Trung Quốc kỳ vọng người cao tuổi có thể vực dậy nền kinh tế

Trung Quốc kỳ vọng người cao tuổi có thể vực dậy nền kinh tế
Trung Quốc kỳ vọng người cao tuổi có thể vực dậy nền kinh tế. (Ảnh: Pixabay)

Chính phủ Trung Quốc và các công ty tư nhân đang khai thác một nguồn tài nguyên không ngờ tới trong nỗ lực khởi động nền kinh tế trì trệ: người cao tuổi.

Trung Quốc là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, với nhóm tuổi trên 60 dự kiến ​​chiếm khoảng 30% tổng dân số vào năm 2035. Việc khuyến khích nhóm dân số này “mở hầu bao” có thể giúp thúc đẩy tiêu dùng.

Tháng trước, Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc đã ban hành một hướng dẫn đào tạo lao động lành nghề trong "nền kinh tế bạc". 

Động thái này diễn ra sau khi Hội đồng Nhà nước tuyên bố vào tháng 1 sẽ huy động nguồn lực công và cả tư nhân để giải quyết những thách thức của dân số già, bao gồm cải thiện dịch vụ thực phẩm và chăm sóc sức khỏe và đẩy nhanh quá trình phát triển các cơ sở chăm sóc người cao tuổi.

Dân số Trung Quốc bắt đầu giảm vào năm 2022 và Liên Hợp Quốc dự đoán dân số sẽ giảm xuống còn 1,3 tỷ vào năm 2050 và tiếp tục giảm xuống dưới 800 triệu vào năm 2100. Các chuyên gia ước tính nền kinh tế bạc sẽ có giá trị từ 19 nghìn tỷ đến 30 nghìn tỷ nhân dân tệ (2,6 nghìn tỷ đến 4,1 nghìn tỷ đô la) và chiếm 10% GDP của Trung Quốc vào năm 2035.

QuantaSing Group, công ty cung cấp các khóa học trực tuyến về kiến ​​thức tài chính cho người lớn, là một trong những công ty hưởng ứng lời kêu gọi hành động của chính phủ. Công ty này niêm yết trên sàn Nasdaq (giá cổ phiếu đã giảm gần 90% kể từ khi niêm yết vào tháng 1 năm ngoái) và đang chuyển hướng hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình để "tập trung toàn lực" vào nền kinh tế bạc.

Đại diện công ty này nói với báo giới rằng, mặc dù công ty có 121 triệu người dùng đã đăng ký và một vài triệu khách hàng trả phí, nhưng tỷ lệ mua lại không cao và công ty phải tìm động lực tăng trưởng mới. Và công ty đã mở rộng các dịch vụ trực tuyến của mình sang các khóa học dành cho người dùng lớn tuổi, bao gồm các chủ đề từ chế độ sức khỏe đến chỉnh sửa và tải video, vì các nền tảng video ngắn ngày càng trở nên phổ biến trong nhóm tuổi này. Công ty trên cho biết họ cũng đã bắt đầu tổ chức các tour du lịch trong nước cho người cao tuổi.

Họ nói rằng mục tiêu cuối cùng của sự thay đổi chiến lược là bán hàng cho người cao tuổi thông qua các nền tảng phát trực tiếp, và họ sẽ dần chuyển đổi từ một công ty công nghệ giáo dục thành một nhà cung cấp dịch vụ tiêu dùng.

Tuy nhiên, những nỗ lực phục vụ khách hàng lớn tuổi ở Trung Quốc không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ.

Theo chỉ thị của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin năm 2020, hầu hết các công ty Trung Quốc đã giới thiệu các phiên bản ứng dụng dành riêng cho người cao tuổi với kích thước phông chữ lớn hơn, biểu tượng lớn hơn và các tính năng ít phức tạp hơn. Tuy nhiên, đã có khiếu nại rằng một số phiên bản dành riêng cho người cao tuổi này nhúng nhiều quảng cáo hơn hoặc thậm chí tiếp thị các sản phẩm tài chính theo cách “săn mồi”.

Nhưng có một lý do khiến các công ty tư nhân và chính phủ đang tìm kiếm một giải pháp “thần kỳ”. Mức tiêu thụ yếu kém kinh niên trong thế hệ trẻ đang kéo đất nước đến bờ vực giảm phát. Tệ hơn nữa, sự suy thoái kinh tế và triển vọng việc làm ảm đạm đang khiến một số người trẻ Trung Quốc áp dụng cách tiếp cận tối giản đối với cuộc sống, bằng cách làm việc và tiêu dùng ít hơn.

Một báo cáo hồi tháng 3 của Viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế Trung Quốc cho biết nhóm dân số trên 60 tuổi sẽ trở thành nhóm mục tiêu quan trọng của ngành thương mại điện tử, vì tính đến cuối tháng 6, gần một phần ba số người dùng internet đã trên 50 tuổi.

Báo cáo cho biết: "Ngày càng có nhiều người cao tuổi, đặc biệt là những người sống ở khu vực thành thị, ngày càng ưu tiên chất lượng cuộc sống và duy trì sức khỏe tốt", "Họ có mong muốn và khả năng theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp hơn". Và nhu cầu của người cao tuổi ở các thành phố sẽ đa dạng và phong phú hơn so với những người ở các khu vực khác.

Theo số liệu chính thức, vào năm 2020, có khoảng 47% người trên 60 tuổi sống ở nông thôn và chỉ có 10% người trong số họ dựa vào lương hưu làm nguồn sinh kế chính. Phần lớn họ vẫn tự lao động hoặc nhận sự hỗ trợ từ các thành viên gia đình.

Thái Phương ( Cai Fang), chuyên gia trưởng tại National Think Tank và là chuyên gia tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết tỷ lệ dân số cao tuổi ở Trung Quốc vượt xa tỷ lệ tiêu dùng của họ, vì họ không còn thu nhập từ công việc. "Với cuộc chiến an sinh xã hội không đồng đều và không đầy đủ, khả năng và mong muốn tiêu dùng của họ đang giảm sút".

Nhưng một số chuyên gia khác lại cho rằng mặc dù một bộ phận đáng kể người cao tuổi ở nước này có thu nhập thấp, nhưng cũng có những người đã tích lũy được khối tài sản đáng kể trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao của Trung Quốc, và họ sẵn sàng trả tiền cho các dịch vụ, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Đặng Tuấn Vũ (Dang Junwu), Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu về người cao tuổi Trung Quốc, phát biểu tại một phiên họp của Diễn đàn kinh tế vĩ mô Trung Quốc vào cuối tháng 4 rằng mặc dù đã đầu tư rất nhiều thời gian và công sức vào việc phát triển các sản phẩm dành cho người cao tuổi trong thập kỷ qua, vẫn chưa có sản phẩm đột phá nào đạt được doanh số đáng kể tại Trung Quốc và số lượng các tổ chức dịch vụ dành cho người cao tuổi có uy tín còn rất hạn chế.

"Hiện nay, cơ cấu cung ứng của Trung Quốc chủ yếu phục vụ cho nhóm dân số trẻ. Việc thực hiện những điều chỉnh cần thiết để đáp ứng nhu cầu của một xã hội già hóa phải trả giá rất đắt và vô cùng khó khăn", ông cho biết.

Trung Quốc hiện đã phát triển hơn 2.000 loại sản phẩm dành cho người cao tuổi, trong khi thị trường toàn cầu lại cung cấp hơn 60.000 loại cho nhóm khách hàng này, riêng Đức chiếm hơn 20.000 loại.

Theo Nikkei Asia
Bảo Thư biên dịch