Trên ngựa Lâm Xung, dưới ngựa Võ Tòng: Vì sao ít ai nhắc đến?
Trong dòng chảy lịch sử lâu dài của Trung Quốc cổ đại, có rất nhiều anh hùng đã trở thành huyền thoại lưu danh muôn thuở nhờ lòng dũng cảm và trí tuệ của họ. Trong số đó, Lâm Xung và Võ Tòng trong Thủy Hử là những hình tượng anh hùng tiêu biểu nhất.
Xuyên qua dòng sông thời gian, chúng ta trở về triều đại nhà Tống đầy biến động, thời đại mà sự thối nát của quan phủ và bất công xã hội đã khiến nhiều anh hùng dấn thân vào con đường khởi nghĩa. Câu chuyện về Lâm Xung và Võ Tòng được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, hình thành nên câu ngợi ca "Trên ngựa Lâm Xung, dưới ngựa Võ Tòng". Thực ra câu này còn có một vế sau, người đời thường ít nhắc đến. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều truyền thuyết về hai vị anh hùng này, khiến người ta không khỏi tò mò về họ.
Nói đến câu chuyện về Lâm Xung, chắc hẳn mọi người đều không còn xa lạ. Lâm Xung có một biệt danh rất oai phong, gọi là Báo tử đầu. Quả thật là người như tên gọi, Lâm Xung bề ngoài trông rất oai vệ, đặc biệt là khi huấn luyện cấm quân, tinh thần, khí thế càng thêm phần hùng dũng. Lâm Xung là giáo đầu của 80 vạn cấm quân, về mặt võ nghệ tự nhiên không có gì để bàn cãi, hơn nữa vũ khí mà ông sử dụng cũng rất có lai lịch, gọi là Trượng Bát Xà Mâu.
Đúng vậy, thời Tam Quốc, Trương Phi cũng sử dụng Trượng Bát Xà Mâu. Lâm Xung vì đắc tội với Cao Cầu, cuối cùng bị triều đình đày ải, trong lúc cùng đường đã lên Lương Sơn, chém chết Vương Luân nhu nhược, sau đó ủng hộ Triều Cái làm chủ Lương Sơn Bạc. Nói đến "Mã thượng Lâm Xung", liệu Lâm Xung có xứng đáng với câu nói này không? Thực ra nhìn vào thành tích chiến đấu của Lâm Xung, ông hoàn toàn có thể xứng đáng với câu nói này.
Sau khi lên Lương Sơn, Lâm Xung đã lập nhiều chiến công hiển hách. Trong trận đánh Chúc Gia Trang, Lâm Xung đã từng cưỡi ngựa bắt sống Hỗ Tam Nương, sau đó đánh nhau 50 hiệp với danh tướng Hô Diên Chước bất phân thắng bại. Sau khi Tống Giang chấp nhận chiêu an, Lâm Xung theo quân xuất chinh, chém giết không ít danh tướng như: Ngũ Túc, Liễu Nguyên, Đỗ Kính Thần..., võ nghệ trên lưng ngựa của Lâm Xung quả thật là nhất lưu.
Về câu nói "Trên ngựa Lâm Xung, dưới đất Võ Tòng", tuyệt đại đa số mọi người đều không có dị nghị. Không nói đến những chiến tích khác của Võ Tòng, chỉ riêng việc tay không đánh chết hổ dữ đã là điều hiếm thấy trên đời. Khi bị đày đến Mạnh Châu, Võ Tòng đã từng giúp Kim Nhãn Bưu Thi Ân, dùng nắm đấm đánh cho gã tráng sĩ Tưởng Môn Thần không còn chút sức lực, căn bản không coi Tưởng Môn Thần ra gì, có thể thấy hạ bàn của Võ Tòng vững chắc đến nhường nào. Nói về đánh nhau dưới đất, trong số 108 vị đầu lĩnh Lương Sơn Bạc, Võ Tòng tuyệt đối xứng đáng là nhất lưu!
Phân tích toàn bộ câu chuyện, không khó để nhận ra câu nói "Trên ngựa Lâm Xung, dưới đất Võ Tòng" quả không sai! Chẳng trách câu này lại lưu truyền trong dân gian lâu đến vậy! Tuy nhiên, đằng sau câu "Trên ngựa Lâm Xung, dưới đất Võ Tòng" còn có một câu ít người biết đến, đó là "Thà chọc Võ Tòng, đừng chọc Lâm Xung". Nghĩa đen rất dễ hiểu, chọc giận Võ Tòng tuy nan giải nhưng vẫn còn có thể đối phó, nhưng tuyệt đối không nên chọc giận Lâm Xung, hàm ý rằng Lâm Xung còn khó đối phó hơn Võ Tòng.
Nói cho cùng, Lâm Xung và Võ Tòng không cùng đẳng cấp, nếu chỉ luận về võ công quyền cước, Võ Tòng ắt hẳn hơn Lâm Xung, bởi lẽ Võ Tòng cả đời luyện võ, đa phần chiến đấu đều bằng tay không, còn Lâm Xung thì giỏi về chiến đấu trên lưng ngựa và sử dụng giáo mác, về mưu trí, Lâm Xung vốn dĩ làm quan lâu năm nên ắt hẳn hơn Võ Tòng.
Theo Soundofhope
Minh Nguyệt