"Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu" muốn chỉ ra điều gì?

"Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu" muốn chỉ ra điều gì?
Mọi thứ trên thế gian đều là sự luân hồi, có quan hệ nhân quả. (Ảnh: Public Domain)

Tục ngữ "Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu" nói lên một điều: Gieo nhân thiện được quả thiện, gieo nhân ác được quả ác. Một người nếu hiểu được đạo lý làm việc thiện, tích đức thì nhất định sẽ được hưởng phúc báo.

Dưới đây là một câu chuyện nhân quả về thiện ác hữu báo.

Chuyện kể rằng ở Tô Châu, có một viên quan tên là Tào Tham tướng. Vào một ngày đẹp trời, bỗng nhiên có một tia sét đánh xuống cổng nhà ông. Sau khi sấm sét tan đi, mọi người phát hiện ra một miếng gỗ đàn hương có khắc chữ triện màu đỏ mà không ai hiểu được ý nghĩa thực sự của nó.

Vì Trương Thiên Sư tình cờ đang ở Nguyên Diệu Quan, Tào Tham tướng đã mang miếng gỗ đến nhờ ông giải mã. Trương Thiên Sư xem qua, rồi nói với Tào Tham tướng rằng trên miếng gỗ có viết: "Trước tạo nghiệp, nay trồng đức, bổ tường cửa, cần cảnh tỉnh."

Hóa ra, trước đây Tào Tham tướng từng là một tội phạm bị phạt vì buôn lậu muối, ông đã làm bị thương nhiều người khi chống lại việc bắt giữ. Sau đó, ông đã thay đổi hoàn toàn, gia nhập quân đội để phục vụ. Có một nơi gọi là Cố Sơn, nơi nhiều người dân địa phương cấu kết với nước ngoài để buôn lậu. Đề đốc Trương Thiên Lộc đã bắt được những người đó và muốn giết hết tất cả. Tào Tham tướng, người được giao nhiệm vụ thi hành lệnh, đã cố gắng hết sức để can ngăn, xin Đề đốc chỉ giết kẻ cầm đầu và tha cho những người còn lại. Cuối cùng, Đề đốc đã nghe theo lời khuyên của ông, đó chính là điều được gọi là "trồng đức" trong văn tự triện.

Lôi Công để lại văn tự triện này là để nói với Tào Tham tướng về mối quan hệ nhân quả giữa thiện và ác, nhắc nhở ông nên làm nhiều việc thiện, tích đức hơn trong tương lai.

Cứu mạng người là một hành động thiện, là một cơ hội tốt để tích đức. Tào Tham tướng biết rằng việc chống lại bắt giữ và làm người khác bị thương là một hành động xấu, vì vậy ông đã thay đổi hoàn toàn, dùng hành động thiện để bù đắp, đó là hành động thuận theo Thiên lý. Do đó, Thiên thượng đã thông qua việc sét đánh vào miếng gỗ đàn hương để lại văn tự triện, khuyến khích ông làm nhiều việc thiện, tích nhiều đức hơn, điều này sẽ có lợi cho tương lai của ông và gia đình.

Con người khi còn mê muội, không thể nhìn thấy những gì mình đã làm ở kiếp trước, tạo ra bao nhiêu nghiệp, tích lũy bao nhiêu đức, và cũng không biết gì về kiếp này. Tuy nhiên, những gì chúng ta trải qua ở kiếp này chính là sự thể hiện của những gì đã tích lũy ở kiếp trước.

Trên thực tế, văn hóa truyền thống năm nghìn năm của Trung Hoa đã nhiều lần nhắc nhở và giáo dục con người rằng: Mọi thứ trên thế gian đều là sự luân hồi, có quan hệ nhân quả. Thiên lý đang đo lường mọi thứ trên thế gian, chúng ta cần phải hành động thuận theo Thiên lý, không được làm trái ý trời, nếu không sẽ phải chịu những quả báo khác nhau.

Vì vậy, khi sống trên đời, chúng ta nên cố gắng hết sức để mọi lời nói và hành động của mình phù hợp với Thiên lý, gieo nhiều nhân thiện hơn, bởi vì chỉ có làm việc thiện, tích đức mới có tương lai.

Theo Secretchina
Minh Nguyệt

Đọc tiếp