‘Tiêu chuẩn kép’ của Hoa Kỳ tiếp thêm nhiên liệu cho cỗ máy tuyên truyền của Bắc Kinh

‘Tiêu chuẩn kép’ của Hoa Kỳ tiếp thêm nhiên liệu cho cỗ máy tuyên truyền của Bắc Kinh
‘Tiêu chuẩn kép’ của Hoa Kỳ tiếp thêm nhiên liệu cho cỗ máy tuyên truyền của Bắc Kinh.( Ảnh: AP Photo/Damian Dovarganes, File)

Trung Quốc từ lâu đã thích thú với việc chỉ trích những gì họ gọi là “tiêu chuẩn kép” của Hoa Kỳ. Họ nhấn mạnh thông điệp rằng các chính sách đối nội và đối ngoại của Washington phản bội các nguyên tắc về tự do, phẩm giá và nhân quyền mà nước này rao giảng với phần còn lại của thế giới.

Các vấn đề nội bộ của Washington và tiêu chuẩn kép đã được chứng minh là các món quà liên tục được trao cho cỗ máy tuyên truyền của Bắc Kinh. Những vấn đề này của Hoa Kỳ là những hành vi được lên án ở Trung Quốc mỗi ngày một nhiều hơn.

Vào tháng 5/2024, các cuộc biểu tình về cuộc xung đột ở Gaza đã nhấn chìm các trường đại học trên khắp nước Mỹ. Các phương tiện truyền thông do nhà nước Trung Quốc kiểm soát đã nhanh chóng nắm bắt, tập trung vào các cuộc đàn áp của cảnh sát để làm nổi bật "tiêu chuẩn kép và sự đạo đức giả" ở Hoa Kỳ về quyền tự do ngôn luận.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc như Nhân dân Nhật báo và các nền tảng truyền thông xã hội đã nhấn mạnh sự tương phản giữa các giá trị được công bố của Hoa Kỳ và hành động của nước này, họ coi Hoa Kỳ là một quốc gia đàn áp sự bất đồng chính kiến ​​trong khi chỉ trích những quốc gia khác về các hành vi tương tự.

Các phương tiện truyền thông gần đây tiết lộ rằng các cơ quan tình báo, quân đội và thực thi pháp luật của Hoa Kỳ có lịch sử tận dụng dữ liệu thương mại để lách luật hạn chế việc giám sát. Các cơ quan này thu thập được lượng lớn dữ liệu người tiêu dùng -- từ thông tin tiểu sử đến các chuyển động chính xác -- thông qua các thỏa thuận với các nhà môi giới dữ liệu bất chấp điều này có được phép hay không.

Theo Wall Street Journal, những hoạt động như vậy, diễn ra ít nhất từ ​​năm 2017 và đi ngược lại cáo buộc lưỡng đảng của Hoa Kỳ rằng TikTok có thể bị các tác nhân nhà nước Trung Quốc khai thác để thu thập dữ liệu cá nhân cho mục đích giám sát. 

Trung Quốc đã tận dụng “cuộc đàn áp TikTok” của Hoa Kỳ để nhấn mạnh sự đạo đức giả của chính quyền Washington. Bằng cách phớt lờ cảnh báo từ các tổ chức tự do ngôn luận và tiếp tục các lệnh cấm, Trung Quốc lập luận rằng Hoa Kỳ đã chà đạp lên quyền Tu chính án thứ nhất của chính công dân mình.

Có lẽ đáng lên án nhất là việc Reuters đưa tin vào tháng 6/2024 rằng quân đội Hoa Kỳ đã tiến hành một chiến dịch tuyên truyền bí mật nhằm phá hoại vắc-xin COVID-19 của Trung Quốc tại các quốc gia như Philippines. 

Báo cáo cho biết trong thời gian xảy ra đại dịch, quân đội Hoa Kỳ đã sử dụng các tài khoản mạng xã hội giả mạo để mạo danh người Philippines và gieo rắc nghi ngờ về tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin và viện trợ của Trung Quốc. Nỗ lực này bao gồm hơn 300 tài khoản trên các nền tảng như X (trước đây là Twitter), và là một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong thời gian xảy ra đại dịch.

Chiến dịch này được cho là bắt đầu vào mùa xuân năm 2020, nhắm vào đối tượng khán giả địa phương trên khắp Đông Nam Á, Trung Á và Trung Đông, làm gia tăng nỗi lo ngại rằng vắc-xin của Trung Quốc có thể bị cấm theo luật Hồi giáo do có chứa thành phần từ thịt lợn.

Theo Reuters, chiến dịch này tiếp tục diễn ra trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden cho đến khi được dừng lại vào giữa năm 2021, sau khi các công ty truyền thông xã hội lên tiếng báo động về việc Lầu Năm Góc phát tán thông tin sai lệch về COVID.

Đáp lại báo cáo của Reuters, phía Trung Quốc nhanh chóng cáo buộc quân đội Hoa Kỳ "đạo đức giả, có ý đồ xấu và tiêu chuẩn kép". 

Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đã tập trung vào sự tương phản rõ rệt giữa tuyên bố tôn trọng nhân quyền của Hoa Kỳ và hành động thực tế của nước này nhằm chỉ trích Washington vì làm suy yếu các quyền cơ bản về sự sống và sức khỏe của người dân Philippines.

Việc liên tục phơi bày các tiêu chuẩn kép như vậy đang làm xói mòn uy tín của Hoa Kỳ. Vào thời điểm mà cuộc chiến giành trái tim và khối óc đã trở thành một chiến trường ngày càng quan trọng trong sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Sự “giả dối bị phơi bày” của Washington chỉ khiến Bắc Kinh dễ dàng mở rộng ảnh hưởng của mình trong cộng đồng toàn cầu, đặc biệt là ở các khu vực quan trọng mà cả hai siêu cường đều tranh giành ảnh hưởng và sự ủng hộ.

Trong cuộc khảo sát mang tên “Tình hình Đông Nam Á 2024” do Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore thực hiện, có 50,5% số người được hỏi thích Trung Quốc hơn Hoa Kỳ. Điều này  đánh dấu lần đầu tiên Bắc Kinh vượt qua Washington kể từ cuộc thăm dò vào năm 2020. Đây là sự thay đổi đáng kể so với cuộc khảo sát của năm ngoái, khi 38,9% ủng hộ Trung Quốc và 61,1% chọn Hoa Kỳ. Cuộc khảo sát này bao gồm ý kiến ​​đóng góp từ các cá nhân trong khu vực tư nhân và công cộng, cũng như các học giả và nhà nghiên cứu.

Trong bối cảnh sở thích khu vực đang thay đổi này, việc phơi bày chiến dịch thông tin sai lệch do Lầu Năm Góc dàn dựng ở Philippines có nguy cơ làm xói mòn thêm niềm tin của công chúng vào Hoa Kỳ tại một chiến trường quan trọng như Đông Nam Á. 

Theo các chuyên gia, trong một khu vực vốn đã cảnh giác với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, việc sử dụng cuộc khủng hoảng sức khỏe để ghi điểm địa chính trị khiến cho diễn ngôn của Washington về việc trở thành đối tác đáng tin cậy, trở nên sáo rỗng.

Để chống lại chiến thuật “whataboutism” (hay “Anh cũng vậy” - một dạng ngụy biện phi hình thức) dai dẳng của Trung Quốc, Hoa Kỳ phải giải quyết trực diện các tiêu chuẩn kép của họ. Điều này có nghĩa là đảm bảo rằng các chính sách đối nội và đối ngoại của mình luôn duy trì các nguyên tắc về tính minh bạch, nhân quyền và tính toàn vẹn pháp lý mà họ mong đợi từ những người khác.

Tuy nhiên, theo ý kiến chuyên gia vẫn chưa có tiến triển đáng kể nào được ghi nhận.

Một đề xuất cấm các cơ quan Hoa Kỳ mua dữ liệu thương mại về người Mỹ đã vấp phải sự phản đối từ chính quyền Joe Biden. Lý do là các cơ quan tình báo và các đồng minh quốc hội của họ cho rằng dữ liệu đó rất quan trọng đối với an ninh quốc gia và các hoạt động thực thi pháp luật.

Trong khi đó, các nỗ lực tuyên truyền của Lầu Năm Góc vẫn không hề suy giảm, với các tài liệu chiến lược gần đây và các hợp đồng đáng kể tiết lộ cam kết đang diễn ra về việc sử dụng thông tin sai lệch để làm suy yếu các đối thủ như Trung Quốc và Nga (Reuters).

Trong cuộc đua với Trung Quốc để cải thiện khả năng giám sát và mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, Hoa Kỳ đã sẵn sàng bình thường hóa các hoạt động mà họ lên án và phá hoại các giá trị mà họ tuyên bố bảo vệ. Tuy nhiên thời gian thực sự đang “cạn kiệt” để Hoa Kỳ giành lại vị thế đạo đức cao cả của mình, và điều này cần phải bắt đầu bằng việc dọn dẹp mớ hỗn độn của chính họ.

(Dien Luong là nghiên cứu viên cộng tác của chương trình truyền thông, công nghệ và xã hội của Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore và là nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành truyền thông và phương tiện truyền thông tại Đại học Michigan)

Theo Nikkei Asia
Bảo Thư