Thụy Điển và Hoa Kỳ ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng ngăn chặn Nga và hỗ trợ Ukraine

Thụy Điển và Hoa Kỳ ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng ngăn chặn Nga và hỗ trợ Ukraine
Ngày 5 tháng 12 năm 2023, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin (phải) đã ký “Thỏa thuận hợp tác quốc phòng” với Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonsson (trái) tại Lầu Năm Góc ở Washington, DC. (Ảnh của SAUL LOEB/AFP qua Getty Images)

Vào tối thứ Ba (ngày 18/6, giờ địa phương), Quốc hội Thụy Điển đã bỏ phiếu thông qua Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng (DCA) được ký với Hoa Kỳ đã gây tranh cãi, vì nó cho phép Hoa Kỳ được phép sử dụng tất cả 17 căn cứ quân sự và cơ sở huấn luyện quân sự trên khắp Thụy Điển cũng như các nguồn cung cấp quân sự khác. 

Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển, ông Pal Jonson cho biết: “Thông qua thỏa thuận hợp tác quốc phòng này, Thụy Điển có thể nhận được hỗ trợ quân sự nhanh chóng và hiệu quả từ Hoa Kỳ khi tình hình an ninh xấu đi ”.

Theo các phương tiện truyền thông đưa tin, sau gần 5h thảo luận tại Quốc hội Thụy Điển vào tối thứ Ba, Quốc hội Thụy Điển gồm 349 ghế cuối cùng đã thông qua nghị quyết của Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển với đa số phiếu áp đảo là 266 phiếu ủng hộ, 37 phiếu chống và 46 phiếu vắng mặt. Trước đó, thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng này được ký bởi ông Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin vào đầu tháng 12 năm ngoái.

Theo thỏa thuận, quân đội Mỹ sẽ có quyền tiếp cận 17 căn cứ quân sự và khu huấn luyện ở Thụy Điển, đồng thời có thể lưu trữ vũ khí và đạn dược.

Thủ tướng Thụy Điển, ông Ulf Kristersson nhấn mạnh rằng thỏa thuận này hoàn toàn tôn trọng chủ quyền của Thụy Điển. Đảng Dân chủ Thụy Điển cực hữu cũng ủng hộ ông Kristersson.

Thỏa thuận này có sáu trong số tám đảng chính trị của Thụy Điển ủng hộ nhưng Đảng Cánh tả và Đảng Xanh đối lập lại chỉ trích. Cả hai Đảng này cho rằng thỏa thuận cần nêu rõ rằng Thụy Điển sẽ không cho phép triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình .

Đồng chủ tịch Đảng Xanh, ông Daniel Hellden cảnh báo: “Chúng ta sẽ trở thành mục tiêu của vũ khí hạt nhân vì chúng ta sẽ có 17 căn cứ nơi quân đội Mỹ có thể cất giữ vũ khí”.

Hiệp hội Trọng tài và Hòa bình Thụy Điển, vốn phản đối mạnh mẽ bước đi của Stockholm (thủ đô Thụy Điển), cũng tuyên bố chính phủ Thụy Điển đã khẳng định trong quá trình nộp đơn xin gia nhập NATO rằng Thụy Điển sẽ hợp tác với các nước láng giềng về vấn đề vũ khí hạt nhân.

Bà Kerstin Bergea, chủ tịch hiệp hội này cho biết trong một bức thư gửi giới truyền thông rằng: "Tuy nhiên, không giống như phiên bản thỏa thuận hợp tác quốc phòng của Na Uy và Đan Mạch, phiên bản Thụy Điển không có điều khoản cấm đưa hoặc bố trí vũ khí hạt nhân ở Thụy Điển trong lãnh thổ”.

Ngoài ra, bà nói rằng Phần Lan, quốc gia sẽ gia nhập NATO vào tháng 4/2023 "có luật quốc gia cấm hiện diện vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Phần Lan và phiên bản thỏa thuận hợp tác quốc phòng của Phần Lan dựa trên điều này."

Bà cho biết một điều khoản tương tự ở Thụy Điển sẽ "củng cố khu vực Bắc Âu và cũng giúp giảm leo thang tình hình liên quan đến vũ khí hạt nhân của Nga".

Về vấn đề này, Bộ trưởng Quốc phòng, ông Pal Jonson nhấn mạnh rằng: "Thụy Điển cần tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế để bảo vệ quyền tự do và dân chủ của chúng ta" và "Thụy Điển rõ ràng là một quốc gia có chủ quyền và không quốc gia nào khác có thể buộc Thụy Điển đặt vũ khí hạt nhân vào Đất Thụy Điển.”

Ông Jonsson cũng cho biết vào tháng trước: "Thỏa thuận này có tác dụng răn đe và có thể ổn định tình hình. Nó làm giảm nguy cơ nổ ra chiến tranh, từ đó giúp Thụy Điển an toàn hơn".

Lầu Năm Góc tuyên bố trong một tuyên bố rằng thỏa thuận quốc phòng này mở đường cho "hoạt động của lực lượng quân sự Hoa Kỳ ở Thụy Điển, bao gồm cả địa vị pháp lý của quân nhân Hoa Kỳ, quyền tiếp cận các khu vực và việc triển khai trước các trang thiết bị quân sự."

Tuyên bố nói thêm rằng cả hai bên "đồng ý rằng Ukraine nên tiếp tục được hỗ trợ khi đối mặt với cuộc xâm lược toàn diện và bất hợp pháp của Nga".

Việc Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022 đã đánh thức các quốc gia Bắc Âu trung lập lâu dài là Phần Lan và Thụy Điển, cả hai đều nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Phần Lan sẽ gia nhập NATO vào tháng 4/2023, trong khi Thụy Điển chỉ được chấp thuận vào tháng 3 năm nay. Điều này có nghĩa là tất cả các nước xung quanh vùng biển Baltic có tầm quan trọng chiến lược, ngoại trừ Nga, đều là thành viên của NATO.

Thụy Điển tuy là một quốc gia nhỏ ở châu Âu với dân số chỉ 10 triệu người nhưng từ lâu quốc gia này đã có một quân đội hùng mạnh để duy trì thế trung lập. Sau Chiến tranh Lạnh, Thụy Điển giảm mạnh chi tiêu quốc phòng, nhưng sau khi Chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ, nước này tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng.

Trước khả năng ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 11, Thủ tướng Thụy Điển, ông Ulf Kristersson nhấn mạnh các thành viên châu Âu của NATO cần xây dựng năng lực phòng thủ đủ mạnh, thay vì chỉ mong Mỹ cung cấp năng lực phòng thủ và chi trả chi phí quốc phòng cho mình; Châu Âu phải đoàn kết ủng hộ Ukraine để thuyết phục Hoa Kỳ tăng cường viện trợ.

Giới quan sát cho rằng việc ký kết Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng có thể nói là một bước tiến lớn của Thụy Điển, nước đã chấm dứt chính sách trung lập và không liên kết kéo dài hai thế kỷ vào tháng 3 năm nay và gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

​ Nguồn Soundofhope
Trọng Đức biên dịch

Đọc tiếp