Trí huệ, đạo đức của chúng ta thảy đều từ sự thanh tịnh, yên tĩnh có được từ nội tâm
Cổ ngữ có câu: “Đức năng thắng số”, con người chỉ cần tích đức hành thiện sẽ có thể thay đổi vận mệnh, chuyển hung hóa cát, chiêu tài đón lộc.
Có người tin rằng cuộc đời mỗi người đều có số mệnh, kỳ thực tạo hoá sinh ra vạn vật, tất cả đều lấy đức làm gốc, lấy thiện làm căn.
Khiêm nhường tu dưỡng
Con người sống sở dĩ cảm thấy thống khổ là vì nội tâm mình không ngừng vùng vẫy, không giải thoát ra khỏi những dục vọng tham ham muốn của bản thân. Thế nên nhiều khi chúng ta cần phải học cách lý giải và thấu hiểu nội tâm mình, nhìn được chính mình từ nơi sâu thẳm tâm hồn, từ đó thực sự nhận thức bản thân, và cuối cùng được giải thoát.
Bất kỳ ai sống rất ổn định và vững vàng là vì trong lòng họ có những ước mơ trong sáng và mục tiêu rõ ràng, nên họ sẽ nỗ lực hết mình vì những điều đó. Trên thế giới, những người thành công không có nhiều. Chân lý cũng không nằm trong tay nhiều người, bởi vậy người có năng lực luôn hiểu rằng họ sẽ không chọn số đông. Nhưng nếu muốn ở trong số ít thì họ phải không ngừng tu dưỡng bản thân, cần có một lối đi thật sự tinh tế.
Không có sự thành công nào dễ dàng, nếu bạn có đủ phẩm hạnh đạo đức và năng lực, bạn cũng cần tìm cách để phát huy nó. Bởi vậy hãy tôi luyện năng lực của bản thân mình. Những kinh nghiệm chúng ta được học vốn dĩ không nhiều khi ngồi trên ghế nhà trường, và trong quá trình không ngừng rèn luyện, lĩnh ngộ, không ngừng đột phá bản thân, thì mới tích lũy được nhiều kiến thức.
Đối nhân xử thế
Cuộc sống luôn chuyển động với vận tốc ngày càng nhanh, ai ai cũng đang mải miết kiếm tìm sự thành công hơn, nổi bật hơn trước mọi người. Khi gặp sự việc gì cần giải quyết, cách thức đơn giản nhất chính là cho phép bản thân có được sự hoà hoãn, loại khí chất này tưởng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được.
Người được cho là xử lý tốt vấn đề không phải là bạn tài cán bao nhiêu, hoặc bạn có bao nhiêu chiêu trò đặc biệt, mà là tâm thái của bạn khi gặp chuyện có thể trầm tĩnh suy xét vấn đề. Khi gặp loạn không khiến bạn kinh sợ thì bạn được gọi là “cao nhân,” khi bạn hoá giải được nhân tình thế sự bạn được cho là “bậc trí giả.” Nếu bạn có thể nhìn thấu mọi lẽ duyên phận thị phi đúng sai thì bạn đang đi đến con đường trở thành “bậc giác giả”.
Vận dụng trí huệ
Có trí huệ sẽ không sợ hèn nhát, xa cơ lỡ vận cũng không nguy hiểm, dù có gặp khó khăn cũng có thể điềm tĩnh suy xét thấu đáo vấn đề. Nếu rắc rối là bóng tối, thì trí huệ là ánh sáng, khi ánh sáng chiếu xuyên qua, bóng tối liền biến mất. Bởi vậy nếu có trí huệ thì chúng ta chẳng phải bôn ba khắp nơi để tìm kiếm báu vật, người có trí huệ là đang nắm giữ một kho tàng kiến thức học bác uyên thâm.
Trong “Sử ký” có ghi chép về chuyện Lão Tử nói: “Một người có đầu óc thông minh, lanh lợi sẽ rất hiểu giá trị ẩn chứa của một món hàng mặc dù nó có thể có vẻ ngoài rất tầm thường. Bậc quân tử phẩm chất cao thượng rất hiểu được đạo đức nội tại ẩn giấu của một con người, cho dù vẻ bề ngoài của họ dường như rất ngờ nghệch, chậm chạp”. Đây cũng chính là điều mà người xưa thường gọi là “Đại trí nhược ngu”, nghĩa là: Người tài giỏi có vẻ ngoài đần độn.
Tĩnh là một loại trí huệ người khác luôn tôn trọng. Người ta hay nói rằng: “Tĩnh được tốt sẽ khiến bản thân không nóng vội”. Trí huệ, đạo đức của chúng ta thảy đều từ sự thanh tịnh, yên tĩnh có được từ nội tâm.
Tính khí không ôn hoà, dễ sinh nóng nảy thì sẽ không làm được việc lớn. Đạo gia giảng, tâm hồn người ta phải ở trạng thái thanh tĩnh, bởi tĩnh mới sinh ra định, định mới có thể sinh trí huệ. Các bậc cao nhân sở dĩ nói: “Nước tĩnh cực điểm có thể thấy được hình ảnh rõ ràng, tâm tĩnh cực điểm có thể sinh ra trí huệ”.
Mục tiêu rõ ràng
Nếu bạn muốn tiến xa hơn, không nên cho rằng mình cái gì cũng biết, hãy cho mình cơ hội được mở mang tầm mắt và học hỏi không ngừng, luôn sẵn sàng dám thay đổi.
Kinh nghiệm luôn mang lại cho chúng ta những bài học quý giá. Tuy nhiên, bạn cần sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ. Nếu không bạn sẽ bị hạn cuộc trong cái khung tri thức hạn hẹp mà không thể bứt phá lên được. Bởi vì, điều chúng ta được học ngày hôm qua chưa chắc đã đúng vào ngày hôm nay.
Thành công không chỉ là một quá trình nỗ lực làm việc, mà còn là sự kết hợp của những giá trị sống đúng đắn. Điều khác biệt giữa người thành công và một người thất bại là sự kiên nhẫn. Người thành công sẽ lên kế hoạch cụ thể và kiên trì thực hiện từng bước cho đến khi đạt được mục tiêu, còn người thất bại bỏ cuộc giữa chừng khi mục tiêu vẫn còn dang dở.
Kiên nhẫn luôn đem lại những phần thưởng xứng đáng, những thành tựu to lớn không phải gặt hái từ sức mạnh mà từ sự kiên trì, có nghị lực và sự bền bỉ sẽ có thể chinh phục mọi thứ.
Minh Nguyệt