Triết lý trường tồn của Lão Tử: Đạo của bậc cao nhân là sự giản đơn
Cốt lõi triết học của Lão Tử là "Đạo", ông cho rằng "Đạo" là nguồn gốc của vạn vật trong vũ trụ, là thể hiện của quy luật tự nhiên. Lão Tử nhấn mạnh "Đạo pháp tự nhiên", chủ trương thuận theo tự nhiên, lấy nước làm ví dụ cho Đạo, cho rằng vạn vật đều sinh ra từ "Đạo". Trí tuệ của Lão Tử cũng có tác dụng quan trọng đối với triết lý sống của con người.
Đạo làm người: Người tầm thường phức tạp, người cảnh giới cao đơn giản
Trong chương thứ mười hai của Đạo Đức Kinh có nói: "Năm sắc làm người ta mù mắt; năm âm làm người ta điếc tai, năm vị làm người ta mất vị giác; rong ruổi săn bắn, làm người ta phát cuồng; của cải khó kiếm, làm người ta hành động sai trái."
Quá nhiều màu sắc làm người ta hoa mắt, quá nhiều âm thanh làm người ta không phân biệt được, quá nhiều hương vị làm người ta mất cân bằng, ham mê săn bắn làm người ta mất kiểm soát, của cải quý hiếm, thường khiến người ta bất chấp thủ đoạn để có được. Vì vậy, bậc thánh nhân chỉ để duy trì cuộc sống cơ bản, có chọn lọc trong việc lấy và bỏ.
Câu này nhằm khuyên răn mọi người không nên đắm chìm trong hưởng thụ vật chất và kích thích giác quan, mà nên giữ tâm hồn bình yên và sống đơn giản.
Còn có ý nghĩa sâu xa hơn là, người đơn giản, nghĩ ít, đối với một việc, một người càng chuyên tâm, sẽ không quanh co lòng vòng. Người đơn giản sẽ không quan tâm đến đánh giá của người khác, chỉ làm theo trái tim mình.
Càng nghĩ nhiều, càng tính toán, càng bị cuộc sống làm cho mệt mỏi, trong xã hội hiện đại ngày càng phức tạp, học cách đơn giản mới là cảnh giới thật sự cao.
Người đơn giản biết cách dùng sự đơn giản để chế ngự sự phức tạp, ngược lại giữ được sự an yên trong tâm hồn giữa thế giới phức tạp. Làm người đơn giản nhất, ăn cơm đơn giản nhất, sống cuộc sống đơn giản nhất
Cuộc sống đích thực là sự giản đơn, bình dị mới là chân lý. Ý nghĩa của cuộc sống nằm giữa những vần thơ, chén rượu và chốn điền viên. Trí tuệ sống là giữ vững và trở về với bản tâm.
Cách đối nhân xử thế: Kẻ tầm thường thì hống hách, người cao thượng thì ôn hòa
Lão Tử nói: "Thượng thiện nhược thủy" (Tốt lành nhất giống như nước).
Người ôn hòa như nước, tuy mềm mại nhưng có thể dung chứa vạn vật. Đạo Đức Kinh viết: "Phù duy bất tranh, cố vô ưu" (Chính vì không tranh giành nên không có lỗi lầm). Người ôn hòa như nước, nhìn có vẻ yếu đuối nhưng ẩn chứa sức mạnh vô biên.
Sống ôn hòa, nói năng, hành động chừa đường lui cho người khác. Sống ôn hòa, không cố chấp, người khác mới có ấn tượng tốt về bạn. Ấn tượng tốt tự nhiên có nhân duyên tốt, nhân duyên tốt thì đường đi rộng mở.
Ở Trung Quốc có câu tục ngữ "Súng bắn chim đầu đàn", ý nói nếu quá nổi bật, dễ rước họa vào thân.
"Cầm mà đầy tràn, không bằng dừng lại; mài mà sắc bén, không thể giữ lâu." Người mạnh mẽ quá sắc bén, thường không chú ý lời ăn tiếng nói, dễ làm tổn thương người khác, mà sự tổn thương này cũng là một cách tạo kẻ thù.
Dương Tu bị giết chỉ vì một câu nói, chính là do quá sắc sảo. Nội lực, sẽ khiến bạn trở thành người điềm tĩnh, rộng lượng.
Hãy làm một người dễ gần, biết giữ mồm giữ miệng, giữ thái độ khiêm tốn, hòa nhã. Tất nhiên, hòa nhã không phải là thỏa hiệp vô nguyên tắc.
Lão Tử nói: "Vạn vật mang âm mà ôm dương, khí xung hòa làm nên hòa". Lại nói "Vô vi mà vô bất vi", tức là thuận theo quy luật tự nhiên, không cưỡng cầu, không chấp nhất, những vấn đề lớn phải giữ vững nguyên tắc, không làm kẻ ba phải, không thỏa hiệp mập mờ.
Phương pháp dưỡng sinh: Người tầm thường "nuôi", người cao cấp "thuận"
Sử gia Tư Mã Thiên nói về Lão Tử: "Lão Tử sống hơn một trăm sáu mươi tuổi, có người nói hơn hai trăm tuổi, là nhờ tu đạo mà dưỡng thọ."
Là sử quan của nhà Chu, Lão Tử thông hiểu đạo dưỡng sinh, có trí tuệ dưỡng sinh độc đáo. Ngày nay con người càng ngày càng "hiểu" về dưỡng sinh.
Vừa qua tuổi bốn mươi, đã bắt đầu kén ăn, không ăn lòng đỏ trứng, không ăn nội tạng động vật, mỗi khi ăn cơm đều run sợ như đi trên băng mỏng, trông rất buồn cười.
Đạo Đức Kinh viết: "Đạt đến hư vô tột cùng, giữ yên tĩnh tuyệt đối, vạn vật cùng sinh ra, ta lấy đó mà quan sát sự trở về. Vạn vật sinh sôi nảy nở, mỗi vật đều trở về gốc của nó. Trở về gốc gọi là tĩnh, tĩnh gọi là trở về mệnh."
Trong thế giới quan của Lão Tử, chìa khóa của dưỡng sinh là dưỡng tinh thần. Giữ tâm hồn thanh thản và bình yên mới là pháp môn dưỡng sinh quan trọng nhất. Người hiện đại vì dưỡng sinh mà tự đặt ra đủ loại giới hạn cho mình, tâm thái như vậy đã là thua rồi.
Lão Tử nói: "Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo đạo, đạo thuận theo tự nhiên."
Dưỡng sinh chân chính là con người thuận theo thiên đạo tự nhiên, sống trong trạng thái bình thường là được, không cần cố ý bồi bổ hoặc tu luyện. Cần làm thì làm, không cần lo lắng quá nhiều.
Dưỡng sinh điều độ, thuận theo tự nhiên, mới là cách sống lành mạnh nhất.
Phương pháp mưu sự: Người tầm thường "thu", người cao cấp "phóng"
Muốn thành đại sự, nhất định phải biết tập hợp người. Muốn tập hợp người, phải biết quản lý người.
Một nhà lãnh đạo giỏi, một doanh nhân thành công, thậm chí một bậc cha mẹ tốt đều phải hiểu biết về nghệ thuật quản lý. Vậy quản lý như thế nào mới là quản lý tốt?
Lão Tử nói: "Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật". "Đạo" sinh ra vạn vật, từ ít đến nhiều, từ đơn giản đến phức tạp. Cái "sinh vạn vật" này là một bản tính, một sự phát triển tự nhiên, là bản chất của vạn vật.
Quản lý đất nước, quản lý gia đình, giáo dục con cái, đều phải giải phóng bản tính phát triển này.
Vì vậy, trong quản lý nhà nước và doanh nghiệp, không kìm hãm bản tính này chính là thành công lớn nhất.
Giáo dục con cái cũng vậy. Các nhà giáo dục phương Tây nói: Giáo dục tức là phát triển. Một nền giáo dục tốt không thể chỉ siết chặt, mà phải biết cách nới lỏng.
Hãy để trẻ tìm thấy lĩnh vực phù hợp với mình, đừng đặt ra quá nhiều quy tắc giới hạn sự phát triển của trẻ, hãy để trẻ phát triển tự do theo bản tính của mình, đó mới là giáo dục tốt.
Theo Secretchina
Minh Nguyệt