Tích đức hành thiện, phúc báo không cầu cũng tự đến
Người sống trên đời đều mong muốn đắc được phúc báo, hy vọng con cháu mình có thể sống cuộc sống tốt đẹp. Vậy phúc báo của một người rốt cuộc là đến từ đâu? Theo văn hóa truyền thống, phúc báo có được là từ “Đức”, mà đức có được từ việc tích đức hành thiện của tổ tiên cũng như bản thân người đó.
Hãy giữ thiện niệm được phúc báo, con cháu đều hiển vinh
Thời Nam Tống, có người tên là Chương Cảnh Luân, bản tính thiện lương, thích hành thiện, tích đức. Khi thấy người khác hành thiện, ông thường cung kính, khiêm nhường học hỏi.
Sau này quân Nguyên đánh Nam Tống, bắt giữ hàng nghìn phụ nữ, nhốt họ trong một ngôi chùa, để xã trưởng Lý Đức Dương trông coi. Lý Đức Dương bụng dạ lương thiện, bèn nói với Chương Cảnh Luân rằng: “Những cô gái bị nhốt ở đây đều là các khuê nữ danh giá của các bậc quan thần. Nếu bị quân Nguyên dẫn đi ắt khó tránh khỏi bị làm nhục, giết hại. Điều này thật khiến lòng người không nỡ. Tôi muốn thả người đi, nhưng nghĩ tới trong nhà còn mẹ già, e rằng sẽ liên lụy tới cụ bà, nên vẫn chưa dám thả người”.
Chương Cảnh Luân nói rằng: “Tôi chỉ có một mình, anh giao việc này cho tôi, để tôi thả họ ra. Như vậy, khi nào quân Nguyên tra xét, thì mình tôi chịu trách nhiệm, dẫu bị giết tôi cũng không hối hận”.
Lý Đức Dương thấy ông thật lòng, bèn tìm quân Nguyên giao lại công việc canh giữ cho ông. Nhân lúc nửa đêm, Chương Cảnh Luân thả toàn bộ phụ nữ bị bắt ra, và phóng lửa thiêu rụi luôn cả ngôi chùa, sau đó tự mình đến quan phủ tự thú. Quan phủ báo cáo lại việc này với chủ soái quân Nguyên, chủ soái quân Nguyên không ngờ lại đồng tình với cách làm của Chương Cảnh Luân, và không có trách tội ông.
Sau này Chương Cảnh Luân lấy vợ, vợ chồng có với nhau 5 đứa con trai, đều thi đỗ tiến sỹ. Chương Cảnh Luân về sau một lòng tu đạo, sau khi tạ thế nghe nói đã đắc đạo thành tiên, lúc lâm chung ông nói với mọi người rằng: “Tích đức hành thiện, hà tất phải cần người khác biết. Khi ta còn sống không làm được gì khác, chỉ là ngưỡng mộ, học hỏi việc nhân nghĩa của người khác mà thôi”. Lý Đức Dương cũng vì thiện niệm ban đầu mà đắc được phúc báo.
Tích đức hành thiện, phúc báo tự đến
Trước đây, Đông Kinh có một người họ Tiêu, vì nhà họ Tiêu đã ba thế hệ không có người nối dõi, ông đã mượn tiếng làm ăn đến nhiều nơi khác nhau, đi khắp các vùng núi danh tiếng để tìm gặp cao nhân, mong sao có thể biết được nhân quả trong chuyện này.
Về sau, Tiêu Công gặp được một lão hòa thượng tu hành có thành tựu ở núi Ngũ Đài Sơn, và hỏi lão hòa thượng nguyên nhân ba thế hệ nhà ông không có người nối dõi. Lão hòa thượng nói với ông: “Chuyện này có ba nguyên nhân: Thứ nhất, tổ tiên không tích đức, bản thân ông cũng không có tích đức; thứ hai, niên mệnh của vợ chồng có thể đã phạm vào điều cấm kỵ; thứ ba, không biết bảo dưỡng tinh thần, vợ có chứng huyết hàn".
Tiêu Công nói: "Bản thân tôi không tích đức, niên mệnh của vợ chồng đều có thể biết rõ được, còn chứng huyết hàn của vợ làm sao có thể trị khỏi đây?".
Lão hòa thượng nói: "Cái này không khó, ông cần phải tu đức trước, tu thân sau; ba năm sau ông hãy trở lại đây, ta sẽ cho ông phương thuốc”.
Sau khi trở về nhà, Tiêu Công gắng sức hành thiện tích đức. Khi thấy có người gặp khó khăn, ông đều hào phóng giúp đỡ; khi gặp chuyện giết người hoặc làm điều ác, ông hết lòng cứu giúp và khuyên giải người khác, cứ thế ông đã bố thí ân đức liên tục trong ba năm. Ba năm sau, Tiêu Công lại đến Ngũ Đài Sơn tìm gặp lão hòa thượng, nhưng tìm kiếm tận mấy hôm cũng không tìm thấy, chính ngay lúc khi ông chuẩn bị quay về, bất ngờ có một cậu bé tay cầm toa thuốc xuất hiện trước mặt ông, nói với ông rằng: "Sư phụ nhờ tôi nói với ông, công đức của ông đã thành, sau khi về nhà hãy uống thuốc này, nhất định sẽ có con cháu giàu sang giáng sinh đúng như ý muốn của ông”.
Tiêu Công nói: "Chỉ cần có người nối dõi thì tôi đã mãn nguyện rồi, nào dám tham cầu sự giàu sang?”.
Sau khi về đến nhà, Tiêu Công uống thuốc theo đơn, về sau quả nhiên có được một cậu con trai, chính là Tiêu viên ngoại.
Sau này, Tiêu viên ngoại có được một người con trai, nhưng đứa con này lại bị tật, Tiêu viên ngoại hối hận vì sao mình có thể thất đức đến mức như vậy. Thế là ông cũng tìm đến Ngũ Đài Sơn, mong được thỉnh giáo lão hòa thượng. Kết quả là không gặp được lão hòa thượng, chỉ gặp được một cậu bé. Cậu bé nói với ông rằng: “Sư phụ tôi hôm qua đã biết trước rằng hôm nay ông sẽ đến, nên đã lệnh cho tôi tiếp đón ông. Kỳ thực, sư phụ đã nói qua rất nhiều lần rồi, cớ sao ông còn tìm đến đây nữa? Ông chỉ cần chăm làm việc thiện giống như cha mình, thế thì kẻ ngốc cũng sẽ thành người sáng suốt, nghèo khó cũng sẽ trở thành giàu sang”.
Tiêu viên ngoại nói: "Người nghèo khổ có thể trở nên giàu có, đây cũng là số mệnh. Riêng kẻ ngu ngốc là trời sinh ra đã như vậy, làm sao có thể trở nên thông minh được đây?".
Cậu bé kể: “Ngày xưa, thời Hậu Chu, có ông Đậu Vũ Quân ở núi Diên Sơn có năm người con đều bị tàn tật, nhưng sau khi ông hành thiện tích đức, thì các con của ông đều bình thường trở lại, hơn nữa do thiện quả của việc tích đức, cả năm người con đều đỗ đạt. Lẽ nào đây không phải là sự thật sao?”.
Tiêu viên ngoại bái tạ trở về. Từ đó về sau, ông cố gắng hành thiện tích đức giống như cha ông đã làm. Ông in ấn sách y học tặng cho mọi người. Ông cũng chế thuốc theo đơn thuốc của lão hòa thượng đã dạy, và tặng chúng cho những người cần đến, kết quả đều rất khả quan. Chưa đầy 20 năm sau, con cháu của ông quả thực đã trở nên rất giàu sang và xuất chúng. Con cháu đời sau cũng gìn giữ và tiếp nối truyền thống tích đức hành thiện của gia tộc, dùng phương thuốc để giúp đỡ người khác. Con cháu nhà họ Tiêu cũng đều rất có đức hạnh.
Theo quan niệm trong văn hoá truyền thống, con người có thể đắc phúc báo hay không, không phải nhờ việc cầu xin mà có được, mà là từ việc hành thiện tích đức. Người sống ở đời chỉ cần làm việc nhân nghĩa, hành thiện tích đức, thì phúc báo không cầu cũng tự đến. Đây là do thiên lý thiện ác hữu báo quyết định.
Tiếc rằng con người thời nay đã không mấy ai hiểu được đạo lý này, họ xem tham niệm, dục vọng của cá nhân là ưu tiên hàng đầu. Người người tranh nhau kiếm tiền, vì kiếm tiền mà bất chấp thủ đoạn, coi nhu cầu và hưởng thụ vật chất thành điều quan trọng nhất. Nhưng có mấy ai từng nghĩ rằng: Quá trình kiếm tiền bất chấp mọi thủ đoạn ấy chính là đang tạo nghiệp, là đang hao tổn phúc đức của mình. Khi ác nghiệp lớn đến một mức độ nhất định, thì sẽ có báo ứng, khi đó dẫu có tiền tài và quyền thế, cũng không còn mạng sống để hưởng thụ, con cháu đời sau cũng phải gánh chịu khổ nạn do người đời trước gây nên.
Theo Secretchina
Thiện Quân biên dịch