Tổng thống Hoa Kỳ Lincoln: Chỉ khi đánh mất lương tâm mới có thể nói dối

Tổng thống Hoa Kỳ Lincoln: Chỉ khi đánh mất lương tâm mới có thể nói dối
Năm 1858, Abraham Lincoln tranh cử vào Thượng viện Hoa Kỳ tại Illinois, đối thủ của ông là Stephen Douglas (Ảnh dẫn qua Soundofhope: chi tiết bức tranh của họa sĩ người Mỹ Robert Marshall Root vẽ năm 1918).

Vào một ngày tháng 6 năm 1831, tại chợ đấu giá nô lệ ở thành phố New Orleans, miền Nam Hoa Kỳ, từng hàng nô lệ da đen bị cùm chân và tay, bị xâu lại với nhau bằng những sợi dây thừng chắc chắn. Những người chủ nô lệ tiến lên sờ vào cánh tay, vỗ vào đùi họ, dùng roi da quất vào người nô lệ để xem cơ bắp của họ có phát triển không, có đủ sức khỏe để làm việc hay không. Lúc này, một vài thủy thủ đến từ miền Bắc chứng kiến cảnh tượng này, một người thanh niên trong số họ nói: "Thật đáng xấu hổ! Sau này có cơ hội, tôi nhất định phải xóa bỏ chế độ nô lệ." Người này chính là Abraham Lincoln.

Tháng 9 năm 1862, Tổng thống Hoa Kỳ Lincoln ban hành bản Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ nổi tiếng, sẽ bãi bỏ chế độ nô lệ kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1863. Lincoln nói rằng quyết định đúng đắn nhất mà ông từng đưa ra trong đời là giải phóng nô lệ.

Mẹ kế dạy lòng nhân ái

Abraham Lincoln sinh năm 1809 trong một gia đình giàu có. Cha của ông, Thomas, đã thua kiện trong một vụ tranh chấp quyền sở hữu đất đai, khiến gia đình mất toàn bộ trang trại, đất đai trong thị trấn, gia súc và ngựa. Năm Lincoln 9 tuổi, mẹ ông qua đời, ông được mẹ kế nuôi dưỡng. Lincoln rất hòa hợp với mẹ kế và gọi bà là "mẫu thân".

Năm 12 tuổi, khi làm công việc đốn gỗ, Lincoln phát hiện ra những cây gỗ mình đã đốn hạ bị người khác đánh dấu. Ông kể chuyện này với mẹ kế, và bà đã kể cho ông nghe một câu chuyện: Người thợ săn tên Bump đến vùng đất của người da đỏ để đặt bẫy thú rừng. Người da đỏ đã lấy đi những con thú săn được của Bump, ngày nào cũng vậy, khiến Bump rất tức giận. Họ hẹn gặp nhau để nói chuyện rõ ràng. Khi gặp mặt, họ không hiểu ngôn ngữ của nhau, chỉ có thể dùng tay ra hiệu, nhưng vẫn không hiểu nhau.

Cuối cùng, Bump quyết định tặng những chiếc bẫy thú cho người da đỏ. Sau đó, trong một lần đi săn, Bump bị bầy sói đuổi theo và nhảy xuống vực. Khi tỉnh dậy, ông thấy mình đang nằm trong lều của người da đỏ, vết thương đã được băng bó cẩn thận. Người da đỏ hàng ngày thay thuốc và cho Bump ăn thịt rừng. Số thịt rừng mà Bump được ăn nhiều hơn gấp nhiều lần số thú mà họ đã lấy đi trước đây. Hành động thiện tâm tặng bẫy thú ngày nào đã cứu sống Bump. Sau khi bình phục, ông trở thành bạn tốt của người da đỏ. Họ cùng nhau sinh sống, săn bắn, chia sẻ kinh nghiệm và của cải.

Nghe xong câu chuyện, Lincoln nói với mẹ kế: "Con biết mình nên làm gì rồi, cảm ơn mẹ."

Bài học về lòng nhân ái mà mẹ kế dạy đã theo Lincoln suốt cuộc đời. Lincoln đã đối xử khoan dung với quân đội Liên minh miền Nam bại trận trong Nội chiến Hoa Kỳ. Có một quan chức nói rằng Tổng thống Lincoln không nên kết bạn với kẻ thù chính trị, mà nên tiêu diệt họ. Lincoln ôn tồn nói: "Khi họ trở thành bạn của tôi, chẳng phải tôi đang tiêu diệt kẻ thù chính trị hay sao?".

Ngày nay, trên bức tường của Đài tưởng niệm Lincoln, người ta có thể thấy dòng chữ: "Đối với bất kỳ ai cũng không nuôi lòng ác ý; đối với tất cả mọi người đều rộng lượng và nhân ái; kiên trì chính nghĩa, bởi vì Chúa đã cho chúng ta hiểu thế nào là chính nghĩa...".

Viết thư cho người lính

Abraham Lincoln rất thích đọc sách, nhưng ông chỉ được học chính quy một năm. Ông đã làm nhiều công việc khác nhau, chẳng hạn như: làm thuê trong trang trại, nhân viên bán hàng, thuyền viên, giám đốc bưu điện, luật sư, phục vụ trong lực lượng dân quân Illinois trong Chiến tranh Black Hawk với cấp bậc Đại úy, Dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ, và Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ. Lincoln là vị tổng thống duy nhất có bằng sáng chế.

Trong Nội chiến Hoa Kỳ, Lincoln thường đến bệnh viện thăm những người lính bị thương. Một lần, Lincoln đến bên giường một người lính trẻ bị thương nặng và hỏi: "Có điều gì tôi có thể giúp cậu không?". Người lính không nhận ra Lincoln. Anh ta cố gắng nói: "Ông có thể viết một lá thư cho mẹ tôi được không?".

Lincoln lấy giấy bút và bắt đầu viết những lời của người lính trẻ: "Mẹ yêu quý của con, con đã bị thương nặng trong khi làm nhiệm vụ và con e rằng con sẽ không thể trở về nhà. Xin mẹ đừng buồn vì con. Cho con gửi lời hỏi thăm Mary và John. Nguyện Chúa ban phước lành cho mẹ và cha." Người lính quá yếu để nói thêm. Vì vậy, Lincoln ký tên vào cuối bức thư: "Abraham Lincoln viết thay cho con trai của bà."

Người lính trẻ yêu cầu xem bức thư, và anh ta rất ngạc nhiên khi thấy người viết thư là Lincoln. Anh ta hỏi: "Ông có thực sự là Tổng thống không?". Lincoln trả lời: "Đúng vậy! Ta là Tổng thống."

Lincoln lại hỏi người lính: "Còn điều gì khác ta có thể giúp cậu không?". Người lính nói: "Ông có thể nắm tay con và để con yên tâm ra đi không?". Trong phòng bệnh bận rộn và hỗn loạn, Lincoln nắm tay chàng trai trẻ, nói nhiều lời ấm áp và khích lệ cho đến khi người lính trút hơi thở cuối cùng.

Không thể đánh mất lương tâm, cũng không thể nói dối

Năm 1836, Lincoln thi đậu và trở thành luật sư. Nhờ có tiếng tốt và uy tín cao, ông rất được người dân địa phương kính trọng, những người tìm đến ông để nhờ cãi hộ kiện tụng nối liền không dứt. Lincoln thường miễn phí bào chữa cho người nghèo. Có lần, ông đã giúp một quả phụ của liệt sĩ chiến tranh giành độc lập thắng kiện trong một vụ kiện không có bằng chứng.

Một hôm, có một người giàu đến nhờ Lincoln biện hộ cho mình trong một vụ án vu khống người khác. Lincoln nói: "Tôi rất tiếc, tôi không thể biện hộ cho ông, bởi vì hành vi của ông là bất chính." Người giàu nói với Lincoln: "Chỉ cần ông giúp tôi thắng kiện này, bao nhiêu thù lao cũng được." Lincoln nghiêm nghị nói: "Chỉ cần sử dụng một chút kỹ năng biện hộ luật pháp, vụ án của ông rất dễ thắng kiện, nhưng bản thân vụ án là không công bằng. Nếu tôi nhận vụ án của ông, khi đứng trước mặt thẩm phán để bào chữa, tôi sẽ tự nhủ: Lincoln, mày đang nói dối. Lời nói dối chỉ có thể nói toạc ra khi đánh mất lương tâm. Tôi không thể đánh mất lương tâm, cũng không thể nói dối. Vì vậy, xin ông hãy mời người khác, tôi không có khả năng giúp ông."

Nghe xong, người giàu không nói gì, lặng lẽ rời khỏi văn phòng của Lincoln.

Đối mặt với sự sỉ nhục, bình tĩnh thản nhiên

Trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, trong một bài diễn thuyết tại Thượng viện, Abraham Lincoln đã bị một Thượng nghị sĩ sỉ nhục. Vị Thượng nghị sĩ này nói: "Ông Lincoln, trước khi ông bắt đầu bài phát biểu, tôi hy vọng ông nhớ rằng ông là con trai của một người thợ đóng giày."

Lincoln quay lại nhìn vị Thượng nghị sĩ đó và chân thành nói: "Tôi rất biết ơn ông vì đã nhắc tôi nhớ đến cha tôi. Ông ấy đã qua đời. Tôi sẽ luôn ghi nhớ lời khuyên của ông, tôi biết rằng tôi không thể làm Tổng thống tốt như cha tôi làm nghề đóng giày. Theo tôi được biết, trước đây cha tôi cũng đã từng đóng giày cho gia đình ông. Nếu giày của ông không vừa chân, tôi có thể sửa giúp ông. Mặc dù tôi không phải là một người thợ đóng giày vĩ đại, nhưng từ nhỏ tôi đã học được kỹ thuật đóng giày từ cha tôi."

Sau đó, ông nói với tất cả các Thượng nghị sĩ: "Đối với bất kỳ ai trong Thượng viện cũng vậy, nếu đôi giày các vị đang đi là do cha tôi làm ra, và chúng cần sửa chữa hoặc cải thiện, tôi nhất định sẽ cố gắng hết sức giúp đỡ. Nhưng có một điều chắc chắn là, tay nghề của ông ấy là vô song." Nói đến đây, Lincoln đã rơi nước mắt.

Sau một khoảng lặng ngắn, tiếng vỗ tay vang lên không ngớt.

Theo Soundofhope
Minh Nguyệt

Đọc tiếp