Thủ tướng Nhật Bản Kishida sẽ không tái tranh cử và từ chức vào tháng 9

Thủ tướng Nhật Bản Kishida sẽ không tái tranh cử và từ chức vào tháng 9
Thủ tướng Fumio Kishida đã có bài phát biểu tại COP26, ngày 2 tháng 11 năm 2021. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio vào thứ Tư (14/8) cho biết, ông không có ý định tham gia cuộc bầu cử chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) vào tháng 9. Điều này có nghĩa là sau khi LDP bầu ra chủ tịch mới, ông Kishida sẽ từ chức Thủ tướng.

Vào cuối tháng 9 năm 2021, ông Kishida Fumio được bầu làm chủ tịch thứ 27 của Đảng Dân chủ Tự do (LDP), với nhiệm kỳ 3 năm kết thúc vào tháng 9 năm nay. Trước đó, LDP sẽ tổ chức bầu cử chủ tịch.

Vì LDP hiện đang nắm đa số ghế trong cả Thượng viện và Hạ viện, việc trúng cử chủ tịch đồng nghĩa với việc trở thành Thủ tướng tiếp theo. Nếu ông Kishida quyết định không tham gia cuộc bầu cử chủ tịch LDP vào tháng 9, điều đó cũng có nghĩa là ông không tìm kiếm tái tranh cử chức vụ Thủ tướng.

Vào lúc 11:30 sáng thứ Tư theo giờ địa phương Nhật Bản, ông Kishida đã tổ chức một cuộc họp báo tại Văn phòng Thủ tướng.

Tại cuộc họp báo, ông Kishida nói: "Cần phải thể hiện rõ ràng trước người dân rằng LDP sẽ thay đổi." Ông nói rằng bước đầu tiên rõ ràng nhất để thể hiện sự thay đổi sẽ xảy ra là ông sẽ không tham gia cuộc bầu cử chủ tịch nữa.

"Tôi sẽ tiếp tục cống hiến hết sức mình với tư cách là Thủ tướng cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 9", ông Kishida nói, sau đó ông sẽ tập trung hỗ trợ tân chủ tịch LDP với tư cách là một đảng viên bình thường.

Thủ tướng Kishida đã liên tục cam kết cải cách đảng, bao gồm giải tán các phe phái, kỷ luật các thành viên liên quan, và sửa đổi Luật Quản lý Tài chính Chính trị để giải quyết vấn đề đóng góp chính trị cho các phe phái trong Đảng Dân chủ Tự do, nhằm khôi phục niềm tin của công chúng vào chính phủ.

Tuy nhiên, sự chỉ trích ngày càng tăng của công chúng đối với chính phủ và sự sụt giảm tỷ lệ ủng hộ nội các đã làm suy yếu thêm sự ủng hộ của công chúng đối với ông Kishida. Trong các cuộc khảo sát gần đây, tỷ lệ ủng hộ ông Kishida đã giảm xuống dưới 20%. Bên trong Đảng Dân chủ Tự do cũng có ý kiến cho rằng chính phủ hiện tại không thể đối phó với cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới.

Thông qua các biện pháp kích thích kinh tế quy mô lớn, Thủ tướng Kishida đã thành công trong việc đưa Nhật Bản thoát khỏi những tác động nặng nề của đại dịch đối với nền kinh tế. Mặc dù Nhật Bản đã thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài nhiều năm và chỉ số Nikkei 225 cũng tăng mạnh từ khoảng 28.000 điểm khi ông Kishida nhậm chức, thậm chí có lúc vượt mốc 40.000 điểm vào tháng 3 năm nay, lần đầu tiên sau 34 năm kể từ thời kỳ bong bóng kinh tế năm 1989, nhưng do tiền lương không theo kịp tốc độ tăng của chi phí sinh hoạt, sự bất mãn trong một bộ phận người dân cũng gia tăng.

Tính đến ngày 14 tháng 8, ông Fumio Kishida đã tại vị được 1.046 ngày và là thủ tướng thứ 8 của Nhật Bản thời hậu chiến đã tại vị hơn 1.000 ngày. Nếu chỉ nhìn vào các thủ tướng Nhật Bản trong thế kỷ 21, nhiệm kỳ tại vị của ông Kishida đứng thứ ba sau ông Shinzo Abe và ông Junichiro Koizumi.

Trong gần 3 năm qua, Thủ tướng Kishida đã có tổng cộng 32 chuyến công du đến các nước khác nhau, trong đó Mỹ là điểm đến thường xuyên nhất với 8 lần. Đặc biệt, vào tháng 4 năm nay, ông Kishida đã được mời thăm Mỹ với tư cách là một Nguyên thủ Quốc gia, trở thành Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mỹ trong vòng 9 năm qua.

Dưới thời Thủ tướng Kishida, Nhật Bản cũng đã công bố kế hoạch tăng cường quân sự lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, cam kết tăng gấp đôi tỷ lệ chi tiêu quốc phòng trên GDP để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc ở Đông Á.

Dưới sự thúc đẩy của Washington, Thủ tướng Kishida cũng đã cải thiện mối quan hệ căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, cho phép Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tìm kiếm hợp tác an ninh sâu sắc hơn để đối phó với mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.

Đại sứ Hoa Kỳ Rahm Emanuel đã đưa ra một tuyên bố trên nền tảng X: "Dưới sự lãnh đạo kiên định của Thủ tướng Kishida, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ đồng minh. Ngày nay, liên minh Mỹ-Nhật mạnh mẽ và an toàn hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử 64 năm của nó. Thủ tướng Kishida là một người bạn thực sự của Hoa Kỳ, và Nhật Bản đã trở thành một đối tác toàn cầu thực sự của Hoa Kỳ." 

Theo Epochtimes
Minh Nguyệt