Thủ tướng Ấn Độ tới thăm Nga vì yếu tố Trung Quốc?

Thủ tướng Ấn Độ tới thăm Nga vì yếu tố Trung Quốc?
Thủ tướng Ấn Độ tới thăm Nga vì yếu tố Trung Quốc? (Ảnh công cộng)

Liên minh giữa Nga và Trung Quốc không chỉ đe dọa sức ảnh hưởng của Mỹ mà còn làm xói mòn an ninh của Ấn Độ. Chính vì vậy ông Modi phải tận dụng mối quan hệ với Nga nếu được để làm trung gian chấm dứt chiến tranh Ukraine và gây chia rẽ giữa Nga và Trung Quốc.

Chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Nga sau năm năm nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược mà Ấn Độ dành cho mối quan hệ với Moscow. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ coi mối quan hệ đó là thiết yếu đối với một chính sách đối ngoại cân bằng – đặc biệt là vào thời điểm Ấn Độ dường như đang nghiêng về phương Tây một cách tinh tế – và để tạo đòn bẩy chiến lược chống lại Trung Quốc.

Nga và Ấn Độ bắt đầu tổ chức các hội nghị thượng đỉnh thường niên vào năm 2000. Sau chuyến đi vào năm 2021 của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới New Delhi, và đến lượt ông Modi dự kiến đến thăm Moscow vào năm 2022. 

Nhưng sau cuộc chiến của Nga vào Ukraine - thúc đẩy Hoa Kỳ và các đối tác áp đặt các lệnh trừng phạt chưa từng có đối với quốc gia này - và ông Modi liên tục hoãn chuyến thăm của mình. (Ông Modi đã gặp ông Putin vào năm 2022 bên lề một hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Uzbekistan)

Ở thời điểm hiện tại, rõ ràng là Nga không hề bị cô lập trên trường quốc tế hay bị cản trở về mặt kinh tế, bất chấp những nỗ lực hết mình của phương Tây. Vì vậy, sau khi giành chiến thắng sít sao trong nhiệm kỳ thứ ba vào tháng trước, ông Modi đã tuyên bố rằng ông sẽ thực hiện chuyến đi bị trì hoãn từ lâu tới Moscow. 

Mục tiêu của ông Modi không phải là đứng về phía Nga; ngược lại, tại cuộc họp G7 vào tháng trước tại Ý, ông Modi thậm chí đã ôm Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và tham gia vào các cuộc thảo luận song phương với ông. Ông Modi đang tìm cách khẳng định sự độc lập lâu dài về chính sách đối ngoại của Ấn Độ, đồng thời gặt hái những lợi ích chiến lược từ mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.

Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Nga bắt đầu từ năm 1971, khi Ấn Độ ở vào thời điểm dễ bị tổn thương nhất. Quân đội Pakistan đã cố gắng đàn áp phong trào độc lập ở Đông Pakistan khi đó - hiện là Bangladesh - bằng mọi cách cần thiết. 

Có tới ba triệu thường dân Bangladesh (chủ yếu là người Hindu bị quân đội Hồi giáo Pakistan nhắm đến) đã bị tàn sát, khoảng 200.000 phụ nữ bị ép vào các trại cưỡng hiếp, và khoảng mười triệu người đã chạy trốn sang Ấn Độ.

Hoa Kỳ thay vì phản kháng lại các lãnh đạo quân sự Pakistan là Tướng Yahya Khan thì Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon vẫn duy trì mối quan hệ hữu nghị vớ họ nhằm thúc đẩy lợi ích của Hoa Kỳ ở Châu Á. Trong khi quân đội của Tướng Yahya Khan tiến hành cuộc chiến ở Đông Pakistan, ông Nixon đã cử cố vấn an ninh quốc gia của mình, Henry Kissinger, từ Pakistan đến Bắc Kinh trong chuyến đi bí mật nổi tiếng của ông ta, và xúc tiến cho chuyến thăm Trung Quốc của riêng Nixon vào tháng 2 năm 1972.

Tại một cuộc họp ở Nhà Trắng, ông Kissinger đã ghi nhận công lao của Tướng Khan trong thành công của chính sách ngoại giao "bí mật" với Trung Quốc.

Nhưng đó không phải là tất cả. Trong nỗ lực ngăn chặn Bangladesh giành được độc lập, Nixon đã gây sức ép buộc Trung Quốc mở mặt trận quân sự chống lại Ấn Độ. 

Theo các băng ghi âm và tài liệu được giải mật của Nhà Trắng, nhiệm vụ của Kissinger là thúc giục Trung Quốc khởi xướng các cuộc di chuyển quân đội về phía biên giới Ấn Độ . Nixon thậm chí còn nói với Kissinger rằng Ấn Độ cần một "nạn đói hàng loạt".

Đối mặt với sự thù địch như vậy, Thủ tướng Ấn Độ lúc bấy giờ là Indira Gandhi đã ký kết một hiệp ước hữu nghị với Điện Kremlin. Các điều khoản an ninh của hiệp ước đã giúp ngăn chặn Trung Quốc mở mặt trận chống lại Ấn Độ, khi lực lượng Ấn Độ cuối cùng đã can thiệp để giúp Bangladesh giành độc lập trong một chiến dịch nhanh chóng kéo dài 13 ngày.

Sự bất mãn của ông Nixon là rõ ràng, trong một cuộc phô trương sức mạnh nhằm ép buộc Ấn Độ hạn chế sự tham gia của mình, Hoa Kỳ đã triển khai một lực lượng đặc nhiệm hải quân có khả năng hạt nhân ngoài khơi mũi phía nam của Ấn Độ. Chính sách ngoại giao pháo hạm này đã khiến Ấn Độ tiến hành vụ thử hạt nhân ngầm đầu tiên vào năm 1974.

Hoa Kỳ đã đáp trả động thái trên bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt công nghệ đối với Ấn Độ, lệnh này vẫn được duy trì trong gần ba thập kỷ qua. Trong khi đó, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã giúp Pakistan chế tạo bom hạt nhân của riêng mình .

Ngày nay, Ấn Độ duy trì mối quan hệ sâu sắc và rộng hơn với Hoa Kỳ so với Nga, nhưng sự mở cửa của Nixon với Trung Quốc vẫn ám ảnh mối quan hệ song phương. Với chính sách kéo dài hàng thập kỷ nhằm hỗ trợ sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc, Hoa Kỳ không chỉ tạo ra kẻ thù chiến lược lớn nhất mà họ từng phải đối mặt, mà còn khiến Ấn Độ phải gánh chịu một kẻ thù quân sự đáng gờm đang tích cực giành quyền bá chủ khu vực. Một biểu hiện của điều này là sự bế tắc quân sự Trung-Ấn ở dãy Himalaya, hiện đã bước sang năm thứ năm .

Đây là động lực chính thúc đẩy những nỗ lực của Ấn Độ nhằm củng cố mối quan hệ với Nga, mà Ấn Độ tin rằng có thể giúp cân bằng với Trung Quốc. Xét cho cùng, Nga trải dài trên 11 múi giờ và sở hữu trữ lượng tài nguyên thiên nhiên và kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, sức mạnh không gian của họ ngày càng tăng và quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hơn nữa, Nga và Trung Quốc là những đối thủ cạnh tranh tự nhiên, với những lợi ích khác biệt rõ rệt ở Trung Á, Đông Bắc Á và Bắc Cực, mà mỗi quốc gia coi là một phần sân sau chiến lược của mình.

Mặc dù vậy, Nga và Trung Quốc đã ngày càng xích lại gần nhau hơn trong những năm gần đây – và phần lớn là “lỗi của Mỹ” . Liên minh mà ông Putin và ông Tập Cận Bình vẫn gọi là “quan hệ đối tác không giới hạn” – không chỉ đe dọa khả năng ảnh hưởng của Mỹ mà còn làm xói mòn an ninh của Ấn Độ.

Trung Quốc đã tận dụng vị thế của mình như một đường dây kinh tế cứu cánh cho Nga để tiếp cận các công nghệ quân sự tiên tiến của Nga, vốn trước đây chỉ được bán cho Ấn Độ. Trên thực tế, không có quốc gia nào hưởng lợi nhiều hơn từ cuộc chiến tranh Ukraine hơn Trung Quốc.

Ai đó phải gây chia rẽ giữa Nga và Trung Quốc. Với việc Hoa Kỳ không muốn dẫn đầu, Ấn Độ phải thuyết phục Nga không liên kết quá chặt chẽ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. May mắn thay, đây không phải là một đề xuất phi thực tế, mặc dù lời hứa của Nga sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự ngay lập tức cho Bắc Triều Tiên trong trường hợp chiến tranh không phải là tin tốt, nhưng hiệp ước quốc phòng mới của nước này với khách hàng xa lạ của Trung Quốc cho thấy ông Putin sẵn sàng vạch ra lộ trình riêng của mình.

Bước đầu tiên đặt ra cho Ấn Độ có thể là việc trở thành trung gian chấm dứt chiến tranh Ukraine. Điều này sẽ cho phép Hoa Kỳ tập trung vào việc tăng cường an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, từ đó nâng cao khả năng bảo vệ Đài Loan.

Theo Brahma Chellaney
Bảo Thư biên dịch