Trí thông minh nhỏ không thể hiểu được trí tuệ lớn
Trang Tử nói: "Sinh vật sống ngắn ngủi thì không thể hiểu được sinh vật sống lâu dài, kẻ tiểu thông minh thì không thể thấu hiểu được đại trí tuệ, loài nấm mọc buổi sáng chết buổi chiều thì không biết gì về trăng tròn trăng khuyết, loài ve sầu thì không biết gì về mùa xuân và mùa thu."
Hoài Nam Tử là một bộ sách do Hoài Nam Vương Lưu An, một thành viên hoàng tộc Tây Hán, cùng với các môn khách của ông sưu tập sử liệu, văn hiến và tập thể biên soạn. Tác phẩm này còn có tên là Hoài Nam Hồng Liệt hoặc Lưu An Tử.
Lương Khải Siêu nhận xét: “Hoài Nam Hồng Liệt là kho tàng tư tưởng Đạo gia thời Tây Hán, nội dung sách vừa uyên bác, đồ sộ lại có bố cục rõ ràng, mạch lạc, xứng đáng là tác phẩm hàng đầu trong số các trước tác của người Hán.”
Hoài Nam Tử là kết quả của sự chung tay góp sức của nhiều người, nội dung rộng lớn, dung hợp tư tưởng của các học phái thời Tiên Tần. Vào thế kỷ 20, Hoài Nam Tử đã được dịch toàn văn sang tiếng Anh và tiếng Nhật, đồng thời cũng có bản dịch rút gọn sang tiếng Pháp và tiếng Đức. Đây là một bộ sách kinh điển quan trọng trong lịch sử văn hóa Trung Quốc.
Bài viết này xin giới thiệu với độc giả một phần nội dung của thiên Đạo Ứng trong Hoài Nam Tử.
Trang Tử nói: "Sinh vật sống ngắn ngủi thì không thể hiểu được sinh vật sống lâu dài, kẻ tiểu thông minh thì không thể thấu hiểu được đại trí tuệ, loài nấm mọc buổi sáng chết buổi chiều thì không biết gì về trăng tròn trăng khuyết, loài ve sầu thì không biết gì về mùa xuân và mùa thu."
Lư Ngao rong chơi đến biển Bắc, đi qua Thái Âm, vào Huyền Khuyết, đến núi Mông Cốc. Phát hiện có một người ở đó, người này hốc mắt sâu, tóc mai đen nhánh, cổ ngắn, hai vai nhô lên như chim ưng, thân trên đầy đặn, thân dưới gầy gò, đang múa nhịp nhàng theo gió. Người này quay đầu nhìn thấy Lư Ngao, từ từ hạ tay xuống ngừng múa, lẩn tránh ra sau chân núi. Lư Ngao đến gần quan sát, thấy người này đang ngồi xổm trên mai rùa ăn sò.
Lư Ngao bèn tiến lên bắt chuyện với ông lão: "Chỉ có mình tôi, Lư Ngao, xa quê hương, lìa bỏ cõi trần, du ngoạn khắp nơi ngoài cõi lục hợp, e rằng khó tìm được người thứ hai như vậy? Tôi từ nhỏ đã thích ngao du thiên hạ, lớn lên thú vui đó cũng không thay đổi. Tôi đã đi khắp bốn phương trời xa xôi, chỉ là chưa từng đến Bắc Âm. Hôm nay tôi tình cờ gặp tiên sinh ở đây, không biết tiên sinh có muốn kết bạn với tôi không?"
Lúc này, người kia cười lớn, nói: "Haha, ngài là người Trung Nguyên, vậy mà lại lặn lội đến tận nơi này. Tuy nhiên, nơi đây vẫn có mặt trời mặt trăng chiếu sáng, đầy sao trên trời, âm dương vận hành, bốn mùa thay đổi, so với cái nơi không tên kia thì nơi này chỉ là một góc nhỏ mà thôi. Như ta đã từng du ngoạn về phương Nam đến những vùng đất trống trải vô tận, nghỉ ngơi ở phương Bắc nơi tịch mịch u tối, chạy về phương Tây đến những nơi thâm sâu xa xôi, đi về phương Đông cho đến tận nơi mặt trời mọc. Những vùng đất ấy đều là dưới không có đất, trên không có trời, không nghe thấy bất cứ tiếng động nào, không nhìn rõ bất cứ vật gì. Ngoài ra còn có bờ biển nơi nước trời giao nhau, ta dù di chuyển mỗi bước vạn dặm, nhưng vẫn không thể nào đến được đó. Nay ngài mới du ngoạn đến đây, đã cho rằng mình đã nhìn thấy hết thảy mọi nơi, so với những nơi ta vừa kể, chẳng phải còn kém xa lắm sao? Tuy nhiên, ngài cứ ở lại đây, ta đã hẹn với tiên sinh Hãn Mạn gặp nhau ở ngoài chín tầng trời, nên không thể ở lại đây lâu để bầu bạn với ngài được." Nói xong, người này vung tay, nhún mình một cái, bay thẳng lên mây.
Lư Ngao ngẩng đầu nhìn lên, đã không còn thấy bóng dáng của người đàn ông đó nữa. Ông bèn dừng xe lại, trong lòng kinh ngạc và hoang mang, cảm thấy như mất đi thứ gì đó. Ông lẩm bẩm một mình: "So với vị tiên sinh này, ta chẳng khác gì con chim hồng hộc so với con sâu nhỏ. Ta ngày ngày bôn ba khắp nơi, nhưng thực chất vẫn chỉ loanh quanh trong một phạm vi nhỏ hẹp, vậy mà lại tự cho mình đã đi rất xa rồi. Chẳng phải điều này rất đáng buồn hay sao?"
Vì vậy, Trang Tử nói: "Kẻ đoản mệnh không hiểu được người trường thọ, kẻ tiểu trí không hiểu được đại trí, loài nấm mọc chiều chết sớm không biết gì về trăng tròn trăng khuyết, loài ve sầu chỉ sống được một mùa hè không biết gì về mùa xuân và mùa thu". Điều này muốn nói rằng, do sự hạn chế trong tu dưỡng, kiến thức nên họ không thể nhìn thấy toàn bộ sự thật.
Ghi chú: Lư Ngao, tự là Ung Chiếu, là một vị bác sĩ thời nhà Tần, vốn là một phương sĩ nước Tề (có thuyết nói là nước Yên). Ông từng được Tần Thủy Hoàng phái đi tìm kiếm các vị tiên cổ là Hiềm Môn, Cao Thệ và thuốc trường sinh bất lão của tiên nhân Chi Kỳ. Tần Thủy Hoàng ban thưởng rất hậu hĩnh, thăng ông làm bác sĩ. Về sau, Lư Ngao lánh nạn ẩn cư tại núi Cố Sơn. Núi Cố Sơn sau này được đổi tên thành núi Lư Sơn, trước núi có động Lư Sơn, bên trong có tượng Lư Ngao. Hán Vũ Đế cảm kích đức hạnh của ông, cho xây dựng huyện Lư Thị, tên huyện được lưu truyền cho đến ngày nay.
Theo Secretchina
Minh Nguyệt