Tô Đông Pha: Ba cảnh giới giác ngộ sau khi nếm trải mọi vinh nhục của cuộc đời

Tô Đông Pha: Ba cảnh giới giác ngộ sau khi nếm trải mọi vinh nhục của cuộc đời
Người trẻ đều mong muốn có những thành tựu to lớn, công thành danh toại rồi trở về quê hương vẻ vang. Thời nhà Tống, Vương An Thạch là như vậy, và Tô Đông Pha cũng vậy. (Ảnh minh họa: Chi tiết từ bức tranh của Đổng Hạo thời nhà Thanh)

Chỉ sau khi trải qua những năm tháng thăng trầm của cuộc đời, sau khi có được sự giác ngộ sâu sắc, khi quay đầu nhìn lại bạn sẽ chợt nhận ra, danh lợi mà bạn vất vả, khổ sở theo đuổi cả một đời cũng chỉ như một cơn gió thoảng mây trôi mà thôi…

Con người chúng ta khi đến “cái dốc bên kia của cuộc đời” không biết tâm trạng sẽ như thế nào? Là buông bỏ, lùi một bước biển rộng trời cao? Hay sau khi trải qua bao thăng trầm của cuộc đời vẫn lớn giọng cất cao tiếng hát “Tôi sẽ không từ bỏ, tôi sẽ không thừa nhận thất bại”? 

Trên chặng đường dài đằng đẵng của cuộc đời, mỗi người chúng ta có thể cũng đều ẩn chứa một vài vết sẹo trong tâm, nhưng dù nỗi đau có sâu đến đâu cũng sẽ luôn tìm được lối thoát. Chỉ sau khi đã trải qua những đau khổ của kiếp người và hoàn thành bài tập mà ông Trời giao phó, mới có thể nhận ra rằng hãy để mọi thứ thuận theo tự nhiên, nếu thế thì sinh mệnh cuối cùng sẽ đạt được sự giác ngộ tròn đầy.

Cảm ngộ của người xưa sau khi trải qua vinh quang và mất mát của cuộc đời

Sống ở thế gian, mỗi người đều phải làm việc cật lực để sinh tồn, mỗi ngày phải quay cuồng với cơm áo gạo tiền, hoặc muốn theo đuổi lý tưởng hoài bão của riêng mình, hoặc mong được sống giữa những tràng pháo tay của mọi người... Nhưng như vậy thì sao? Đại văn hào Tô Đông Pha thời nhà Tống với danh tiếng lẫy lừng còn lưu truyền đến ngày nay sau khi trải qua một cuộc đời đầy vinh quang và mất mát, đã đưa ra câu trả lời này trong bài thơ cuối cùng của cuộc đời mình:

“Quán triều”:

Lư Sơn yên vũ Chiết Giang triều,
Vị đáo thiên ban hận bất tiêu.
Đáo đắc hoàn lại biệt vô sự,
Lư Sơn yên vũ Chiết Giang triều.


Dịch nghĩa: Ngắm thủy triều

Mưa khói ở Lư sơn, sóng ở Chiết giang,
Khi chưa đến thì lòng bứt rứt khôn nguôi nhiều bề,
Khi đến rồi thì cũng không có gì khác biệt,
Chỉ là mưa khói ở Lư sơn, sóng ở Chiết giang.


Tạm dịch:

Khói tỏa Lư Sơn, sóng Chiết Giang,
Khi chưa đến đó luống mơ màng.
Đến rồi, hoá cũng không gì lạ,
Khói tỏa Lư Sơn, sóng Chiết Giang.

Bài thơ cuối cùng trong đời Tô Đông Pha viết cho con trai ông là Tô Quá, chỉ vỏn vẹn với hai mươi tám chữ, vô cùng đơn giản và rõ ràng, hơn nữa câu đầu và câu cuối đều lặp lại, nhưng lại nói rõ ba cảnh giới của đời người. Trong bài thơ bộc lộ một tâm thái bình yên, một tấm lòng rộng mở sau khi đại triệt đại ngộ, đồng thời chứa đựng sự giác ngộ tinh thần khi đã nếm trải hết mọi phồn hoa, vượt qua mọi gian khó.

Ý tứ của bài thơ này là: Mưa bụi đẹp đẽ ở núi Lư Sơn và những cơn sóng thủy triều dâng cao ở sông Tiền Đường của tỉnh Chiết Giang đều là những kỳ quan nổi tiếng nơi thế gian, nếu kiếp này không nhìn thấy được như mong nguyện thì sẽ tiếc nuối cho đến cuối cuộc đời. Giờ đây cuối cùng tôi cũng đã được tận mắt thưởng thức cảnh quan kỳ diệu này. Nhưng vậy thì sao chứ, cuộc sống vốn không vì điều này mà khác đi, đó chẳng qua chỉ là một phong cảnh mà thôi.

Tuy nhiên, đối với bài thơ này tôi lại có cảm ngộ thế này, mỗi người vì để theo đuổi lý tưởng trong lòng mình đã luôn nỗ lực thực hiện mà không tiếc bất cứ giá nào. Mãi cho đến một ngày, sau nhiều năm cố gắng hết sức, cuối cùng bạn cũng đạt được điều mình muốn. Cho đến lúc này đột nhiên quay đầu nhìn lại mới bàng hoàng nhận ra rằng cảnh vật và chấp niệm vốn khiến lòng người khát khao mơ ước đó “chẳng qua cũng chỉ như vậy mà thôi”.

Tô Đông Pha, đại văn hào thời nhà Tống bụng đầy thi thư, nổi tiếng khắp thiên hạ này cuộc đời làm quan không được như ý, ông đã nhiều lần bị hãm hại, bị giáng chức. Cuộc đời thăng trầm là thế, nhưng khi đi đến cuối cuộc đời, ông đã vô dục vô cầu, mọi cảm giác bình yên trong tâm và đạm bạc danh lợi kỳ thực đều là đánh đổi từ những mất mát trên chốn quan trường. Chúng ta có thể điều này trong bài thơ “Tây Giang Nguyệt” của ông, “việc đời như một giấc mộng dài, đời người cũng trải hết bi ai”, trong thơ lấy cảnh gió thu xào xạc, lá rơi lả tả để diễn tả cái cảm xúc “thời gian trôi bạc màu tóc xanh” của một kiếp người.

Khi Tô Đông Pha đã bước vào tuổi xế chiều, nghe tin con trai út là Tô Quá sắp được bổ nhiệm làm Thông phán phủ Trung Sơn, ông đã viết tay bài thơ "Quán Triều" này. Ông dùng trải nghiệm cả một đời nói với con rằng dù có đi qua nghìn đèo vạn suối, thì “núi vẫn là núi, nước vẫn là nước”; dù có làm quan to đến mấy, thì vô dục vô cầu, tận tâm với công việc, sống một đời bình dị, đó mới là cảnh giới cần tu dưỡng.

Cảnh sắc sông núi ẩn dụ cho quá trình tu tâm 

Cảnh sắc sông núi là ẩn dụ cho quá trình tu tâm. Tại sao nói vậy? Trong cổ thư “Ngũ Đăng Hội Nguyên” có một câu như vậy, chia quá trình thiền định ở ba cảnh giới, khi chưa tham thiền thì thấy núi là núi, nước là nước; sau khi tham thiền thì thấy núi không phải là núi, thấy nước không phải là nước; đợi đến khi bước vào tuổi già quay đầu nhìn lại thì thấy núi vẫn là núi, nước vẫn là nước.

Bài thơ “Ngắm thủy triều” này của Tô Thức là ẩn dụ cho quá trình tu tâm, là quá trình dùng thời gian của cả một đời người mới có thể thể ngộ được.

Khi đến rồi thì cũng không có gì khác biệt, chỉ là mưa khói ở Lư sơn, sóng ở Chiết giang”, thiết nghĩ với trải nghiệm và trí tuệ tuyệt vời của Tô Đông Pha, có lẽ ông đang nhắc nhở con trai mình, thậm chí cả người đời sau nữa, rằng hãy sống trong hiện tại, trân trọng hiện tại, phong cảnh đẹp nhất đang ở ngay trước mắt, đừng theo đuổi những điều viển vông xa vời, đó mới là điều ý nghĩa nhất của sinh mệnh.

Tĩnh tâm suy nghĩ sẽ thấy, khi tâm bạn bị ràng buộc và dẫn động bởi thế tục, tất cả những gì bạn theo đuổi chỉ là những thứ mà người ngoài nói sao bạn cảm thấy như vậy, hào nhoáng và không thực tế. Chỉ sau khi trải qua những năm tháng thăng trầm của cuộc đời, sau khi có được sự giác ngộ sâu sắc, khi quay đầu nhìn lại bạn sẽ chợt nhận ra, cho dù là danh lợi mà bạn vất vả, khổ sở theo đuổi cả một đời thì cũng chỉ là một cơn gió thoảng mây trôi mà thôi! Ngược lại, khi sống một cuộc sống bình dị và thuận theo quy luật làm việc lúc mặt trời mọc và nghỉ ngơi lúc mặt trời lặn, mới có thể khiến tâm hồn được tĩnh lặng, an yên.

Nhìn lại chặng đường dài cuộc đời mà bản thân đã đi qua, thời gian thấm thoát đã trôi qua hơn năm mươi năm, những con người mà mình đã gặp, trải qua biết bao lần duyên hợp duyên tan, biết bao niềm vui và nỗi buồn, sự ân cần và nhiệt tình lúc ban đầu hoàn toàn bị bào mòn bởi những vướng mắc về lợi ích, cuối cùng đến vẫy tay chào tạm biệt nhau cũng không còn cơ hội. Tình cảm của con người giống như bị những con sóng xô đẩy, lắc lư trong biển cả hết đợt này đến đợt khác, phút chốc giấc mộng tan tành. Nhiều khi nghĩ lại, thứ còn lại chỉ là tiếng thở dài và nỗi buồn man mác trong tâm.

Theo Epochtimes
Thiện Quân biên dịch

Đọc tiếp