Tiên phong của kỷ nguyên ô tô, câu chuyện về người sáng lập Mercedes-Benz
Trên sân khấu lịch sử công nghệ, có một nhân vật có tên tuổi mãi mãi ghi danh, đó là kỹ sư người Đức Karl Friedrich Benz. Nhắc đến cái tên Benz, mọi người có thể nghĩ ngay đến thương hiệu xe hơi Mercedes-Benz nổi tiếng của Đức.
Đúng vậy, Karl Benz chính là người sáng lập ra xe hơi Mercedes-Benz. Ông không chỉ mở ra kỷ nguyên của xe hơi hiện đại mà còn để lại cho hậu thế một di sản bất hủ. Hãy cùng lắng nghe câu chuyện của ông.
Năm 1844, Karl Benz sinh ra tại Karlsruhe, phía tây nước Đức. Cha ông là một người lái tàu hỏa, đã qua đời trong một tai nạn đường sắt. Khi còn học trung học, chàng trai trẻ Karl Benz đã thể hiện niềm đam mê mãnh liệt với khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông phải kiếm thêm tiền bằng cách sửa chữa đồng hồ.
Năm 1860, Karl Benz bước vào trường Bách khoa Karlsruhe và may mắn gặp được hai giáo sư tin tưởng sâu sắc vào học thuyết "Sáng tạo tư bản - Capital Invention Theory", những người có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời ông. Tại ngôi trường này, ông đã học một cách có hệ thống về cấu trúc cơ khí, nguyên lý cơ khí, chế tạo động cơ và tính toán kinh tế trong sản xuất cơ khí, đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển sau này của mình.
Sau khi tốt nghiệp, Karl Benz đã làm nhiều công việc khác nhau, từ học việc tại một nhà máy cơ khí, nhà thiết kế tại một nhà máy sản xuất cân, đến quản lý công trình tại một công ty xây dựng cầu đường.
Năm 1872, ông quyết định thành lập một nhà máy mang tên mình - Nhà máy Đúc Sắt và Cơ khí Benz. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhà máy đối mặt với nguy cơ phá sản ngay sau khi thành lập.
Trong tình cảnh không thể trả nợ cho bạn bè, Karl Benz nhớ lại lý thuyết "phát minh tư bản" của giáo viên mình và quyết định chế tạo động cơ để tạo ra lợi nhuận cao, coi đó là bước ngoặt của cuộc đời. Sau khi bắt đầu cuộc phiêu lưu này, ông đã dồn hết tâm sức vào việc học hỏi và sáng tạo để chế tạo động cơ.
Karl Benz đã nhận được giấy phép sản xuất động cơ khí đốt bốn thì Otto. Sau hơn một năm thiết kế và thử nghiệm, vào ngày 31 tháng 12 năm 1879, ông đã chế tạo thành công động cơ khí đốt một xi-lanh đầu tiên. Tuy nhiên, do các vấn đề kỹ thuật, chiếc xe thường xuyên bị hỏng và bị người khác chế giễu là "con quái vật bốc mùi". Karl, vì sợ bị bẽ mặt, thậm chí không dám lái nó ở nơi công cộng.
Chiếc xe này không giúp Karl Benz thoát khỏi khó khăn về tài chính, ông vẫn đối mặt với nguy cơ phá sản và cuộc sống rất khó khăn. Vợ ông, Bertha Benz, đã hỗ trợ ông rất nhiều, bán của hồi môn và đồ trang sức để duy trì cuộc sống của gia đình, cho phép Karl tập trung toàn bộ tâm trí vào nghiên cứu động cơ.
Cuối cùng, vào ngày 29 tháng 1 năm 1886, Karl đã chế tạo thành công chiếc xe ba bánh động cơ xi-lanh đơn đầu tiên trên thế giới, nhận được "bằng sáng chế sản xuất ô tô" đầu tiên trên thế giới, và ngày này cũng được coi là "ngày sinh của ô tô thế giới".
Chiếc ô tô đầu tiên trên thế giới được trang bị động cơ xăng hai thì, xi-lanh đơn, dung tích 785cc, công suất 0,89 mã lực, có thể di chuyển với tốc độ 15 km/h. Chiếc xe này có bánh trước nhỏ, bánh sau lớn, động cơ đặt phía trên cầu sau, truyền động đến bánh sau thông qua xích và bánh răng. Chiếc xe đã có một số đặc điểm cơ bản của ô tô hiện đại như đánh lửa điện, hệ thống làm mát bằng nước tuần hoàn, khung ống thép, hệ thống treo lò xo lá thép, dẫn động cầu sau, hệ thống lái bánh trước và phanh tay. Cơ cấu lái bánh răng thanh răng của nó được coi là tiền thân của hệ thống lái ô tô hiện đại.
Vào thời điểm đó, do hiệu suất của chiếc xe này vẫn chưa hoàn thiện, động cơ hoạt động rất ồn, và dây xích truyền động kém chất lượng thường xuyên bị đứt. Vì vậy, trên những con đường mà chiếc xe đi qua, người ta thường thấy người đẩy xe hơn là người ngồi trên xe. Trong thời đại xe ngựa, ô tô bị mọi người chế giễu và bị coi là một con quái vật vô dụng.
Vợ của Karl, để đáp trả sự chế nhạo của dư luận, đã cùng hai con trai lái chiếc xe hơi đã được cải tiến nhiều lần từ Mannheim vào tháng 8 năm 1888, đi qua Wiesloch để tiếp nhiên liệu và nước, và lái thẳng đến Pforzheim, với tổng quãng đường 144 km. Sau đó, vợ ông ngay lập tức gửi điện tín cho Karl: "Chiếc xe đã vượt qua thử thách, hãy nhanh chóng đăng ký tham gia Triển lãm Munich".
Thí nghiệm lịch sử này đã đóng góp vào sự phát triển của ô tô. Sau Triển lãm Munich, một lượng lớn khách hàng bắt đầu đặt hàng xe hơi từ Karl Benz. Sau đó, sự nghiệp của ông bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Ông sở hữu nhà máy sản xuất ô tô lớn nhất nước Đức và bắt đầu sản xuất những chiếc xe Mercedes-Benz nổi tiếng thế giới.
Karl Benz đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của công nghệ ô tô. Các thiết kế và sáng tạo của ông đã đặt nền móng cho nhiều công nghệ ô tô, bao gồm thiết kế động cơ đốt trong, hệ thống truyền động, hệ thống treo, v.v., những công nghệ này đã trở thành tiêu chuẩn cho sản xuất ô tô sau này. Ông cũng đã thiết kế chiếc xe cơ giới sản xuất hàng loạt đầu tiên trên thế giới, chiếc xe buýt đầu tiên và chiếc xe đua đầu tiên. Công ty do ông thành lập sau này đã phát triển thành công ty ô tô Mercedes-Benz nổi tiếng.
Những phát minh và đổi mới của Karl Benz đã thay đổi cách sống và phương thức di chuyển của con người, thúc đẩy quá trình xây dựng và phát triển hệ thống giao thông vận tải hiện đại. Ô tô đã trở thành một phần không thể thiếu trong xã hội hiện đại, có ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế, văn hóa và xã hội. Sáng kiến của ông đã đặt nền móng cho ngành công nghiệp ô tô hiện đại, mở đường cho các nhà sản xuất ô tô sau này. Câu chuyện cuộc đời ông là một tấm gương về lòng dũng cảm, sự kiên trì và đổi mới, mãi mãi truyền cảm hứng cho các thế hệ sau theo đuổi sự xuất sắc.
Theo Soundofhope
Minh Nguyệt