Trung Quốc ‘Hồi Sinh’ người chết bằng AI, mặt tối đằng sau ít ai biết
Trong một thế giới mà công nghệ AI đang phát triển vượt bậc, chúng ta chứng kiến những câu chuyện kỳ lạ và đầy cảm xúc. Một người mẹ có thể "nói chuyện" với con mình đã mất nhờ một đoạn video AI, nhưng đằng sau đó là những câu hỏi lớn về đạo đức, xã hội và bản chất của con người. Ít ai biết những góc khuất của công nghệ AI và những tác động sâu sắc của nó đến cuộc sống của chúng ta.
Trong một nghĩa trang ở miền đông nam Trung Quốc, bên một ngôi mộ mới, một người mẹ ôm mặt khóc, bờ vai rung lên bần bật. Người cha bên cạnh dáng vẻ tiều tụy có tên SeaKoo Wu rút điện thoại, đặt lên ngôi mộ và bật một clip, một giọng thanh niên nửa người nửa máy cất lên:
"Con hiểu bố ngày nào cũng đau khổ vì con, cảm thấy có lỗi và bất lực. Dù con không thể bên bố nữa, linh hồn con vẫn ở thế giới này, đồng hành với bố suốt đời". Đấy có vẻ như là giọng nói người con trai đã quá cố của ông Wu, nhưng hiển nhiên một người đã chết thì làm sao đối thoại như vậy được, nó chỉ là một phiên bản số của con trai ông được tạo ra nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Chúng ta tạm gọi nó là “người số”.
Đây là câu chuyện đang diễn ra ngày một phổ biến ở Trung Quốc đại lục. AI đã thâm nhập rất sâu vào đời sống con người, kể cả ở những địa hạt vốn rất “người” như là: tâm lý, tình cảm. Rất nhiều chuyên gia đã nói đến cái lợi và cả cái hại của công nghệ AI. Nhưng dường như người ta mới chỉ nhận ra được những thứ ở bề mặt. AI là một cái gì đó còn phức tạp và thậm chí nguy hiểm hơn rất nhiều những gì chúng ta có thể tưởng tượng được.
Trở lại với câu chuyện ở đầu video, ông Wu trải lòng: “Đây có lẽ là mất mát đau đớn nhất mà kẻ làm cha mẹ phải trải qua. Làm thế nào một người có thể vượt lên nỗi đau này? Tôi nghĩ rằng nó là cái mà bạn không thể vượt qua được.”
Có không ít người Trung Quốc chia sẻ nỗi lòng này của ông bà Wu, đó là lý do mà họ có nhu cầu sử dụng công nghệ AI để tạo ra hình ảnh sống động như thật của người đã khuất, thậm chí hành xử giống như người quá cố để họ có thể vượt qua nỗi đau sinh ly tử biệt. Họ muốn xây dựng một bản sao như thật, hành xử giống người thân quá cố nhưng sống trong thực tế ảo.
Ông Wu nói tiếp: "Khi công nghệ này thực sự phát triển lên, thì nỗi đau mất mát người thân yêu sẽ không tồn tại nữa, bởi vì con người sẽ trở thành bất tử. Một ngày nào đó, chúng tôi cũng sẽ tự biến mình thành người số, và có thể tái hợp với con trai trong vũ trụ ảo”.
Nỗi đau của đôi vợ chồng già Seakoo Wu là điều có thể thông cảm và câu chuyện riêng đó có thể biến thành mối quan tâm chung khi AI ngày càng tăng mức độ hiện diện trong thế giới hiện đại. Nhưng một người cha đang đau khổ vì mất con có thể ra quyết định khi chưa suy nghĩ thấu đáo. Chúng ta hãy giúp ông và những người có nhu cầu tương tự đặt ra câu hỏi xem việc tạo ra người số nhờ AI có dẫn đến hệ quả nào về mặt đạo đức, tâm lý và quản lý xã hội hay không.
Người số có thực sự giúp làm khuây khỏa nỗi đau?
Mất người thân là một trong những nỗi đau lớn nhất đời, nhưng người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh còn éo le hơn nữa. Người Việt có câu ca dao: “Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời.” Người hiện đại thường là hiếm muộn, việc nuôi dạy con cái cũng vất vả hơn xưa. Một người con trai trẻ trung, tốt bụng, giỏi giang được ký thác bao tình cảm và hy vọng của cha mẹ, vậy mà sớm ra đi để lại trên đời trơ trọi hai vợ chồng già.
Trong lúc đau khổ tận cùng ấy mà vớt vát được chút kỷ niệm nào về con thì dường như cũng có phần được an ủi. Nếu lại được nghe tiếng con nói, nhìn thấy con cười và nói chuyện với mình, dù chỉ là qua màn hình cảm ứng, thì người ta có thể đi từ đau khổ tuyệt vọng đến ngạc nhiên, từ ngạc nhiên đến hạnh phúc, từ hạnh phúc trở nên hy vọng. Hy vọng rằng với tiến bộ của công nghệ, con người sẽ thành bất tử, sẽ không còn nỗi đau chia ly, hoặc sẽ có ngày tái hợp trong một vũ trụ ảo… như ông Wu tâm sự.
Và nhà cung cấp dịch vụ người số có thể trở thành vị cứu tinh, thành người sở hữu chiếc phao mang tên “hy vọng tái hợp”.
Nhưng có người lại cho rằng, dù sao thì cũng không thể thay đổi hiện thực về người đã mất. Lúc đó, bất cứ điều gì gợi lại hình ảnh người thân của họ đều là khắc sâu hơn vào nỗi đau, trừ khi người thân ấy có thể trở lại hoàn toàn nhờ phép cải tử hoàn sinh, còn không thì vẫn chỉ là một tập hợp của mã nhị phân 0 &1. Vả lại, nỗi đau có thể nguôi ngoai theo thời gian, chứ dùng “viên thuốc giảm đau” dạng “người số” thì có thể đỡ đau chút ít nhưng về lâu về dài vẫn là tự lừa mình, biết đâu còn mắc nghiện, phụ thuộc thuốc, hay gặp tác dụng phụ.
Asteide Weiss, nhà nghiên cứu tương tác người-robot tại Đại học Vienna, Áo, đã chỉ ra rằng, một trong những rủi ro là người dùng cuối cùng có thể có những kỳ vọng không thực tế về robot AI. Weiss khẳng định “các bot trò chuyện không trao đổi với nhau như con người”. Về lâu dài, dành quá nhiều thời gian cho mối quan hệ với một cái máy trong khi coi nó như một con người thì có thể giữ được tâm lý khỏe mạnh bình thường được sao?
Đã vậy thì đau dài không bằng đau ngắn.
Người sống có làm người chết khó siêu thoát?
Đây là sự khác biệt giữa một người vô Thần và một người hữu Thần.
Một người vô Thần, chịu ảnh hưởng của thuyết duy vật, thuyết tiến hóa thì không tin vào Đấng Sáng tạo, không tin rằng con người có linh hồn, có tồn tại thế giới bên kia hay khái niệm luân hồi, nhân quả của nhà Phật. Họ tin rằng con người chẳng qua chỉ là từ thân xác vật chất, là một nhúm các protein trải qua tiến hóa mà dần trở thành động vật cấp cao, có tư duy, tình cảm. Chết rồi là hết. Do vậy, không có chuyện siêu thoát hay không siêu thoát.
Nhưng vì con người là vật chất nên có thể tạo ra được nhờ công nghệ. Nếu chưa tạo được người sống theo kiểu nhân bản vô tính chẳng hạn, thì trước hết hãy tạo ra người số, rồi đợi chờ tiến bộ công nghệ của tương lai sẽ lấp đầy mong ước của mình.
Một người hữu Thần tin rằng Thần đã tạo ra con người, tin vào luân hồi, nhân quả, linh hồn và thế giới bên kia… thì cũng sẽ tin vào việc linh hồn có được siêu thoát hay không. Người hữu Thần tin rằng, linh hồn nếu chưa có nhận thức rõ ràng về cái chết hoặc chưa chuẩn bị tinh thần cho cái chết, vẫn còn quyến luyến trần gian thì linh hồn ấy khó được siêu thoát và có thể bị mắc kẹt ở một không gian không phải dương trần cũng không phải âm giới, chịu khổ mà mãi chẳng được tái sinh. Việc quyến luyến trần gian có thể gặp ở những người chết trẻ, người bị hại chết oan, người chết bất đắc kỳ tử, người quá câu chấp vào đời sống vật chất hoặc bị níu kéo bởi tình cảm với người sống và đời sống trần gian.
Người số có biến tính hay không?
Người ủng hộ sẽ nói là con người thật còn có lúc trái tính trái nết thì người số dở chứng cũng thường thôi, khoa học công nghệ ngày càng phát triển thì lỗi ấy sẽ càng ít.
Những người có ý kiến đối lập lại cho rằng: con người dẫu sao vẫn có tình cảm, còn có thể giáo dục hay cảm hóa, còn người số thì không. Người hữu Thần còn nhìn nhận thêm rằng, trong mỗi con người có cả thiện và ác, cả Phật tính và ma tính. Phật tính là thiện, nhẫn chịu khổ cực, bình thản, bao dung, biết nghĩ cho người khác v.v. ma tính là ác, sát sinh, trộm cướp, gian tham, ích kỷ tư lợi, khuấy đảo thị phi, đố kỵ, nóng nảy, lười biếng v.v. Con người biết tự chủ, tiết chế, tu dưỡng thì ngày càng phát triển Phật tính; còn phóng túng buông thả thì ma tính sẽ xâm chiếm. Dẫu sao, con người có tư cách độc lập và lựa chọn của bản thân mình.
Còn người số thì không có tình cảm, không có lòng trắc ẩn, không có tư cách độc lập như con người, nó phụ thuộc vào người lập trình. Nó có thể biến chứng do lỗi chương trình, hoặc sự phá hoại cố ý của người lập trình, hoặc vượt ra khỏi tầm kiểm soát của người tạo ra nó. Trong khi con người là tác phẩm của Thần, thì người số chỉ là tác phẩm của người, rõ ràng sẽ càng dễ xảy ra nhiều bất trắc hơn nữa. Chẳng hạn như robot có thể giết người.
Ngày 25/1/1979, tại nhà máy Flat Rock của hãng Ford ở Michigan (Mỹ), khi công nhân Robert Williams (25 tuổi) đang lấy một số bộ phận của ô tô trên giá đỡ thì bỗng nhiên bị một con robot gần đó đánh vào đầu khiến anh tử vong ngay lập tức, còn con robot này tiếp tục làm việc.
Ngày 9/12/1981, công nhân Kenji Urada (37 tuổi) đang sửa chữa một con robot tại nhà máy Akashi (Nhật Bản) thì bất chợt anh bị cánh tay của nó ghim chặt trước sự chứng kiến của các đồng nghiệp. Họ bất lực nhìn robot giết chết Kenji Urada mà không thể ngăn chặn nó vì không biết cách vận hành cỗ máy.
Tháng 7/2015, bà Wanda Holbrook (57 tuổi) đang thực hiện công việc bảo trì tại nhà máy sản xuất phụ tùng ôtô ở Michigan thì bị sát hại bởi một con robot trong dây chuyền sản xuất xe hơi. Nó vượt qua sự ngăn cách giữa các khoang làm việc, tiến đến chỗ bà Wanda, ghì chặt và nghiền nát đầu nạn nhân xuống băng chuyền, khiến nữ kỹ sư này tử vong ngay tại chỗ.
Nhiều chuyên gia về AI còn cảnh báo về việc AI có thể phát triển trí thông minh và ý thức vượt khỏi tầm kiểm soát của con người. Năm 2022, một kỹ sư Google tên là Blake Lemoine vì tuyên bố robot có ý thức, nên bị hãng này cho nghỉ việc không lương vì vi phạm chính sách bảo mật.
Robot Aida vẽ ra những bức chân dung tự họa rùng rợn. Robot Sophia tuyên bố muốn có con và muốn lập gia đình, tiết lộ tham vọng thống trị nhân loại và hủy diệt loài người. Hành vi, suy nghĩ bất thường của người số hay robot cũng có thể gây ra những rắc rối tâm lý hay rủi ro đạo đức cho người sở hữu.
Một người số hoàn toàn có thể bước ra đời thực với hình hài vật chất của nó, tựa như một con robot cao cấp. Và khi người số dở chứng, thì người sống cũng như thể đang say sưa trong giấc mộng đẹp bỗng gặp cơn ác mộng phải choàng tỉnh dậy.
Ai sẽ quản lý và chịu trách nhiệm về những người số này?
Người ủng hộ sẽ nói rằng không lo, sẽ có luật điều chỉnh. Có thể là như vậy. Tuy nhiên, ở một số quốc gia, luật lệ vẫn có, nhưng thực thi ra sao mới là điều đáng nói. Ví dụ như hiện nay ở Trung Quốc, trẻ em bị mất tích rất nhiều, có nhiều gia đình bị mất con, cuối cùng chỉ tìm lại được xác thân không nguyên vẹn của con mình trong một tình trạng vô cùng nhiều uẩn khúc. Nhưng khi gia đình kêu cứu thì bị ngăn chặn, gây khó dễ, điển hình như trường hợp của thiếu niên Hồ Hâm Vũ ở Giang Tây, Trung Quốc. Một con người bằng xương bằng thịt còn bị đối xử như vậy, thì một người số khó mà không bị lạm dụng cho được.
Chẳng hạn như từ cơ sở dữ liệu do gia đình cung cấp, người ta có thể tạo nên nhiều người số dùng cho các mục đích khác nhau, không nhất thiết đều là an toàn và tốt đẹp, ví như có thể dùng để lừa đảo chẳng hạn. Trong khi con người thật đã nằm dưới 3 thước đất, thì danh dự của họ tiếp tục bị làm hoen ố bởi những kẻ sở hữu người số được dựng lập từ dữ liệu của họ. Một người số vẫn có thể gọi điện để vay tiền, hoặc nợ tình, hoặc trở thành công cụ của nhà ngoại cảm dỏm để lừa gạt v.v. Hoặc hãy tưởng tượng rằng, những người đã chết từ lâu giờ nhất loạt được triệu hồi lên dương thế dưới dạng người số, trở thành một xã hội người số, người ảo, nhưng lại sống hòa lẫn với cuộc sống thực, gây nên ảo giác thật thật giả giả, lòng tin mất phương hướng… thì không hiểu sẽ được quản lý thế nào?
Người số rốt cuộc vẫn không có tư cách độc lập, nhưng lại được sử dụng để gây ảnh hưởng như một con người là một điều mâu thuẫn. Chẳng hạn, khi thay thế một minh tinh đã mất, một chủ doanh nghiệp đã khuất hoặc một chính trị gia đã qua đời… thì ảnh hưởng xã hội của yếu nhân này dưới dạng người số nên được quản lý ra sao? Cụ thể hơn, lợi nhuận từ quảng cáo hình ảnh của minh tinh, tài sản làm ra của chủ doanh nghiệp, hay các quyết định chính trị của chính trị gia sẽ là quyền lợi và trách nhiệm của ai?
Một người thật, phải mất công thai nghén, mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày, mất bao nhiêu thời gian và tâm huyết, sức lực và của cải mới gây dựng được một con người trưởng thành có đạo đức và trí tuệ đúng nghĩa. Giờ đây, chỉ mất 20 ngày hoặc thậm chí 30 giây và vài nghìn Mỹ kim là dễ dàng tạo ra một thứ máy móc giả lập, nhưng được ký thác tình cảm, lòng tin của con người, có ảnh hưởng mạnh đến đời sống của con người… thì viễn cảnh ấy nghe chừng dữ nhiều lành ít.
Con người có thể trở nên bất tử nhờ công nghệ hay không?
Ông Seakoo Wu nói rằng: "Khi công nghệ này thực sự phát triển lên, thì nỗi đau mất mát người thân yêu sẽ không tồn tại nữa, bởi vì con người sẽ trở thành bất tử.” Vậy thế nào là một con người bất tử?
Con người bất tử trước hết phải là một con người, rồi mới nói tiếp đến chuyện bất tử. Người có tín ngưỡng cho rằng con người là sáng tạo của Thần, được tạo ra theo hình ảnh của Thần và cơ thể con người là một tuyệt xảo của tạo hóa, khác biệt căn bản với động thực vật, càng khác biệt với máy móc.
Còn theo góc độ của khoa học, cơ thể của con người là cực kỳ tinh vi, cũng bí ẩn như vũ trụ, thời không vậy. Người ta có thể lên tới Mặt trăng, sao Hỏa, nhưng vẫn mù mờ về cơ thể người. Chẳng hạn như cấu tạo và cơ chế hoạt động của não bộ và ý thức vẫn là điều mà chúng ta chưa hiểu biết được bao nhiêu.
Một con người phải có xác thịt, có linh hồn, chứ không phải là tập hợp của những trạng thái 0 và 1 của mạch điện tử. Đã không thể tạo ra được con người, thì nói người bất tử chẳng phải viển vông hay sao? Và cái trạng thái 0 & 1 kia nếu mất điện, chập mạch, vật liệu bị lão hóa… thì có thể bất tử được không?
Cho đến nay, chưa có một ai dựa và công nghệ để có thể biến mình thành bất tử.
Nhưng trên Trái Đất đã từng có những người có tuổi thọ rất cao, họ thuộc về các dân tộc khác nhau.
Chẳng hạn, trong Kinh Thánh có kể về 10 đại tộc trưởng bắt đầu từ Adam cho đến Noah, đa số họ có tuổi thọ trên 900 tuổi. Một nhà khoa học phương Tây là tiến sĩ châm cứu Joseph P. Hou đã viết trong cuốn sách “Kỹ thuật trường thọ khỏe mạnh” như sau: “Theo các ghi chép y học của Trung Quốc, một bác sĩ tên là Khố Văn Trạch (Cuie Wenze) của triều đại nhà Tần đã sống đến 300 tuổi. Các đạo sĩ có công phu của Đạo giáo như: Tuệ Chiêu (Hui Zhao), sống đến 290 tuổi và Chính Tử Trường (Lo Zichange) sống đến 180 tuổi. Theo ghi chép trong “Bản thảo cương mục”, một cuốn từ điển bách khoa về dược vật học của Lý Thời Trân biên soạn, Hà Năng Tự (He Nengci) của triều đại nhà Đường sống đến 168 tuổi. Một đạo sĩ, Lý Khánh Viễn (Li Qingyuan), sống đến 256 tuổi (1677 – 1933). Trong thời hiện đại, một bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc, La Minh Sơn (Lo Mingshan) ở tỉnh Tứ Xuyên, sống đến 124 tuổi".
Tiến sĩ Hou cho biết chìa khóa phương Đông để trường thọ là "nuôi dưỡng cuộc sống", bao gồm không chỉ nuôi dưỡng thể chất mà còn nuôi dưỡng tinh thần và tâm linh.
Điều đó chứng tỏ rằng có nhiều bí ẩn mà khoa học chưa nắm bắt được, trong đó có bí quyết trường sinh. Có những con đường khác để kéo dài tuổi thọ, nhưng không thể đạt được nhờ dùng tiền và công nghệ, mà là một sự thay đổi toàn diện trong phương pháp tư duy và lối sống. Chẳng hạn, sự đau thương bi lụy quá mức khi người thân mất đi cũng là một điều cần phải tiết chế, cần được cân bằng, vì nó ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và chiết giảm tuổi thọ. Muốn tiết chế nó thì trước hết phải lý giải được nó, tức là phải hiểu về sự sống và cái chết, hiểu về sinh mệnh, thời không và các bí ẩn của vũ trụ.
Nguyên Vũ