Trên thế gian, không gì lay động lương tâm con người mạnh mẽ hơn lòng biết ơn

Trên thế gian, không gì lay động lương tâm con người mạnh mẽ hơn lòng biết ơn
Trên thế gian, không gì lay động lương tâm con người mạnh mẽ hơn lòng biết ơn. (Ảnh: Pinterets)

Câu chuyện kể về một người đàn ông, nhờ lòng tốt của mình, đã mang lại phúc báo cho con cháu. Người phụ nữ với phẩm chất biết ơn và báo đáp đã truyền lại cho con cái, nhờ đó mà chúng mới có được thành công sau này.

Lòng biết ơn và báo đáp được thể hiện rõ nét qua cả hai nhân vật, họ luôn tâm niệm và thực hành điều đó trong mọi hoàn cảnh.

Duyên phận giữa hai người ban đầu chỉ đơn thuần bởi ấn tượng về ngoại hình, nhưng chính nhờ lòng biết ơn mà mối quan hệ giữa họ mới được vun đắp. Điều này không chỉ mang lại cho họ sự trọn vẹn trong tình bạn, mà còn mang đến những lợi ích to lớn cho gia tộc của họ trong quá trình phát triển sau này của xã hội.

Nội dung câu chuyện như sau:

Tài nhìn người

Năm 1892, một người phụ nữ cùng chồng chạy nạn đến Sơn Đông. Nào ngờ, vừa đến Sơn Đông không lâu, chồng bà mắc bệnh nặng rồi qua đời. Để lại 7 đứa con thơ dại, bà phải dựa vào việc bán bánh rán trên đường phố để kiếm sống. Ai ngờ đâu, sự xuất hiện của một người đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời bà.

Hôm đó, ông Phan Thủ Liêm, một phú hộ ở Sơn Đông, ra phố làm việc, đi ngang qua quầy hàng của bà. Mùi bánh rán thơm lừng đã thu hút sự chú ý của ông, khiến ông không khỏi liếc nhìn người phụ nữ này. Ông Phan là người từng trải, tiếp xúc với vô số người, gần như có thể đánh giá chính xác bản chất con người.

Ông nhận thấy tuy người phụ nữ này mặc quần áo vá chằng vá đụp, nhưng đầu tóc gọn gàng, cử chỉ nhanh nhẹn, lại còn địu con trên lưng, vừa bán bánh rán vừa rao hàng.

Ông Phan vui mừng vỗ đùi, chạy đến trước mặt người phụ nữ và nói: "Về nhà tôi làm việc đi! Tôi thuê cô, chắc chắn thu nhập sẽ cao hơn ở đây nhiều."

Người phụ nữ sững sờ, ông Phan mới nhận ra mình đã đường đột, vội vàng giải thích với vẻ mặt tươi cười. Thì ra, vợ ông Phan sau khi sinh con không có sữa, cần một người vú nuôi. Nhưng ông Phan không tin tưởng vào mắt nhìn người của người làm, nên đích thân ra phố xem có thể tìm được vú nuôi phù hợp cho con mình hay không. Vừa nhìn thấy người phụ nữ này, ông đã cảm thấy bà có thần thái điềm tĩnh, khác với những người phụ nữ bình thường, nên tha thiết mời bà làm vú nuôi cho con mình.

Tầm nhìn xa của bà họ Khâu

Người phụ nữ kia cũng thầm nghĩ: Thu nhập của vú em quả thực cao hơn bán bánh rán, lại không phải dãi nắng dầm mưa bế con, còn có thể cho con một chỗ ở ổn định. Nghĩ vậy liền đồng ý ngay.

Người phụ nữ họ Khâu, đến nhà họ Phan thì toàn tâm toàn ý chăm sóc cậu chủ nhỏ. Lúc rảnh rỗi, bà còn giúp những người làm khác làm việc nhà, rất nhanh đã được cả nhà họ Phan khen ngợi.

Mọi người đều biết bà là góa phụ nuôi nhiều con nhỏ vất vả, thường đưa cơm canh cho bà mang về cho các con ăn. Nhưng bà nói: "Chủ nhà đã trả công cho tôi rồi, tôi không thể nhận thêm gì nữa."

Phan Thủ Liêm nghe chuyện này, càng thêm khâm phục phẩm cách của bà Khâu, muốn tăng thêm tiền công cho bà. Ai ngờ bà Khâu lại đáp rằng: "Không cần tăng thêm tiền công cho tôi, tôi chỉ muốn cho con trai lớn của tôi được vào học ở trường tư thục nhà ngài, ngài thấy được không?"

Phan Thủ Liêm nghe vậy, càng khâm phục tầm nhìn xa của bà Khâu, liền đồng ý ngay, còn cho bà Khâu đưa các con đến ở cùng nhà họ Phan. Như vậy, bà Khâu không phải lo lắng nhà ở cho con nữa.

Phan Thủ Liêm không ngờ rằng, chính quyết định thiện ý này của ông, không chỉ cứu mạng con trai ông, mà còn đặt nền móng cho sự nghiệp thăng tiến của con trai ông sau này.

Biết ơn báo đáp, chuyển họa thành phúc

Nhiều năm trôi qua, một tai họa bất ngờ lặng lẽ ập đến. Một ngày nọ, Phan Thủ Liêm dẫn theo phần lớn thanh niên trai tráng trong nhà đi thu mua hàng hóa. Ai ngờ đâu, bọn cướp đã mai phục từ lâu bỗng nhiên xông vào nhà họ Phan, chẳng nói chẳng rằng, bắt đầu lục lọi khắp nơi. Tuy nhiên, bọn cướp không tìm thấy thứ gì đáng giá. Điều này khiến chúng vô cùng tức giận, quyết định bắt cóc con trai của Phan Thủ Liêm.

Bọn cướp hung hãn cầm đao chỉ vào Khâu thị hỏi: Ai là thiếu gia nhà họ Phan? Nhìn cậu chủ nhỏ đang run rẩy sợ hãi, Khâu thị không đành lòng, nước mắt lưng tròng chỉ vào con trai cả của mình là Cận Vân Bằng nói: Nó chính là thiếu gia!

Bọn cướp lập tức túm lấy Cận Vân Bằng ném lên lưng ngựa, nói với Khâu thị: Bảo Phan Thủ Liêm mang 200 đồng đại dương đến chuộc con trai!

Nói xong, chúng vác đao phóng ngựa bỏ đi. Sau khi đưa Cận Vân Bằng lên núi, bọn cướp phát hiện có điều gì đó không ổn, đứa trẻ này không hề khóc lóc, ngược lại còn tỏ ra bình tĩnh.

Thủ lĩnh bọn cướp bèn tra hỏi Cận Vân Bằng, cậu bé ưỡn ngực ngẩng cao đầu nói: Cả nhà con được ơn của Phan lão gia, con nguyện dùng tính mạng của mình để báo đáp. Mẹ con dạy dỗ anh em chúng con, làm người phải biết ơn báo đáp.

Bọn cướp bị những lời nói của Cận Vân Bằng làm chấn động, cho rằng một đứa trẻ nhỏ tuổi mà đã biết ơn báo đáp, sau này nhất định sẽ làm nên nghiệp lớn. Chúng động lòng trắc ẩn, đưa Cận Vân Bằng trở về.

Sau đó, Phan Thủ Liêm trở về nhà, biết được toàn bộ sự việc vô cùng cảm động, ông cúi đầu thật sâu trước Khâu thị, nhận bà làm chị kết nghĩa, đối xử với con cái của Khâu thị như con ruột của mình. Để cảm ơn bọn cướp đã đối xử tốt với Cận Vân Bằng, Phan Thủ Liêm mang theo quà lên núi, mời bọn cướp về nhà mình làm hộ viện, đảm bảo cho chúng cuộc sống no đủ.

Sau này, Phan Thủ Liêm càng yên tâm giao con trai mình cho Khâu thị dạy dỗ. Dưới sự dạy dỗ của Khâu thị, 8 người con đều thành đạt, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội sau này.

Con trai cả Cận Vân Bằng từng hai lần giữ chức Thủ tướng Trung Hoa Dân Quốc, con trai thứ hai thành công giữ chức Đốc quân Thiểm Tây. Con trai của Phan Thủ Liêm là Phan Phú nhờ tài năng xuất chúng, từng giữ chức Thủ tướng Chính phủ Bắc Dương.

Theo Secretchina
Minh Nguyệt

Đọc tiếp