, mà quên đi sự tồn tại của bóng tối; đừng vì bản thân đang sống hạnh phúc, mà phớt lờ khổ đau của người khác.

03

Có một đoạn đối thoại lịch sử như vậy:

Hoàng đế Đường Thái Tông hỏi Hứa Kính Tông: “Trong bá quan văn võ trong triều, ông là người có đức hạnh và năng lực nhất, nhưng có người vẫn luôn nói về lỗi lầm của ông trước mặt ta. Tại sao lại như vậy?”.

Hứa Kính Tông trả lời: “Mưa xuân quý như dầu. Người nông dân thích nó vì nó tưới mát cho hoa màu của họ, nhưng người đi đường lại chán ghét nó vì nó khiến con đường trở nên lầy lội và khó đi.

Vầng trăng mùa thu như mảnh gương sáng chiếu sáng tứ phương, những tài tử giai nhân vui vẻ ngắm trăng, đối ẩm làm thơ, khung cảnh thật lãng mạn biết bao, có điều kẻ trộm lại căm ghét nó, vì họ sợ bị soi ra việc làm xấu xa của mình.

Ông Trời toàn năng như vậy cũng không thể làm hài lòng tất cả mọi người, chứ đừng nói đến hạ thần vốn chỉ là một người bình thường?”.

Khi bạn có một cô con gái, bạn hy vọng nhà trai sẽ cho nhà gái thật nhiều sính lễ; nếu bạn có một đứa con trai, bạn lại chê nhà gái đòi hỏi quá nhiều. Khi bạn có một cô con dâu, bạn chê con dâu quá đòi hỏi, không hiểu chuyện; nếu bạn có một cô con gái, bạn mong con gái sẽ nhà chồng yêu chiều hết mực.

Khi bạn lái xe, bạn chán ghét người đi đường; khi bạn đi bộ, bạn lại thấy khó chịu với người lái xe.

Khi bạn đi làm, bạn cảm thấy người chủ quá khó tính, khắt khe; sau khi trở thành ông chủ, bạn cảm thấy nhân viên của mình quá vô trách nhiệm và không có khả năng chuyên môn.

Khi bạn là khách hàng, bạn cảm thấy thương nhân bán món hàng này với giá quá cao; nếu bạn là thương nhân, bạn sẽ cho rằng khách hàng quá kén chọn.

Đừng nhìn người khác từ hoàn cảnh của bạn. Thay vào đó, bạn  hãy đặt mình trong hoàn cảnh người khác mà suy nghĩ. Cả hai ở những vị trí khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, nên rất khó hiểu được cảm nhận và cách làm của đối phương.

04

Trên thế gian này sẽ không có những con người giống nhau, đi cùng một con đường và có cùng một cảm xúc. Mỗi chúng ta đều là những cá thể độc nhất vô nhị, tính cách và suy nghĩ của chúng ta được hình thành theo cách chúng ta lớn lên.

Vậy nên, đừng tùy tiện phán xét ai đúng ai sai. Cùng là một vật, với bạn thì là mật ngọt, nhưng đối với người kia không chừng lại là thạch tín. 

Vì hoàn cảnh khác nhau, nên khó lý giải; vì suy nghĩ khác nhau, nên khó có sự cảm thông. Tốt hơn hết là chúng ta cần phải học cách bao dung, nhìn nhận vấn đề từ góc độ của người khác.

Biển người mênh mông, mỗi người đều có câu chuyện của riêng mình. Mỗi người đều là nhân vật chính trong câu chuyện của riêng mình, dù câu chuyện đó nhạt nhẽo vô vị; mỗi người đều có những trải nghiệm khác nhau, dù trải nghiệm đó là buồn hay vui.

Cuộc đời vô thường, ai rồi cũng có những giọt nước mắt và nỗi buồn. Chúng ta cần phải học cách trân trọng và thương xót, học biết thiện đãi người khác.

Đừng dễ dàng đổ lỗi cho người khác, bởi chúng ta không đủ trí tuệ để thật sự hiểu thấu những chua ngọt đắng cay, niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống của người ta.

Theo Sohu.com
Thiện Quân biên dịch

Đọc tiếp