Trong văn hóa Phần Lan, sở thích được đặt lên hàng đầu
Sở thích mang đến cho mọi người cách làm phong phú thêm cuộc sống của họ - và thậm chí còn nâng cao cuộc sống của những người khác trong quá trình đó. Tham gia một sở thích cũng là một cách để gặp gỡ những người bạn Phần Lan mới.
Phù hợp với mọi người. Dễ dàng tiếp cận. Không yêu cầu kỹ năng trước đó. Học hỏi điều mới mẻ. Đó là những đặc điểm của nhiều hoạt động giải trí phổ biến cũng có thể thực hiện một chức năng xã hội quan trọng. Trong nhiều thập kỷ, Phần Lan đã khuyến khích sở thích như một cách nuôi dưỡng ý thức cộng đồng tích cực.
Theo nhiều khảo sát khác nhau, khoảng 90% người Phần Lan - và 96% những người dưới mười tuổi - nói rằng họ có một sở thích. Khoảng 60% trẻ em từ chín đến mười lăm tuổi tham gia các câu lạc bộ thể thao. Người lớn thường tập thể dục một mình, ví dụ như chạy bộ, đạp xe, bơi lội hoặc trượt tuyết băng đồng.
Kỹ năng xã hội cũng vậy
"So với các quốc gia châu Âu khác, quá trình chuyển đổi của chúng tôi từ một xã hội nông thôn sang một xã hội hiện đại diễn ra nhanh một cách đặc biệt," Mikko Salasuo, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hiệp hội Nghiên cứu Thanh niên, cho biết.
"Trong cộng đồng nông nghiệp truyền thống, cả làng cùng tham gia nuôi dạy trẻ em thành những người trưởng thành có trách nhiệm. Sau Thế chiến thứ hai, ngày càng có nhiều lo ngại về sự tham gia xã hội của thế hệ trẻ. Sử dụng sở thích để thúc đẩy tinh thần công dân và cải thiện kỹ năng xã hội của giới trẻ là một quyết định được đưa ra ở cấp quốc gia."
Thể thao, âm nhạc và nhiều hơn nữa
Sau chiến tranh, chính phủ và một loạt các tổ chức phi chính phủ đã hợp tác để tạo ra một dự án giáo dục công dân trên toàn quốc, và nhà nước đã hỗ trợ tài chính cho dự án này. Tinh thần giáo dục công dân này vẫn còn hiển hiện trên khắp đất nước, trong các hoạt động giải trí được tổ chức cho mọi lứa tuổi bởi các tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội.
Chính quyền quốc gia và thành phố hỗ trợ các hoạt động giải trí với các khoản đầu tư đáng kể hàng năm. Nhiều câu lạc bộ thể thao, tổ chức thanh thiếu niên như Hướng đạo sinh, và các tổ chức cung cấp giáo dục nghệ thuật cơ bản, như các trường âm nhạc, được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp trực tiếp và gián tiếp và từ việc sử dụng cơ sở vật chất, lên tới hàng trăm triệu euro mỗi năm.
Bình đẳng và hạnh phúc luôn đi đôi với nhau
Tại thời điểm xuất bản, hệ thống quốc gia đang trải qua một đợt cập nhật để đảm bảo cơ hội bình đẳng cho tất cả. Một số hoạt động giải trí đã trở nên đắt đỏ, đến mức nằm ngoài khả năng của nhiều người.
“Trong nhiều trường hợp, tinh thần hướng đến sự xuất sắc đã vượt qua các ưu tiên ban đầu về tương tác xã hội, giáo dục công dân và cơ hội bình đẳng”, Salasuo nói.
Có những nghi ngờ về việc liệu các sở thích đắt tiền và thường rất cạnh tranh có cải thiện sức khỏe tinh thần hay thúc đẩy sự tham gia xã hội giữa các thế hệ trẻ và gia đình hay không. Có nhu cầu đưa một số sở thích vào trường học, nơi chúng sẽ mang tính bao trùm cho tất cả mọi người.
Dù mưa hay nắng
Salasuo đang tham gia vào ban tổ chức của một hệ thống sở thích mới, nhằm đưa các hoạt động giải trí vào ngày học của tất cả trẻ em và thanh thiếu niên, hoàn toàn miễn phí. Bộ Giáo dục và Văn hóa đang đứng đầu dự án này, được đặt tên là Mô hình Hoạt động Giải trí Phần Lan. Mô hình này ưu tiên sức khỏe và quyền của trẻ em.
Trẻ em và thanh thiếu niên đã có thể đóng góp ý kiến của riêng mình: đứng đầu danh sách của các em là parkour, leo núi, nấu ăn, động vật và nghệ thuật thị giác. Trong giai đoạn thử nghiệm vào mùa xuân năm 2021, hơn 200.000 trẻ em đã tham gia.
Theo nghĩa rộng hơn, sở thích là một cách thiết yếu để tăng cường sức khỏe ở mọi lứa tuổi. Thay vì ở lại làm việc muộn vào buổi tối, mọi người có nhiều khả năng hoạt động ngoài trời - dù mưa hay nắng - và học những điều mới.
Đọc sách, chơi game, âm nhạc và các hoạt động thủ công khác nhau như đan lát và làm đồ gỗ cũng rất phổ biến. Và nếu bạn muốn gặp gỡ những người bạn Phần Lan mới, một lựa chọn tốt là chọn một hoạt động từ nhiều khóa học đa dạng do các trung tâm giáo dục người lớn tổ chức.
Theo Finland
Minh Nguyệt