Trung Quốc không thể ngăn Nga dừng cuộc chiến ở Ukraine

Trung Quốc không thể ngăn Nga dừng cuộc chiến ở Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin đến phi trường Yakutsk, vùng Viễn Đông Nga, hôm 18/06/2024. (Ảnh: Sergei Karpukhin/Kremlin Pool qua AP)

“Cuộc chiến ở Ukraine đã diễn ra hơn hai năm. Nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tin rằng cuộc chiến này đe dọa nghiêm trọng đến an ninh hoặc phúc lợi của Trung Quốc, ông đã phản ứng rồi” -  nhà khoa học chính trị Dylan Motin.

“Nga hiện đang phụ thuộc vào Trung Quốc đến mức chỉ cần một cuộc gọi điện thoại từ Chủ tịch Tập Cận Bình là có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng này”, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb phát biểu khi thảo luận về cuộc chiến tranh Ukraine tuần trước.

"Nếu ông ấy (ông Tập) nói 'đã đến lúc bắt đầu đàm phán hòa bình', Nga sẽ buộc phải làm như vậy", ông Stubb nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg. "Họ sẽ không còn lựa chọn nào khác".

Tuyên bố của Tổng thống Phần Lan có thể dẫn đến 2 giả định sau đây. Thứ nhất, Trung Quốc có thể thúc đẩy Nga từ bỏ cuộc xâm lược Ukraine. Thứ hai, họ có thể muốn làm như vậy. Tuy nhiên cả hai giả định đều sai trong thực tế.

Trung Quốc và Nga đã bắt đầu mối quan hệ "không giới hạn" kể từ tháng 2 năm 2022, vài ngày trước khi Nga xâm lược Ukraine. Các nhà lãnh đạo của cả hai quốc gia gần đây tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Kazakhstan đã một lần nữa khẳng định quan hệ đối tác của họ là " đang trải qua giai đoạn tốt nhất trong lịch sử”.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong 13 năm, với hàng hóa Trung Quốc chiếm hơn 30 phần trăm lượng hàng nhập khẩu của Nga. Quan trọng hơn, tổ hợp công nghiệp quân sự Nga nhập khẩu một lượng lớn linh kiện từ Trung Quốc. Thiết bị Trung Quốc có chức năng kép như máy bay không người lái và xe hạng nhẹ được quân đội Nga sử dụng khi chiến đấu ở Ukraine. Do đó, Bắc Kinh có một số đòn bẩy đối với cỗ máy chiến tranh của Nga.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc của Moscow vào sự hỗ trợ của Trung Quốc không nên bị cường điệu hóa. Nga là một cường quốc và là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới, trong khi Ukraine là một quốc gia nhỏ hơn đang thiếu tiền. Việc giảm thương mại với Trung Quốc chắc chắn sẽ gây tổn hại đến triển vọng kinh tế của Nga, nhưng sẽ không giúp ích gì nhiều trong việc điều chỉnh sự mất cân bằng quyền lực giữa Nga và Ukraine.

Sẽ gây tổn thương hơn nếu cấm vận vật liệu và thiết bị sử dụng kép. Nhưng ở đây, lệnh cấm có thể không đủ để ngăn chặn Nga.

Ngành công nghiệp quốc phòng khổng lồ của Nga đã kế thừa từ Liên Xô, vốn không phụ thuộc vào các đối tác bên ngoài. Nga là một quốc gia có gần 150 triệu người với cơ sở công nghiệp rộng lớn và nguồn tài nguyên thiên nhiên gần như vô hạn. Nước này có thể tự cung tự cấp nếu cần. Ví dụ, sản lượng vỏ đạn trong nước của Nga đã vượt quá toàn bộ phương Tây.

Moscow nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc hàng loạt vì chúng rẻ và cho phép người lao động của họ tập trung vào lao động cao cấp hơn, do đó sẽ đẩy nhanh sản xuất và hạn chế chi phí. 

Nhưng nếu Trung Quốc ngừng mọi hoạt động xuất khẩu hàng hoá có khả năng sử dụng kép sang Nga (đặc biệt là phụ tùng xe cộ), ngành công nghiệp Nga có thể thay thế hầu hết chúng bằng hàng hoá sản xuất trong nước theo thời gian. Điều này chắc chắn sẽ tốn kém nhưng không đủ để phá vỡ bộ máy quân sự của họ.

Trong mọi trường hợp, Trung Quốc không phải là bên hỗ trợ duy nhất của Nga. Điện Kremlin có thể trông cậy vào Bắc Triều Tiên, Iran và thậm chí cả hàng hóa được nhập khẩu kín đáo thông qua bên thứ ba từ phương Tây.

Tuy nhiên, việc tranh luận về khả năng gây ảnh hưởng tiềm tàng của Trung Quốc đối với Nga là vô ích vì Trung Quốc không quan tâm đến việc làm suy yếu Nga. Cuộc chiến ở Ukraine đã diễn ra trong hơn hai năm. Nếu ông Tập tin rằng cuộc xâm lược của Nga đe dọa nghiêm trọng đến an ninh hoặc phúc lợi của Trung Quốc, ông đã phản ứng rồi. Không có lý do gì để mong đợi Bắc Kinh đột nhiên thay đổi thái độ vào giai đoạn cuối của cuộc xung đột này.

Trung Quốc vẫn khẳng định mình là bên trung lập trong cuộc xung đột ở Ukraine và cam kết thúc đẩy đàm phán vì hòa bình. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy vào tháng trước cho biết rằng ông Tập Cận Bình, trong cuộc điện đàm đã nói rằng ông sẽ không bán vũ khí cho Nga.

Nhưng Bắc Kinh vẫn là bên có lợi ích nếu Moscow giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Ukraine.

Đầu tiên, Nga là cường quốc duy nhất trên thế giới có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Một nước Nga bị đánh bại và suy yếu sẽ khiến Bắc Kinh đơn độc trong cuộc cạnh tranh với Hoa Kỳ và mạng lưới liên minh hùng mạnh của nước này.

Ngược lại, một nước Nga hùng mạnh sẽ giúp cân bằng Washington. Nếu ông Tập cũng quyết định sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan hoặc các xung đột biên giới khác, ông sẽ rất vui khi nhận được sự ủng hộ từ một Vladimir Putin mạnh mẽ.

Thứ hai, vị thế địa chính trị của Nga giúp Trung Quốc phân tán sự chú ý từ Hoa Kỳ và thế giới. Nó buộc Washington phải chú ý đến các vấn đề châu Âu và đầu tư tiền bạc và nguồn lực để hỗ trợ Ukraine. Nước Nga càng đe dọa Ukraine, thì Hoa Kỳ càng có ít thời gian để quan tâm kiềm chế Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hơn nữa, Điện Kremlin có thể gây rắc rối ở châu Âu trong khi Trung Quốc tiến hành các hoạt động bất ngờ ở Đài Loan, điều này càng làm phân tán sự chú ý của Hoa Kỳ nhiều hơn

Trong trường hợp Nga bị đánh bại ở Ukraine, Điện Kremlin sẽ phải ưu tiên củng cố trong nước và thiếu phương tiện để gây sức ép hau trở thành đối trọng với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Một kịch bản như vậy sẽ cho phép Hoa Kỳ tập trung toàn bộ năng lượng của mình vào Trung Quốc, điều này sẽ ngăn cản nghiêm trọng các tham vọng của họ.

Tuy nhiên, mọi sự tính toán của Bắc Kinh dến giờ phút này dường như đang có hiệu quả. Kể từ khi cuộc phản công mùa hè của Ukraine thất bại vào năm 2023, quân đội Nga đã phục hồi từ tình trạng tồi tệ nhất và hiện đang chiếm ưu thế. Trừ khi có sự đảo ngược cán cân lực lượng một cách khó lường và kịch tính, thì có vẻ như họ đang ở vị thế tốt để đánh bại Ukraine.

Giờ đây, quân đội Nga đã được tôi luyện và lớn mạnh hơn trước năm 2022, và sẽ tạo ra mối đe dọa lâu dài đối với sườn phía đông của NATO. Điều này buộc các nhà hoạch định của Mỹ - những người đã quá căng thẳng giữa việc bảo vệ Đông Á, Đông Âu và Trung Đông - phải lựa chọn đánh đổi.

Dù vậy Tiến sĩ khoa học chính trị Dylan Motin, vẫn cảnh báo rằng Hoa Kỳ không nên rơi vào cái bẫy ưu tiên châu Âu hơn châu Á. Nga chắc chắn là mối đe dọa đáng gờm, nhưng Trung Quốc là sự thách thức về tốc độ.

(Dylan Motin có bằng Tiến sĩ khoa học chính trị. Ông hiện là Nghiên cứu viên Kelly không thường trú tại viện nghiên cứu Pacific Forum và là tác giả của Bandwagoning in International Relations: China, Russia, and Their Neighbors).

Theo Channelnewsasia
Bảo Thư biên dịch

Đọc tiếp