Trái tim nước Pháp: Câu chuyện về nhà thờ Đức Bà Paris

Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ mở cửa trở lại vào ngày 8 tháng 12 năm 2024, ngày truyền thống để tôn vinh Đức Mẹ. Đây là một ngày thích hợp vì nhà thờ được dành riêng cho Đức Trinh Nữ Maria ("Notre Dame" có nghĩa là "Đức Mẹ" trong tiếng Pháp). Công trình kiến trúc Gothic tráng lệ này—một trong những nhà thờ nổi tiếng nhất thế giới—sắp sửa xuất hiện như một con bướm từ lớp kén tái thiết sau trận hỏa hoạn kinh hoàng năm 2019.
Notre-Dame gắn liền với tâm hồn nước Pháp, là biểu tượng cho đời sống tôn giáo và chính trị của đất nước qua nhiều thế kỷ. Nó đánh dấu trái tim của nước Pháp theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng: Một tấm bảng bên ngoài nhà thờ cho biết đó là điểm mà tất cả các con đường ở Pháp bắt đầu.
Dấu ấn của lịch sử Thế giới
Được xây dựng để hướng ánh mắt nhân loại về thiên đường và sự vĩnh cửu thông qua những ngọn tháp cao vút, những trụ ốp tường và những ô kính màu lấp lánh, công trình đồ sộ này đã tiếp tục vươn lên bầu trời qua nhiều thế kỷ, không bị ảnh hưởng bởi những biến đổi của thế giới và thường tạo nên phông nền cho các sự kiện quan trọng trong lịch sử Pháp và thế giới.
Theo Thời đại Hiệp sĩ, một cuốn sách do National Geographic xuất bản, Nhà thờ Đức Bà là nơi Thập tự chinh lần thứ ba được thuyết giảng lần đầu tiên; nơi Henry VI trở thành Vua của nước Pháp; nhà thờ nơi Vua Philip IV cưỡi ngựa đến bàn thờ để tạ ơn chiến thắng quân sự; nơi lưu giữ Mão gai của Chúa Giêsu, được Thánh Louis mang về từ Jerusalem năm 1239; biểu tượng mà những nhà cách mạng Pháp đã cố gắng biến thành đền thờ lý trí vào thế kỷ 18; công trình mà Napoleon tự phong mình làm hoàng đế; và nhà thờ với tiếng chuông vang vọng khắp Paris năm 1944 để đánh dấu sự giải phóng của thành phố trong Thế chiến II.
Câu chuyện về tòa nhà bắt đầu vào thế kỷ thứ 4 khi một vị vua Frank hiếu chiến, Clovis, cải sang Cơ đốc giáo. Paris trở thành thủ đô của vương quốc Frank, một trong những vương quốc Cơ đốc giáo đầu tiên ở châu Âu. Vào thế kỷ thứ 6, nhà thờ đầu tiên của Paris, Saint-Etienne, đã được dựng lên. Qua nhiều thế kỷ, Paris phát triển về quy mô và tầm vóc văn hóa, trở thành trung tâm của các hoạt động trí tuệ và nghệ thuật. Nơi đây tự hào có một trong những trường đại học đầu tiên và nổi tiếng nhất châu Âu, Đại học Paris.
Các cuộc hành hương và thập tự chinh vào thế kỷ 12 đã biến Paris—và cụ thể là Ile de la Cité, một hòn đảo trên sông Seine—trở thành khu vực có mật độ giao thông cao. Số lượng lớn người hành hương đã truyền cảm hứng cho Giám mục Paris, Maurice de Sully, bắt đầu kế hoạch xây dựng một nhà thờ lớn trên đống đổ nát của hai nhà thờ trước đó. Giáo hoàng Alexander III đã đặt viên đá nền vào năm 1163. De Sully đã đổ tiền và nguồn lực vào dự án, và những người dân sùng đạo của Pháp, từ nông nô đến vua chúa, đã quyên góp cho nỗ lực này. Như "Thời đại Hiệp sĩ" kể lại: "Phụ nữ Paris, luôn nhớ đến Đức Mẹ, đã cúng dường rất nhiều đến mức họ tạo ra một truyền thuyết rằng Nhà thờ Đức Bà được 'xây dựng bằng những đồng xu nhỏ của các góa phụ'."

Giám mục de Sully đã không thể chứng kiến công trình của mình hoàn thành. Nhà thờ Đức Bà là một dự án kéo dài qua nhiều thế hệ, mất gần 200 năm để xây dựng. Khi hoàn thành, nó đứng đó như một minh chứng cho sự tài ba của các kỹ sư thời trung cổ, kỹ năng của các nghệ sĩ thời trung cổ và khát vọng của toàn xã hội thời trung cổ. Thời đại Hiệp sĩ có trích dẫn từ một du khách thế kỷ 14: "Khi bước vào, người ta cảm thấy như được đưa lên thiên đường, và được dẫn vào một trong những căn phòng đẹp nhất của thiên đường." Nhiều thế kỷ sau, Victor Hugo mô tả tòa nhà là "vươn lên trước mắt ... một bản giao hưởng bằng đá vĩ đại."

Nhà thờ Đức Bà được coi là một viên ngọc quý của kiến trúc Gothic, một phong cách liên quan đến sự xa hoa gần như liều lĩnh của khối xây dựng vươn lên bầu trời và được trang trí bằng vô số hình tượng từ Kinh thánh và truyền thống Công giáo, bao gồm cả những con thú grotesques nổi tiếng.
Chịu đựng những thử thách
Nhà thờ Đức Bà đã chứng kiến phần nào những biến động và nguy hiểm. Trong cuộc Cách mạng Pháp, những tình cảm chống Công giáo sâu sắc lan rộng khắp nước Pháp, và những người cách mạng đã tước bỏ ý nghĩa của Nhà thờ Đức Bà như một nhà thờ Công giáo, biến nó thành Đức Mẹ Lý trí, một tượng đài cho chủ nghĩa duy lý Khai sáng. Những người cách mạng đã nhầm lẫn một số bức tượng của các vị vua trong Kinh thánh với các quốc vương Pháp và chặt đầu các nhân vật này vì lòng căm thù tầng lớp quý tộc Pháp. Đầu của các vị vua đã được tìm thấy trong một lần cải tạo khu phố Paris vào năm 1977. Chỉ có sự sụp đổ của người đứng đầu cuộc cách mạng Maximilien Robespierre mới cứu nhà thờ khỏi bị phá hủy hoàn toàn.
Vào thế kỷ 19, những thiệt hại mà nhà thờ phải gánh chịu từ cuộc cách mạng và thời tiết đã đe dọa khiến nó sụp đổ, nhưng sự bảo trợ của Napoléon, sự nổi tiếng của cuốn tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris của Victor Hugo và công trình của kiến trúc sư người Pháp Eugène-Emmanuel Viollet-le-Duc đã mang lại sự phục hồi của nó.

Nhưng có lẽ thử thách lớn nhất của nhà thờ đến vào ngày 15 tháng 4 năm 2019. Trong một sự trớ trêu, chính trong một dự án trùng tu, một trận hỏa hoạn đã phá hủy phần lớn tòa nhà, bao gồm cả ngọn tháp trung tâm của nó. Khi ngọn lửa thiêu rụi ngọn tháp, khói bốc lên cao, người dân Paris tập trung trên đường phố, bàng hoàng nhìn ngọn lửa thiêu rụi biểu tượng quốc gia yêu quý của họ. Một số người đã khóc. Sau đó, giữa những giọt nước mắt, người Paris bắt đầu hát cho Đức Trinh Nữ Maria.
Mô tả phản ứng của người Pháp trước vụ cháy Nhà thờ Đức Bà, người phụ trách công tác trùng tu tòa nhà, cố Jean-Louis Georgelin, cho biết: "Rất nhiều người dân Pháp đã khóc bởi họ cảm thấy một điều gì đó rất sâu thẳm trong tâm hồn nước Pháp, trong tinh thần nước Pháp sắp sụp đổ". Nhưng lực lượng cứu hỏa Paris đã cứu nhà thờ khỏi sụp đổ hoàn toàn, và Tổng thống Emmanuel Macron ngay lập tức hứa sẽ xây dựng lại nhà thờ.

Việc thực hiện lời hứa đó là điều mà cả thế giới đang chờ đợi vào ngày 8 tháng 12. Sự kiện này sẽ thể hiện sức bật của nước Pháp và cách mà tinh thần của người dân Pháp vẫn tiếp tục sống, kết nối họ với quá khứ.
Theo lời của Georgelin, "Nhà thờ Đức Bà Paris theo một cách nào đó là trái tim của nước Pháp. Tất nhiên là dành cho những người Công giáo, cho những người theo đạo Cơ đốc, nhưng còn dành cho tất cả mọi người. Tất cả những sự kiện trọng đại của nước Pháp theo cách này hay cách khác đều diễn ra ở đây, trong nhà thờ."
Theo The Epoch Times
Minh Nguyệt