Thủ tướng Ấn Độ thăm Ukraine, dự kiến hội đàm với TT Zelensky

Thủ tướng Ấn Độ thăm Ukraine, dự kiến hội đàm với TT Zelensky
Vào ngày 20 tháng 5 năm 2023, vào ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) tại Hiroshima. (Ảnh dẫn qua EPT/AFP)

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ đến thăm thủ đô Kiev của Ukraine vào thứ Sáu (23 tháng 8) và có cuộc hội đàm với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ đến Ukraine kể từ khi Kiev tách khỏi Liên Xô và giành độc lập vào năm 1991.

Theo báo cáo của Reuters, chuyến thăm này diễn ra vào thời điểm căng thẳng trong cuộc chiến tranh Ukraine. Quân đội Ukraine hiện vẫn đang đóng quân tại khu vực Kursk phía tây nước Nga sau khi tiến vào đây vào ngày 6 tháng 8. Trong khi đó, quân đội Nga đang tiến chậm nhưng chắc ở miền đông Ukraine.

Chuyến thăm của ông Modi rất quan trọng đối với Kiev, nơi đang tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ từ phương Tây. Kiev đã và đang nỗ lực phát triển các mối quan hệ ngoại giao trên toàn cầu để đảm bảo cuộc chiến kết thúc một cách công bằng.

Trước chuyến đi, ông Modi đã phát biểu: "Tôi mong chờ cơ hội trao đổi quan điểm về giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine. Với tư cách là bạn bè và đối tác, chúng tôi hy vọng khu vực này sẽ sớm khôi phục hòa bình và ổn định."

Chuyến thăm này của ông Modi diễn ra sau chuyến thăm Moscow vào tháng 7. Một ngày trước chuyến thăm Moscow tháng trước của ông Modi, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công tên lửa dữ dội vào Ukraine, trúng một bệnh viện nhi. Điều này đã thúc đẩy ông Modi bày tỏ sự lên án ngầm đối với ông Putin trong cuộc hội đàm tại Điện Kremlin, kêu gọi hòa bình thông qua đối thoại và ngoại giao.

Chuyến đi Moscow của ông Modi cũng đã thu hút những lời chỉ trích gay gắt từ ông Zelensky. Ông nói: "Thật đáng thất vọng khi thấy nhà lãnh đạo của nền dân chủ lớn nhất thế giới ôm lấy tên tội phạm đẫm máu nhất thế giới vào một ngày như vậy, đó là một đòn giáng mạnh vào những nỗ lực hòa bình."

Ấn Độ theo truyền thống có quan hệ kinh tế và quốc phòng chặt chẽ với Moscow. Sau khi các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt và cắt đứt quan hệ thương mại với Nga do cuộc xung đột ở Ukraine, Ấn Độ đã tăng cường quan hệ kinh tế với Moscow.

Kể từ khi Nga tiến vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ, vốn trước đây ít mua dầu của Nga, đã trở thành khách hàng lớn nhất của dầu vận chuyển bằng đường biển của Moscow. Dầu của Nga chiếm hơn 2/5 lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ.

Mykhailo Podolyak, cố vấn của Văn phòng Tổng thống Ukraine, nói với Reuters rằng chuyến thăm của ông Modi tới Kiev có ý nghĩa quan trọng vì New Delhi "thực sự có một số ảnh hưởng nhất định đối với Moscow".

Ông nói: "Điều cực kỳ quan trọng là xây dựng mối quan hệ hiệu quả với các quốc gia này, giải thích cho họ kết cục đúng đắn của cuộc chiến là gì - điều này cũng phù hợp với lợi ích của họ".

Nhà phân tích chính trị Volodymyr Fesenko ở Kiev cho biết, ông Modi dự kiến sẽ không đưa ra bất kỳ đề xuất đột phá nào về việc chấm dứt chiến tranh trong chuyến thăm Ba Lan vào thứ Năm (22/8).

Ông nói rằng chuyến thăm này rất quan trọng, đối với Ấn Độ, nó có thể cho thấy rằng họ "không đứng về phía Nga", trong khi Kiev hy vọng sẽ bình thường hóa quan hệ sau chuyến thăm của ông Modi tới Moscow.

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách quản lý và tài nguyên, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Ấn Độ Richard Verma hôm thứ Tư (21/8) cũng cho rằng chuyến thăm Kiev của ông Modi là rất quan trọng.

Ông nói: "Tôi đánh giá cao những gì Thủ tướng Modi đã nói, rằng bây giờ không phải là thời chiến, mà là thời bình, nhưng đây là thời điểm rất quan trọng để bảo vệ nền dân chủ, tự do và pháp quyền."

Ukraine đã bày tỏ hy vọng sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Quốc tế Ukraine lần thứ hai vào cuối năm nay để thúc đẩy tầm nhìn hòa bình của mình và có kế hoạch mời đại diện Nga tham dự.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất được tổ chức tại Thụy Sĩ vào tháng 6 năm nay đã không mời Nga tham dự, thu hút các phái đoàn từ hàng chục quốc gia, bao gồm cả Ấn Độ. Bắc Kinh đã không cử đại diện tham dự, mặc dù họ tích cực thúc đẩy "giải pháp thay thế hòa bình" do chính họ đề xuất ở hậu trường.

Theo Epochtimes
Minh Nguyệt

Đọc tiếp