Trung Quốc kháng cáo lên WTO về thuế xe điện của EU

Trung Quốc kháng cáo lên WTO về thuế xe điện của EU
Xe điện HiPhi Y (SUV) Trung Quốc (Ảnh: @TychodeFeijter/X)

Hôm thứ Sáu (9/8), Trung Quốc cho biết họ đã đệ đơn kháng cáo lên Tổ chức Thương mại Thế giới liên quan đến mức thuế quan cao mà Liên minh châu Âu áp dụng đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Vào tháng 7, EU đã áp thuế lên tới 37,6% đối với các loại xe sản xuất tại Trung Quốc sau khi phát hiện ra rằng các nhà sản xuất ô tô đã nhận được trợ cấp lớn của chính phủ làm suy yếu các đối thủ cạnh tranh châu Âu. 

Tuy nhiên, phía Trung Quốc cho biết rằng bất kỳ hỗ trợ nào mà họ cung cấp cho thị trường xe điện trong nước đều được thực hiện theo các quy tắc của WTO.

Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ đã kháng cáo mức thuế quan này "để bảo vệ quyền phát triển và lợi ích của ngành công nghiệp xe điện cũng như sự hợp tác trong quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu".

Tuyên bố cho biết: "Phán quyết sơ bộ của EU thiếu cơ sở thực tế và pháp lý, vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của WTO và làm suy yếu tình hình chung của hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu".

"Chúng tôi kêu gọi EU ngay lập tức sửa chữa những hành vi sai trái của mình và cùng nhau duy trì sự ổn định của hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc-EU cũng như chuỗi cung ứng và công nghiệp xe điện."

Ủy ban Châu Âu cho biết họ sẽ phản hồi khiếu nại của Trung Quốc thông qua các kênh thích hợp.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu nói với AFP rằng: "EU đang nghiên cứu cẩn thận mọi chi tiết của yêu cầu này và sẽ phản hồi với chính quyền Trung Quốc kịp thời theo thủ tục của WTO".

Người phát ngôn của WTO, Ismaila Dieng, cho biết trong một tuyên bố rằng tổ chức này đã nhận được yêu cầu của Trung Quốc và "thông tin chi tiết sẽ được cung cấp sau khi yêu cầu được chuyển đến các thành viên WTO".

Thuế này sẽ có hiệu lực vào tháng 11 trong vòng năm năm, tùy thuộc vào cuộc bỏ phiếu của các quốc gia thành viên EU.

Chiến lược "Made in China 2025"

Sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường xe điện bắt nguồn từ chính sách công nghiệp năm 2015 mang tên "Made in China 2025" nhằm đưa quốc gia này trở thành thế lực thống trị trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao toàn cầu, bao gồm cả sản xuất xe điện.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh số bán xe điện của Trung Quốc chiếm 8,1 triệu trong tổng số 13,7 triệu xe ô tô được bán trên toàn thế giới vào năm 2023. Theo Hội đồng Đại Tây Dương, EU là nước tiếp nhận xe điện xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, chiếm gần 40% vào năm này.

Trong những năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, EU đã cam kết phát triển nền kinh tế xanh, nhấn mạnh việc thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện châu Âu là nền tảng cho nỗ lực đó.

Vào tháng 5, các nhà sản xuất ô tô Pháp đã ký một thỏa thuận với chính phủ nhằm mục tiêu thúc đẩy doanh số bán xe điện lên tới 800.000 xe mỗi năm vào năm 2027.

Thông báo này được đưa ra trước chuyến thăm châu Âu của Ông Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong chuyến đi ông Tập đã dừng chân tại Pháp, Serbia và Hungary với mục đích tăng cường mối quan hệ của đất nước mình với châu lục này.

Thương mại là trọng tâm lớn trong các cuộc họp của Tập tại Pháp với Tổng thống Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen. Với những căng thẳng chưa được giải quyết, EU sau đó đã ban hành mức tăng thuế quan hai tháng sau khi ông Tập rời đi.

Hoa Kỳ đã có những động thái tương tự để chống lại sức mạnh của ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc. Trong tuyên bố vào tháng 5, phía Hoa Kỳ nói rằng họ sẽ áp dụng mức thuế 100% đối với xe điện Trung Quốc. Và sau Hoa Kỳ là Canada có thể sẽ có hành động tương tự.

Trung Quốc đã phản ứng với việc châu Âu tăng thuế quan bằng cách mở cuộc điều tra riêng về xuất khẩu rượu cognac của Pháp và thịt lợn châu Âu, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại trong tương lai với EU.

Theo VOANews
Bảo Thư