Tu dưỡng đạo đức, không đợi đến lúc già

Ở nước Tống có một người nông dân. Trong ruộng có một gốc cây, thỏ chạy va vào gốc cây, gãy cổ chết. Người nông dân liền bỏ cái cày mà ngồi canh gốc cây, mong lại bắt được thỏ. Thỏ không thể bắt được nữa, mà anh ta lại bị người nước Tống chê cười. Nay muốn dùng chính trị của các tiên vương để cai trị dân chúng đời nay, đều là hạng người 'canh cây đợi thỏ' cả.
Trong nguyên tác, câu chuyện 'Chờ thỏ bên gốc cây' xuất hiện ở phần mở đầu của tác phẩm Hàn Phi Tử - Năm loại sâu mọt, được dùng để minh họa cho việc thời đại đã thay đổi, cách thức trị vì thiên hạ của các vị tiên vương như Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Võ đã không còn phù hợp nữa.
Tuy nhiên, liệu có thực sự như vậy không? Hàn Phi đã lấy ví dụ về việc Đại Vũ trị thủy, Võ Vương phạt Trụ để chứng minh rằng ngày nay không cần phải bận tâm đến những việc như trị thủy hay thảo phạt bạo chính nữa, do đó cần phải thay đổi cách thức trị vì thiên hạ.
Thế nhưng, vương đạo trị thiên hạ của các vị tiên vương không nằm ở những biểu hiện bề ngoài về hoàn cảnh và sự kiện, mà cốt lõi của nó là đức trị, căn bản không bị ràng buộc bởi sự khác biệt về thời đại hay hoàn cảnh. Câu chuyện 'Chờ thỏ bên gốc cây' tuy có ý nghĩa giáo dục, nhưng không phải ở điểm này.
Người nông dân trồng trọt, chỉ cần siêng năng cày cấy, ngũ cốc tự nhiên sinh trưởng, chín muồi, người cày cấy tự nhiên có thu hoạch để sinh sống. Mọi thứ đều diễn ra thuận theo tự nhiên, người nông dân chỉ cần giữ vững bổn phận cày ruộng của mình, ắt sẽ đợi được sự ban tặng của tự nhiên. Thế mà người nông dân trong câu chuyện lại bỏ ruộng không cày, ngược lại vì tham lam mà đi canh giữ một gốc cây viển vông, rồi mong chờ, đợi chờ thu hoạch. Chẳng phải là chuyện hoang đường sao?
Cuộc sống ở đời, chúng ta cụ thể nên giữ gìn điều gì? Thực ra chính là bản tính con người, "nhân chi sơ, tính bản thiện", giữ thiện chính là giữ đức, giữ đức ắt sẽ có phúc. Con người sở dĩ là con người, là bởi vì con người có nhân tính, điều này phù hợp với quy luật tự nhiên, do đó con người giữ gìn bản tính, sinh mệnh sẽ được tiếp nối và nâng cao trong vòng tuần hoàn của tự nhiên.
Mọi sự vật trên đời đều có hai mặt, con người cũng không ngoại lệ. Trong mỗi sinh mệnh đều tồn tại bản tính thiện, đồng thời cũng có những vọng niệm hình thành sau này che lấp đi bản tính ấy. Khi con người nuôi dưỡng, chiều theo vọng niệm, họ sẽ đánh mất bản tính, lạc lối, dễ dàng đánh mất đức hạnh và phúc lành. Bản tính con người thể hiện cái chân ngã bên trong, còn vọng niệm hậu thiên lại che lấp cái chân ngã ấy.
Đó cũng là lý do vì sao Hàn Phi Tử, người đại diện cho trường phái Pháp gia với tư tưởng "nhân tính bản ác", lại coi trọng việc sử dụng hình thức và bề ngoài của sự vật, mà bỏ qua cái gốc đạo đức trị thiên hạ của bậc đế vương. Vị vua chân chính được trời ban mệnh sẽ dẫn dắt con người hướng thiện. Khi lòng người trong sạch, tự nhiên sẽ lĩnh ngộ được chân lý của cái thiện. Khi đó, vừa tích lũy được phúc đức, vừa có được cuộc sống an nhiên tự tại, đó mới chính là phúc mà mỗi người mong cầu.
Câu chuyện về người nông dân bỏ ruộng không cày cấy, giữ của bất nghĩa cuối cùng cũng trắng tay, kỳ thực cũng là sự vận hành của quy luật tự nhiên, của thiên đạo; nhìn từ một góc độ khác, cũng là bảo vệ thiện căn của con người. Giữ thiện, giữ đức chính là giữ bản tính, lương tâm của con người, đó là thứ quý giá nhất mà mỗi người đều có, sinh ra mang theo, chết cũng mang theo.
Vậy thì đợi cái gì? Không cầu mà tự được, bạn cứ làm thì tự nhiên sẽ có được, nghĩ nhiều chính là vọng tưởng, cho nên không cần đợi điều gì cả. Người nông dân trong câu chuyện cũng bởi vì sinh ra lòng tham, có vọng tưởng mới đánh mất bản tính cần cù lao động của mình, kết quả là lợi bất cập hại. Do đó, có lẽ muốn giữ được bản tính, trước tiên phải buông bỏ tâm cầu lợi của mình, buông bỏ lòng tham.
Theo The Epoch Times
Minh Nguyệt