Trong nhà có vợ hiền thì người chồng không gặp họa
Người xưa rất coi trọng vai trò của người phụ nữ trong gia đình, có câu nói: “Trong nhà có người vợ hiền, giống như quốc gia có vị tể tướng tài đức”. Nay có người cho rằng tiền bạc, địa vị, mối quan hệ mới là tài sản quý nhất của người đàn ông nhưng thực chất không phải vậy. Tài sản quý nhất của người đàn ông chính là vợ!
Có một người vợ hiền đức chính là tài sản quý giá của người đàn ông
Tại sao lại như vậy? Bởi lẽ người phụ nữ chính là người nắm giữ chìa khóa hạnh phúc gia đình. Sự thành công, vinh nhục của đàn ông chính là do người vợ đứng sau lưng gom góp, vun vén mà nên. Thế mới nói, không phải của cải vật chất, vợ mới chính là tài sản quý nhất trong cuộc đời của đàn ông.
Người phụ nữ quyết định hạnh phúc không chỉ thế hệ này mà của cả thế hệ trước và thế hệ sau. Nếu một người đàn ông lấy nhầm vợ, không chỉ bản thân khổ mà cả tuổi thơ của con cũng sẽ khổ theo. Tâm tính của người mẹ quyết định thành công của đứa con sau này. Mẹ hung dữ con sau này cộc cằn, mẹ thô lỗ con sau này sẽ dữ tợn y như vậy.
Hơn nữa, đàn ông lấy nhầm vợ, thì tuổi già của cha mẹ cũng không thể vui vẻ và bình yên được. Một người phụ nữ tốt kéo theo cả dòng họ, gia đình tốt lên. Còn ngược lại, một người phụ nữ tâm tính không tốt thì cuộc sống gia đình sẽ mệt mỏi, chán nản vô cùng.
Trong cuộc sống, khi đàn ông độc thân gặp rắc rối, bất trắc, hay có những thói hư tật xấu thì thường được những người từng trải khuyên rằng: “Lấy vợ đi để có người vun vén”, “có vợ đi rồi anh sẽ có trách nhiệm”, “có vợ đi để có người cùng nâng khăn sửa túi, vun đắp tương lai”…
Người vợ “thần thánh” trong cuộc đời của đàn ông vậy. Đàn ông dù tài giỏi, thông minh ra sao thì cuộc sống của anh cũng là một mớ hỗn độn nếu bên cạnh không có người phụ nữ.
Một bữa cơm ngon, vài câu nói an ủi thật tình đã có thể xoa dịu bao mệt mỏi ngoài xã hội của người đàn ông. Không phải vô cớ mà người ta gọi vợ là “bạn đời”; “bạn đồng hành”… cùng nắm tay nhau đi qua thanh xuân cũng như tuổi già.
Xét cho cùng, tiền bạc, của cải vật chất cũng chỉ là vật ngoài thân, con cái rồi cũng sẽ có cuộc sống riêng, chỉ có bạn đời mới ăn đời ở kiếp. Vì thế, vợ mới chính là tài sản quý nhất của đàn ông.
Cổ nhân truyền dạy: “Lấy vợ coi trọng hiền đức”
Bậc thánh nhân và những người có phẩm hạnh đạo đức cao thượng đều coi trọng người vợ có đạo đức, biết hành thiện, kính trời, hiểu mệnh, không chấp trước vào danh lợi mà nghiêm túc tuân thủ lễ pháp kết hôn, coi trọng đạo vợ chồng. Họ cho rằng, chỉ người phụ nữ có phẩm hạnh đạo đức, hiền thục, trí tuệ mới có thể tề gia, dạy bảo con trở thành người tốt.
Thời xưa, các bậc quân vương, hiền thần khi lựa chọn vợ đều đề cao phẩm hạnh đạo đức, tu dưỡng trí tuệ hơn là nhan sắc bề ngoài rất nhiều.
Trong Đạo gia từng có câu: “Dung nhan đoan trang, mộc mạc mới thể hiện ra giá trị của khí chất. Phục sức nếu quá xa hoa thì sẽ lộ ra sự dung tục”. Có ý là đề cao chuẩn mực đạo đức của người phụ nữ, khích lệ sự cần kiệm, chăm lo việc nhà, chú trọng tu dưỡng nội tâm, làm phong phú trí tuệ của bản thân, không nên tiêu phí quá nhiều thời gian, tiền bạc vào trang sức, quần áo và trang điểm cho vẻ bề ngoài. Người phụ nữ như vậy mới có thể trở thành người phụ nữ thực sự hiền đức.
Từ thời xa xưa đến nay có câu nói: “Đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ”. Quả thực, có rất nhiều người chồng đạt được những thành công nhất định trong cuộc đời đều là có sự trợ giúp của người vợ hiền. Cổ nhân cũng cho rằng, chỉ có người phụ nữ thực sự có giáo dưỡng, có trí tuệ mới có thể phụ giúp chồng làm thành việc lớn và dạy dỗ con cái thành người hiền tài.
Người xưa cũng nhìn nhận một người phụ nữ có phải là “hiền thê, lương mẫu” hay không, người ta sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn trọng yếu đó là “Tương phu, giáo tử” tức là “giúp chồng, dạy con”. Vậy nên cổ nhân khẳng định tầm quan trọng đức hạnh của phụ nữ thời xưa trong mỗi gia đình: “Trong nhà có người vợ hiền, giống như quốc gia có vị tể tướng tài đức”, hay cũng nói: “Trong nhà có vợ hiền thì người chồng không gặp họa”.
Minh Nguyệt