Thói đố kỵ như có tảng đá đè nặng trong lòng, khiến ta đau khổ không thôi

Thói đố kỵ như có tảng đá đè nặng trong lòng, khiến ta đau khổ không thôi
Thói đố kỵ như có tảng đá đè nặng trong lòng, khiến ta đau khổ không thôi. (Ảnh: Pixabay)

Tâm đố kỵ quả thực rất đáng sợ! Nó không chỉ khiến con người trở nên nhỏ nhen, hẹp hòi mà còn khiến con người ta mất đi suy nghĩ sáng suốt, mù quáng, không phân biệt phải trái đúng sai mà rơi xuống vực thẳm…

Trong kinh Phật có câu chuyện như vậy: Vào thời viễn cổ xa xưa, có một vị vua nước Ma Gia Đà có nuôi một đàn voi. Trong đàn voi, có một chú voi trông rất đặc biệt, toàn thân màu trắng, lông mượt như tơ. Sau đó, nhà vua đã giao chú voi này cho một người huấn luyện voi chăm sóc. Người huấn luyện voi này không chỉ chăm sóc cuộc sống hàng ngày của nó, mà còn dạy dỗ nó rất chu đáo. Con voi trắng này vô cùng thông minh, lại rất hiểu ý người, sau một thời gian, cả hai đã thiết lập được mối quan hệ tốt.

Một năm nọ, quốc gia này tổ chức một ngày lễ lớn. Nhà vua muốn cưỡi voi trắng đến dự lễ, thế là người chăn voi tắm rửa sạch sẽ và trang trí cho chú voi, đắp một tấm thảm màu trắng lên lưng nó, rồi giao cho nhà vua.

Nhà vua đã cưỡi con voi trắng vào thành tham quan lễ hội, theo sau là các quan viên cùng đám người tùy tùng. Bởi con voi trắng này thật sự quá đẹp, nên người dân xung quanh đều xúm lại, vừa trầm trồ khen ngợi vừa lớn tiếng hô vang: "Voi chúa! Voi chúa!".  Lúc này, nhà vua cưỡi trên lưng voi cảm thấy mọi ánh hào quang của một ông vua đã bị con voi trắng này cướp mất, cảm thấy rất tức giận và ghen tị. Sau khi đi một vòng nhanh chóng, ông trở về cung điện với tâm trạng không vui.

Vừa vào đến hoàng cung, ông hỏi người chăn voi rằng: “Con voi trắng này có kỹ nghệ gì đặc biệt không?”. 

Người chăn voi hỏi nhà vua: “Không biết nhà vua ngài đang nói đến phương diện gì?”. 

Nhà vua nói: “Nó có thể biểu diễn tài nghệ ở bên vách đá không?". 

Người chăn voi thưa: "Khả năng là làm được”. 

Nhà vua nói: "Tốt lắm! Thế ngày mai hãy để nó biểu diễn trên vách đá liền kề giữa Vương quốc Ba La Nại và Ma Gia Đà”.

Ngày hôm sau, người chăn voi dắt con voi trắng đến chỗ  vách đá như đã hứa. 

Nhà vua hỏi: “Con voi trắng này có thể đứng trên vách đá bằng ba chân được không?”. 

Người chăn voi nói: “Điều này quá đơn giản”. 

Anh ta cưỡi lên lưng voi và nói với con voi trắng: “Nào, nhà ngươi hãy đứng bằng ba chân nhé!”. 

Quả nhiên, con voi trắng ngay lập tức  đã rút lại một chân.

Nhà vua lại hỏi: “Nó có thể giơ hai chân lên và chỉ đứng bằng hai chân ​​không?”.

“Được”. Người chăn voi bảo nó thu hai chân lại, voi trắng đã làm theo đúng như vậy. 

Nhà vua lại hỏi: “Nó có thể giơ ba chân lên và chỉ đứng bằng một chân hay không?”.

Người chăn voi nghe vậy, liền hiểu rằng nhà vua muốn đẩy con voi trắng vào chỗ chết, nên nói với nó rằng: "Lần này nhà ngươi phải cẩn thận hơn. Hãy thu ba chân về và chỉ đứng trên một chân”. 

Voi trắng cũng cẩn thận làm theo. Dân chúng vây xem chứng kiến ​​cảnh này đều vỗ tay cổ vũ nhiệt tình, hết lời khen ngợi chú voi trắng!

Nhà vua thấy vậy, trong tâm càng mất cân bằng, liền hỏi người chăn voi rằng: “Nó có thể rút  cả hai chân sau lại và toàn thân lơ lửng trên không trung được không?”.

Lúc này người chăn voi nhỏ giọng nói với nó rằng: "Nhà vua ôm tâm muốn giết ngươi. Chúng ta ở đây sẽ rất nguy hiểm. Nhà ngươi hãy liều mình nhảy sang vách đá bên kia nhé!”. 

Điều không ngờ là, con voi trắng này đã thật sự thu lại chân sau và bay lên không trung, cõng theo người chăn voi bay sang vách đá bên kia, tiến vào nước Ba La Nại.

Khi người dân của nước Ba La Nại nhìn thấy con voi trắng bay đến, người dân đều hoan hô reo hò. Vua nước Ba La Nại sau khi biết chuyện, liền thở dài rằng: “Đường đường là một ông vua, cớ sao lại đi so đo, sân si với một con voi nhỉ?”.

Ganh ghét và đố kỵ hầu như thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc, mọi lĩnh vực và mọi mặt trong cuộc sống. Dễ nhận thấy nhất là khi ai đó có thành tích, địa vị, vinh dự, chuyên môn, bằng cấp, của cải, nhân duyên, gia đình hạnh phúc, thành đạt là ta nảy sinh ganh ghét, đố kỵ… Có người thể hiện lòng ganh ghét, đố kỵ ra ngoài, nhưng có người lại “chôn kín” ở trong lòng. Nhưng dù bất cứ hình thức nào, lòng ganh ghét, đố kỵ đều ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống và công việc. Đức Phật có dạy: “Bi ai lớn nhất của đời người là ghen tỵ”. Người có tâm ganh ghét, đố kỵ sẽ khổ sở dai dẳng trong lòng.

Dấu hiệu dễ nhận biết nhất của tâm đố kỵ là ghen tức với những gì người khác có mà mình không có, luôn soi mói và so sánh với người khác, ghen ghét, dựng điều thêu dệt người khác, không muốn chấp nhận thành quả của người khác, và không thích kết thân với người tài giỏi hơn.

Ganh ghét, tật đố là một trong những tâm phiền não được phát sinh bởi lòng ích kỷ. Từ tham mà sinh ra sân rồi dẫn đến làm phát triển tâm đố kỵ. Tật đố khác với sự ích kỷ nhưng lại bao hàm sự so sánh, hiềm hận và ganh tỵ.

Thói đố kỵ quả thực rất đáng sợ! Nó không chỉ khiến con người trở nên nhỏ nhen, hẹp hòi mà còn khiến con người ta mất đi suy nghĩ sáng suốt, mù quáng, không phân biệt phải trái đúng sai mà rơi xuống vực thẳm. Thực ra khi đố kỵ, bản thân ta như có tảng đá đè nặng trong lòng. Càng đố kỵ, càng sân si càng đau khổ.

Người sống ở đời, nên giữ cho mình một tâm thái bình thản, bao dung, tuyệt đối đừng nên có tâm đố kỵ. Như câu nói: “Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân", đại ý là bản thân muốn đứng được trong xã hội thì cũng làm cho người khác đứng vững, bản thân muốn việc gì cũng thông suốt thì làm cho việc của người cũng thông suốt như thế. Khi thấy người khác có thành tựu, chúng ta không nên mang tâm đố kỵ, mà hãy vui vẻ chúc mừng cho họ từ tận đáy lòng. Đây cũng là bí quyết tu dưỡng giúp ta có được sự bình thản trong tâm,  sống một cuộc sống hạnh phúc. 

Theo Epochtimes
Thiện Quân biên dịch

Đọc tiếp