'Tiên cảnh bồng lai': Ảo ảnh hay lời nhắc nhở về sự tồn tại của Thần?
Chốn Bồng Lai tiên cảnh, như thực lại như mơ. Bồng Lai có thật hay không mà hàng nghìn năm qua thế nhân vẫn đợi vẫn chờ? Địa danh này nổi tiếng đến mức, hễ nhắc đến tiên cảnh là người ta nhớ đến Bồng Lai; hễ nói đến Bồng Lai, là nhớ đến xứ sở thần tiên thù thắng, mỹ lệ. Là vì, văn học nghệ thuật xưa nay đã không ngớt lời ca ngợi về nó.
Thậm chí, người ta lấy nó làm hình ảnh ước lệ để định danh, định tính cho những cảnh trí xinh đẹp khác phàm của chốn nhân gian, như tòa danh lầu Bồng Lai các ở thành phố Yên Đài tỉnh Sơn Đông, được xây dựng vào năm 1061 triều Tống. Dụ Lương Năng có thơ rằng:
Bồng Đảo kỳ diệu trần gian
Trông dòng Nhược Thủy muôn ngàn dặm xa
Trong mây rồng ngủ tòa nhà
Ung dung vượt biển ấy là núi ngao
Tiên ở Bồng Lai, phàm nhân hồng trần, dễ gì hạnh ngộ, nhưng ở một địa điểm đặc biệt như ở vùng duyên hải tỉnh Sơn Đông, có thể người ta sẽ nghĩ khác. Mới đây, ngày 22/12/23, sau khi trận bão tuyết đổ bộ vào thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, thuộc duyên hải phía đông Trung Quốc, trên biển đã xuất hiện hiện tượng “Tiên đảo Bồng Lai”. Các hòn đảo trên biển không ngừng thay đổi hình dáng, lúc ẩn lúc hiện, trôi nổi trên mặt biển, trông rất huyền ảo. Nó là hiện tượng có thật, hay chỉ là ảo ảnh?
Núi Bồng Lai trong cổ thư
Núi Bồng Lai xuất hiện trong văn bản cổ nhất là cuốn “Sơn Hải Kinh”. Nó chép rằng: “Núi Bồng Lai ở trong biển, phố chợ người to ở trong biển”. Lại chép: “Phía bắc Côn Lôn có nước, sức mạnh của nó không nâng nổi ngọn cỏ, do đó có tên là Nhược Thuỷ”. Nhược Thủy là nước chảy quanh núi Bồng Lai, nước không có lực nâng, ngay cả lông vũ cũng không thể nổi lên được. Người bình thường không thể vượt qua và tiếp cận núi Bồng Lai được. Thời nhà Tống, Tô Thức có câu "núi Bồng Lai không thể đến được, nước Nhược Thủy sâu 3 vạn dặm". Trong “Hồng Lâu Mộng”, cũng có cụm từ “tam thiên Nhược Thuỷ”. Về sau, các nhà văn như Cổ Long, Kim Dung, đều đã sử dụng đến cụm từ này. Bởi vì nghe nhiều nên rất quen thuộc. Trong kinh Phật từ sớm đã có ghi chép về cụm từ này.
Dân gian tương truyền Bát Tiên - tám vị tiên bất tử trong Đạo gia thường ngự ở tám động đá của núi Bồng Lai trên đảo Bồng Lai nơi cõi Thiêng liêng. Núi Bồng Lai không chỉ đứng một mình, nó nằm ở trong quần thể 5 ngọn núi tiên ở ngoài khơi biển Bột Hải, tỉnh Sơn Đông.
Truyền thuyết về 5 ngọn núi tiên
Sách “Liệt Tử – Thang Vấn” chép đại ý rằng, có thung sâu Quy Khư ở phía Đông của Bột Hải. Quy Khư sâu không thấy đáy, tương truyền có năm ngọn núi Tiên ở trong đó, tên là Đại Dư, Viên Kiều, Phương Hồ, Doanh Châu và Bồng Lai. Mỗi ngọn núi Tiên rất rộng lớn và dốc đứng, chiều cao và chu vi đều là ba vạn dặm, đỉnh núi bằng phẳng rộng chín nghìn dặm, các ngọn núi cách nhau bảy vạn dặm.
Trên mỗi ngọn núi Tiên đều có cung vàng điện ngọc, kỳ hoa dị thú, có quả tiên ăn vào trường sinh bất lão và các tiên nhân bất tử, mặc y phục trắng tinh.
Tuy nhiên, năm ngọn núi tiên bồng bềnh trong Quy Khư, thường bị sóng đánh trôi dạt, không thể ổn định, khiến các vị tiên lo ngại, báo lên Thiên Đế. Thiên Đế ra lệnh cho Hải Thần Ngu Cường (cũng là Thần Gió) phái 15 con ngao thần khổng lồ đến Quy Khư để cõng những ngọn núi Tiên này. Những con ngao khổng lồ này được chia thành năm nhóm, mỗi nhóm ba con, chịu trách nhiệm ổn định một ngọn núi Tiên; thông thường do một con phụ trách khiêng núi, còn hai con chờ bên cạnh, luân phiên sáu vạn năm một lần. Bằng cách này, năm ngọn núi Tiên đã ổn định trở lại.
Nhưng rồi trải qua thời gian thật lâu, có sáu con ngao đã bị một người khổng lồ ở nước Long Bá câu mất, khiến hai ngọn núi Tiên Đại Dư và Viên Kiệu đã trôi dạt đến Bắc cực xa xôi và chìm trong biển lớn, vì thế hàng ức vị Thần Tiên đều phải di chuyển đi nơi khác. Từ đó về sau Tiên Sơn chỉ còn lại ba ngọn núi là Phương Hồ, Doanh Châu và Bồng Lai.
“Tiên đảo Bồng Lai” và hành trình cầu Đạo tìm tiên của Tần Thủy Hoàng
Hình ảnh “tiên đảo Bồng Lai” xuất hiện ngoài khơi biển Bột Hải tỉnh Sơn Đông vào ngày 22/12/23 được một số người ngờ rằng chính là núi tiên Bồng Lai được nhắc đến trong quá khứ. Và điều thú vị là cách đây hơn hai nghìn năm, Tần Thủy Hoàng đã nhìn thấy hình ảnh này.
Vào năm 218 TCN, Tần Thuỷ Hoàng đi về hướng đông, lần này ông lên núi Thái Sơn làm lễ “phong thiện” (封禪), chính là lên đỉnh Thái Sơn tế Trời, sau đó xuống chân núi Thái Sơn tế Đất.
Lần tuần hành này để lại rất nhiều ảnh hưởng lịch sử, đó là khi ông đến biển Bột Hải thấy trên biển có “chợ biển lầu sò” (Hải thị thận lâu – 海市蜃樓: Ánh sáng soi bể rọi lên trên không thành muôn hình vạn trạng, chính là ánh sáng từ những con ngao thần cõng những ngọn núi tiên như đã đề cập).
Sách “Sử Ký” của Tư Mã Thiên chép: “Bọn Từ Phúc người đất Tề dâng thư, nói trong biển có ba ngọn núi thần, tên là Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu, tiên nhân ngự ở đấy; xin được trai giới rồi dắt theo các đồng nam, đồng nữ đi tìm. Thế rồi bèn phái Từ Phúc triệu tập mấy nghìn đồng nam, đồng nữ tiến vào trong biển tìm kiếm tiên nhân”.
Tiên nhân mà Từ Phúc nói đến, chính là những vị tiên giống như An Kỳ Sinh. Khi cử hành lễ Phong Thiện ở núi Thái Sơn, Tần Thủy Hoàng đã gặp một người tu Đạo ở Phụ Hương, Lang Gia, tên là An Kỳ Sinh. An Kỳ Sinh không ra làm quan mà chỉ làm một người bán thuốc ở vùng ven biển. Vì thấy ông rất cao tuổi nên mọi người đều gọi ông là “Thiên Tuế Công”.
Tần Thủy Hoàng cùng với An Kỳ Sinh trò chuyện suốt ba ngày ba đêm, cuối cùng ông dâng tặng An Kỳ Sinh món quà trị giá mấy ngàn vạn ngọc vàng. Trước khi rời đi, An Kỳ Sinh đặt những tặng phẩm ấy vào ngôi đình ở bên ngoài thành Phụ Hương, sau đó để lại một phong thư ngắn và đôi giày ngọc màu đỏ. Trong thư viết: “Vài năm tới, hãy đến Bồng Lai tìm ta!”.
Chính vì đã gặp và trực tiếp nói chuyện với vị tiên An Kỳ Sinh, nên Tần Thủy Hoàng càng tin rằng người ta có thể đắc Đạo thành tiên, và núi Bồng Lai là có thật. Ông hối thúc Từ Phúc đi ra biển tìm kiếm núi Bồng Lai. Bồng Lai không tìm được, nhưng Từ Phúc và 3 nghìn đồng nam, đồng nữ đã tìm thấy một hòn đảo phía đông Trung Hoa, sau này người ta biết đến nó với cái tên Nhật Bản. Từ Phúc và tùy tùng ở lại đó không về nữa, ông trở thành người Trung Hoa đầu tiên tìm ra nước Nhật và có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xã hội Nhật Bản từ đó về sau.
Hiện tượng “Tiên đảo Bồng Lai” đã xuất hiện nhiều lần trong quá khứ
Trong cuốn “Mộng khê bút đàm” do Thẩm Quát viết vào thời Bắc Tống, có ghi lại một trải nghiệm của danh thần Âu Dương Tu. Theo mô tả trong “Dị sự” là quyển thứ 21 của bộ sách này thì:
“Từ Đăng Châu (Bồng Lai, Sơn Đông ngày nay), nhìn ra biển, thường thấy hí mây, có cái giống lâu đài cung điện, cũng có nhân vật, xe ngựa, trông rất rõ ràng. Mọi người gọi nó là hải thị (thành phố trên biển)… Âu Dương Văn Trung (Âu Dương Tu) từng đi sứ Hà Sóc, trên đường đi qua huyện Cao Đường, ban đêm ở trong khách sạn, nghe thấy có quỷ Thần đi qua trên không trung, âm thanh của ngựa xe, người, động vật đều rất rõ nét. Ông kể lại rất chi tiết, ở đây không viết nhiều. Cụ già địa phương nói: ‘20 năm trước, ở đây ban ngày cũng có những sự việc như thế này, nhân vật đều trông hết sức rõ ràng’. Người dân đều gọi là hải thị”.
Vào những năm thời Tống Triết Tông, Tô Đông Pha bị giáng chức xuống làm quan ở địa phương Đăng Châu, dù nghe nói ở đó có kỳ quan “hải thị”, nhưng ông chưa bao giờ có cơ hội được xem. Sau đó, khi chuẩn bị rời đi, Tô Đông Pha cảm thấy thật đáng tiếc khi không gặp ‘hải thị’, nên đã đến Đền thờ Thần Biển để lễ bái.
Ngày hôm sau, khi Tô Đông Pha chuẩn bị rời Đăng Châu, một cảnh tượng kỳ diệu thực sự xuất hiện, và hình ảnh rất rõ ràng, có thể nhìn thấy người đi bộ, xe cộ và ngựa, đến rồi đi. Tô Đông Pha rất vui và viết bài thơ bảy chữ “Hải thị”, có mấy câu đầu như sau:
Đông phương vân hải không phục không,
Quần Tiên xuất một không minh trung.
Đãng dao phù thế sinh vạn tượng,
Khởi hữu bối khuyết tàng châu cung?
Tạm dịch là:
Phương đông mây biển tiếp bầu không,
Chư Tiên ẩn hiện ở tầng không.
Rung lắc cõi trần sinh vạn tượng,
Đâu có cổng khuyết giấu cung châu?
Giai thoại này đã được ghi lại trong cuốn sách bách khoa toàn thư “Dạ hàng thuyền” của học giả thời nhà Minh là Trương Đại.
Chưa hết, vào năm 1988 xuất hiện ảo tượng ở Bồng Lai, Sơn Đông, có thể xem là kỳ quan ảo ảnh đặc biệt nhất. Toàn bộ thời gian ảo tượng kéo dài tới 6 giờ, đạt kỷ lục thời gian, quy mô và chất lượng hình ảnh rõ nét. Cảnh tượng kỳ thú đã khiến hàng nghìn người dân và khách du lịch phải kinh ngạc. Nhiều người nói rằng họ đã nhìn thấy thiên nhân, thiên mã liên tục qua lại trong mỹ cảnh của thành thị phồn hoa.
Có người nói rằng đây chỉ là ảo tượng, đơn giản chỉ là hiện tượng do sự phản chiếu ánh sáng từ khí quyển gây ra. Tuy nhiên cách giải thích này thiếu thuyết phục. Với sự tiến bộ của khoa học hiện đại, các nhà khoa học đã dần thấu hiểu rằng không gian mà con người đang sinh tồn không phải là không gian duy nhất trong vũ trụ. Vẫn có tồn tại nhiều không gian khác mà con người không thể nhìn thấy, trong đó có các chủng vật chất và hình thức sinh tồn. Điều đó nói lên rằng sự tồn tại của các không gian khác có thể được triển hiện một cách “tình cờ” trong không gian này dưới dạng ảo tượng, cho phép chúng ta có thể nhìn thấy chúng.
Ở phương Tây cũng có nhiều hiện tượng tương tự. Năm 1954, tại biển Aegean - Hy Lạp xuất hiện ảo tượng. Các chiến binh cổ đại và cướp biển Viking xuất hiện một cách sống động trên bầu trời dưới sự chứng kiến của hàng ngàn người. Còn tại Trung Quốc cổ đại có vô vàn những sự kiện tương tự được ghi lại mà vì thời gian có hạn, chúng ta không thể đề cập hết.
Vấn đề là, nếu tiên cảnh Bồng Lai không phải là ảo tượng, thì sao Từ Phúc không tìm thấy nó?
Thử giải mã hiện tượng tiên cảnh Bồng Lai: Vì sao có thể nhìn thấy mà không thể tiến nhập vào?
Có không ít chuyện cổ kể rằng: một người nào đó khi đang đi trong núi sâu hoặc bất cẩn rơi vào sơn động thì tình cờ tiến nhập vào một thế giới thần kỳ, đó là chốn Đào Nguyên mỹ lệ, hoàn toàn không phải cảnh phàm trần. Thậm chí ở đó họ có thể được tiên nữ yêu mến, lấy làm chồng. Nhưng lòng thương nhớ cố hương khiến họ nhất quyết phải quay về. Về đến nơi, cũng là lúc phát hiện ra người xưa cảnh cũ không còn, rất nhiều năm đã trôi qua từ khi họ lên tiên, nhưng lúc này muốn quay lại Đào Nguyên thì cũng không tìm được đường nữa, đành suốt đời ôm hận.
Người Việt có chuyện Từ Thức gặp tiên ở địa phận cửa biển Thần Phù, nay là nơi giáp ranh giữa Yên Mô - Ninh Bình và Nga Sơn - Thanh Hóa. Còn người Trung Hoa có tích Lưu Thần, Nguyễn Triệu lạc Thiên Thai, chính là điển hình của sự kiện người phàm lạc tiên giới, hay nói đơn giản hơn: đó là sự tiến nhập vào một thời không khác cao tầng hơn không gian này của chúng ta.
Trong thi phẩm “Tống biệt”, thi sĩ Tản Đà viết:
Lá đào rơi rắc lối thiên thai,
Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi!
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai,
Ước cũ duyên thừa có thế thôi!
Đá mòn, rêu nhạt,
Nước chảy, huê trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ đây xa cách mãi.
Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ,
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi
Chính là họa lại câu chuyện Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai vậy.
Trên thực tế, nhìn thấy ảo tượng là một chuyện, còn có thể tiến nhập vào đó hay không là một chuyện khác. Để có thể tiến nhập vào tiên giới, cần phải là người có căn cơ duyên phận đặc biệt hoặc có sứ mệnh đặc biệt. Câu chuyện “Tây Phương Cực Lạc thế giới du ký” kể về chuyến du ngoạn đến Thế giới Cực Lạc của pháp sư Khoan Tịnh - trụ trì chùa Mạch Nham ở Phúc Kiến, chính là một minh chứng sống động.
Vào ngày 25 tháng 10 âm lịch năm 1967, khi đang thiền định ở trong động Di Lặc trên núi Cửu Tiên ở huyện Đức Hóa, tỉnh Phúc Kiến, đột nhiên Khoan Tịnh dường như nghe thấy có ai đó đang gọi mình và đẩy ông đi. Ông gặp một bạn đồng hành tự xưng là Viên Quán, đã dẫn ông qua vượt các tầng trời trong Tam Giới, sau đó thăng lên các cảnh giới trong Cửu Phẩm Liên Hoa của thế giới Cực Lạc, rồi được bái kiến Đức Phật A Di Đà. Thấy cảnh đẹp đất Phật, ông không muốn quay về, nhưng Đức Phật A Di Đà đã đọc một bài kệ, ý nghĩa là, pháp sư Khoan Tịnh trong hai kiếp trước đã sống ở thế giới Cực Lạc, lúc ấy bản thân ông đã phát nguyện trở lại nhân gian để cứu độ chúng sinh, cha mẹ và quyến thuộc. Giờ pháp sư Khoan Tịnh phải trở về để hoàn thành tâm nguyện của mình, truyền đạt tình hình của thế giới Cực Lạc cho nhân gian, để giáo hóa thế nhân.
Sau khi Đức Phật đọc bài kệ, pháp sư Khoan Tịnh đột nhiên cảm thấy toàn thân chấn động, tất cả những ký ức trước đây hiện lên sống động trong tâm trí ông, giúp ông hiểu rõ được sứ mệnh và tâm nguyện của mình. Pháp sư Khoan Tịnh cũng không còn cầu xin Đức Phật A Di Đà thu nhận mình nữa. Sau khi lễ bái Đức Phật, pháp sư Khoan Tịnh đi thăm quan cõi Cực Lạc. Sau một ngày du ngoạn ở thiên thượng, ông trở về thì đã là ngày 8 tháng 4 năm 1974, tức là 6 năm đã trôi qua.
Từ Phúc rong thuyền trên biển Bột Hải, nhằm hướng “chợ biển lầu sò” mà tiến, nhưng rốt cuộc chỉ thấy đại dương mênh mông, sóng vỗ ngút ngàn. Ông đã ra tới vị trí nơi xuất hiện “tiên đảo Bồng Lai” nhưng vì không thể tiến nhập vào không gian đó, nên cuối cùng chỉ có thể tìm thấy mảnh đất Nhật Bản của thế giới này. Âu đó cũng là sứ mệnh mà lịch sử đã an bài cho ông. Cũng như sứ mệnh của Tần Thủy Hoàng có lẽ không phải là đắc Đạo thành tiên như Hiên Viên Hoàng Đế thời cổ đại, mà là đặt nền móng cho một Trung Hoa thống nhất.
Sự xuất hiện của “tiên cảnh Bồng Lai” hay các ảo tượng của không gian khác có ý nghĩa gì? Phải chăng nó gửi đến cho chúng ta một thông điệp: những điều mà con người chưa biết còn quá nhiều, những điều mà khoa học lý giải được còn quá ít ỏi. Con người không nên tự hạn cuộc mình trong những điều mắt thấy tai nghe. Đồng thời, hãy học tập cổ nhân vun bồi đạo đức, tu dưỡng tâm tính, khi tĩnh tại trí huệ sẽ khai mở, có thể sẽ có những đột phá khỏi những giới hạn nhận thức thông thường.
Những thiên tượng, ảo tượng xuất hiện liên tục những năm gần đây dường như còn nhắn nhủ rằng: đã đến lúc con người hiện đại cần hiểu ra Thần Phật là có thật và luật Trời đang triển hiện. Với thuyết vô Thần và tiến hóa, con người đã phủ nhận Thần, phủ nhận nguồn gốc của mình, xem nhẹ luật Trời, coi rẻ đạo đức… từ đó mắc nhiều sai lầm và chịu hậu quả.
Phải chăng chúng ta đã xa rời Thần Phật quá lâu và đã đến lúc phải trở về?
Nguyên Vũ