Tử Cống xin nghỉ, Khổng Tử nói: "Chỉ có đến nơi đó mới được nghỉ ngơi"
Học trò Tử Cống dạo gần đây học hành quá mệt mỏi, chạy đến tìm Khổng Tử than thở: "Thưa thầy, con mệt quá, muốn nghỉ ngơi một chút, được không ạ?"
Khổng Tử đáp: "Đời người trên thế gian này, làm gì có nghỉ ngơi thực sự?"
Tử Cống nghe vậy, chán nản: "Ý thầy là, con đến chết cũng không được nghỉ ngơi sao?"
Khổng Tử chỉ ra ngoài cửa sổ: "Con nhìn những ngôi mộ kia xem, cao có, thấp có, giống như cái nồi úp, khi chúng ta vào trong mảnh đất ấy, mới có thể được nghỉ ngơi thực sự."
Tử Cống bỗng nhiên hiểu ra: "Cái chết thật vĩ đại! Người quân tử được an nghỉ, kẻ tiểu nhân cũng được yên giấc ngàn thu."
Khổng Tử gật đầu, nói với giọng trầm tư:
"Tử Cống à, cuối cùng con cũng đã hiểu! Người đời chỉ biết đến niềm vui của sự sống, mà không biết đến nỗi khổ của nó; chỉ biết đến sự mệt mỏi của tuổi già, mà không biết đến sự an nhàn của nó; chỉ biết đến nỗi sợ hãi của cái chết, mà không biết đến sự yên bình của nó!"
Yến Tử đã từng nói: 'Thật tốt thay, từ xưa đã có cái chết! Người nhân từ lúc đó được nghỉ ngơi, kẻ bất nhân lúc đó bị chôn vùi.' Cái chết là điều mà đức hạnh hướng tới.
Người xưa gọi người đã khuất là 'người trở về', vậy thì người còn sống, chính là 'người đang đi'.
"Luôn luôn đi ra ngoài mà không biết trở về nhà, đó là người bỏ rơi gia đình. Một người bỏ rơi gia đình, mọi người trên đời đều phản đối anh ta; nhưng cả thiên hạ đều bỏ rơi gia đình, vậy mà không ai biết phản đối.
Có người rời quê hương, bỏ rơi người thân, hoang phí gia sản, lang thang khắp nơi mà không biết trở về nhà, đó là loại người gì? Người đời nhất định sẽ nói anh ta là kẻ phóng đãng và điên cuồng.
Nhưng có những người theo đuổi danh tiếng, khoe khoang tài trí, tự cho mình là thông minh tài giỏi, đi khắp nơi ba hoa khoác lác mà không biết dừng lại, lại không biết mình cũng đang lạc lối.
Hai loại người này đều sai lầm, mà người đời lại khen ngợi người này, phản đối người kia. Chỉ có bậc thánh nhân mới biết cái gì nên khen, cái gì nên chê.
Sau khi đọc xong những lời cao siêu của Khổng Tử, không khỏi cảm khái, văn hóa truyền thống Trung Hoa tin vào luân hồi của sự sống, không cho rằng cái chết là đáng sợ, mà cho rằng cái chết là một quá trình của sự sống, là điểm kết thúc của sự sống cũ, cũng là điểm khởi đầu của sự sống mới; cũng là sự trở về với gia đình, con người từ trời đến, trở về với trời, đó là một nền văn hóa tuyệt vời biết bao!
Theo Soundofhope
Minh Nguyệt