Trí tuệ cổ nhân: Nghiêm khắc với mình, khoan dung với người

Trí tuệ cổ nhân: Nghiêm khắc với mình, khoan dung với người
Trách mình thì nặng (nghiêm), trách người thì nhẹ (khoan). Đây là một phần của bức tranh thời nhà Minh có tên là "Khổng Tử Thánh Tích Đồ". (Ảnh: Public Domain)

Khi một người phạm lỗi, hoặc bị người khác chỉ ra khuyết điểm, họ sẽ cố gắng biện minh, hay thành thật thừa nhận? Khi bị hiểu lầm, họ sẽ thản nhiên bỏ qua, tin rằng "cây ngay không sợ chết đứng", hay nổi giận, chỉ trích người khác? Khi đối mặt với lỗi lầm của người khác, họ sẽ chọn cách bao dung, hay chỉ trích, thậm chí mỉa mai, chế giễu?

Câu nói của Khổng Tử: "Cung tự hậu nhi bạc trách ư nhân" - Trách mình thì nặng (nghiêm), trách người thì nhẹ (khoan), có lẽ chính là câu trả lời cho những điều trên.

Trong Luận ngữ - Vệ Linh Công, khi Vệ Linh Công hỏi Khổng Tử về cách thức bày binh bố trận, Khổng Tử đáp: "Về việc tế lễ, ta còn nghe nói qua; còn việc dùng binh, ta chưa từng học." Vì khác biệt về lý tưởng, ngày hôm sau, Khổng Tử rời khỏi nước Vệ. Trên đường đến nước Trần, học trò Nhan Uyên hỏi về cách trị quốc, một trong những câu trả lời của Khổng Tử chính là "Trách mình thì nặng, trách người thì nhẹ ", nghĩa là tự trách mình nhiều, trách người khác ít; tức là phải nghiêm khắc với bản thân, nhưng khoan dung với người khác.

Phạm Thuần Nhân, con trai của Phạm Trọng Yêm thời Tống, thường khuyên con mình rằng: "Dù là kẻ ngu dốt nhất, khi trách người khác, cũng rất rõ ràng; nhưng người thông minh nhất, khi tha thứ cho mình, lại mơ hồ. Nói cách khác, nếu một người có thể dùng tâm trách người để trách mình, dùng tâm tha thứ cho mình để tha thứ cho người, thì không sợ không đạt đến cảnh giới thánh hiền." Điều này cũng giống với ý nghĩa của câu "Trách mình thì nặng, trách người thì nhẹ " của Khổng Tử.

Phạm Thuần Nhân không chỉ nói vậy, mà còn làm vậy. Suốt đời ông tu thân dưỡng tính, không kén chọn ăn uống, không khắt khe với người khác. Sau khi tan sở về nhà, ông liền thay quần áo vải thô, coi đó là điều bình thường. Từ khi còn trẻ đến khi về già, từ quan nhỏ đến quan lớn, ông vẫn luôn như vậy.

Tể tướng Hàn Kỳ thời Bắc Tống, người từng giữ chức tể tướng dưới ba triều vua, cũng là một người có tấm lòng rộng lượng, đối xử với người khác khoan dung độ lượng. Trong lịch sử có lưu truyền một số câu chuyện về phương diện này.

Chuyện kể rằng khi Hàn Kỳ trấn giữ Tương Châu, vì tế Khổng Tử nên phải nghỉ lại bên ngoài. Không ngờ gặp phải tên trộm cầm dao muốn lấy đầu ông dâng cho ngoại tộc. Hàn Kỳ không những đưa hết tiền bạc trên bàn cho hắn, mà còn không sợ hãi đưa cổ ra. Tên trộm thấy vậy liền hành lễ nói: "Tôi nghe nói ngài có khí lượng rất lớn, nên đến để thử ngài. Đồ đạc trên bàn xin ngài cứ tặng cho tôi, mong ngài đừng tiết lộ chuyện này ra ngoài." Hàn Kỳ quả nhiên không nói với ai. Sau này, tên trộm kia vì phạm tội khác mà bị kết án tử hình, trước khi hành hình hắn mới nói ra chuyện này. Hắn nói: "Tôi lo sau khi tôi chết, đức hạnh của Hàn Kỳ sẽ không được người đời biết đến."

Lại có lần Hàn Kỳ dẫn quân đóng ở Định Châu, buổi tối viết thư, gọi một người lính cầm nến đứng bên cạnh soi sáng. Người lính sơ ý để lửa nến bén vào tóc mai của Hàn Kỳ, Hàn Kỳ lập tức dùng tay áo phủi tắt lửa rồi tiếp tục viết thư. Đợi đến khi quay đầu lại nhìn, mới phát hiện người cầm nến bên cạnh đã được thay. Ông sợ viên quan quản lý trách phạt người lính kia, vội vàng gọi anh ta đến, nói: "Đừng thay người khác, bây giờ anh ta đã biết cách cầm nến rồi." Quân lính trong quân đều rất khâm phục khí lượng của Hàn Kỳ.

Có người theo Hàn Kỳ mấy chục năm, ghi chép lại lời nói và việc làm của ông, so sánh kỹ lưỡng thấy lời nói và việc làm của ông rất nhất quán, không có chỗ nào không tương ứng, xứng đáng là một vị hiền thần lương tướng.

Còn đại thần Lữ Mông Chính thời Bắc Tống cũng là một người rộng lượng nhân từ, không bao giờ chấp nhặt lỗi lầm của người khác. Khi ông mới làm tể tướng, có một vị quan lúc lên triều đã chỉ vào ông qua tấm rèm, nói rất khinh miệt: "Loại người này mà cũng làm tể tướng được sao?" Lữ Mông Chính vờ như không nghe thấy rồi đi qua. Đồng liêu của ông rất tức giận, muốn truy hỏi tên tuổi của vị quan kia, nhưng bị Lữ Mông Chính ngăn lại. Đến lúc tan triều, vị đồng liêu này vẫn còn bất bình thay cho ông, hối hận vì đã không hỏi ra tên người nói. Lữ Mông Chính nói: "Biết để làm gì, một khi đã biết tên người này rồi thì sẽ khó mà quên được, không biết chẳng phải tốt hơn sao?" Mọi người đều khâm phục khí lượng của ông.

Trong lịch sử Trung Quốc, những câu chuyện tương tự thực sự nhiều vô kể, như chuyện Lận Tương Như thời Chiến Quốc nhường nhịn Liêm Pha, chuyện Vu Lệnh Nghi thời Tống tha thứ cho kẻ trộm, chuyện "Ngõ nhân nghĩa sáu thước" của Trương Anh thời Thanh, đều là những giai thoại lưu truyền ngàn đời.

Quả thật, phẩm hạnh cao thấp của một người nằm ở chỗ có biết "lấy cái tâm trách người để trách mình, lấy cái tâm tha thứ cho mình để tha thứ cho người" hay không. Thấy lỗi lầm của người khác, không chỉ cần lựa chọn tha thứ cho đối phương, mà bản thân còn phải lấy đó làm gương, nghiêm khắc yêu cầu bản thân không phạm phải lỗi lầm tương tự. Cứ như vậy lâu dài, trở thành thánh hiền cũng không khó.

Theo The Epoch Times
Minh Nguyệt

Đọc tiếp