Thủ tướng Đức đáp trả mạnh mẽ trước đe doạ của ông Putin

Thủ tướng Đức đáp trả mạnh mẽ trước đe doạ của ông Putin
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: Creative Commons/Flickr)

Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo kế hoạch triển khai vũ khí tầm xa mới của Mỹ ở Đức sẽ dẫn đến việc Nga thực hiện "các biện pháp phản chiếu" để đáp trả, có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tên lửa tương tự như thời Chiến tranh Lạnh. Chính phủ Đức trả lời rằng họ sẽ không bị đe dọa trước những nhận xét của ông Putin.

Ông Vladimir Putin cảnh báo thêm rằng nếu Mỹ triển khai vũ khí tầm xa mới ở Đức vào năm 2026 theo kế hoạch, Nga sẽ đáp trả bằng "các biện pháp tương xứng". Đức tin rằng các tên lửa tầm trung được ông Putin đề cập để đáp trả có thể tấn công các thành phố của Đức.

Các loại vũ khí mà Mỹ dự định triển khai ở Đức bao gồm tên lửa hành trình Tomahawk có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, tên lửa phòng không SM-6 và tên lửa siêu thanh mới.

Tại lễ hội Hải quân ở Saint Petersburg, Tổng thống Putin tuyên bố rằng các tên lửa mới có thể tấn công mục tiêu ở Nga trong vòng 10 phút, có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng tương tự như thời Chiến tranh Lạnh. Ông Putin nhấn mạnh rằng Nga sẽ tái sản xuất tên lửa tầm ngắn và tầm trung, đồng thời xem xét các địa điểm triển khai chúng.

Mỹ có kế hoạch triển khai vũ khí mới

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO, Mỹ và Đức đã công bố kế hoạch này nhằm thể hiện cam kết đối với việc phòng thủ châu Âu. Kế hoạch bao gồm triển khai tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa phòng không SM-6 và tên lửa siêu thanh Dark Eagle vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, có tầm bắn xa hơn các hệ thống trên mặt đất hiện có ở châu Âu.

Tên lửa hành trình Tomahawk có tầm bắn hơn 2.000 km, tương tự như tên lửa hành trình Taurus hiện có của Đức, nó có thể bay thấp ở khoảng cách xa vào lãnh thổ đối phương để tiêu diệt các mục tiêu quan trọng như sở chỉ huy, boongke phòng không và cơ sở radar. Tên lửa hành trình Tomahawk có thể được phóng từ tàu và tàu ngầm, trong khi tên lửa hành trình Taurus chỉ có thể được phóng từ máy bay.

Hiện nay, Mỹ đã có nhiều căn cứ quân sự ở Đức và các nước Châu Âu khác. Sự tồn tại của các căn cứ này nhằm đảm bảo khả năng phản ứng nhanh của NATO và tăng cường sức răn đe đối với Nga. Việc triển khai tên lửa mới sẽ nâng cao hơn nữa khả năng phòng thủ của quân đội Mỹ ở châu Âu.

Mỹ hy vọng rằng việc triển khai này sẽ tăng cường khả năng răn đe đối với Nga và thể hiện sự ủng hộ đối với các đồng minh NATO. Đức đã bảo vệ kế hoạch này, nói rằng Nga đã triển khai tên lửa Iskander ở Kaliningrad, một vùng đất nằm giữa hai quốc gia của NATO là Ba Lan và Litva, và những tên lửa này có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Phản ứng của chính phủ Đức

Đáp lại những lời đe dọa mới nhất từ Putin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Sebastian Fischer đã phát biểu tại một cuộc họp báo ở Berlin: "Chúng tôi sẽ không bị những lời lẽ này làm cho sợ hãi... Các biện pháp chúng tôi đang lên kế hoạch nhằm ngăn chặn những vũ khí này được sử dụng để chống lại Đức hoặc các mục tiêu khác."

Cùng lúc đó, Christiane Hoffmann, người phát ngôn của chính phủ liên minh lớn Đức, cũng phản ứng với tuyên bố mới nhất của ông Putin. Bà nói: "Chúng tôi đã lưu ý" đến những bình luận của ông Putin. "Nga đã thay đổi cán cân chiến lược ở châu Âu và đe dọa châu Âu và Đức bằng tên lửa hành trình - chúng tôi phải xây dựng một hệ thống răn đe." Một sự răn đe cần thiết để đáp lại các hành động gần đây của Nga.

Thủ tướng Đức Scholz trước đó tuyên bố rằng việc dừng chiến tranh ở Ukraine là điều kiện tiên quyết để tránh triển khai tên lửa, nhưng Nga hiện không có thiện chí như vậy. Ông Scholz nhấn mạnh Đức phải thực hiện các biện pháp phòng thủ cần thiết khi đối mặt với các mối đe dọa an ninh hiện nay.

Ngoại trưởng Đức Berbock cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng sẽ quá ngây thơ nếu không triển khai tên lửa quân sự của Mỹ. Bà chỉ ra rằng Nga dưới thời ông Putin hiện là mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với hòa bình châu Âu và cần tăng cường răn đe và phòng thủ.

Ông Rolf Mützenich, Chủ tịch Nhóm Nghị viện Liên bang thuộc Đảng Dân chủ Xã hội, cũng thuộc liên minh cầm quyền của Đức, bày tỏ quan ngại về việc triển khai tên lửa quân sự của Mỹ. Ông chỉ ra rằng thời gian cảnh báo của tên lửa mới là rất ngắn nên nguy cơ vô tình gây leo thang quân sự là rất cao. Nghị sĩ cấp cao, người đã kêu gọi giải trừ quân bị toàn cầu trong nhiều năm, tin rằng ngay cả khi những vũ khí mới này không được triển khai, NATO vẫn có thể có khả năng răn đe toàn diện và theo từng giai đoạn.

Phản ứng của Nga

Tổng thống Putin đã so sánh kế hoạch triển khai tên lửa của Mỹ với quyết định triển khai tên lửa Pershing II của NATO ở Tây Âu năm 1979. Ông khẳng định lại rằng Nga sẽ tái sản xuất vũ khí hạt nhân và cân nhắc địa điểm triển khai chúng.

Ông Putin chỉ ra rằng Nga sẽ thực hiện "các biện pháp đối xứng" để đáp trả kế hoạch của Mỹ, nhằm đảm bảo an ninh quốc gia. Tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Moscow không loại trừ khả năng triển khai tên lửa hạt nhân để đáp trả hành động của Mỹ.Năm 1987, Mỹ và Liên Xô đã ký kết Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), cấm triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn.

Tuy nhiên, năm 2019, chính quyền Tổng thống Trump đã tuyên bố rút khỏi hiệp ước này, cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận. Động thái này đã dẫn đến việc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Nga lại bùng phát.

Theo Aboluowang
Minh Nguyệt